Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Whitney Houston và màn trình diễn All the man that I need tại Welcome Home Heroes năm 1991

All the man that I need là một trong những hit lớn, đồng thời cũng là bài tủ của Whitney Houston, được cô yêu thích và trình diễn trong mọi show diễn của mình suốt thập niên 90. Vì đã nắm quá rõ mọi "ngõ ngách" của ca khúc này, nên hầu như màn trình diễn nào của Whitney cũng sáng tạo thành công, đem lại những khoái cảm tri giác lớn cho khán giả. Dù mỗi màn trình diễn đều mang đến một sắc thái khác nhau, và màn trình diễn nào cũng xuất sắc, nhưng đa số khán giả vẫn cảm thấy ấn tượng nhất với màn trình diễn tại Welcome Home Heroes năm 1991, khi Whitney xuất hiện trong bộ đầm đỏ và chinh phục công chúng bằng cơn bão cảm xúc của cô.

https://www.youtube.com/watch?v=xmIp8j2cjDQ

Năm 1991 là giai đoạn giọng Whitney khá chín muồi, trong thời kì chuyển từ spinto soprano sang spinto mezzo, nên vẫn giữ được nét ngọt ngào của những năm 80s, chưa bị kịch tính và đanh rền quá nhiều như năm 1994, những vẫn vô cùng khỏe khoắn, uy lực. Màn trình diễn ca khúc này được thực hiện sau khi Whitney đã hát và nhảy hết sức mình ở hai khúc So emotional với I wanna dance with somebody trước đó, nên nhiều chỗ cô bị mệt và hơi đuối sức, nhưng điều gì khiến nó đặc biệt hơn những màn trình diễn khác, để cuốn hút khán giả đến vậy? Đó là sự kết hợp đỉnh cao giữa kĩ thuật và sự thăng hoa cảm xúc.
Whitney mở màn ca khúc bằng một làn head voice Eb5 khá dày, operatic và ngọt lịm, vô cùng cảm xúc, như kéo người nghe vào một giấc mơ tình vậy. Về việc truyền đạt cảm xúc bằng head voice, rất hiếm ca sĩ đại chúng ca sĩ đại chúng nào qua mặt được Whitney, cách kết nối giữa cảm xúc và head voice như vậy là một điều bí ẩn trong tư duy nghệ thuật của cô, người ta chỉ có thể cảm nhận chứ khó mà lí giải được. Điểm đặc biệt ở Whitney là head voice cô sử dụng không quá cao, thường chỉ dừng lại ở quãng 5. Cũng như trong màn trình diễn này, cô chỉ lên head voice cao nhất là A5. Nhưng dù không quá cao, thì cũng khó có giọng nữ nhạc đại chúng nào sở hữu được những quãng head voice như Whitney, vì nó luôn có độ efforless, tính operatic rất cao, đặc biệt là lúc nào cũng căng tràn, tròn trịa mà lại ngọt ngào, nằm trên âm sắc giọng đẹp tự nhiên hiếm thấy. Chính cái âm sắc giọng quá đẹp và đặc biệt khiến những quãng head voice của Whitney trở thành đặc quyền của riêng cô, mà nếu một giọng ca da trắng cover thì sẽ không đặt đủ độ căng, dày, còn giọng ca da màu thì lại thường đanh, chua, sắc quá mức cần thiết. Ở 1:04 của clip, Whitney chuyển từ giọng ngực sang head voice rất mượt mà, cú head voice C5 được hát một cách đầy đặn, tinh tế, ngọt ngào. Tiếp tục, ở 2:20 và 3:35, những cú head voice Eb5 tiếp tục được đẩy ra với sự kiểm soát âm lượng bậc thầy, chuẩn và rất đều nhau. Thậm chí đến 3:53, head voice được đẩy lên A5 đầy căng tràn nội lực, nhưng âm lượng vẫn đều tăm tắp với những làn head voice trước đó. Về sự kiểm soát âm lượng bậc thầy của Whitney, chúng ta thấy, dù hát chest hay head, mạnh hay nhẹ, cô vẫn giữ ở mức âm lượng gần tương đương nhau, không có chuyện đột nhiên đẩy lên quá to hay xuống quá bé. Đó chính là lí do vì sao Whitney thường để sát mic ở mồm và chẳng cần phải kéo mic ra xa mỗi khi lên giọng như nhiều ca sĩ khác. Và cũng cần nói thêm, chiếc micro Whitney sử dụng trong màn trình diễn này được khuyếch đại âm lượng không nhiều, hiệu ứng vang giả khá ít, ca sĩ phải rất cố gắng mới không bị chìm giữa dàn nhạc (mà thực tế là đôi lúc giọng Whitney bị chìm vào dàn nhạc do micro quá bé).
Ở những đoạn hát thủ thỉ, nhẹ nhàng, Whitney chuyển giọng liên tục từ mix sang falsetto rất đậm đà, nhẹ nhàng mà không hề cường điệu hóa. Các chữ night (G#4), that (G#4), right (G#4), eyes (G#4), slow (F4 melisma lên Eb4) dù khá thấp với giọng nữ nhưng được hát trên falsetto rất đều nhau, mềm mại, có độ sáng mà vẫn ngọt ngào, truyền tải cảm xúc rất tốt. Không chỉ chuyển từ chest sang head, Whitney cũng khá thành thục trong việc chuyển giọng từ fal sang chest, fal sang head.... Chẳng hạn, ở 1:23, cô chuyển từ falsetto sang chest G#3, hay ở 0:15 là từ falsetto xuống F3 - G#3 khá ổn (phải thừa nhận là quãng trầm của Whitney không tốt như Mariah Carey nên việc chuyển từ falsetto xuống trầm không được efforless bằng, nhưng vẫn có sự hòa trộn tốt với cảm xúc). Kĩ năng chuyển giọng này có lẽ là một trong những đóng góp lớn nhất mà Whitney và Mariah Carey đã đưa vào âm nhạc đại chúng, phổ biến cho nhiều ca sĩ sau này, nhưng chẳng mấy ai hoàn thành tốt như họ. 
Trong màn trình diễn này, Whitney chỉ belt cao nhất tới F5, và chủ yếu hát trong khoảng Bb4 - C5 - D5, nhưng đây mới là quãng belt sở trường để cô tung hết nội lực vô song của mình. Các chữ up (C5), love (Bb4), more (Bb4), got (C5), love (C5), world (D5) được tung ra với nội lực lớn, độ mở cực đại, vang rền trên mọi âm từ đóng đến mở, như bắn vào không gian những tảng núi đá vậy. Hát được B4, C5 với giọng nữ là không khó, nhưng để tạo được hiệu ứng tuyệt vời như vậy thì chưa ai qua được Whitney. Giống như một giáo viên thanh nhạc da màu đã từng nói, cô có thể belt lên G5, A5 một cách thoải mái, nhưng lại không thể belt C5 tốt như Whitney.

Đoạn 2:26, Whitney nhấn liên tiếp chữ "I need" D4 nhiều lần với kĩ thuật đóng âm, đổ xuống G#3 để hòa vào tiếng Saxophone. Việc đóng âm ở đây là vô cùng hợp lí, lại kết hợp với việc dồn lực, nhấn mạnh nhưng lại run rẩy từng chữ tạo hiệu ứng rất đặc biệt, giống như Whitney đang dồn nén mọi cảm xúc lại, thu vào tất cả yêu thương, đau đớn trong tình yêu để bùng cháy dữ dội ở đoạn sau đó, những cung bậc cảm xúc cao trào được bung ra một cách kịch tính mà hết sức chân thật. Đây là minh chứng rõ nhất về tài năng "tạo bão cảm xúc" của Whitney trên sân khấu.
Đoạn 2:55, Whitney belt lên tận F5 ở âm đóng /i/ một cách chuẩn xác, uy lực, gọn gàng, đẹp, mà âm lượng vẫn không đổi, đủ để chứng minh rằng cô vẫn có thể lên cao một cách kĩ thuật, với sự kiểm soát âm lượng chắc chắn, không hề bị giới hạn trong những quãng trung. Kĩ thuật đóng âm liên tiếp được sử dụng ở 3:20 (B4 - C#5), 3:24 (E5) một cách chuẩn xác và đầy cao trào, kịch tính, đẩy mạnh lên những cơn bão cảm xúc căng tràn. Để ý đoạn 3:24, Whitney hát ở âm /a/ - nguyên âm có độ mở lớn nhất, vô cùng khó đóng âm (khác với các nguyên âm đóng như /i/, /e/), vậy mà vẫn đóng âm được một cách chuẩn mực trên E5 rất tài tình, rất hiếm nữ ca sĩ nào làm được điều này. Chỉ trong một câu hát, ba âm đóng vốn rất khó hát lại được Whitney hát một cách thoải mái mà vẫn mạnh mẽ. Các âm đóng phát ra rất dày, sâu, thậm chí có phần vượt trội hơn cả những âm mở vốn dễ thực hiện hơn. Đây quả là một sự đặc biệt mà chỉ Whitney mới làm được. Đoạn belt A4 ở 3:50 đã trở thành một trong những cú belting đẹp nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Whitney. Hãy nhìn sự điên cuồng của khán giả bên dưới, bạn sẽ thấy được cơn bão cảm xúc mà Whitney tạo ra trong cú belt này lớn thế nào. Đoạn cuối, cô vừa hát vừa giao lưu với khán giả, nhưng vẫn hát khá chính xác, chuyển giọng từng chest sang head, rồi sang falsetto rất mượt mà. Và cuối cùng, ở 6:26, Whitney phiêu một chuỗi melisma trên head voice A5 rất đẹp, và ngay sau đó là một chuỗi melisma bằng giọng ngực được tung ra (rất giống với chuỗi melisma mà Mariah Carey thực hiện trong màn live Emotions tại MTV Unplugged năm 1992). Cần nói rõ rằng, Whitney ít khi thực hiện melisma ở các bản thu studio, nên nhiều người lầm tưởng cô ít có đóng góp cho kĩ thuật đại chúng này, nhưng ở hầu khắp các màn hát live, cô đều dùng melisma một cách điêu luyện, ngẫu hứng, đầy cảm xúc. Và chuỗi melisma trong màn live này đủ chứng minh đóng góp lớn của cô với dòng R&B những năm 90s.

Nên nhớ rằng, những điều nói trên được Whitney thực hiện chỉ riêng trong màn trình diễn này, không hề có ở bản thu studio hay ở những màn trình diễn khác, đủ để thấy được sự sáng tạo và tư duy âm nhạc vượt trội của cô - một bậc thầy trình diễn trên sân khấu. Rõ ràng, ca hát với Whitney không phải sự khoe giọng, trưng trổ kĩ thuật một cách nhạt nhẽo, sáo rỗng, mà là sự thăng hoa của kĩ thuật, giọng hát và cảm xúc, sự sáng tạo tài tình, cộng với khả năng cảm nhạc vô cùng tốt, để có thể sống với từng note nhạc. Giống như nữ hoàng Maria Callas, Whitney luôn tạo ra được những cơn bão cảm xúc trong từng note nhạc mình hát, chứ không phải chỉ là việc xướng âm các note nhạc trên sàn diễn.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 10 tháng 10 năm 2014


3 nhận xét:

  1. Chào bạn, mình tên là Khôi, một người cũng rất thích nghe nhạc quốc tế. Mình thấy những bài viết bình luận cũng như bút ký của bạn về âm nhạc rất là hay, đầy tính chuyên môn. Hầu hết bạn viết rất nhiều bài riêng về whitney houston - một giọng ca mà mình cũng rất mê. Không biết bạn có thể viết giúp mình một số bài riêng biệt về một số ca sĩ khác được ko? Như Mariah Carey, Bruno Mars, Beyonce, Christina Aguilera, Celine Dion. Đặc biệt là những giọng ca trẻ con Declan Galbraith hay Billy Gilaman?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã quan tâm theo dõi! Mình có viết về Mariah Carey và Celine Dion đó chứ. Những ca sĩ khác mình sẽ tìm hiểu dần bạn nhé!

      Xóa
    2. Uk, cám ơn bạn nhìu nhé!
      Mình sẽ chờ đợi bài viết mới của bạn! ^^
      P/S: Trong mấy cái tên ca sĩ mình nêu ở trên có một tên do mình gõ nhanh quá nên gõ sai: "Billy Gilman" chứ ko phải "Billy Gilaman", bạn nhé! Em này hồi ẻm còn nhỏ mình thích nghe ẻm hát lém! :))

      Xóa