Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

NSND Thương Huyền: Nàng thơ của Phạm Duy trước Thái Thanh, ngôi sao sáng chói của cả tân nhạc và nhạc Cách mạng

 Tân nhạc Việt Nam gắn liền với những tên tuổi lớn như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy… Trong khi đó, nhắc đến nhạc Cách mạng, người ta lại thường nhớ tới những cái tên nổi trội như Lê Dung, Tường Vi, Thanh Hoa…

Vậy nhưng, có một cây đại thụ đứng giữa hai dòng chảy âm nhạc này ngay từ thuở ban sơ và có nhiều đóng góp lớn cho cả hai dòng nhạc, và thậm chí là cả dân ca. Bà được ví như ngọn đuốc soi sáng mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên cho cả tân nhạc lẫn nhạc Cách mạng và là nàng thơ của nhiều nhạc sĩ lớn. Đó là nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền.

Ngôi sao sáng chói đứng giữa hai dòng chảy âm nhạc, đặt những viên gạch đầu tiên

NSND Thương Huyền tên thật là Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1923 tại Đan Phượng, Hà Nội và từ nhỏ đã thấm nhuần những làn điệu dân ca cũng như văn hóa làng quê Bắc Bộ, với những câu hò, điệu ru.

NSND Thương Huyền: Nàng thơ của Phạm Duy trước Thái Thanh, ngôi sao sáng chói của cả tân nhạc và nhạc Cách mạng - Ảnh 1.

NSND Thương Huyền

Trước khi đến với nhạc Cách mạng, NSND Thương Huyền là một tên tuổi lớn, ngôi sao sáng của tân nhạc Việt Nam thưở ban sơ. Bà đi hát từ rất sớm, trước năm 1945.

Ngày đó, NSND Thương Huyền và nghệ sĩ Mai Khanh thường hát những bài hát của Văn Cao, Phạm Duy... tại quán Tân Nghệ sĩ, Thiên Thai và gây được nhiều tiếng vang. Bà là người ca sĩ hiếm hoi được sống cùng thời, cùng trò chuyện, tâm giao và tiếp nhận chung những văn hóa mới cùng các đại nhạc sĩ này, về cả thi ca, âm nhạc lẫn văn hóa thưởng thức, biểu diễn.

NSND Thương Huyền còn là nàng thơ của nhạc sĩ Phạm Duy (trước cả Thái Thanh). Cụ thể, trong hồi ký của mình, Phạm Duy đã nhiều lần nhắc đến Thương Huyền. Ông miêu tả Thương Huyền như "một người đàn bà tài năng như đa tình, phóng túng, có tính cách bất cần đời". Thậm chí, Phạm Duy còn tiết lộ, ông và Thương Huyền từng có thời gian là tình nhân, yêu nhau thắm thiết.

Cùng với Kim Tiêu, Thái Thanh, NSND Thương Huyền là một trong những nghệ sĩ đầu tiên hát nhạc của Văn Cao, qua những ca khúc như Suối mơ, Thiên thai, Đàn chim Việt…

Sau Cách mạng tháng Tám, Thương Huyền là một trong những ca sĩ đầu tiên đi theo Cách mạng. Tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, bà đã hát 2 ca khúc Suối mơ và Thiên thai trong buổi khai mạc chương trình Tuần lễ Vàng và Hũ gạo cứu đói do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Thương Huyền nhanh chóng trở thành nữ danh ca hàng đầu ở Hà Nội tại thời điểm này. Bà hát nhiều thể loại, từ những ca khúc trữ tình như những ca khúc của Văn Cao, Trào lòng (Nguyễn Văn Khánh), Chinh phụ hoài khúc (Lê Xuân Ái), Hòn vọng phu 1 (Lê Thương), Nhắn người chiến sĩ (Doãn Mẫn)... cho tới những sáng tác Cách mạng mới như Nhớ chiến khu, Côn Đảo, Sơn La (Đỗ Nhuận), Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng (Lưu Hữu Phước),... Với kỹ thuật tốt và lối xử lý ca khúc điêu luyện, tinh tế, Thương Huyền dễ dàng làm chủ nhiều ca khúc khó ở những dòng nhạc khác nhau.

Sau khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Thương Huyền tham gia Đoàn Kịch Giải phóng, cùng nhiều cây đại thụ khác như Song Kim, Lưu Bách Thụ, Phạm Văn Đôn, Hoàng Oanh, Phạm Duy, Phạm Đình Viêm, Văn Cao, Mai Khanh.

NSND Thương Huyền: Nàng thơ của Phạm Duy trước Thái Thanh, ngôi sao sáng chói của cả tân nhạc và nhạc Cách mạng - Ảnh 3.

Bà theo đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi trên các chiến trường, các khu sơ tán. Năm 1947, bà được mời về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc.

Tại đây bà đã được thu âm và phát sóng nhiều bài hát như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Mơ đời chiến sĩ (Lương Ngọc Trác), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Sông Lô, Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)... Trong thời gian này, Thương Huyền là ngôi sao tại Đài tiếng nói Việt Nam, với giọng hát mang tính lịch sử và bao trùm lên công chúng.

NSND Thương Huyền là người rất nỗ lực và chăm chỉ học hỏi. Để phục vụ nhân dân, bà đã đi học hỏi thêm những làn điệu dân ca, hát chèo của các nghệ sĩ lão thành như Năm Ngũ, Dịu Hương... Từ đó, Thương Huyền đem lối hát dân ca thổi vào Cách mạng, giúp nhạc Cách mạng mang được hồn điệu dân tộc sắc nét, tình cảm hơn. Tiếng hát Thương Huyền chân thành, mộc mạc và in dậm dấu ấn dân tộc.

Sau năm 1954, Thương Huyền trở về Hà Nội công tác. Bà cùng đội hợp xướng Hòa Bình sang Trung Quốc thu những đĩa hát đầu tiên của Việt Nam. Năm 1957 trong Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên lần thứ VI tổ chức tại Moskva, bà đã giành Huy chương Bạc ở cuộc thi hát dân ca quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên một ca sĩ Việt Nam giành một giải thưởng quốc tế. Điều này cho thấy, Thương Huyền dù không được đào tạo bài bản trường lớp nhưng lại hát khá kỹ thuật và có chuyên môn cao.

Có thể thấy, Thương Huyền là giọng hát dân ca Bắc Bộ số một trong thập niên 50 và 60 (cùng với Thái Thanh ở miền Nam). Bà là người thể hiện thành công nhiều ca khúc như: Câu hò bên bến Hiền Lương (Nguyễn Tài Tuệ), Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân), Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), Đảng là người mẹ hiền (Đỗ Minh), Trăng sáng đôi miền (An Chung), Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì (Hoàng Hà), Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi), Ru con (dân ca Nam Bộ), Hòa bình tươi vui…

Không chỉ thành công ở sự nghiệp ca hát, NSND Thương Huyền còn là thầy của nhiều thế hệ ca sĩ. Với chuyên môn vững chắc và kinh nghiệm ca hát tiên phong, bà đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh xuất sắc như NSND Lê Dung, nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La (một trong những nhà giáo, giảng viên có đóng góp lớn về đào tạo thanh nhạc cổ điển).

NSND Thương Huyền: Nàng thơ của Phạm Duy trước Thái Thanh, ngôi sao sáng chói của cả tân nhạc và nhạc Cách mạng - Ảnh 4.

Tiếng hát điêu luyện nhưng chân thành, mộc mạc

NSND Thương Huyền sở hữu giọng nữ cao trữ tình sáng mảnh (light lirico soprano) với âm sắc mảnh nhẹ, cữ âm khá cao. Được làm việc với những nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Phạm Duy trong thời gian đầu sự nghiệp giúp Thương Huyền sớm tiếp thu được một số lối hát Tây phương, kết hợp cùng lối hát dân ca Bắc Bộ truyền thống.

Nhờ đó, Thương Huyền dùng được head voice và đưa nó vào ca khúc một cách nhuần nhuyễn. Head voice của bà là kiểu head voice tiên phong giai đoạn đầu của tân nhạc, khi chưa được tiếp nhận hệ thống thanh nhạc phương Tây một cách bài bản. Do đó, Thương Huyền không hát head voice cộng minh như các thế hệ ca sĩ sau này mà dùng bạch thanh, twang.

Lối hát head voice đặc trưng này kết hợp nhuần nhuyễn được với kiểu hát khép tiếng truyền thống dân tộc, khá thích hợp để thể hiện làn điệu dân ca và đưa nó vào nhạc Cách mạng.

Giọng hát của Thương Huyền có đôi nét khá giống Thái Thanh, âm cữ cao, mixed voice tới E5 dễ dàng. Tất nhiên, ở thời kỳ đó, Thương Huyền không belting mà chỉ dùng mixed voice để nhả vào từng chữ, phát âm rõ ràng, tách bạch từng âm tiết (từ âm đóng tới âm mở). Có những âm tiết được Thương Huyền hát trên tận E5 mixed voice, rất cao so với giọng nữ thông thường. Trong khi đó, head voice của bà có thể lên tới G5.

Sau khi trau dồi về dân ca Bắc Bộ, Thương Huyền sử dụng được kỹ thuật rung hột (một kĩ thuật điển hình của quan họ) và thổi hồn nó vào nhạc Cách mạng cũng như dân ca. Nhờ đó, bà thể hiện thành công nhiều ca khúc dân ca Bắc Bộ, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh như Trống cơm, Hoa thơm bướm lượn, Trèo lên trái núi thiên thai, Lý cây đa... Cách rung vibrato của Thương Huyền rất đặc trưng, nhanh, nảy và chắc.

Ngoài ra, Thương Huyền có thể chuyển giọng mượt mà và luyến láy rất ngọt, bỏ nhỏ đúng chỗ và êm ái.


Long Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét