Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

SỰ TRỞ MẶT CỦA TRUNG QUỐC VÀ CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP VIỆT


          Mới đây, bưu điện Hoa Nam đưa tin về việc chính phủ Trung Quốc đã cấm doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu các hợp đồng mới tại Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng và tranh chấp giữa hai nước đang leo thang. Đây là một trong những động thái trừng phạt kinh tế đầu tiên của Trung Quốc đối với Việt Nam.

          Việc đi "nước cờ" độc đoán này cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đến cùng trong vấn đề biển Đông. Bởi nếu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ngưng đấu thầu tại Việt Nam, kèm theo những động thái trừng phạt kinh tế khác, trước mắt sẽ gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nông nghiệp. Nhưng nhìn một cách sâu xa, đây lại là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp của chúng ta đánh bật ngoại bang, chiếm lĩnh và làm giàu từ chính thị trường Việt.
 
          Trong lĩnh vực xây dựng, Trung Quốc là chủ thầu của rất nhiều dự án nhà tầng lớn, các công trình quy hoạch đường xá quy mô quốc gia tại Việt Nam, với tốc độ xây dựng đến chóng mặt. Tuy nhiên, trừ những công trình đặc thù đòi hỏi công nghệ cao như nhà máy điện, tàu điện ngầm, cao ốc... thì các công trình dân sinh như cầu cống, đường sá, nhà vài chục tầng, doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn đủ sức thi công. Nhiều đơn vị thi công của chúng ta có đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật và trang thiết bị máy móc khá tốt. Hơn nữa, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, những dự án hạ tầng dân sinh luôn cần được chú trọng hàng đầu. Việc nhà thầu Trung Quốc rút về nước ồ ạt sẽ khiến lĩnh vực xây dựng của chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung vật liệu và công nghệ cao, song lại mở ra "mảnh đất màu mỡ" cho các công ty xây dựng. Về phía nhà nước, cần quên đi những khoản lợi ích nhỏ nhặt trước mắt mà Trung Quốc đem lại để tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp của ta được tham gia đấu thầu xây dựng, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ nguồn vốn đáp ứng cho thi công. Về phía doanh nghiệp, cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, đào sâu những hướng thi công mới, tích cực tham gia đấu thầu các công trình vừa với sức mình. Đây cũng là điều kiện tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn nhân công của chúng ta. Câu chuyện về việc Việt Nam tự lực xây cầu Chương Dương trong khi cầu Thăng Long còn dang dở là minh chứng lớn nhất cho khả năng tự lực của chúng ta.

          Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của chúng ta. Việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu hàng nông nghiệp từ Việt Nam không khỏi khiến bà con nông dân lao đao. Nhưng đừng quên rằng, ta xuất sang Trung Quốc một thì họ xuất sang ta ba, khiến cán cân thương mại luôn bị thâm hụt hàng chục tỷ đô la. Việc trông mong quá nhiều vào Trung Quốc khiến chúng ta quên rằng chúng còn một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân trong nước. Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau xây dựng một nền nông nghiệp đồng bộ, hiện đại nhằm nhằm cho ra năng suất cao, nâng cao chất lượng nông sản. Đồng thời, cũng cần quản lí giá cả chặt, hướng tới thị trường trong nước và những thị trường đa dạng hơn. Để làm được điều này, chúng ta cần phải nâng cao khả năng dự báo, nghiên cứu thị trường, giúp quy hoạch tốt các vùng nguyên liệu, dự báo sản lượng cho vùng đó, tránh tình trạng năm thừa, năm thiếu, nông sản dễ bị ép giá. Bên cạnh đó, cần đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp như máy móc, hóa chất, nghiên cứu giống, chế biến nông sản. Tránh nhập quá nhiều nguyên vật liệu từ nước ngoài sẽ gây hạn chế cho khâu chế biến nông sản. Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần giáo dục nâng cao ý thức cho người nông dân, để họ không vì lợi nhuận trước mắt mà phá bỏ hợp đồng.

          Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc lâu nay đã giúp họ dần thâu tóm thị trường Việt Nam, dẫn tới việc doanh nghiệp trong nước bị bóp chết. Tuy nhiên gần đây, người Việt cũng đã dần thức tỉnh, tẩy chay hàng Trung Quốc nên vấn đề này đang dần được khắc phục. Đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp. Điều cần làm nhất với các doanh nghiệp của ta lúc này là tích cực đầu tư công nghệ, lao động nghiệm túc, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, lấy lại niềm tin từ thị trường trong nước.

          Một vấn đề nổi cộm khiến các doanh nghiệp trong nước khó phát triển là chính là việc nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất từ Trung Quốc (công nghệ nguồn). Hiện nay, Trung Quốc đang có chiến lược xuất hết máy móc cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm sang nước ngoài, trong đó, Việt Nam là bến đỗ lý tưởng. Giá thành của các loại máy móc này quá rẻ khiến các doanh nghiệp lao vào như thiêu thân. Việc sử dụng những công nghệ lạc hậu khiến hàng hóa sản xuất ra kém chất lượng, năng suất kém, ô nhiễm môi trường, tốn năng lượng, khó cạnh tranh. Chúng ta vẫn nhớ câu chuyện về việc Hiệp hội mía đường than vãn rằng bầu Đức nhập đường do HAGL trồng bên Lào về là phá giá, phá thị trường, bóp chết đường trong nước, vì giá đường của bầu Đức rẻ quá. Câu hỏi đặt ra là tại sao đường của HAGL lại rẻ như vậy? Vì bầu Đức đã cất công lặn lội sang tận Israel để mua công nghệ, máy móc, thuê chuyên gia Israel sang Lào tư vấn cách trồng mía và sản xuất đường (phương pháp tưới nhỏ giọt khi trồng mía). Kết quả là mía của bầu Đức trồng tốt hơn, ngọt hơn. Để làm ra 1 tấn đường thành phẩm, nhà máy tinh chế đường của bầu Đức chỉ cần 7 tấn mía nguyên liệu. Trong khi đó, để làm ra 1 tấn đường thành phẩm, nhà máy của Hiệp hội mía đường phải cần tới 10-11 tấn mía nguyên liệu. Bã mía sau khi đã ép lấy nước hết được bầu Đức gom lại làm phân bón hoặc đưa vào nhà máy làm nhiên liệu phát điện, còn bã mía của Hiệp hội mía đường lại chỉ được ủ theo công nghệ cũ rồi đem bón ruộng một cách đơn sơ. Từ câu chuyện cạnh tranh giữa bầu Đức và Hiệp hội mía đường, có thể rút ra bài học cho các doanh nghiệp trong nước là cần từ bỏ các loại máy móc của Trung Quốc, chuyển sang nhập khẩu công nghệ hiện đại của Mỹ, Nhật, Đức, Israel, đưa vào sản xuất. Có như vậy thì mới tránh được ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đầu vào (năng lượng, nguyên vật liệu, tài nguyên) đưa vào sản xuất, tăng năng suất giảm bớt sức người, nâng cao khả năng cạnh tranh.


          Hiện nay, việc Trung Quốc không xuất nguyên liệu qua Việt Nam đã thúc đẩy các doanh nghiệp tại Bình Dương bắt tay đi tìm nguồn cung từ các nước khác. Kết quả là các sản phẩm hàng hóa đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng.


          Lịch sử đã cho thấy, chưa từng có quốc gia nào thịnh vượng khi đứng cạnh Trung Quốc. Chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc suốt hàng chục năm qua, nên việc từ bỏ sẽ gây hệ lụy không nhỏ trước mắt. Nhưng về lâu dài sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà nước cải thiện tư duy làm ăn, cải thiện môi trường đầu tư và chịu khó động não tìm đối tác ở các nước khác. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, làm phong phú thêm môi trường đầu tư. Bất cứ cuộc thai nghén nào cũng phải trải qua cơn đau đẻ, đây là cơ hội ngàn năm có một, nếu chúng ta biết "vượt cạn" thành công, thì tương lai, chúng ta sẽ thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều cần thiết nhất đối với các doanh nghiệp của chúng ta lúc này là nắm bắt cơ hội, đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh để nhanh chóng vực dậy tiềm năng kinh tế Việt tự lực tự cường.

_Đức Long_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét