Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 6)



Diva là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc.

Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình.

Với công chúng, diva là một trong những thước đo để đánh giá, công nhận năng lực, cống hiến của người nghệ sĩ nữ.

Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được.

Thông thường, một nữ ca sĩ được gọi là Diva cần có giọng hát hiếm thấy, kỹ thuật thượng thừa và cống hiến to lớn với nền âm nhạc.

Rất nhiều ca sĩ từng gây ý kiến trái chiều khi tự nhận hoặc được gọi là Diva. Nhưng cũng có một số ít ca sĩ đóng đinh với chữ Diva, khiến công chúng luôn nhớ đến họ mỗi khi nhắc đến danh xưng này. Họ là những Diva huyền thoại và trác tuyệt, đúng nghĩa nhất, khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Cần phải nhắc đến Diva Opera đầu tiên, vì họ là những Diva nguyên gốc, với đầy đủ mọi chuẩn mực cao quý nhất của nền âm nhạc bác học.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 6) - Ảnh 1.

Marian Anderson

Marian Anderson – Giọng nữ trầm huyền thoại của nước Mỹ

Trong nền nhạc Opera và cổ điển, giọng nữ trầm dường như ít xuất hiện và ít có cơ hội nổi tiếng hơn nữ trung và nữ cao. Bản thân nữ trầm đã là loại giọng hiếm, ít người có và việc viết ca khúc riêng cho họ cũng khó hơn nên không nhiều nhà soạn nhạc chú trọng loại giọng này. Ngay trong Opera, các vai nữ chính đều dành cho nữ cao và nữ trung, nữ trầm chỉ được xếp vào vai phụ. Chính vì thế, giọng nữ trầm khó đạt được ánh hào quang như các loại giọng khác.

Tuy nhiên, vẫn có một giọng nữ trầm nhờ tài năng và cống hiến của mình mà làm nên lịch sử, đó là Marian Anderson.

Marian Anderson sinh năm 1897 tại Pennsylvannia, Philadelphia (Mỹ), trong một gia đình nghèo. Bà trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn nhưng vẫn được hưởng một nền giáo dục đầy đủ.

Anderson đam mê âm nhạc từ nhỏ và sớm bộc lộ năng khiếu ca hát nên mới 6 tuổi đã được đưa vào dàn hợp xướng. Thật đặc biệt là ngay từ lúc này, chất giọng nữ trầm của Anderson đã được bộc lộ và được mọi người gọi bằng biệt danh "The Baby Contralto". Đây là điều hiếm thấy vì đa số giọng nữ trầm chỉ phát triển đầy đủ khi đã trưởng thành.

Suốt thời niên thiếu, Anderson đi hát ở các tụ điểm âm nhạc để thỏa đam mê. Tới năm 17 tuổi, giọng hát trời phú của bà đã lọt vào mắt xanh giọng soprano Mary Saunders Patterson và được nhận dạy miễn phí. Tiếp đó, Anderson liên tục được các nhà sư phạm thanh nhạc hàng đầu nhận dạy vì ấn tượng với giọng contralto của bà.

Năm 1925, Anderson chiến thắng trước 300 đối thủ tại cuộc thi Lewisohn Stadium và có vinh dự được hát cùng New York Philharmonic trước 7500 khán giả. Cuộc biểu diễn này đã gây được tiếng vang lớn và khiến Arthur Judson, một ông bầu chuyên tổ chức các buổi biểu diễn đầy uy tín chú ý tới Anderson. Ông đã kí một hợp đồng với bà. Kể từ đó, Anderson gặt hái được nhiều thành công và đi diễn khắp nước Mỹ.

Marian Anderson sở hữu giọng nữ trầm quý hiếm cùng kỹ thuật điêu luyện, khiến nhạc trưởng Arturo Toscanini phải thốt lên: "Giọng hát của cô chỉ xuất hiện một lần trong vòng một trăm năm" (Nguồn: Nhaccodien).

Còn tờ New York Times thì viết: "Cô sở hữu một giọng hát tràn trề sức mạnh, tràn đầy cảm xúc, tạo ra sự tương phản rõ rệt và đặc biệt là sự duyên dáng".

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 6) - Ảnh 2.

Giọng hát của Anderson rất tối, sâu và có sức nặng lớn. Bà có thể hát giọng thật cực dày và xuống trầm như một giọng đàn ông. Âm vực của bà rất rộng, lên đến gần 3 quãng 8.

Anderson xuống thấp nhất là F2 (vốn khó khăn ngay cả đối với những baritone – nam trung) và lên cao tới âm vực của dramatic soprano dù rằng giọng hát của bà chính thức là contralto.

Bà cũng ghi âm một vài aria dành cho soprano. Tuy nhiên, contralto không phải là một giọng hát thích hợp cho Opera nên sự xuất hiện chủ yếu của Anderson là trong các tác phẩm thanh nhạc nhà thờ của Bach, Handel, Brahms hoặc các lieder của Schubert, Schumann cũng như những bài hát dân gian Mĩ mang âm hưởng tôn giáo.

Marian Anderson không chỉ đơn thuần là một ca sĩ một nhà yêu nước mà còn là một ví dụ điển hình nhất cho cho niềm tự hào của nhân dân Mỹ. Suốt cuộc đời mình, bà dùng tiếng hát để đấu tranh nhân quyền, chống phân biệt chủng tộc.

Khoảnh khắc Marian Anderson đứng hát trước hơn 75 nghìn khán giả cũng như hàng triệu thính giả qua làn sóng phát thanh tại buổi hòa nhạc ngoài trời phía trước Lincoln Memorial trong ngày lễ Phục sinh năm 1935 đã đi vào lịch sử nước Mỹ.

Trong thập niên 60, 70 của thế kỉ 20 xuất hiện một lớp những ca sĩ Mĩ da đen vô cùng nổi tiếng như Leontyne Price, Grace Bumbry, Jessye Norman, Kathleen Battle… nhưng mỗi khi nhắc đến Anderson, họ đều bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc, coi bà là thần tượng, là cái đích để họ phấn đấu, vươn lên trong sự nghiệp.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật kéo dài gần 80 năm, Anderson đã tạo cảm hứng cho nhiều triệu khán giả nhưng họ luôn nhớ tới bà là người  đã xóa đi rào cản ngăn cách giữa người da đen và người da trắng, giúp họ xích lại nhau hơn.

Trong suốt cuộc đời mình, bà đã giành được vô số giải thưởng danh giá. Năm 1963, bà được nhận huân chương American Medal of Freedom. Năm 1977, Quốc hội Mỹ trao tặng bà huy chương vàng nhân dịp 70 năm ngày sinh nhật Anderson. Năm 1986, bà nhận National Medal of Arts do tổng thống trao tặng.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 6) - Ảnh 3.

Zinka Milanov

Zinka Milanov – Một trong những Diva Opera đầu tiên của thế kỷ XX

Trong giới Opera vẫn truyền tụng nhau về câu chuyện một khán giả đi tìm mua đĩa CD vở La Gioconda của huyền thoại Maria Callas trong thời kỳ bà độc tôn vì tin rằng đó là CD hay nhất. Trong lúc đang đợi lấy đĩa CD thì khán giả này gặp một linh mục mặc áo choàng đen bước vào. Vị linh mục này cũng hỏi mua CD La Gioconda nhưng là của Zinka Milanov không chứ không phải Callas.

Người khán giả này khá ngạc nhiên, không hiểu sao vị linh mục lại không mua CD của Callas trong khi nó được xem là hay nhất. Cho tới nhiều năm về sau, anh ta mới hiểu được rằng, CD của Milanov cũng hay không kém.

Sở dĩ như vậy vì chính danh ca Renata Tebaldi từng bày tỏ quan điểm rằng Maria Callas chính là La Gioconda vĩ đại nhất, nhưng giọng ngực (chest voice) của Milanov trong La Gioconda mới là thứ hay nhất trong tất cả những ca sĩ nữ từng hát nó.

Zinka Milanov là một trong những thế hệ Prima Donna đầu tiên của Opera thế kỷ XX, trước cả Maria Callas. Bà sở hữu giọng nữ cao kịch tính hiếm thấy, đồ sộ với âm lượng lớn, phần quãng trung giọng ngực đanh dày, chắc khỏe, nội lực cuồn cuộn. Vào thời kỳ đỉnh cao của mình, dường như không tìm thấy được khuyết điểm trong giọng hát vàng ròng của bà, đúng như lời Joan Sutherland nói:

"Giọng hát này không sạn, không gợn, không trầy xước, không ồn chói. Âm thanh của cô ấy tráng lệ, ấm áp, trong trẻo và phát âm cực kỳ tuyệt vời" (Nguồn: Nhaccodien).

Dù không phải là người Ý, nhưng Milanov hát được và hiểu được ngôn từ tiếng Ý như một ca sĩ bản địa thực thụ, đặc biệt là những vở Opera thuần Ý. Nam cao Giuseppe Di Stefano khẳng định: "Cô ấy không phải người Ý, nhưng cô ấy hiểu mọi thứ về Opera". (Nguồn: Nhaccodien).

Giọng nữ cao Giulietta Simionato thì nhận xét: "Nếu như cô ấy biểu diễn tại Ý thường xuyên hơn, nhà hát La Scala sẽ bị cô ấy chiếm giữ, mọi người sẽ điên cuồng vì giọng hát này. Tôi đảm bảo với bạn, cô ấy sẽ đứng hàng top tại những nhà hát ở thành Rome" (Nguồn: Nhaccodien).

Về Opera, Milanov là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của trường phái Opera Verdi. Thế mạnh của một nữ cao kịch tính giúp Milanov lên được những đoạn cao trào bùng nổ, dữ dội, giằng xé nhưng cũng có lúc ấm áp, đầy đặn. Đây là điều mà hiếm giọng nữ cao kịch tính nào làm được.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 6) - Ảnh 4.

Về mảng Opera Verdi, nhạc trưởng vĩ đại cuối thế kỷ 19 Arturo Toscanini từng nói: "Tất cả các bản nhạc của Verdi chắc hẳn sẽ thích giọng hát này lắm đây. Tôi rất hiếm khi nghe một giọng nữ cao nào hát các vở của Verdi như cô ấy, nếu có cơ hội làm lại bản Rigoletto hoàn chỉnh lần nữa, vai Gilda sẽ phải là cô ấy" (Nguồn: Nhaccodien).

Biểu tượng văn hóa với giọng hát tự nhiên đẹp nhất kỷ nguyên ghi âm Rosa Ponselle cũng khẳng định: "Tôi phải khẳng định rằng, cô ấy là một giọng ca tuyệt vời, cô ấy là một phần của lịch sử trình diễn Opera và đạt đến đỉnh cao nhất. Cô ấy làm hoàn hảo mọi vai diễn" (Nguồn: Nhaccodien).

Thậm chí, đến thiên tài Maria Callas với tính cách ngông ngênh cũng phải thừa nhận về Milanov: "Tôi rất sợ việc cô ấy có thể nhìn thấu tôi, nếu như bạn có chút sai sót nào, với tư cách là một nghệ sĩ đích thực, cô ấy sẽ nhìn ra lỗi đó, bạn không thể lừa được ánh mắt và đôi tai của cô ấy. Cô ấy thực sự duyên dáng đấy, nhưng tôi vẫn khá sợ hãi" (Nguồn: Nhaccodien).

Qua những nhận định trên, có thể thấy được phần nào tài năng của Zinka Milanov. Vì sự nghiệp của bà diễn ra trước thời kỳ hoàng kim của kỷ nguyên thu âm thế kỷ XX nên công chúng ngày nay ít biết tới bà hơn những danh ca Opera khác.

Hơn nữa, Milanov cũng nổi tiếng với tính cách đồng bóng, không chịu nhường nhịn đàn em nào. Nhưng dù sao đi nữa cũng không thể phủ nhận, bà là một tài năng lớn, giọng hát đồ sộ khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều thế hệ ca sĩ đi sau, khiến ai cũng phải ngả mũ kính phục.

Long Phạm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét