Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Giải mã các bí ẩn đằng sau MV triệu view của Tùng Dương: Quá nhiều ẩn ý thâm sâu

 Vừa qua, nghệ sĩ Tùng Dương đã ra mắt sản phẩm âm nhạc mới mang tên Cánh chim phượng hoàng. Đây là một sáng tác giàu chất thơ, đậm tính nhân văn của nhạc sĩ Tú Dưa. Tùng Dương cũng đầu tư lớn để thực hiện MV vô cùng hoành tráng về hình ảnh và sâu sắc về nội dung, ý nghĩa cho Cánh chim phượng hoàng.

Tùng Dương từ lâu đã được biết đến là một trong số ít nghệ sĩ đương đại có sự sâu sắc và giàu học thuật trong âm nhạc. Mỗi khi thực hiện một tác phẩm, anh luôn đau đáu việc truyền tải vào nó nhiều giá trị nghệ thuật, ý tượng thâm sâu gắn với văn hóa, xã hội, nhân sinh. Tới MV Cánh chim phượng hoàng này, Tùng Dương một lần nữa khẳng định tư duy nghệ thuật ở tầm cao của mình.

Giải mã các bí ẩn đằng sau MV triệu view của Tùng Dương: Quá nhiều ẩn ý thâm sâu- Ảnh 1.

Tùng Dương trong MV Cánh chim phượng hoàng

Những hình ảnh mang đậm giá trị văn hóa phương Đông

Dưới tư cách một nghệ sĩ mang tinh thần dân tộc cao, Tùng Dương luôn tìm tòi, nghiên cứu về văn hóa, cội nguồn dân tộc Việt Nam để thể hiện vào các sản phẩm âm nhạc.

Trong MV này, Tùng Dương lấy hình ảnh chủ đề là Phượng hoàng, một hình ảnh đậm chất phương Đông (mà cụ thể hơn là vùng Đông Nam Á, cội nguồn văn minh của người Việt).

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Phượng hoàng là một trong tứ linh, xuất hiện nhiều ở truyện cổ, đình chùa, kiến trúc cổ… Đây là loài vật trấn giữ phương Nam theo thuyết tứ linh, với màu đỏ và vàng đặc trưng (khác với ba linh thú trấn giữ ba phương còn lại).

Hai màu sắc này gắn với phương Nam trong ngũ hành âm dương vì vùng đất này thuộc khí hậu nhiệt đới, thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trọng đất, nước, mặt trời.

Vì vậy, Tùng Dương chọn hình ảnh Phượng hoàng để nhấn mạnh vào văn hóa bản địa người Việt, dùng loài chim cao quý tôn lên sức mạnh, vị thể, giá trị dân tộc Việt Nam.

Từ hình ảnh Phượng Hoàng, Tùng Dương kết hợp thêm với hình ảnh trống đồng Đông Sơn (với các hoa văn về chim lạc hồng, về thời kỳ đồ đồng) để kết nối với ý tượng về Hồng Bàng - một giai đoạn lịch sử thuộc thời đại thượng cổ của lịch sử Việt Nam, gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước, với các vị vua Hùng thuở sơ khai dựng nước. Hồng Bàng còn có nghĩa là Chim Rồng, chỉ nguồn cội con rồng cháu tiên của người Việt.

Giải mã các bí ẩn đằng sau MV triệu view của Tùng Dương: Quá nhiều ẩn ý thâm sâu- Ảnh 3.

Như vậy, chỉ qua một hình ảnh chủ đề về Phượng hoàng, Tùng Dương đã đưa không gian nghệ thuật của MV đi từ thời dựng nước tới tận ngày nay, với bao giá trị về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, những chi tiết mang tính huyền thoại, sử thi được lồng ghép vào càng giúp MV được mở rộng, bao trùm và hùng vĩ, nâng cao tầm vóc dân tộc Việt Nam.

Trong các nền văn minh trên thế giới, không một dân tộc nào lại không có sử thi, thần thoại và những dân tộc càng có sử thi đồ sộ thì càng lớn mạnh, tạo ảnh hưởng về văn hóa. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã đưa sử thi, thần thoại của họ vào các sản phẩm nghệ thuật cá nhân, giúp truyền bá nó dễ dàng, hài hòa.

Nhìn một cách sâu xa hơn, có thể thấy, việc một nghệ sĩ đưa những yếu tố sử thi, hùng tráng vào sản phẩm nghệ thuật thể hiện được tinh thần dân tộc của người nghệ sĩ đó, và Tùng Dương đã làm được điều này.

Màu vàng được sử dụng chủ đạo trong MV vì theo thuyết ngũ hành, màu vàng đại diện cho "nhân", nằm ở trung tâm của 4 phương. Qua đó, Tùng Dương muốn nhấn mạnh vào vị thế của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, cũng là một triết lý mang đậm tính triết học Đông phương trong thuyết ngũ hành của người Việt cổ. 

Ngoài ra, đỏ và vàng cũng là hai màu gắn với quốc kỳ Việt Nam và bộ trang phục Tùng Dương mặc cũng gợi liên tưởng tới lá cờ đỏ sao vàng, càng thấm đẫm tinh thần dân tộc.

Hình ảnh bông sen nở rộ ở cuối MV cũng quen thuộc vì sen vốn là loài hoa biểu tượng của Việt Nam, đồng thời là loài hoa cao quý, cốt cách trong sạch, gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Qua hình ảnh hoa sen, Tùng Dương muốn nhấn mạnh vào giá trị tinh hoa, cốt cách của người Việt đang vươn lên trong thời đại hiện nay, những giá trị tinh túy, cốt lõi sẽ được phát huy.

Giải mã các bí ẩn đằng sau MV triệu view của Tùng Dương: Quá nhiều ẩn ý thâm sâu- Ảnh 4.

Sự hồi sinh của 5 người phụ nữ đẹp và phẩm chất giới tính, nữ quyền

Trong MV Cánh chim phượng hoàng có sự góp mặt của 5 người phụ nữ tài hoa thuộc 5 lĩnh vực khác nhau gồm: NSND Lê Khanh (kịch nghệ), NSND Thanh Lam (âm nhạc), hoa hậu Hà Kiều Anh (sắc đẹp), nghệ sĩ múa Linh Nga (múa), vận động viên wushu Thúy Hiền (thể thao).

Cả 5 người phụ nữ này đều có điểm chung là tài năng, xinh đẹp, từng đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp, công việc, lĩnh vực mà họ theo đuổi, được nhiều người trọng vọng. Tuy nhiên, họ cũng phải trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời để bây giờ mới hồi sinh một lần nữa.

5 người phụ nữ này chính là những cánh phượng hoàng chân thực, điển hình nhất, hồi sinh từ đống tro tàn để vươn mình chói sáng, rực rỡ bằng sức mạnh nội tại, vẻ đẹp tiềm ẩn. Sự hiện diện của họ là minh chứng cho vẻ đẹp của người phụ nữ dù ở độ tuổi nào, xóa tan định kiến rằng phụ nữ có tuổi là hết thời, là dĩ vãng. Chính họ hiện tại vẫn đang tìm đến những đỉnh cao mới trong sự nghiệp. MV được mở đầu bằng màu sắc đen tối rồi chuyển sang cao trào trong màu sáng rực rỡ, chói lóa cho thấy sự vận động đầy tích cực, chuyển mình và vươn lên trong hào quang của 5 người phụ nữ. 

Đây cũng là lời động viên cho tất cả các kiếp người, dù ở vị trí, hoàn cảnh và phải chịu nhiều nỗi đau, khó khăn thế nào, chỉ cần có niềm tin, hi vọng và biết nỗ lực, phấn đấu là sẽ có ngày thành công, tự mình thay đổi số phận chính mình. Qua đó, khán giả thấy được một nguồn năng lượng tích cực dồi dào từ MV truyền tới mình và đó mới là giá trị nhân văn của nghệ thuật, tôn lên vẻ đẹp con người.

Giải mã các bí ẩn đằng sau MV triệu view của Tùng Dương: Quá nhiều ẩn ý thâm sâu- Ảnh 5.

Tùng Dương là một nam ca sĩ nhưng MV Cánh chim phượng hoàng lại mang đậm tính nữ, qua các hình ảnh, nhân vật, ý tượng. Đây cũng là một ý đồ nghệ thuật sâu sắc gắn với văn hóa người Việt, chứ không đơn giản là nữ quyền.

Cội nguồn văn minh người Việt là nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nên trọng nước, trọng đất, trọng mẫu… Tóm lại là trọng âm tính, trọng những gì thuộc về tính âm, giống cái.

Vì thế nên đạo cổ truyền người Việt là đạo Mẫu, thờ Mẫu. Các hình thức thờ cúng trong hang, trong động, cúng bánh trôi… cũng liên quan đến tục thờ Mẫu, thờ tính âm. Ngay cả trong ngôn ngữ thuần Việt cũng thế hiện rõ sự trọng âm, trọng giống cái (như "ngón tay cái", "ngón chân cái"…).

Rõ ràng, việc trọng âm tính, trọng giống cái, trọng phụ nữ là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt, gắn với văn minh, lối sống, hình thức sinh tồn từ thời hồng hoang, dựng nước tới giờ, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này. Tùng Dương chắc hẳn đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về văn hóa Việt cổ để tôn vinh phẩm chất giới tính vào sản phẩm nghệ thuật. Anh đã kết nối được văn hóa cổ truyền của người Việt với phong trào đấu tranh nữ quyền của thế giới hiện đại trong MV này.

Cánh chim phượng hòa là một MV đậm tính nghệ thuật và nội dung vĩ mô, khác hoàn toàn với nhiều MV ngày nay chủ yếu về tình yêu, cá nhân. Vì lẽ đó, nó không dễ tiếp cận.

Vậy nhưng, MV chỉ mới ra mắt chưa đầy chục ngày đã đạt tới 1,5 triệu view. Con số này không hề nhỏ với một MV vị nghệ thuật như vậy. Điều đó cho thấy, những sản phẩm âm nhạc chất lượng vẫn được công chúng quan tâm và âm nhạc Việt Nam cần có những nghệ sĩ bản lĩnh, dám nghĩ dám làm như Tùng Dương.


Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét