Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Strange fruit - Khúc ca mang đậm màu da

"Tôi không thể cầm lòng mỗi khi nghe bản nhạc này. Đó là nhân dân của tôi, là máu, là thịt, là ông cha chúng tôi. Ai sẽ trả giá cho điều này? Tin tôi đi! Họ sẽ phải trả giá cho nghiệp chướng họ gây ra. Người da trắng muốn chúng tôi quên ư? Không bao giờ!"

Đó là lời tuyên bố của một người da màu vô danh mà tôi vô tình đọc được khi nghe ca khúc Strange fruit. Trong bất cứ thời đại nào, tiếng nói của một người vô danh luôn là tiếng nói đại diện lớn nhất cho quần chúng. Vì anh ta chẳng là ai cả, anh ta chính là nhân dân. 
Tôi không phải người da màu, nhưng tâm hồn của một con người đủ để tôi cảm nhận được các cung bậc cảm xúc, suy tư và thấu hiểu, đồng cảm với những mất mát, đớn đau của họ ẩn giấu trong ca khúc này. Những nỗi đau trong sự kì thị, đàn áp, phân biệt đối xử tưởng như đã nguôi ngoai, nhưng kì thực vẫn đang cháy âm ỉ trong lòng mỗi người da màu như vết thương không bao giờ lành, để rồi tóe máu theo từng cơn chấn động, mà điển hình là các vụ cảnh sát Mỹ bắn chết thanh niên da màu gần đây. Trong thời gian này, tôi muốn giới thiệu một lần nữa Strange fruit - ca khúc được bồi đắp nên từ máu thịt của người da màu với thế hệ ngày nay, để các bạn nhớ về lịch sử, rằng đã đã từng có thời đại như thế, có những nỗi đau không bao giờ quên.

Để hiểu và cảm nhận một ca khúc nhạc jazz cách đây gần một thế kỉ không phải điều dễ dàng, nhưng tôi tin những giai điệu và ca từ ám ảnh của ca khúc sẽ dễ dàng chảy vào tâm hồn bạn nếu bạn chịu gạt đi sự hời hợt để đón nhận nó.
Strange fruit (Trái lạ) là một ca khúc kinh điển của nền âm nhạc Mỹ với nội dung phản đối nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là nạn treo cổ người nô lệ da màu tại các bang miền Nam nước Mỹ trong những năm thập niên 20, 30. Ban đầu, nó là một bài thơ được viết bởi nhà văn, nhà giáo Abel Meeropol (bút danh Lewis Allan), được lấy cảm hứng từ những xúc động dữ dội của ông khi chứng kiến bức ảnh của Lawrence Beitler chụp lại cảnh treo cổ hai người đàn ông da màu Thomas Shipp và Abram Smith tại Marion, Indiana vào năm 1930. Sau khi xuất bản vào năm 1937 trên một tạp chí công đoàn dưới tên "Bitter fruit" (Trái đắng) và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, nó đã tiếp tục được Abel phổ nhạc và được trình diễn đầu tiên bởi nữ ca sĩ da màu Laura Duncan (cũng là vợ của tác giả) tại Madison Square Garden.
Nhưng ca khúc chỉ thực sự gây chấn động nước Mỹ khi được huyền thoại nhạc Jazz Billie Holiday thể hiện lại. Billie nói rằng, ban đầu bà không dám hát ca khúc này vì sợ sẽ bị trả thù, nhưng nó làm bà nhớ đến hình ảnh cha mình, nên bà đã thể hiện lại nhiều lần trong các buổi diễn trực tiếp của mình. Bởi vì tính ám ảnh quá lớn của Strange fruit nên Barney Josephson (người sáng lập nên Cafe Society tại Greenwich Village, New York và cũng là người đã giới thiệu ca khúc cho Billie) đã tạo nên bối cảnh đặc biệt là ngừng mọi phục vụ, đóng tất cả các cửa, tắt toàn bộ đèn, chỉ chiếu sáng duy nhất khuôn mặt Billie khi cô hát ca khúc này. Còn Billie sẽ vừa hát vừa nhắm mắt như đang nguyện cầu. 
Tầm ảnh hưởng của ca khúc lớn tới mức, Samuel Grafton của tờ The New York Post đã phải thốt lên rằng: "Nếu sự giận dữ của những người nô lệ ở miền Nam gắn kết đủ lớn với nhau, bài hát sẽ trở thành bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của họ". Tạp chí Time gọi nó là bài hát của thế kỉ, còn New Statesman xếp nó vào danh sách 20 ca khúc chính trị hay nhất. Năm 1978, ca khúc được vinh danh tại Grammy Hall of Fame. Nó cũng được Hiệp hội Ghi âm Mỹ và Quỹ Nghệ thuật quốc gia Mỹ xếp vào danh sách những ca khúc của thế kỉ XX. Không những vậy, nó còn trở thành nguồn cảm hứng lớn với các nhà văn, tiểu thuyết gia, các ca sĩ, nghệ sĩ, thậm chí cả với nhạc opera.

Southern trees bear strange fruit,
Blood on the leaves and blood at the root,
Black bodies swinging in the southern breeze,
Strange fruit hanging from the poplar trees.

Pastoral scene of the gallant south,
The bulging eyes and the twisted mouth,
Scent of magnolias, sweet and fresh,
Then the sudden smell of burning flesh.

Here is fruit for the crows to pluck,
For the rain to gather, for the wind to suck,
For the sun to rot, for the trees to drop,
Here is a strange and bitter crop.

Dịch:

Cây phương Nam mang nặng trái lạ
Máu vướng tóe lá, tưới đỏ gốc cây
Gió phương Nam lay xác người đen
Phất phơ trái lạ trên cây nhân loại

Người tình phương Nam lãng du sương trắng
Mắt trắng dã lồi trên môi đỏ xoắn
Hương ngọc lan rất ngọt và tươi
Tỏa ngát xen cùng mùi thịt cháy

Đây là trái cho quạ nhấm nháp
Cho mưa góp lại, cho gió cuốn tan
Cho trời thối nát, cho cây đổ lệ
Cho bàng hoàng trong mùa cay đắng.

Đức Long dịch
Toàn bộ ca khúc từ ca từ đến giai điệu đều toát lên một không khí tang thương, chết chóc đến ngạt thở. Đó chính là không gian sống của người da màu tại Mỹ những năm đầu thế kỉ XX, khi mà sự kinh dị, man rợ, đáng sợ trở thành một phần gắn với cuộc sống của họ. Cùng là con người như nhau, nhưng họ lại trở thành nô lệ cho người da trắng, bị khinh rẻ, chửi bới, đánh đập, giết chóc, bị đối xử không hơn một con vật. Họ sống ngày hôm nay mà không biết đến ngày mai, sống trong đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần, sống cùng mất mát, sống cận kề cái chết. Hàng ngày họ bước ra đường với sự tủi nhục, kinh hãi khi phải nhìn thấy xác đồng bào mình lủng lẳng trên cây, khi phải ngửi mùi thịt người cháy mà không biết liệu đó có phải anh chị em của mình hay không, và hoang mang không biết mình cùng những người thân thích sẽ sống thêm được bao nhiêu giờ nữa. Đó là một cuộc sống hoảng loạn, bế tắc, không lối thoát, không tương lai. "Trái lạ" là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo và giàu sức gợi, giúp tác giả tạo nên sự đối lập giữa quả ngọt và cay đắng, từ đó phô bầy bản chất ăn thịt người man rợ của những kẻ da trắng độc quyền. Số phận của nhân dân da màu cũng mong manh, lơ lửng như trái trên cây, họ không được phép làm chủ cuộc đời mình mà có thể "rơi rụng" bất cứ lúc nào tùy theo ý muốn của "kẻ hái quá" là những người da trắng. Đây chính là trạng thái "dùng định mệnh nhân tạo để đè lên định mệnh tự nhiên" mà đại văn hào Victor Hugo đã nói cách đó gần cả thế kỉ,. Ở những câu cuối là nỗi phẫn uất, căm hận trào dâng, bật thành những lời nguyền rủa, đay nghiến đến tận xương tủy. Đó là lời tác giả mà cũng là lời của những người da màu đang ngày đêm phải chịu đắng cay trong xã hội hiện đại.
Âm nhạc là một hình thức quan hệ thẩm mỹ đặc biệt giữa chủ thể và và khách thể thẩm mỹ. Trong đó, chủ thể thưởng thức thẩm mỹ muốn tiếp nhận các giá trị thẩm mỹ do chủ thể sáng tạo thẩm mỹ tạo ra phải thông qua chủ thể biểu hiện thẩm mỹ. Và cảm xúc thẩm mỹ mà chủ thể thưởng thức thẩm mỹ có được hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể biểu hiện thẩm mỹ. Rất nhiều trường hợp chủ thể sáng tạo thẩm mỹ thành công được là nhờ mối quan hệ cộng sinh qua lại với chủ thể biểu hiện thẩm mỹ, chẳng hạn như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Bởi vậy, khi nói đến thành công của Strange fruit không thể không nhắc tới những ca sĩ đã từng thể hiện thành công nó. Có nhiều ca sĩ đã từng thể hiện Strange fruit, nhưng tôi chỉ giới thiệu ba người mà tôi cho là thể hiện rõ nhất được cái hồn của ca khúc này. 
Trong số những danh ca đã từng thể hiện Strange fruit, không thể không nhắc tới huyền thoại nhạc Jazz/Blues Billie Holliday - người thể hiện thành công nhất ca khúc này và đưa nó thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình. Tôi cho rằng, chỉ những người da màu từng trải qua tột cùng của đau khổ, tủi nhục mới có đủ trải nghiệm để thể hiện Strange fruit, và điều đó hiển nhiên đúng với Holliday. Một tuổi thơ cùng cực, thiếu vắng tình thương của cha, từng bị hãm hiếp và bị ép phải làm gái điếm khi chưa đầy 14 tuổi, tất cả những cay đắng đó đã giúp Holliday thấu hiểu được cái bi thương, u buồn, bế tắc của cả một thế hệ ẩn chứa trong Strange fruit. Tất cả những cảm xúc đó đã được thể hiện một cách hoàn hảo qua tiếng hát ma mị của cô. Chất giọng nữ trung trầm khàn bẩm sinh của Holliday như được sinh ra để dành cho Strange fruit, vì màu giọng ấy vô tình lại hợp với ca khúc trên mọi note nhạc, mà khó có thể tìm thấy giọng hát nào vừa vặn hơn. Cách hát u uất đầy tính tự sự, lâu lâu lại nhấn vào vào những từ đắt bằng việc gằn giọng và rung nhẹ ở vùng hạ âm để kéo trùng ca khúc xuống theo tiếng piano giúp Holliay lột tả được cái hồn của bài hát, mà lại không bộc cháy hết ra ngoài như các ca sĩ nhạc Soul/R&B, vẫn ẩn đi nhiều nỗi niềm để người nghe trải nghiệm. Nghe Holliday, chúng ta sẽ cảm nhận rõ được sự dằn vặt, quằn quại trong tâm hồn của người hát, những cảm giác không bề bộc ra mà nén vào từng note nhạc, từng câu từng chữ, tạo nên nhiều tầng vỉa khác nhau. Có thể nói, cái u buồn đặc trưng của nhạc Jazz/Blues đã được định nghĩa từ Billie Holliday.

 https://www.youtube.com/watch?v=h4ZyuULy9zs

Người thứ hai mà tôi muốn giới thiệu là Diana Ross - một trong những nữ ca sĩ tiên phong của nền âm nhạc Mỹ. Chất giọng light lirico soprano với độ vang, sáng tự nhiên của Diana mang lại một không khí mới cho bài hát, da diết, khắc khoải và có chất "tình" hơn, gần giống một bản tình ca, nhưng vẫn lột tả đúng chất u buồn, nặng trĩu tang thương của ca khúc. Diana hát ca khúc này trong bộ phim Lady sings the Blues do cô thủ vai chính, hóa thân vào huyền thoại Billie Holliday, Trong bộ phim này, Diana đóng một đoạn nhỏ vào vai một cô gái trẻ đang rất vui tươi, hạnh phúc khi đến chỗ hẹn với người yêu thì phải kinh hãi chứng kiến anh ta bị treo cổ ngay tại nơi hẹn hò của hai người. Đoạn clip chỉ dài chưa đầy một phút, nhưng đủ gây ám ảnh và gợi nhiều trạng thái cảm xúc, suy tư của bất kì người nào đã từng xem nó.

https://www.youtube.com/watch?v=vxeI5gFJZRw

Nhưng đối với tôi, người thể hiện hay nhất Strange fruit là nữ hoàng nhạc Jazz Nina Simone. Đây là tiếng hát để lại cho tôi nhiều nỗi ám ảnh và cảm xúc nhất, cũng là phiên bản mà tôi nghe nhiều nhất của ca khúc này. Cũng giống như Holliday, Nina cũng từng trải qua tuổi thơ phiền muộn khi phải sống trong sự kì thị chủng tộc. Cô đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ mình bị yêu cầu nhường chỗ cho một cặp da trắng khi đến xem con gái biểu diễn. Và chính cô cũng phải từ bỏ ước mơ trở thành nghệ sĩ piano cổ điển của mình khi không được nhận vào một học viện âm nhạc danh tiếng chỉ vì cô là người da màu.

Chất giọng nữ trầm kịch tính hiếm có mang đậm chất Africa pop của Nina không chỉ để lại ấn tượng lạ và độc ngay từ những note nhạc đầu tiên, mà còn toát lên rõ nhất hương vị đặc trưng của người da màu, từ tâm hồn, tính cách đến ngoại hình, lối sống. Nghe Nina thể hiện Strange fruit, dù không cần biết tên hay nhìn mặt ca sĩ, người ta cũng biết chắc chắn đây là một người da màu, chỉ có tiếng hát này mới truyền đạt được tất cả về người da màu. Và đương nhiên, với một ca khúc dành riêng cho người da màu như Strange fruit thì giọng hát của Nina là sự lựa chọn tuyệt vời nhất.

Người ta nói Nina là ca sĩ của nỗi buồn, vì cô hát cái gì cũng buồn đến cùng cực. Bởi vậy, Strange fruit cũng được Nina thể hiện với một nỗi buồn đắng cay tận cùng, mà không ai có thể lột tả được nỗi buồn sâu hơn như thế. Chất smoking đặc trưng trong tiếng hát của Nina luôn bao phủ không gian nghệ thuật bằng một màn khói thuốc phiêu lãng mỗi khi ca khúc được bật lên, từ đó càng làm gia tăng nỗi buồn thêm gấp bội phần. Bên cạnh nỗi buồn, Nina cũng lột tả rõ sự day dứt, quằn quại và đau đớn về thể chất lẫn tinh thần ở một con người da màu khi phải hứng chịu sự kì thị, đối xử bất công, tàn bạo qua cách hát chưng hửng, tối giản, bỏ lửng câu chữ. Qua lối hát tự sự, chậm rãi của Nina, khán giả như đang được nghe trực tiếp một người da màu mang trên mình nhiều vết thương kể lại câu chuyện cay đắng về đồng bào họ vậy. Một điều vượt trội hơn ở Nina so với những ca sĩ khác từng thể hiện ca khúc này là khả năng nhả chữ vô cùng tinh tế, sâu sắc của cô. Hãy nghe kĩ từng chữ được phát âm ra, bạn sẽ thấy rõ đằng sau mỗi ngắt nghỉ, lên cao, xuống thấp đều là một cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc vô vọng, lúc bất cần, lúc đổ lệ, lúc lại đay nghiến. Ở điểm này, Nina đã thực sự đạt tới cảnh giới kể chuyện bằng giọng hát. Việc tung ra một note A4 đanh dày, khỏe khoắn, âm lượng khổng lồ kéo dài ở chữ "Trees" cuối bài giúp phần thể hiện của Nina trở thành phiên bản duy nhất có sự cao trào, kịch tính và bùng nổ thực sự. Note A4 này là điểm nhấn lớn nhất của toàn ca khúc, vừa thể hiện đỉnh điểm của sự đau đớn, cay đắng, vừa như một lời nguyền rủa, kết án đanh thép tội ác của người da trắng. Note nhạc kéo dài rồi nhỏ dần đi, giàm xuống G4 để vang vọng mãi mãi theo không gian, thời gian, không bao giờ dứt. Sẽ không ai có thể hát được note A4 đó, vì chỉ có giọng hát nội lực, khổng lồ, thô ráp, đong đầy cảm xúc của Nina mới thể hiện rõ được tính sử thi, ma mị, quyền lực đáng sợ của nó. Ngay sau đó, chữ "drop" được nhấn thật thấp như một dấu chấm nặng kéo trùng toàn bộ ca khúc xuống, thể hiện sự tuyệt vọng, bế tắc, không lối thoát. Từ dấu cấm đó đến cuối bài chỉ còn lại tiếng hát yếu ớt, vô vọng đang tắt dần.

https://www.youtube.com/watch?v=ughAVo2ZAag

Âm nhạc cũng giống như văn học, là bức tranh phản ánh lịch sử, phản ánh hiện thực khách quan qua ánh mắt của người nghệ sĩ. Những ca khúc giàu ý nghĩa nội dung, nghệ thuật như Strange fruit xứng đáng là khúc ca bất tử ghi lại một thời kì lịch sử của loài người. Nếu bạn coi âm nhạc chỉ là phương tiện giải trí, có thể không cần phải nghe ca khúc này, nhưng nếu bạn coi âm nhạc là nghệ thuật, tôi khuyên bạn nên nghe để hiểu hơn những giá trị của cuộc sống, của nghệ thuật.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 22 tháng 12 năm 2014

1 nhận xét: