Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Bản chất của người Trung Quốc qua "AQ chính truyện" và giải oan cho Chí Phèo

“Chí Phèo” và “AQ chính truyện” là hai tác phẩm xuất sắc trong nền văn học hiện đại của Việt Nam và Trung Quốc. Mặc dù sinh ra không cùng thời điểm và “hai người cha” của “những đứa con tinh thần” ấy thậm chí chưa hề quen biết hay gặp nhau dẫu chỉ một lần, nhưng sự giống nhau về cốt truyện và kiểu nhân vật đã khiến dư luận văn chương (đặc biệt là người Trung Quốc) không khỏi đem ra so sánh. Và tất nhiên, Chí Phèo “sinh muộn” hơn những hai mươi năm nên phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Người Trung Quốc với bản tính bảo thủ và “bành trướng văn hóa”, luôn một mực cho rằng Nam Cao đã mượn ý tưởng từ “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn để viết nên “Chí Phèo”.  Mặc dù chúng ta đã khẳng định rằng Nam Cao không hề biết tiếng Trung để đọc được “AQ chính truyện”, nhưng họ vẫn ra sức bảo vệ luận điệu của mình với lí do Nam Cao là một trí thức Tây học, có thông thạo tiếng Pháp, mà “AQ chính truyện” lại có bản dịch tiếng Pháp từ trước khi “Chí Phèo” ra đời. Từ đó, họ khẳng định chắc nịch rằng Nam Cao hẳn đã đọc được “AQ chính truyện” trước khi viết Chí Phèo. Cuộc tranh luận vô lí này kéo dài suốt hơn nửa thế kỉ qua, tưởng chừng như đã lắng xuống, thì hiện nay, cùng với tình hình chính sự phức tạp ở biển Đông, nó đã quay trở lại và trở thành đề tài tranh luận nóng hổi trên các diễn đàn mạng, cũng như giới nghiên cứu ở Trung Quốc và Việt Nam.
          Về việc Nam Cao khi sáng tác “Chí Phèo” có chịu ảnh hưởng từ “AQ chính truyện” hay không, lớp con cháu chúng ta không thể “gọi hồn” người đã khuất mà làm “ba mặt một lời”. Nhưng dẫu sao, người đọc cũng là người đồng sáng tạo với nhà văn,  chúng ta vẫn có thể dựa vào những giá trị suy diễn có căn cứ trong tác phẩm (chữ dùng của giáo sư Diệp Quang Ban) để mổ xẻ nó, sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Dựa vào phương pháp so sánh lịch sử (một phương pháp trong lí luận văn học hiện đại), chúng ta có thể từ những đặc điểm xã hội, lịch sử của Trung Quốc để chỉ ra sự khác nhau hoàn toàn giữa hai tác phẩm. Từ đó có thể “giải oan” cho Chí Phèo, và hiểu hơn bản chất tính cách của người Trung Quốc.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi4NfAjGhu4Txf6Z_POAh2gCUUz6vFG9UkQy1e7Qq1RnkURcRVwqezH2SB5QpWhZ7JSIcFY6paCGIa8H8uso8GhBQsigvMoT0Sl-UM1bu2Y3D4gbBf0nKNnGPZ1LuSMuMDV_Oe6dVhiWuc/s291/hgrgvbd.jpeg
Nhà văn Lỗ Tấn
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEghu69S6ZEDSLmhJwX82OWsSb96EvkizJ4T2deBtJ6fQN1ma4JSVTTnx1jU4YbAR70DRyXhkgsHB00DFEkHEiiy2-jD8QQh5Ve0fVDp-6mWWU2Q-HZBTd1HA4sxjl0tRXY9c7gTZDW7piI/s269/tryhtrgte.jpeg
Nhà văn Nam Cao
     
1. Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm
Trước hết, cần chỉ ra sự giống nhau giữa hai tác phẩm, chính những điểm giống nhau đã gây ra tranh cãi bấy lâu nay, là cái cớ để người Trung Quốc cho rằng Nam Cao đã “copy” từ Lỗ Tấn của họ.
          - Cốt truyện xoay quanh một nhân vật chính là một tên “cùng khổ” sống bên lề xã hội, bị mọi người xa lánh, coi khinh, cả AQ và Chí Phèo đều thuộc dạng “người không ra người, ngợm không ra ngợm”. Đây là một dạng nhân vật đặc biệt trong văn học (thế giới) và cũng là điển hình cho kiếp sống tận cùng của người nông dân trong xã hội cũ (chứ không phải kiểu nhân vật của riêng Lỗ Tấn). Có thể thấy kiểu nhân vật này trong tác phẩm của các nhà văn Nga và phương Tây như Victor Hugo, Balzac, Sekhop…
          - Cả AQ và Chí Phèo đều không có nhà cửa (AQ ngủ trong cái ngách nhỏ trong đền Thổ Cốc còn Chí Phèo thì ở trong cái lều bên vườn chuối), không quê quán, không người thân thích, đến tên họ cũng mập mờ, thể hiện sự bần cùng hóa đến tận cùng của người nông dân trong xã hội cũ.
          - Nhân vật chính bị bọn địa chủ phong kiến áp bức tới cùng cực, bị đẩy vào con đường lưu manh hóa và kết thúc số phận bằng cái chết.
          - Không gian diễn ra chỉ trong một làng quê nghèo.
          - “Chí Phèo”  AQ chính truyện” đều tố cáo bọn địa chủ phong kiến áp bức bóc lột người nông dân về vật chất lẫn tinh thần.
          - AQ và Chí Phèo đều bị địa chủ lợi dụng (Chí Phèo bị Bá Kiến lợi dụng làm tay đòi nợ thuê còn AQ bị Cố Triệu lợi dụng để mua đồ ăn cắp).
          - Cả AQ và Chí Phèo đều bị áp bức, đẩy vào con đường lưu manh hóa nhưng lại không hiểu được nguyên nhân cũng như biết chính xác kẻ thù của mình, không nhận ra những người cũng bị áp bức như mình mà lại nhận nhầm kẻ thù (AQ nhầm kẻ cướp việc của mình là cu D còn Chí Phèo thì định cầm dao chém bà cô Thị Nở).
          Tất cả những điểm giống nhau trên đây đều có thể giải thích dựa vào sự giống nhau về điều kiện lịch sử - xã hội của hai nước láng giềng. Khi Lỗ Tấn viết “AQ” và Nam Cao viết “Chí Phèo” thì xã hội Việt Nam và Trung Quốc đều rơi vào thời kì đen tối nhất, đặc biệt là vùng nông thôn. Ở Việt Nam là xã hội phong kiến nửa thực dân thời kì tiền cách mạng. Còn ở Trung Quốc, tuy cách mạng Tân Hợi đã diễn ra nhưng đây là cuộc cách mạng dân chủ tư sản nửa vời, không “cách được cái mạng” cho người dân mà còn đẩy họ vào cảnh lầm than hơn trước. Vì vậy, cuộc sống của người nông dân ở hai nước đều vô cùng khổ cực, phải chịu nhiều tầng áp bức. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa làm nảy sinh một dạng người mới, là những người nông dân nhưng bị mất hết tư liệu sản xuất, họ trở thành kẻ trắng tay và phải bán sức lao động cho người khác, thân phận của họ bị coi rẻ, bị áp bức nặng nề từ phía giai cấp địa chủ. Những con người đó sẽ đi vào văn học và trở thành hình mẫu của AQ và Chí Phèo. Vì vậy, sự xuất hiện hai hình tượng AQ và Chí Phèo có những điểm giống nhau như trên rất có thể do sự tương đồng về điều kiện lịch sử xã hội của hai đất nước đã đập vào mắt hai nhà văn lỗi lạc để cùng hình thành một kiểu nhân vật, chứ không phải là do ai “copy” của ai.
          2. Điểm dị biệt giữa hai tác phẩm
          Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều sự khác biệt về văn hóa, xã hội cũng như điều kiện lịch sử hình thành và phát triển, đặc trưng tư duy, tâm lý dân tộc… Những khác biệt này sẽ quy định sự khác nhau giữa hai tác phẩm, và dù có từng được tiếp xúc với “AQ chính truyện” đi chăng nữa, thì sự sáng tạo của Nam Cao là hoàn toàn dựa trên những đặc điểm riêng có của mảnh đất quê hương và một tâm thức đậm chất “hồn Việt”, chứ không phải sự “góp nhặt” từ một tác phẩm xa xôi nào đó.
          Nếu như Chí Phèo được Bá Kiến nhận làm bà con: “Anh với nó còn có họ đấy”, thì AQ bị ăn một cái tát từ Cố Triệu vì dám nhận họ hàng với nhà lão. Từ điều này có thể thấy sự khác nhau về tính chất của giai cấp địa chủ hai nước. Ở Việt Nam, giai cấp địa chủ ở nông thôn vẫn còn nhỏ lẻ, phải núp dưới bóng nhiều quan lớn, quan bé, quan ta, như quan tây nên mới phải quan hệ với bọn cùng đinh như Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức. Thậm chí, Bá Kiến còn sợ việc Chí Phèo ăn vạ ở nhà mình sẽ gây tiếng xấu với hàng xóm (tức là vẫn còn có chút coi trọng thể diện người nông dân) nên mới làm ngọt với Chí. Còn ở nông thôn Trung Quốc, bọn địa chủ trở thành một thế lực mạnh có quan hệ với nhau thành một hệ thống như Cố Triệu, Cố Tiền, cụ Cử. Sự áp bức của bọn địa chủ nặng nề tới mức độ người dân làng Mùi trở nên mê muội đến mức chỉ biết phụ họa cho giai cấp địa chủ: “Nhưng có dính dáng đến một nhân vật “xù” như là cụ Cố nhà họ Triệu chẳng hạn, thì mới có tiếng đồn. Lúc đó có tiếng đồn thì không những người đánh đã có danh có giá mà luôn cả người bị đánh cũng nhờ đó mà lẫy lừng”. Hay như việc AQ bị nhà Cố Triệu cấm cửa mà khắp làng cũng đều tẩy chay. Cái bệnh u mê, bạc nhược, “ngủ say trong một chiếc hộp sắt” là căn bệnh cố hữu của người nông dân Trung Quốc mà Lỗ Tấn muốn đặt ra trong “AQ chính truyện”, điều này không có ở “Chí Phèo”. Căn bệnh “u mê” này, cho đến ngày nay vẫn còn bám rễ trong mỗi người dân Trung Quốc, họ vẫn bị chính quyền “mị dân” một cách trắng trợn, đến mức tin chắc rằng toàn bộ biển Đông, hay Hoàng Sa, Trường Sa là của người Trung Quốc, và người Việt Nam đang lấn chiếm của họ (tổng hợp quan điểm từ các diễn đàn mạng ở Trung Quốc). Tuy người nông dân Việt Nam không đến nỗi mê muội như vậy nhưng cũng chưa dám đứng lên, điều đó được thể hiện qua sự hờ hững của dân làng Vũ Đại, lúc nào họ cũng chỉ như con bù nhìn đến xem chuyện rồi lại bỏ đi. Hầu như mọi chuyện xảy ra ở nhà Bá Kiến đều không có sự can thiệp của họ, họ chỉ đứng xem như những chiếc bóng.
          Cũng qua chi tiết trên, có thể thấy ở nông thôn Trung Quốc, quan hệ họ hàng rất được coi trọng, AQ chỉ cần nói có họ với Cố Triệu là ngay lập tức được mọi người kiêng nể. Nhưng ở nông thôn Việt Nam mà cụ thể là ở làng Vũ Đại, quan hệ làng - họ dường như yếu ớt, chỉ thấp thoáng một chút khi Bá Kiến đánh lừa Chí Phèo rằng Lý Cường và Chí Phèo còn có họ, cốt để trấn an tinh thần của Chí. Sự đánh lừa này cũng thu được chút ít kết quả. Song đó cũng là một lần một đi không trở lại trong mối quan hệ này và cũng chỉ xuất hiện một lần với ý nghĩa dùng nó (quan hệ họ hàng) làm phương tiện.
          Chí Phèo là một tên chuyên ăn vạ, hắn chẳng nể nang gì mọi người dù là bọn địa chủ như Bá Kiến hay những tên đòi nợ thuê máu mặt như Đội Tảo. Thế nhưng AQ lại có tính cách khác, hắn thích bắt nạt kẻ yếu nhưng lại run sợ trước kẻ mạnh, kẻ giàu, bành trướng và vô cùng tự phụ. AQ thích gây sự với mọi người nhưng bao giờ cũng là kẻ thua trước: “kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh. Nhưng chẳng biết thế quái nào, AQ vẫn thường thua nhiều hơn là được. Do đó y thay đổi dần chính sách, về sau chỉ lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ  nữa mà thôi”. Đó cũng chính là tính cách đặc trưng của phong kiến Trung Quốc nói riêng và chính quyền Trung Quốc trong mọi thời đại nói chung mà Lỗ Tấn muốn đả kích. Nếu nhìn ra chính trường hiện nay, có thể thấy Trung Quốc y hệt một AQ đang lên, ra sức bắt nạt các nước yếu như Việt Nam, Lào, Campuchia nhưng lại run sợ, không dám ho he trước Nhật Bản, Nga, Mỹ. Tính cách này, dường như Chí Phèo không có.
          Phép thắng lợi tinh thần cũng là một đặc trưng tính cách của AQ mà Chí Phèo không có. Chỉ một mình AQ là không tỏ ra sùng bái Cố Triệu, Cố Tiền vì cho rằng: “Con tớ sau này lại không làm nên, to bằng năm, bằng mười lũ ấy à”. Mỗi khi đánh nhau mà thua trận, y thường tự bảo rằng: “Nó đánh mình thì khác gì đánh bố nó”. Bất cứ việc gì AQ cũng cho mình là nhất, ngay cả việc nhịn nhục: “Y nhận thấy y là người giỏi nhịn nhục bậc nhất”. Qua phép thắng lợi tinh thần này, Lỗ Tấn muốn chế giễu dân tộc Trung Quốc vốn chỉ giỏi “thủ dâm tinh thần”, lúc nào cũng tự hào về văn hiến, văn hóa của dân tộc, cho mình là trung tâm của vũ trụ, các dân tộc khác chỉ là man di mọi rợ mà không hề biết thực lực cũng như vị trí thực tại của mình.
          AQ cũng thường chê bai người khác vì không hợp với những chuẩn mực cố hữu của y. Ở làng Mùi gọi cái ghế dài ba thước, rộng ba tấc là cái ghế dài, còn ở huyện họ gọi là tràng kỉ, AQ phản đối, hắn cho rằng: “Gọi thế là sai! Là đáng cười!”. Đến những chuyện nhỏ nhặt như chuyện rán cá, y cũng đem cái “chuẩn” rán cá ở làng Mùi ra để chê bai cách rán cá của người trên huyện. Lúc nào cũng u mê trong tập tục của mình, lấy văn hóa, truyền thống cố hủ của mình ra để chê bai, khinh thị người khác cũng là một đặc trưng tính cách rất Trung Quốc.
          AQ còn hội tụ rất nhiều những thói xấu của giai cấp phong kiến Trung Quốc như mạnh mồm, khinh thị cái mới (biểu hiện chủ nghĩa phục cổ của phong kiến Trung Quốc), cổ hủ và lạc hậu, coi thường phụ nữ (ảnh hưởng từ Nho gia). “Với cái đạo nam nữ hữu biệt thì xưa nay y giữ nghiêm lắm”, y cho rằng: “phàm là tiểu thì nhất định có tư tình với sư cụ, và phàm là đàn bà con gái mà đi ra đường thì nhất định là đi ve trai; người đàn ông đang trò chuyện cùng người đàn bà kia thì nhất định là có tằng tịu rồi chứ chẳng không”, y coi đàn bà chỉ là “lũ đạo đức giả”, thấy cậu cả nhà họ Tiền cắt cái đuôi sam, y cho đó là “Hán gian”, “thằng Tây giả”.
          Rõ ràng, AQ không chỉ là một điển hình nông dân bần cùng hóa, lưu manh hóa giống Chí Phèo mà là một dạng nhân vật giễu nhại giống Đônki Hôtê, có đầy đủ mọi tật xấu của cả giai cấp phong kiến và người nông dân Trung Quốc mà Lỗ Tấn muốn qua đó để đả kích một cách thâm sâu. Cho đến ngày nay, mọi tật xấu đó dường như vẫn còn tồn tại đâu đó ở đất nước Trung Quốc. Trong khi đó, Nam Cao chỉ đơn thuần xây dựng Chí Phèo như một điển hình của người nông dân bần cùng hóa để qua đó thương xót cho số phận của họ và tố cáo tội ác của bọn địa chủ phong kiến.
          Tính chất hai trong một làm cho hình tượng AQ có sự  khái quát rộng hơn Chí Phèo, nhưng cũng vì thế mà thiếu chất nhân văn hơn. Cả AQ và Chí Phèo đều từng khao khát một cuộc sống lứa đôi, nhưng chỉ riêng Nam Cao là để cho nhân vật của mình yêu và được yêu thật sự, được hưởng sự chăm sóc của bản tay phụ nữ, để từ đó mà về lại lốt người, còn anh AQ thì không những không có mà còn bị vùi dập bởi chính khát khao của mình. Nhìn sâu hơn nữa, có thể thấy tình yêu đến với Chí Phèo rất đỗi tự nhiên, chân thật, đến từ chính rung cảm trong tâm hồn khi Chí đón nhận bát cháo hành của Thị Nở, còn AQ sở dĩ muốn có một người phụ nữ cũng là vì “đàn ông thì phải có một người vợ. Tuyệt tự rồi thì ai cúng cơm cho. Phải có một người vợ”, tư tưởng này rõ ràng vẫn còn mang nặng chất phong kiến và những hủ tục lạc hậu, bị ràng buộc bởi xã hội. Vì thế mà hình tượng Chí Phèo cho chúng ta một cảm giác tự nhiên, chân thật hơn. Liệu có phải vì người Việt ta vốn nhân văn hơn người Trung Quốc?

          Dựa vào phương pháp so sánh – lịch sử, chúng ta có thể vận dụng những đặc điểm khác biệt về văn hóa, xã hội, lịch sử, tính cách dân tộc giữa Trung Quốc và Việt Nam để phân tích sự giống và khác nhau giữa “AQ chính truyện” và “Chí Phèo”. Qua đó thấy được đây là sản phẩm sáng tạo riêng có của hai nhà văn lỗi lạc thuộc hai dân tộc khác nhau, đập tan luận điệu phản động của giới nghiên cứu Trung Quốc khi cho rằng Nam Cao “mượn ý tưởng” từ Lỗ Tấn. Và trên hết, chúng ta có thể nhìn rõ hơn bản chất tính cách khác nhau giữa người Trung Quốc với người Việt Nam, hiểu rõ hơn về người Trung Quốc, để lựa chọn những cách ứng xử thích hợp, khéo léo trong giai đoạn hiện nay.

_Đức Long_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét