Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Whitney Houston và màn trình diễn Saving all my love for you tại Letteman năm 1985

Có rất nhiều ca khúc nổi tiếng gắn với tên tuổi của Whitney Houston, nhưng ca khúc đầu tiên mang lại vinh quang và danh vọng lớn cho nữ diva này chính là Saving all my love you. Dù chỉ là ca khúc cover lại của Marylin McCoo, nhưng nhờ nó, Whitney đã giành được vị trí no1 đầu tiên trên bảng xếp hạng Billboard hot 100 tại Mỹ, chiến thắng một giải Grammy năm 1986 ở hạng mục Trình diễn giọng Pop nữ xuất sắc nhất - giải Grammy đầu tiên trong sự nghiệp của cô. Đồng thời, nó cũng đạt vị trí no1 tại Anh, đưa tên tuổi của Whitney tiến sâu vào thị trường âm nhạc duy mỹ, khó tính này, để từ đó vươn ra toàn thế giới. Có lẽ vì thế mà Whitney rất ưu ái ca khúc, trình diễn nó ở hầu khắp các show diễn trong suốt sự nghiệp của mình. Dù đã từng xem Whitney trình diễn ca khúc này nhiều lần, nhưng nếu để chọn ra một màn trình diễn hoàn hảo nhất, tôi sẽ chọn màn trình diễn tại Letterman năm 1985.
https://www.youtube.com/watch?v=Df5aaUbRx_s

Whitney trong những năm đầu sự nghiệp sở hữu một giọng hát thuần soprano đẹp vô song, trong như pha lê, cao vút và khỏe khoắn một cách lạ thường. Giọng hát này chỉ tồn tại duy nhất trong hai năm đầu (1985 - 1986) để rồi một đi không trở lại. Nhiều người đánh giá rằng, ở thời kì đầu, Whitney hát oversing, hơi bản năng, chưa có được sự tinh tế lớn như những năm sau này, nhưng nếu xem xong màn trình diễn này, họ sẽ phải thay đổi quan điểm. Không một sự chuẩn mực nào hơn thế, tất cả đều hoàn hảo, từ giọng hát tới kĩ thuật, sự tinh tế, tiết chế và bùng cháy, cảm xúc.

Whitney thường hát cao thanh quản ở giai đoạn đầu sự nghiệp, đó là một trong những nguyên nhân khiến sau này, cô dễ bị strain, khàn giọng khi lên những quãng cao. Nhưng ở màn trình diễn này thì không hề, nhờ đặt đúng vị trí thanh quản, kết hợp với sự điêu luyện về kiểm soát hơi thở và đưa vị trí âm thanh vào đúng các xoang cộng minh, cô đã tạo được những âm thanh đẹp nhất trong giọng hát của mình. Ở giai đoạn thuần spinto soprano này, giọng hát Whitney khá nhẹ nhàng, mềm mại (đó là lí do người ta gọi cô là Whiteney), nhưng cũng không kém phần đanh dày, đặc biệt là độ sáng và rền một cách tự nhiên, hiếm thấy ở một soprano thông thường. Nếu giai đoạn sau, Whitney thường phải hạ tone khi hát live, thì giai đoạn này, nhờ sức trẻ sẵn có, cô thậm chí còn nâng lên một semitone mà vẫn hát rất thoải mái, nhẹ như không (bản studio chủ yếu là các note C#5, còn màn trình diễn này lại chủ yếu là D5). Ngoài ra, việc phối instrument cũng khác với bản studio, nhẹ và chậm rãi hơn, dành nhiều đất để Whitney phô diễn vocal hơn.
Như thường lệ, Whitney vào đầu ca khúc rất nhẹ nhàng, ngọt ngào. Thay vì phô diễn kĩ thuật, lên cao, xuống thấp như nhiều ca sĩ khác, Whitney chọn cách hát tự nhiên để thể hiện chất giọng đẹp trời phú của mình. Với Whitney bao giờ cũng vậy, hát nhẹ nhàng ở khúc dạo đầu để dẫn dắt câu chuyện, rồi bùng cháy bão cảm xúc ở các đoạn cao trào phía sau. Bắt đầu ở 0:40, cô tung một note D5 vang rền vào chữ "MAN", phóng ra thứ âm thanh rất chắc, nổ, nghe rất hào sảng và đã tai. Hát một note D5 chuẩn kĩ thuật thì nhiều ca sĩ cũng làm được, nhưng để tạo được cảm giác nổ và rền như thế, thì không nhiều ca sĩ có thể làm được như Whitney. Ngay sau đó, ở câu hát "so I'm saving all my love for you", Whitney tiếp tục tung ra các note D5 (SAving), C5 (ALL), Bb4 (LOVE) vang rền, đầy đặn mà lại rõ chữ. Ở đây, chúng ta đang được diện kiến một trong những biệt tài của Whitney, đó là khả năng hát tròn vành rõ chữ, các note trên được tung ra chắc nịch vào từng chữ, mà vẫn ngắt chuẩn, không bị dính chữ như đại đa số các ca sĩ khác. Để ý kĩ khẩu hình của Whitney khi phát âm chữ "all" (C5) và cảm nhận độ rền của âm thanh, bạn sẽ thấy Whitney hát vô cùng tròn vành. Hầu như các ca sĩ khác khi cover ca khúc này không thể phát âm tròn vành, chắc chữ ở trên quãng cao được như thế. Rất nhiều người đã quên đi khả năng đặc biệt này của Whitney mà đánh giá không đúng về tài năng của cô. Whitney có thể hát sai vị trí thanh quản, lên cao bị strain, khàn, không ổn định, nhưng dù bạn có học đến chục năm cũng chưa chắc có được cách phát âm tròn vành, rõ chữ đến như thế.

Về khả năng hát tròn vành, rõ chữ, tạo ra những âm thanh chắc nịch, đẹp và vang rền một cách thoải mái, chúng ta có thể thấy tiếp ở các chữ "my FRIENDS" (Bb4), "each TIME" (A4), "break DOWN" (A4), "be HOME" (Bb4), "you SAID" (A4) và những câu hát câu hát "so I'm saving all my love for you" tiếp theo với các note D5 (SAving), C5 (ALL), Bb4 (LOVE), cộng thêm chữ "MORE" 2:58 (D5), rất chuẩn mực và tinh tế, vô cùng thoải mái, thư giãn. Rõ ràng, Whitney đang làm chủ toàn bộ bài hát và biết nhấn nhá, đẩy mạnh ở những chỗ nào sao cho phù hợp nhất, để vừa mạnh mẽ, bão tố, mà lại không hề phô diễn, khoa trương. Nhiều ca sĩ cover ca khúc này hoàn toàn không chịu tư duy trong việc nhả chữ, nên hát bị trôi đi tuồn tuột, dù họ có cố khoe note cao tới cỡ nào đi chăng nữa.
Với một giọng hát mang hơi hướm da trắng và mềm mại, Whitney đã làm gì để ca khúc này trở nên man dại, mạnh mẽ đúng chất da màu? Đó là kĩ năng gằn giọng. Gằn giọng là một dạng kĩ thuật thường thấy trong âm nhạc của người da màu nói riêng và nhạc đại chúng nói chung. Về bản chất, gằn giọng là kĩ thuật nén và dồn hơi để bật mạnh lên xoang, khẩu hình, cho ra một âm thanh dữ dội, mạnh mẽ. Gằn giọng cũng thường được dùng như một thủ thuật để chạy nên note cao hơn mà hát bình thường không thể lên được. Sau thế hệ của Etta James, James Brown, Patti Labelle, Aretha Franklin, thì Whitney Houston là một trong những ca sĩ đầu tiên của thế hệ tiếp theo mang gằn giọng vào nhạc đại chúng, phổ biến một cách rộng rãi như ngày nay. Các vocalist thường rất ưa chuộng gằn giọng như một cách để phô diễn giọng hát khỏe khoắn, chứng tỏ đẳng cấp của họ, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng gằn giọng cho tinh tế, đúng mực. Jennifer Holiday, Thu Minh thường bị chê là gằn giọng vô tội vạ, còn Christina Aguilera lại bị chê là gằn giọng sai cách và lạm dụng gằn giọng dẫn đến mất giọng. Nhưng với Whitney hay Mariah Carey, họ gằn giọng rất tinh tế, không bao giờ lạm dụng mà luôn dùng nó để tạo điểm nhấn cho ca khúc hoặc hỗ trợ cho giọng hát của mình. Trong màn trình diễn này, Whitney sử dụng gằn giọng để nhấn vào những điểm nhất định, góp phần tạo nên bão cảm xúc, cuốn hút khán giả hơn. Cụ thể là ở các chữ "OLD fantasy" (D5), "Coz toNIGHT" (D5), "IS the night" (D5). Có thể thấy, cô gằn giọng rất thoải mái, không hề mệt mỏi, nặng nề, đó là kết quả của việc hát đúng kĩ thuật, chuẩn vị trí thanh quản và kiểm soát hơi bậc thầy. 

Vẫn như mọi khi, Whitney thể hiện xuất sắc là một bậc thầy về head voice trong nhạc đại chúng với những cú head voice full voice F5 căng tràn, đầy đặn, rất sâu ở các quãng phiêu chữ "YOU" trong câu "so I'm saving all my love for you". Head voice của Whitney thường không cao lắm, nhưng về độ dày và tính operatic thì không nhiều ca sĩ đại chúng có thể hơn được. Rất nhiều ca sĩ cover ca khúc này và hát tốt, chuẩn head voice chữ "you", nhưng lại không thể tạo ra độ dày, căng lớn như Whitney từng làm, cũng vì thế mà cảm xúc bị phai đi ít nhiều, không tạo ra bão cảm xúc như cô.

Đặc biệt, ở màn trình diễn này, Whitney đã sử dụng rất thành công melisma trên những quãng head voice một cách đầy ngẫu hứng, tiêu biểu như ở chữ "gonna DO" (C5), "feeling BLUE" (run + melisma C5), "THROUGH" (F5), "fantaSY" (vibrato + fast trill + melisma F5) và chữ "for YOU" (vibrato + melisma F5) ở 3:36. Rõ ràng, màn trình diễn này đã chứng minh rằng, Whitney đã phổ biến melisma vào nhạc pop đại chúng ngay từ những năm đầu sự nghiệp, tức là trong thập niên 80, chứ không phải đợi đến tận I will always love you sau này. Chỉ có điều, melisma chủ yếu được thực hiện ở các màn trình diễn live, chứ không phải trong bản thu âm. Người ta vẫn nói Whitney là bậc thầy trình diễn live là bởi vậy.

Nhiều người cho rằng melisma không khó, vì nó chỉ đơn giản là ngân nga các note nhạc trên nhiều cao độ, đó là quan điểm sai lầm. Để melisma thì dễ thôi, nhưng thực hiện nó một cách chính xác, ổn định, và quan trọng nhất là thổi cảm xúc vào đó với một âm thanh đẹp thì không hề đơn giản chút nào. Nói cách khác, để melisma đẹp và cảm xúc như Whitney trong màn live này, bạn sẽ phải mất ít nhất vài năm rèn luyện, và phải có cả một túi hơi căng tràn, khả năng kiểm soát hơi thở bậc thầy, mà nói như ca sĩ opera Sarah-Jane Dale là: “Bạn chẳng thế nào làm được nếu bạn không biết điều khiển hơi thở đúng cách, và đó là thứ mà Whitney có đầy”. Hãy nghe kĩ từ 3:34. Whitney hold một chuỗi F5 full voice head căng tràn rồi chuyển sang melisa với tốc độ nhanh mà vẫn giữ trong cùng một làn hơi, không hề bị gián đoạn hay đứt gãy. Hoặc từ 2:02, Whitney nhấn melisma vào chữ "fantaSY" sau khi đã thực hiện một cú đẩy rất căng vibrato + fast trill (kĩ thuật đẩy nhanh tốc độc trong một làn hơi). Nếu bạn không có một túi hơi đầy và khả năng kiểm soát hơi thở tốt, bạn sẽ không thể melisma được như thế. Ta cũng thấy melisma được Whitney sử dụng một cách văn minh, tiết chế, nhấn vào những chỗ mà cô cho là cần thiết để khêu gợi cảm xúc từ người nghe, chứ không phải sử dụng vô tội vạ, lạm dụng quá mức cần thiết như nhiều ca sĩ trẻ ngày nay (điển hình như Beyonce). Để làm được điều này, ca sĩ phải có tư duy và thẩm mỹ âm nhạc tốt, chứ không chỉ đơn thuần là kĩ thuật hay giọng hát. Và như giảng viên thanh nhạc Grant từng nói: “Cô ấy đã mở đầu cho cả một thế hệ các ca sỹ, những người muốn luyến láy trong các bản thu của mình; và bao gồm cả những ai như Beyoncé, Rihanna hay có lẽ cả các thí sinh Amarican Idol”, các thế hệ ca sĩ sau này vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cách dùng melisma của Whitney và Mariah Carey.
Tôi vẫn nói, Whitney là ca sĩ da màu hiếm hoi có khả năng kiểm soát âm lượng bậc thầy nhờ mô phỏng các kĩ thuật trong opera Bel canto vào pop/r&b một cách xuất sắc. Nếu bạn chưa tin, hãy nghe đoạn 0:50, ở chữ "YOU", cô đã thực hiện một chuỗi pianissimo (kĩ thuật vuốt nhỏ tiếng của opera Bel canto) một cách tài tình, tạo ra đoạn âm lượng nhỏ li ti sau chuỗi âm lượng lớn trước đó. Sự tinh tế nằm ở những chỗ rất nhỏ bé như thế.

Điểm nhấn lớn nhất của màn trình diễn này chính là note mix voice F5 ở chữ "SAving" (3:18). Nhiều người cho rằng, vì quãng belting đẹp của Whitney nằm dưới D5, nên khi belt tới F5, cô bị strain, cao thanh quản, gắt, chói, thiếu ổn định. Điều đó không sai, quả nhiên Whitney thường xuyên gặp phải vấn đề không tốt với các note F5 của mình, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Màn trình diễn này đủ để đập tan những quan điểm xem thường khả năng lên cao của Whitney, bởi note mix voice F5 quá đẹp, quá chuẩn mực, đạt đến độ rền lớn, âm sắc sáng, đẹp, sự ổn định (efforless) chắc chắn, to nhưng vẫn mượt mà, âm lượng cân đối, vị trí âm thanh hoàn hảo, và đặc biệt là tròn vành, rõ chữ, nghe rất thoải mái, không hề gắng gượng như các note F5 khác. Có thể nói, đây là một trong rất ít note F5 đẹp nhất trong sự nghiệp hát live của Whitney, chính bản thân cô cũng hiếm khi làm được điều này.
Về khẩu hình, đây là màn trình diễn đáng học hỏi của Whitney. Nếu quan sát kĩ, bạn sẽ thấy khẩu hình của cô mở rất hoàn hảo, không gắng gượng, cứng nhắc, rất mềm mại, thư giãn ở các cơ môi và cằm, để phóng ra những âm thanh đẹp nhất. Whitney có một người bà họ hàng xa là diva opera Leontyne Price, người được mệnh danh là bậc thầy trong việc điều khiển và thư giãn khẩu hình, rất có thể cô đã học hỏi được nhiều điều từ diva huyền thoại này để có được một khẩu hình đẹp đến vậy.

Với sức sáng tạo lớn của mình, ở mỗi màn trình diễn, Whitney đều đem đến cho khán giả những điều mới lạ, không live nào giống live nào. Ca khúc Saving all my love for you cũng vậy, luôn có sự khác biệt và thăng hoa ở mỗi màn trình diễn trong suốt sự nghiệp của cô. Nhưng chỉ có màn trình diễn tại Letterman này mới đạt đến sự chuẩn mực cao nhất, không chỉ với những ca sĩ khác, mà ngay đến chính cô sau này cũng không chạm tới được.


_Đức Long_
Hải Phòng ngày 23 tháng 10 năm 2014



1 nhận xét:

  1. Bản live này rất hay nhưng mình lại cảm thấy bản live tại John Rivers Show năm 1985 của whitney hay hơn. Về head voice thì mình thích tất cả các note head voice trong ca khúc này được whitney live tại London show năm 1986.
    Bạn có thể làm một bài nhận xét về ca khúc Do you hear what i hear của whitney năm live vào năm 1991 được không?

    Trả lờiXóa