I. Giới thuyết khái quát về Chủ nghĩa hiện sinh
Chủ nghĩa hiện sinh (Existentianlism) là một khuynh hướng
triết học, mỹ học, một phong trào văn hóa thịnh hành trước và nhất là sau chiến
tranh thế giới thứ II, từng gây bão trong giới trẻ phương Tây nửa cuối thế kỉ
XX, được phản ánh rộng rãi trong văn học Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản. Cùng với sự
phát triển của văn hóa đại chúng (Pop Culture) trong những thập niên cuối của
thế kỉ, nó đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới và gây dựng một tầm ảnh
hưởng lớn trên nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ.
Về nguồn gốc tư tưởng và triết lí của chủ nghĩa hiện sinh,
có thể tìm thấy sớm nhất ở Pascal, nhà văn, nhà tư tưởng Pháp thế kỉ XVII, hoặc
ở Dovtoiepski, nhà văn Nga thế kỉ XIX, mà điển hình là tác phẩm Tội ác và trừng
phạt. Nhưng trực tiếp nhất phải kể đến lý thuyết về "Tội lỗi của con người
trong thời đại mất Chúa" của Soren Kierkegaard, triết gia Đan Mạch nửa đầu
thế kỉ XIX. Phản đối Heghen, phản đối triết học cổ điển, Soren chống lại mọi
thứ duy lý, logic, hệ thống, nhiệm vụ của triết học theo ông chỉ là mô tả cuộc
sống của con người như nó đang tồn tại (hiện sinh). Đồng hành với Soren có thể
kể đến Friedrich Nietzsche. Trong các tác phẩm của mình, họ chú trọng vào những
sự trải nghiệm chủ quan của con người hơn những chân lý khách quan của khoa
học, cái mà họ coi rằng quá xa cách để hiểu được những trải nghiệm của con
người, bác bỏ những mệnh đề triết học truyền thống, những chân lí cố hữu được
cho là chuẩn mực, quan tâm đến cuộc đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân với sự vô
nghĩa của cuộc sống. Nhưng chủ nghĩa hiện sinh chỉ thực sự nổi lên kể từ sau
chiến tranh thế giới thứ II với tên tuổi của hai nhà triết học hiện sinh là
Jean Paul Sartre và Albert Camus, các tác phẩm của họ chú trọng vào các chủ đề
như "nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội (Social alienation),
sự phi lý, tự do, cam kết (Commitment), và hư vô" như là nền tảng của sự
hiện sinh con người. Khái quát về con đường của chủ nghĩa hiện sinh, Walter
Kaufmann cho rằng, đây là "sự từ chối gia nhập bất cứ trường phái tư tưởng
nào, sự bác bỏ rằng không có bất cứ niềm tin hay đặc biệt là hệ thống niềm tin
nào là thỏa đáng, và một sự thất vọng rõ rệt đối với triết học truyền thống vì
nó bề nổi, hàn lâm, và xa cách với cuộc sống".
II. Văn hóa hiện sinh trong những năm sau thế chiến thứ II
Trong thời đại tiêu thụ đại chúng, công nghiệp hóa hiện
đại, thì thanh thiếu niên là thế hệ dễ bị tổn thương nhất, họ luôn phải quằn
mình chịu đựng hàng tấn gông kìm từ phong hóa xã hội và gia đình. Nhà nước,
chính quyền, người lớn luôn dùng những chuẩn mực đạo đức, những trật tự cũ kĩ,
cổ hủ để đè nén nên đôi vai của những con chim đang khao khát bay nhảy. Với
những mệnh đề triết học mới mẻ, phóng khoáng, đầy tự do, chủ nghĩa hiện sinh đã
nhanh chóng chiếm được cảm tình của thế hệ trẻ, được họ ủng hộ và làm theo, trở
thành một lối sống riêng - lối sống hiện sinh (còn gọi là phong trào Hippie).
Trong văn hóa học, phong trào Hippie được coi là một dạng phản văn hóa, khi mà
những người trẻ tuổi trở nên đối lập, xung đột với các chuẩn mực, giá trị chung
của toàn xã hội tập hợp lại với nhau thành từng nhóm, xây dựng những chuẩn mực,
giá trị riêng (văn hóa nhóm) để công khai bác bỏ những chuẩn mực văn hóa chung.
Tôn chỉ của lối sống hiện sinh là: "Con người có một phần động vật, nên nó thuộc
về tự nhiên, vì thế phải trả nó về tự nhiên, đừng lấy các quy phạm xã hội cứng
nhắc áp đặt nó". Những người trẻ đi theo lối sống hiện sinh luôn muốn gạt bỏ mọi
chuẩn mực trong cách sống mà xã hội cố gắng áp đặt lên họ, họ thích để tóc dài,
đi chân đất, mặc quần áo có nhiều chỗ rách, thủng và đi tới những nơi sang
trọng, thách thức cả xã hội nhìn vào họ. Nếu ở thế kỉ XVII, chủ nghĩa cổ điển
nổi tiếng với phương châm "Tôi tư duy là tôi tồn tại" thì bây giờ,
giới trẻ sống theo phương châm "Tôi nổi loạn là tôi tồn tại". Rất
nhiều người nổi tiếng đã đi tiên phong cho phương châm đó, ví dụ như người mẫu
Jean Shrimpton phớt lờ mọi tiếng la ó dè bỉu cô tại cuộc đua ngựa của giới quý
tộc ở Úc, xuất hiện trước khán giả trong chiếc váy hơi ngắn hơn thuờng lệ, tay
trần, gấu váy cao trên đầu gối 10cm, bỏ cả tất chân, để hở cặp chân
rám nắng nổi tiếng, không đeo găng tay và xõa tóc một cách tự nhiên. Không có
trang sức đắt tiền, cổ tay cô chỉ đeo một chiếc đồng hồ nam cỡ nhỏ. Phong cách
thiếu nữ trẻ trung của cô đã phá vỡ mọi quy ước về trang phục cho những lễ hội
trang trọng, thách thức giới thượng lưu Úc và những “lệ làng” của họ. Hay Nan
Kempner mặc đồ bộ Le Smoking (bộ Texedo lưỡng tính dành cho nữ giới do
huyền thoại Yves Saint Laurent thiết kế, tạo nên một kỉ nguyên thời trang mới
cho quyền lực của người phụ nữ) vào dùng bữa tại nhà hàng Paris. Khi bị ngăn
lại, không được vào nhà hàng, Nan Kemper đã phản kháng lại theo một cách mãnh
liệt, cô ung dung cởi chiếc quần và thản nhiên bước vào nhà hàng để lại đám
đông đang tròn mắt vì kinh ngạc. Thậm chí ngay cả ở Việt Nam, việc Khánh Ly bỏ
giày, đi chân đất lên sân khấu biểu diễn trong những năm đầu sự nghiệp, theo
tôi, cũng là một hành động hưởng ứng lối sống hiện sinh lúc bấy giờ.
Tuyên ngôn sống của họ là "Make love, not war"
(Làm tình, không chiến tranh), câu khẩu hiệu được lấy từ ca khúc If you're
going to San Francisco. Họ phản đối chiến tranh vì đó là con quỷ dữ đem đến đau
thương và cướp đi tự do của con người, ủng hộ việc quan hệ tình dục thoải mái,
coi nó như một phương tiện dẫn lối cho tự do và giúp họ thoát khỏi xiềng xích
của phong hóa cũ kĩ. John Lennon của nhóm The Beatles đã từng hiện thực hóa
phương châm này khi tổ chức tuần trăng mật trên giường với cô vợ người Nhật là
Yoko Ono, suốt một tuần lễ, hai người chỉ nằm trên một chiếc giường (gọi là
chiếc giường hòa bình) tại Amsterdam, Hà Lan và mời nhà báo, chuyên gia đến
phỏng vấn, trao đổi như một cách để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam
lúc bấy giờ.
Tượng đài của lối sống hiện sinh chính là nhóm nhạc The
Beatles, âm nhạc và phong cách, thời trang của nhóm luôn thể hiện rõ nhất mọi
trạng thái của giới trẻ lúc bấy giờ, từ thái độ chán trường, cô đơn, vô định
trong một xã hội đầy phi lí mang đậm tính hậu hiện đại chủ nghĩa, đến những sắc
thái nổi loạn, chống chiến tranh, đòi hỏi tự do cho giới trẻ. Nhóm cũng thường
xuyên có những phát ngôn gây sốc thể hiện sự nổi loạn, chống phá tư tưởng cũ kĩ như: "The Beatles nổi tiếng hơn Chúa Jesus" (tuyên chiến với tôn
giáo), "Nhạc pop là opera của thời hiện đại" (tuyên chiến với nền
nghệ thuật chuẩn mực, gò bó của giới quý tộc)... Tại Việt Nam, Trịnh Công Sơn
được coi như người đầu tiên mang hiện sinh vào âm nhạc, tương tự với Bob Dylan
ở Mỹ. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nét tương đồng giữa ca khúc Để gió cuốn
đi của Trịnh với ca khúc Blowin' in the wind của Bob, và một số ca khúc mang
tính hiện sinh nữa như Tiến thoái lưỡng nan, Phôi pha...
Chủ nghĩa hiện sinh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ,
nhưng nó không phải một thứ mốt thời trang để đua đòi học theo, để chứng tỏ bản
thân, nó là một lối sống đến từ trái tim và tâm hồn. Với người nghệ sĩ cũng
vậy, chỉ những ai thực sự trải qua bế
tắc, cô đơn, đau đớn bởi sự chèn ép của xã hội và có một trái tim khát khao
vươn lên mới thực sự thăng hoa trong sáng tạo hiện sinh. Những nghệ sĩ như vậy
không nhiều, ngoài những tên tuổi nổi tiếng như tôi vừa nói trên thì Nina
Simone chính là một gương mặt tiêu biểu của nền âm nhạc hiện sinh thế kỉ XX.
III. Đôi nét về Nina Simone - người nghệ sĩ tài năng của nền
âm nhạc hiện sinh
Nếu kể tên những nghệ sĩ hàng đầu đã đặt nền móng cho nhạc
Jazz nói riêng và âm nhạc của người da màu nói chung, không thể không kể đến
Nina Simone, giọng nữ trầm nội lực và đầy ma mị. Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của
Nina là ước mơ của nhiều ca sĩ, cô và Etta James được coi như hai thánh nữ của
nhạc Jazz, nhưng ít ai biết rằng, cô có một tuổi thơ khá tủi nhục. Nina Simone
tên thật là Eunice Kathleen Waymon sinh ngày 21 tháng 2 năm 1933 tại Tryon,
tiểu bang North Carolina, trong một gia đình người Mỹ gốc Phi nghèo khó. Giữa
một giai đoạn khốn nạn, khi mà nạn phân biệt chủng tộc diễn ra gay gắt và đê
tiện nhất, thì những người da màu nghèo khó như gia đình Nina chính là những
nạn nhân phải hứng chịu nhiều đè nén nhất. Nina đã từng suýt phải bỏ học dương
cầm vì không có tiền, rất may, một mạnh thường quân nhận thấy tài năng của cô
lúc đó chỉ mới sáu tuổi và đã trả tiền các lớp dương cầm cho cô. Chấn động tâm
lí đầu tiên đến với Nina vào năm 10 tuổi, khi đang trình diễn tại thư viện tỉnh
nhà, cô đã phải chứng kiến cha mẹ mình, đang ngồi hàng ghế đầu, bị buộc phải
rời chỗ, để nhường cho một cặp da trắng. Hình ảnh này đã in sâu vào tâm trí
Nina, nuôi dưỡng một tâm hồn đầy hiện sinh, cái sẽ trở thành tài năng riêng của
cô sau này, giúp cô trở thành một trong những nhà hoạt động nhân quyền lớn nhất của nền âm nhạc đại chúng thế kỉ. Trong cuộc đời mình, Nina cũng gặp phải nhiều
rắc rối khác vì nạn phân biệt chủng tộc, khi cô đi học, rất ít bạn bè chơi với
cô, nhiều trường âm nhạc từ chối cô chỉ vì cô là người da màu, cô đã phải sống
trong bế tắc nhiều năm liền do phải chịu quá nhiều kì thị. Nhưng bản lĩnh và
nghị lực kiên cường trong tâm hồn cô gái trẻ da màu đã giúp Nina biết lấy những
đắng cay đó là ngọn lửa thổi bùng lên đam mê âm nhạc cháy bỏng của mình, để
dùng âm nhạc đáp trả lại cuộc đời, đáp trả xã hội chó đểu cô đang sống. Sau
này, vì không chịu nổi sự phân biệt chủng tộc tại Mỹ, cô đã chuyển qua châu Âu
sinh sống và phát triển sự nghiệp, đạt được nhiều thành công rực rỡ.
Là một người nghệ sĩ có trách nhiệm nghệ thuật cao cả, Nina
coi âm nhạc như con thuyền chuyên chở nhân sinh quan tiến bộ của mình đến với
công chúng, cô hát về tự do, bình đẳng, công lý, hát để thay đổi thế giới và
mang loài người đến gần nhau hơn. Không chỉ vậy, với tuyên ngôn "Bổn phận
của một nghệ sĩ là phản ánh thời đại", Nina đã biến âm nhạc của mình thành
tấm gương lớn phản chiếu rõ nét một thời đại bão táp những năm thập niên 60 của
thế kỉ XX - Thời đại của lối sống hiện sinh. Trong sự nghiệp của mình, Nina có
rất nhiều ca khúc mang tính hiện sinh và đấu tranh nhân quyền, chống phân biệt
chủng tộc sâu sắc, tự hào về nguồn gốc của mình như Wild is the wind, To be
young, gifted and black, Ain't got no
I've got life, Mississippi Goddam... Cô cũng thường xuyên cover lại nhạc của
The Beatles, Bob Dylan, vốn là những tượng đài của âm nhạc hiện sinh như Here
comes the sun, Revolution, All you need is love, Just like a woman, I shall be
released, The times they are a changin... như một cách để thể hiện lập trường
âm nhạc, bản lĩnh chính trị vững chắc của mình. Hình ảnh một người phụ nữ thuần
da màu, ánh mắt đanh thép, giọng hát trầm khàn đầy nội lực (các giảng viên
thanh nhạc ở nhạc viện Lysenko Conservatoria, Lviv, Ukraine và nhiều nguồn tài
liệu cho rằng, nếu có một nữ ca sĩ nhạc đại chúng đủ sức đứng chung sân khấu
với các ca sĩ opera để đọ giọng mà không bị át giọng, thì đó chỉ có thể là Nina
Simone), nhưng đầy ma mị, ảo diệu, vẩn vơ trong làn khói thuốc lá, với đôi tay
chơi dương cầm điêu luyện, cất lên những lời ca man dại thách thức cuộc đời đã
trở thành bức tượng đài bất diệt trong lòng khán giả.
IV. Dấu ấn hiện sinh trong ca khúc Ain't got no... I've got
life của Nina Simone
Trong những ca khúc thành công của Nina Simone, tôi yêu
thích và ám ảnh nhất ca khúc Ain't got no... I've got life, một trong những ca
khúc mang đậm dấu ấn hiện sinh nhất mà tôi thấu hiểu được. Thực chất, đây là
một liên khúc được chính tay Nina phối nhạc và chuyển thể lại từ hai ca khúc
nhỏ là Ain't go no và I've got life trong vở nhạc kịch rock nổi tiếng - Hair do
nhà văn James Rado, nhạc sĩ Gerome Ragni và nhà soạn nhạc Galt MacDermot hợp
tác sản xuất. Vở nhạc kịch này được coi như sản phẩm xuất sắc kết tinh từ phong
trào phản văn hóa Hippie và "Cuộc cách mạng tình dục" những năm thập
niên 60. Trong vở nhạc kịch này, việc sử dụng những ngôn ngữ, âm nhạc đường
phố, giã tục, các cảnh khỏa thân, tự do tình dục (cả tình dục đồng giới và dị
giới), dùng chất kích thích, thái độ giễu nhạo với lá cờ Mỹ, nhạo báng tôn
giáo, sống theo những nhóm nhỏ phản văn hóa, tự thiết lập những giá trị riêng
(họ gọi đó là "bộ lạc")... đều tựu chung như một phương thức thể hiện
sự nổi loạn của thế hệ trẻ để chống lại trật tự xã hội hiện hành, phản đối việc
phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác, phản đối hành vi phá hoại môi trường, ngăn cách giàu
nghèo, những áp đặt tình dục, tôn giáo, lối sống, những tham nhũng chính trị,
phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và đề cao hòa bình, quay về với tự
nhiên. Ra đời năm 1968, giữa lúc mà chiến tranh Việt Nam đang leo thang một
cách khốc liệt, vở nhạc kịch dù gây nhiều tranh cãi, phản ứng, nhưng nhanh
chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của thế hệ trẻ ở Mỹ, để rồi lan rộng ra
toàn xã hội phương Tây, tiếp sức mạnh vũ bão cho lối sống hiện sinh bùng cháy
trong tầng lớp thanh thiếu niên, tạo nên những thay đổi lớn trong xã hội. Nina
Simone, cũng là một trong những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ vở nhạc kịch
kinh điển này, nên đã sử dụng nó làm chất liệu sáng tạo cho âm nhạc. Đây chính là
kết quả từ sự tiếp thu "cơn bão táp" của thời đại (khách thể) với
trái tim hừng hực lửa sống của mình (chủ thể) để đạt đến những thăng hoa trong
nghệ thuật.
Phần nhạc của ca khúc được Nina phối lại theo thể loại Africa pop, một loại pop đặc trưng của người châu Phi,
pha thêm chút Folk với nhạc cụ và bộ gõ acoustic khá tự nhiên. Việc sử dụng Africa pop
hòa cùng với chất giọng trầm khàn đầy man dại, huyền ảo như một cách để Nina
thể hiện niềm tự hào, chứng minh sự hiện sinh của màu da mình, đồng thời đem
cái tự nhiên, bí ẩn của châu Phi hoang sơ vào âm nhạc, khẳng định một lần nữa
tôn chỉ của chủ nghĩa hiện sinh: "Con người có một phần động vật, nên nó
thuộc về tự nhiên, vì thế phải trả nó về tự nhiên, đừng lấy các quy phạm xã hội
cứng nhắc áp đặt nó" (tôn chỉ này sẽ được quán xuyến trong toàn bộ ca
khúc). Quả nhiên, ca khúc đã thành công rực rỡ, đạt vị trí quán quân tại Hà Lan
và thứ hai tại Anh, làm hài lòng những nhà phê bình khó tính nhất, tạo nên
những tiền đề mới cho Pop standards đương đại.
Bài hát này có nhiều phiên bản lời khác nhau, để tiện cho
việc đánh giá, tôi sẽ sử dụng phiên bản lời trong một buổi biểu diễn trực tiếp
của Nina Simone tại Harlem Renaissance Festival năm 1969 ( buổi biểu diễn miễn
phí để phục vụ quần chúng), vì đây là phần lời mang tính ngẫu hứng do chính cô
sáng tạo thêm, thổi tâm hồn và nhân sinh quan của cô vào đó.
https://www.youtube.com/watch?v=GUcXI2BIUOQ
Lưu ý, tất cả những phân tích, ý hiểu về ca khúc trong bài
viết này đều thuộc về chủ quan tác giả.
1. Sự từ chối một thế giới tha hóa và phi lí
Không gian nghệ thuật bao trùm ca khúc là mô típ không gian
con đường, trong đó, nhân vật trữ tình được phác họa một cách hàm ẩn như một
bóng hình đang bước trên con đường dẫn lối về với tự nhiên, với bản thể của
mình. Nội dung ca khúc được kết cấu làm hai phần đối xứng nhau như âm và dương,
một phần phủ định và một phần khằng định. Ở phần thứ nhất, nhân vật trữ tình liệt kê tất cả những gì một con người bình thường, sống trong một xã hội bình thường
cần có (hoặc bị buộc phải có), nhưng anh ta lại không có (hoặc chối bỏ).
Ain't got no home, ain't got no shoes
(Tôi chẳng có nhà, chẳng có nổi một đôi giày)
Từ "home" trong tiếng Anh không chỉ có nghĩa là
nhà, mà còn mang sắc thái ám chỉ gia đình. Gia đình được coi như một tiểu văn
hóa, là tế bào của xã hội, là môi trường xã hội hóa quan trọng bậc nhất của cá
nhân, đồng thời là nấc thang cơ bản để móc nối mỗi con người với xã hội. Những
chuẩn mực đạo đức, ứng xử, những ràng buộc đầu tiên con người nhận được đến chính
từ các thành viên trong gia đình. Xã hội thông thường luôn đề cao vai trò của
gia đình với mỗi cá nhân, bởi thông qua gia đình, chính quyền và phong hóa có
thể kiểm soát con người cả về tư tưởng và hành động một cách dễ dàng nhất.
Nhưng chủ nghĩa hiện sinh với quan điểm tôn trọng bản thể gốc của mỗi cá thể
con người, đề cao tồn thể, lại ít quan tâm đến gia đình, cho rằng sự tồn tại
của nó chẳng đáng quan trọng. Đây cũng là thái độ bình đẳng, ủng hộ những người
vô gia cư, những người nghèo khổ không có gia đình, và đặc biệt là tầng lớp
thanh thiếu niên đang loay hoay thoát khỏi ảnh hưởng của gia đình để tìm đến
cuộc sống độc lập.
Nếu đến các trường đại học ở phương Tây trong những năm 60
của thế kỉ trước, chúng ta sẽ thấy nhiều nhóm sinh viên để tóc dài, mặc quần
jean rách, chân không giày, ngồi bệt trên bệ cỏ, chơi guitar và nghêu ngao
những ca khúc phản chiến, đó chính là những người theo phong trào Beatnik (một
dạng phong trào phản chiến, tiền thân của phong trào Hippie). Việc đi chân trần
thể hiện sự khát khao quay về với tự nhiên và hòa mình vào quần chúng của tầng
lớp trí thức. Ở Việt Nam ,
việc "nữ hoàng chân đất" Khánh Ly cởi bỏ đôi guốc cao, đi chân trần
lên sân khấu cũng là một hành động hưởng ứng phong trào Beatnik.
Trong những câu hát tiếp theo, nhân vật trữ tình tiếp tục phủ định những thứ vật chất cần thiết với một con người thông thường.
Trong những câu hát tiếp theo, nhân vật trữ tình tiếp tục phủ định những thứ vật chất cần thiết với một con người thông thường.
Aint got no money, aint got no class,
Aint got no friends, aint got no schoolin,
Aint got no wear, aint got no job,
Aint got no money, no place to stay
Aint got no father, aint got no mother,
Aint got no children, aint got no sisters or brothers
(Chẳng có tiền, chẳng được đến lớp
Chẳng có bạn, chẳng biết đến trường học
Chẳng có quần áo, chẳng có việc làm
Chẳng có tiền, chẳng có nơi nào để ở
Tôi chẳng có cha, cũng chẳng có mẹ
Chẳng có con cái, chẳng có anh chị em)
Tiền bạc, quần áo, việc làm là những thứ đè nén, tạo sức ép
lớn nhất lên mỗi cá nhân trong thời đại hậu công nghiệp, và nó cũng chính là
tội nhân gây nên những tội ác, đau khổ triền miên cho con người, khiến họ lầm
lối trong trong vô minh không dứt. Một người trẻ sống hiện sinh luôn sẵn sàng
vất bỏ những đồng tiền nhơ bẩn, lột sạch mớ quần áo tù túng trên người (tiêu
biểu như việc khỏa thân biểu tình chống chiến tranh), để sống gần gũi với tự
nhiên nhất, cho tâm hồn không bị vướng bận vào tham, sân, si. Trường học như
một xã hội thu nhỏ với đầy đủ mọi tệ nạn, những cái thối tha ẩn sau vẻ ngoài
hào nhoáng của nó, chỉ những ai đã từng bị kì thị, bị phân biệt đối xử (vì sự
khác biệt của mình), phải hứng chịu nạn bạo hành học đường và chứng kiến những
bất công tận cùng nơi trường học như Nina Simone (và chính tôi) mới thấu hiểu được
tội ác mà nó gây ra. Không những thế, nhà trường còn là nơi đầu tiên mà chính
quyền và xã hội dùng hệ thống giáo dục để nhào nặn suy nghĩ, tư tưởng của thế
hệ trẻ theo ý muốn riêng của họ. Bạn bè là thứ quá xa xỉ
với những người trót mang sự khác biệt, chẳng ai muốn chơi với một đứa bị cho
là không bình thường (về thể chất hoặc tâm hồn), chỉ có sự giễu nhạo, kì thị,
thậm chí là bạo hành. Khi ấy, từ "bạn bè" đã không còn tồn tại, chỉ có
những thứ vốn ngang hàng với nhau lại tự cho mình cái quyền phân
biệt đẳng cấp với kẻ khác.
Có những kẻ không có cha có mẹ, có những kẻ lại không cần
thiết đến cha mẹ, với họ, cha mẹ chỉ là đại diện cho thế hệ đi trước, bảo thủ
và cứng nhắc. Trên thực tế, có rất ít bậc làm cha làm mẹ chịu thấu hiểu con cái
mình, họ thường lấy quan điểm, chuẩn mực của thế hệ mình để áp đặt lên con cái,
buộc chúng phải thế này, thế khác, mọi sự khác biệt, mới mẻ đều bị cấm đoán.
"Con người ta" là một chuẩn mực phi thực mà các bậc cha mẹ cố tạo ra
và áp đặt con mình vào đó, từ đó làm thui chột đi cá tính, dấu ấn riêng của mỗi
bản thể trẻ đang khao khát vươn lên. Sự khác biệt quá lớn về ý thức hệ càng
khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cách xa nhau hơn, từ đó dẫn đến những
gò bó, nhức nhối trong tầng lớp thanh thiếu niên đang hừng hực nhựa sống như
con chim muốn sổ lồng. Trong những năm 60, các cô gái thường phải mặc lại những
bộ quần áo già cỗi của mẹ mình, còn các chàng trai thì bị đóng chặt trong những
bộ comple ngột ngạt và kiểu tóc chuốt gôm, vuốt cao bóng nhẫy, họ mong muốn một
điều gì mới mẻ hơn giải phóng mình, thế là thời trang Hippie ra đời. Đừng coi
thường thời trang, thời trang là cuộc sống, là văn hóa và cách mạng, khi thời
trang thay đổi thì con người thay đổi. Các chàng trai, cô gái trẻ lúc này đã
dần chống lại cha mẹ mình bằng cách để tóc dài, đeo ruy băng, mặc quần ống loe,
vẽ mặt, xỏ khuyên, sử dụng những loại họa tiết kiểu thổ dân để hòa mình với
thiên nhiên như đúng tôn chỉ của hiện sinh chủ nghĩa. Việc chống lại những
chuẩn mực ăn mặc của thế hệ đi trước là phương thức nhanh nhất mà thế hệ
trẻ sử dụng để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cha mẹ mình, khẳng định bản thể
mình có.
Không chỉ cha mẹ, nhân vật trữ tình còn phủ nhận luôn cả
con cái, anh chị em, tất cả những người thân thuộc, có chung dòng máu với mình.
Không huyết thống, không người thân, đó là trạng thái cô đơn đến tột cùng của
con người trong xã hội hậu công , thời đại phi lý chủ nghĩa. Trạng thái này đã
từng được lột tả trong ca khúc Norwegian wood của nhóm The Beatles.
I once had a girl, or should I say, she once had me
She showed me her room, isn't it good, norwegian wood?
She asked me to stay and she told me to sit anywhere
So I looked around and I noticed there wasn't a chair
I sat on the rug, biding my time, drinking her wine
We talked until two and then she said, "It's time
for bed"
She told me she worked in the morning and started to
laugh
I told her I didn't and crawled off to sleep in the
bath
And when I awoke I was alone, this bird had flown
(Tôi đã từng có một cô bạn gái, cũng có thể, cô ấy đã
từng có tôi
Cô ấy đưa tôi về căn phòng nhỏ, làm bằng gỗ Nauy
Cô ấy mời tôi ở lại, nói rằng hãy ngồi bất cứ đâu tôi
thích
Tôi nhìn quanh phòng nhưng không có chiếc ghế nào
Vì vậy, đành ngồi trên thảm, uống say cơn mê rượu
Chúng tôi nói chuyện đến muộn, rồi cô ấy bảo tôi hãy
đi ngủ
Cô nói sáng mai phải đi làm, không quên nở một nụ cười
Tôi không cần giường, tôi muốn ngủ trong bồn tắm
Khi tôi thức giấc, chỉ còn lại mình tôi, con chim nhỏ
đã bay mất)
Chiếc ghế biến mất không lí do, cô gái biến mất chỉ sau một
giấc ngủ, những mất tích phi lí đến đáng sợ này chính là trạng thái cô đơn, vô
vọng của con người trong "thời đại mất Chúa", khi mà chúng ta trở nên
quá nhỏ bé, mỏng manh, thậm chí chỉ còn là những cái tên, con số, ranh giới
giữa sự sống và cái chết không còn nhìn thấy nữa. Trạng thái này bắt đầu xuất
hiện trong nghệ thuật kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi con người bị
dồn vào những trại tập trung, bị gạt bỏ tên tuổi, thân phận, thay vào đó là
những con số, khi mà chỉ cần chớp mắt một cái là hàng trăm cái chết vây quanh
mình, cướp đi tất cả người thân của mình, thậm chí là chính mình. Khi ấy, con
người chỉ còn có thể nhìn đời với ánh mắt phi lí, hư ảo, coi tất cả chỉ là ảo
ảnh, phi thực. Tâm thế của con người bị dồn lại, nhỏ bé trong cô đơn, tuyệt
vọng, không còn lớn lao như thời kì nghệ thuật Phục hưng, Cổ điển, Lãng mạn ở
các thế kỉ trước nữa. Trong tác phẩm Tàn cuộc (Fin de partie), nhà văn Becket
đã từng phát biểu rất rõ về sự phi lí trong xã hội, giống như ca khúc Norwegian
wood trên: "Rồi mày nhìn bức tường một lát và tự bảo: mình sẽ nhắm mắt
lại, có lẽ cứ ngủ một lát đã, chắc sẽ dễ chịu hơn, và mày nhắm mắt lại. Nhưng
khi đã mở mắt, thì mày sẽ không còn nhìn thấy nó nữa". Ngoài ra, trạng
thái cô đơn, phi lí này cũng được lột tả rất rõ trong các tiểu thuyết của nhà văn
Nhật Haruki Murakami như Rừng Nauy, Biên niên kí chim vặn dây cót... Nhưng
những người hiện sinh không bi quan, sầu não như thế, họ dùng tiêu cực để phản
lại chính tiêu cực, sẵn sàng phủ nhận mọi quan hệ thân thích, để qua đó gạt bỏ
những ràng buộc hư vô của cuộc đời, chỉ cần khẳng định tồn thể của cá nhân mình
mà thôi. Chỉ sống cho bản thể của mình, họ không bao giờ bị rơi vào trạng thái
cô đơn vì chính họ đã hủy diệt được cái cô đơn của mình.
Phủ nhận cha mẹ, phủ nhận huyết thống, thế hệ và mọi mối
quan hệ xã hội, bè bạn là thái độ tiêu cực nhưng quyết liệt của những người trẻ
hiện sinh trong quá trình vươn lên thể hiện cái tôi nổi loạn của mình, giúp họ
thoát khỏi sự tuyệt vọng, cô đơn, bần cùng trong tâm hồn. Sự tiêu cực của thái
độ này có thể được lí giải bởi quan điểm của Anbe Camuy: "Sự phi lý gắn bó
con người và thế giới lại một cách chặt chẽ tới nỗi chỉ có lòng căm thù mới
liên hiệp được những con người lại với nhau". Ở đây, chúng ta bắt gặp nét
tương đồng với quan điểm của nhà triết học hiện sinh Soren Kierkegaard, ông
cũng cho rằng nhiệm vụ của hiện sinh chủ nghĩa là mô tả cuộc sống con người như
nó đang tồn tại (hiện sinh), nhưng lại là những con người duy nhất, cắt đứt mọi
quan hệ với xã hội. Vì đối với những người hiện sinh chủ nghĩa, mỗi con người
là một chủ thể độc đáo, huyền bí, là một tiểu vũ trụ đóng kín, không ai hiểu
nổi và cũng không thể tự thông báo cái nội tâm phức tạp của mình cho bất kì ai.
Con người không cần phải phụ thuộc vào bất cứ ai khác, chỉ cần đứng một mình, trau
dồi và bộc lộ bản ngã, cái tôi để vươn lên chứng minh sự tồn tại của
bản thân mà thôi, mọi thứ thuộc về xã hội là quá phù phiếm.
Những người hiện sinh thích theo chủ nghĩa xê dịch, họ
thích ngao du, thích hòa mình vào thiên nhiên, lấy đất trời làm nhà. Người bình
thường cần một nơi để ở, để neo bám,
nhưng người trẻ hiện sinh chẳng cần điều đó, với họ, đó chỉ là những thứ làm
vướng chân, ràng buộc bản thân mình trên cuộc hành trình về với tồn thể. Đó là lí do vì thế hệ trẻ những năm 60 thường bỏ nhà đi phượt, dựng các lều trại tạm thời để vui chơi, ca hát.
Aint got no earth, aint got no faith
Aint got no church, aint got no God
Aint got no love
(Chẳng có mặt đất, chẳng có đức tin
Chẳng biết nhà thờ, chẳng biết đến Chúa
Và cũng chẳng có tình yêu)
Mặt đất là một ẩn dụ thường được nhắc đến trong chủ nghĩa
hiện sinh, biểu trưng cho chỗ dựa của con người trong xã hội, chỗ dựa này có
thể là vật chất hoặc tinh thần mà ai cũng muốn có. Trong một xã hội bấp bênh,
khi mà mọi sự phân biệt về vật chất lẫn tinh thần ngày càng tăng, thì không
phải ai cũng có được những chỗ dựa chắc chắn. Những người hiện sinh thì chẳng
cần đến những thứ phù phiếm đó, chỗ dựa duy nhất họ cần là ý thức tồn tại của
cái tôi mãnh liệt. Với họ, thế giới này chỉ là hư vô, phi lí, chỉ có ý thức tồn
tại cá nhân mới là tồn tại đích thực: "Sự sinh tồn là sự tồn tại, mà sự
tồn tại mãi mãi chính là cái tôi" (Martin Heidegger).
Cũng trong đoạn nhạc này, nhân vật trữ tình đã liệt kê ra
ba danh từ thuộc trường từ vựng tôn giáo là "đức tin", "nhà
thờ", "Chúa". Ai cũng biết tôn giáo (trừ Phật giáo) là một dạng
kiến trúc thượng tầng quyền lực nhưng lại đi liền với sự cổ hủ, bảo thủ và mị
dân. Trong lịch sử nhân loại, tôn giáo đã cấu kết với chính quyền gây ra biết
bao tội ác, chiến tranh, phân biệt đối xử, kìm kẹp quyền tự do và nhân văn,
nhân ái của con người. Vì vậy, việc phủ nhận và chống lại tôn giáo luôn diễn ra
phổ biến trong đời sống của nhân loại tiến bộ, từ thời kì Phục hưng, đến thế kỉ
Ánh sáng ở phương Tây, và bây giờ, chủ nghĩa hiện sinh lại tiếp tục bác bỏ nó
một cách mãnh liệt nhất. Trong thời đại mất Chúa, khi mà mọi thứ trở nên phi lí,
hoang đường, thì có lẽ con người cũng chẳng cần đến Chúa nữa. Câu hát này gần
giống với một câu hát trong ca khúc Imagine của John Lennon:
Imagine there's no countries
It isn't hard to do
Nothing to kill or die for
And no religion too
Imagine all the people living life in peace
(Hãy thử tưởng tượng không có nhà nước
Không quá khó phải không nào
Thì sẽ chẳng có ai phải chết hoặc bị giết
Và cũng không có tôn giáo
Mọi người sẽ được sống trong hòa bình)
Trong đoạn nhạc tiếp theo, nhân vật trữ tình tiếp tục phủ
định một lần nữa những mối quan hệ, những điều kiện vật chất thông thường để
nhấn mạnh thái độ hiện sinh kiên quyết của mình.
Aint got no wine, no cigarrettes
No clothes, no country
No class, no schoolin
No friends, no nothing
Aint got no God, aint one more
Aint got no earth, no water,
no food, no home,
I said aint got no clothes, no job
No nothing, aint got no beleives,
and aint got no love
(Tôi chẳng có rượu, cũng chẳng có thuốc hút
Không áo quần, không quê hương
Không lớp, không trường
Không bạn bè, chẳng có gì hết
Không Chúa, chẳng có gì hơn nữa
Không đất, không nước
Không thức ăn, không nhà cửa
Tôi đã từng nói, tôi không có quần áo, không có việc
làm
Chẳng còn gì, chẳng còn niềm tin
Và chẳng còn tình thương)
Trạng thái bàng hoàng, bất an trước những tai họa do chính
con người gây ra được phản ánh qua thái độ hư vô, bi đát trong hầu hết tác phẩm
của các dòng chủ nghĩa hiện đại, mà trong đó, chủ nghĩa hiện sinh là nổi bật
nhất. Ở ca khúc này, trạng thái đó chính là mất đi niềm tin, tình thương ở nơi
bản thân mình và với tất cả mọi người xung quanh. Khi phải sống trong một xã
hội không có điểm bắt đầu và kết thúc, không có bất cứ một giá trị sống nào để
con người ta có thể neo bám, khi cả quá khứ và tương lai đều không tồn tại, thì
niềm tin bị hủy diệt là lẽ tất yếu. Điều đáng chú ý trong đoạn hát trên là nhân
vật trữ tình đã phủ nhận luôn cả quê hương, đất nước, đồng nghĩa với việc từ
chối truyền thống, dân tộc, cội nguồn của mình (mà nguyên do là đánh mất niềm
tin vào giá trị xã hội). Ai cũng sinh ra trong một dân tộc, đất nước, kế thừa
truyền thống và thừa hưởng lợi ích từ cộng đồng mình. Nhưng khi chính quyền trở
nên tha hóa, mượn danh dân tộc để ép buộc quần chúng phải đồng tình với tội ác
mà họ gây ra, khi con người bị đè nén bởi truyền thống, quá khứ, vì nó mà đánh
mất tự do, bản ngã của mình, thì những giá trị đó có đáng để tôn thờ? Đó chính
là thái độ của giới trẻ phương Tây khi họ tham gia các cuộc biểu tình chống lại
việc phát động chiến tranh của chính quyền nước sở tại. Chủ nghĩa dân tộc là
tốt, nhưng hầu như mọi quốc gia trong lịch sử hàng ngàn năm qua đều cố neo bám
vào nó một cách ích kỉ để đẩy mạnh chiến tranh, bành trướng, tranh chấp, giết
chết hòa bình để chuộc lợi cho cộng đồng riêng rẽ của họ. Trong 3500 năm qua,
thế giới chỉ hòa bình được 8% thời gian, còn lại là chiến tranh, giết chóc, tại
vì đâu? Tất cả những nước từng gây chiến tranh với nước khác (thậm chí trong đó
có Việt Nam) cũng chỉ vì một nguyên nhân duy nhất là chủ nghĩa dân tộc, muốn
chiếm lấy tất cả, chà đạp lên dân tộc khác để chuộc lợi cho dân tộc mình. Liệu
trong thời buổi toàn cầu hóa, khi các quốc gia đang xích lại gần nhau, khi mà
nhân loại cần hòa bình, hữu nghị, thì thứ chủ nghĩa lỗi thời đó có nên tồn tại?
Và cho đến giờ, những điều này vẫn còn nguyên giá trị hiện thực, khi một số nhà
nước quanh năm ngày tháng chỉ biết mượn quá khứ, truyền thống, "ăn mày dĩ
vãng" để mua chuộc lòng tin của nhân dân, che giấu sự tha hóa, biến chất
của mình. Chúng ta sống cho cái lớn lao nhưng phù phiếm để làm gì, đao to búa
lớn để làm gì khi mọi giá trị đều là giả dối và chỉ phục vụ lợi ích của thiểu
số? Thà sống riêng cho cá nhân mình mà sống tốt, sống nhân ái thì còn hơn gấp
vạn lần.
2. "Dựa vào cái mình có để mãi mãi nâng mình lên"
But what have I got?, What have I got?,
Let me tell you what Ive got
cause nobody is gonna take away
unless I wanna to
(Nhưng tôi đã có gì? Tôi còn gì trong tay?
Tôi sẽ cho bạn biết những gì tôi có
Không ai có thể lấy đi những thứ này
Trừ khi chính tôi muốn vậy)
Nếu như trong phần một, nhân vật trữ tình phủ định mọi giá
trị của xã hội để phản bác những chuẩn mực cổ hủ, kìm kẹp tự do và sự tha hóa
đến phi lí của nó, thì phần hai lại là sự khẳng định chắc chắn những thứ thuộc
về bản thể tự nhiên của mỗi con người, cái mà bất cứ ai sinh ra cũng đều có.
Chỉ cần chúng ta biết trân trọng và phát huy sức mạnh của nó, chúng ta sẽ tìm
thấy tồn thể của mình, chẳng ai lấy nó khỏi ta được.
I got my hair, and my head
my brains, my ears
my eyes, my nose
and my mouth, I got my smile
(Tôi có mái tóc, có đỉnh đầu của tôi
Tôi có bộ não, có tai nghe
Tôi có mắt nhìn, có mũi ngửi
Và tôi có miệng cười, có nụ cười của tôi)
Những người trẻ hiện sinh luôn tự hào về mái tóc dài khác
người của họ, vì đó là phương tiện đầu tiên giúp họ bộc lộ cá tính con người mình.
Từ thời trang, họ sẽ thay đổi phong cách sống cho cả một thế hệ, đem đến những
lối sống mới phong phú và đa dạng hơn. Còn "đỉnh đầu" biểu trưng cho
chí tiến thủ, "bộ não" biểu trưng cho tư duy, óc nghĩ. Có suy nghĩ
riêng tức là có chính kiến, lập trường riêng, đó là những phẩm chất để cần có
để làm nên một con người hiện sinh - con người đặc biệt, không bị hòa tan vào
xã hội, để "cái tôi đích thực" không bị tập thể, nhân quần, xã hội
bao vây, lấn chiếm, không bị biến thành "cái người ta". Chỉ những kẻ
ngu ngơ, mờ nhạt mới dễ bị xã hội đồng hóa, bị nhà cầm quyền mị dân, tẩy não,
bị biến thành con bài trên ván cờ chính trị. Nên nhớ rằng một người tài năng và nổi bật chưa
hẳn đã là người giỏi nhất, nhưng bao giờ cũng là người biết suy nghĩ khác biệt
với số đông. Suy nghĩ đó có thể chưa chắc đã đúng, nhưng luôn luôn là nên đặc biệt, mới
lạ, không thể lẫn vào đâu được, từ đó, nó sẽ tạo nên muôn màu độc đáo cho cuộc
sống, xã hội, nhân sinh. Trong thời buổi phi giá trị như hiện nay, khi mà mọi
chân lí, giá trị đều bị hoài nghi và xem xét lại, một cộng một chưa chắc bằng
hai, thuyết Darwin chưa chắc đã đúng, con người chưa chắc tiến hóa từ vượn
cổ... thì cái cần nhất là một tư duy, chính kiến riêng được đúc kết từ cá tính,
kinh nghiệm, kiến thức của mỗi cá nhân con người. Hãy bồi đắp kiến thức và cá
tính để tạo nên cho mình những suy nghĩ riêng biệt, nói cách khác là đặc
biệt để không bị hòa tan. Quan trọng hơn cả là lương tâm của bạn luôn tin rằng nó
đúng, chứ không phải sự giả dối về tư duy, suy nghĩ.
Theo mỹ học, mắt, mũi, tai là ba cơ quan quan trọng nhất để
thưởng thức thẩm mỹ, giúp con người tiếp thu một cách trực quan để cảm thụ, từ
đó hình thành cảm xúc, tư duy thẩm mỹ. Giác cảm thẩm mỹ là yếu tố đầu tiên giúp
tạo nên phần người Người trong Con Người viết hoa, kiến tạo những giá trị nhân văn và
hướng con người tới Cái Đẹp. Nhưng không phải ai cũng có đủ ba cơ quan tiếp
nhận thẩm mỹ đó, vì vậy, lời bài hát như nhắc nhở mỗi con người hãy biết trân
trọng những giá trị mà tự nhiên ban tặng cho mình. Người ta thường hay than
phiền về vật chất mà quên rằng mình đang sở hữu những báu vật vô giá. Đồng
thời, đây cũng là lời thách thức từ những người trẻ tới xã hội và chính quyền,
rằng chúng tôi có mắt để nhìn, có mũi để ngửi, có tai để nghe, chúng tôi biết
tất cả, đừng lừa dối, đừng che mắt chúng tôi, đừng sai khiến và ban phát cho
chúng tôi, vì chúng tôi biết cảm nhận cuộc sống này bằng chính những gì chúng
tôi có!
I got my tongue, my chin
my neck, my bubbies
my heart, my soul
and my back, I got my sex
(Tôi có lưỡi, cũng có cằm
Tôi có tháp cổ, có bộ ngực của tôi
Tôi có trái tim, có cả tâm hồn
Tôi có tấm lưng vững chãi, có cả tình dục/giới tính
của tôi)
Vẫn tiếp tục liệt kê những từ ngữ thuộc trường từ vựng bộ phận cơ thể một cách dồn dập theo nhịp nhạc, nhân vật trữ tình
như muốn dựa vào tất cả những gì mình có (những thứ mà tự nhiên ban tặng, thuộc
về bẩm sinh, chứ không tước đoạt hay xin xỏ kẻ khác) để khẳng định chắc chắn về
sự tồn tại của bản thân mỗi con người trong cuộc sống này từ những tế vi nhỏ
nhất, từ ngôn ngữ (lưỡi) đến từng hơi thở căng tràn hừng hực lửa sống (bộ
ngực). Và trên hết, anh ta khẳng định hai thứ quan trọng nhất giúp con người tìm
thấy tồn thể của mình, đó là trái tim và tâm hồn. Hãy luôn nuôi dưỡng trái tim
và tâm hồn, đi theo tiếng gọi của nó để giúp ta không chệch hướng trong cuộc
sống, từ đó tìm thấy bản ngã, để kiến tạo cuộc sống cũng như nhân cách của
mình. Khi đó, bạn sẽ có được chỗ dựa vững chãi (chính là tấm lưng của bạn) để
"mãi mãi nâng mình lên" mà không phải phụ thuộc vào ai hết.
Từ "sex" trong câu hát trên có thể hiểu theo hai
nghĩa là tình dục và giới tính. Thường thì người ta sẽ hiểu theo nghĩa là tình
dục, vì nó hợp logic với tuyên ngôn của chủ nghĩa hiện sinh là "Make love,
not war", thể hiện sự sùng bái tình dục và phản đối chiến tranh. Thực ra,
việc sùng bái tình dục của những người Hippie không hề xấu như người ta vẫn
tưởng, đó chỉ là một cách để họ đòi hỏi tự do cho con người và tìm kiếm hòa
bình mà thôi. Nói như Camuy thì đây là thái độ cực đoan, "khước từ cuộc
đời vì phi lí, nhưng để chống lại nó thì phải bằng sự phi lí của chính
mình". Nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa thứ hai, nhân vật trữ tình đang
tự hào về giới tính mình có. Vấn đề bình đẳng giới không mới nhưng chưa bao giờ
là cũ, vì xã hội này hàng nghìn năm qua chưa có giây phút nào tồn tại cái là
"bình đẳng giới", nhân loại tiến bộ vẫn luôn phải đấu tranh từng phút
từng giờ cho nó. Giới tính là thứ mà tự nhiên ban tặng, thuộc về tự nhiên, tồn
tại một cách tự nhiên, Chúa và xã hội không tạo ra giới tính nên không có quyền
chà đạp, bác bỏ nó. Tôn trọng giới tính
và phát huy những phẩm chất bản thể của nó là một cách chúng ta tôn trọng Mẹ Tự Nhiên
đã sinh ra chúng ta, nói như Lady Gaga trong ca khúc Born this way là:
No matter gay, straight or bi
Lesbian, transgendered life
I'm on the right track, baby
I was born to survive
...
I'm beautiful in my way
(Dù là gay, dị tính hay lưỡng tính
Là les, haychuyển giới đi chăng nữa
Thì tôi cũng đang đi đúng hướng
Tôi được sinh ra để tồn tại
...
Và tôi đẹp theo cách của tôi)
Trong những câu hát tiếp theo, nhân vật trữ tình vẫn tiếp
tục khẳng định những thứ thuộc về bản thể tự nhiên của mình.
I got my arms, my hands
my fingers, my legs
my feet, my toes
and my liver, Got my blood
(Tôi có sải tay, có bàn tay của tôi
Tôi có từng ngón tay, có đôi chân trần
Tôi có đôi chân, cả những ngón chân
Tôi có lá gan, có dòng máu nóng chảy trong tôi)
Hẳn ai cũng biết câu chuyện về Mai An Tiêm bị đày ra đảo
hoang, đã dùng đôi tay, đôi chân trần và lá gan (lòng dũng cảm) của mình làm nên cả một cơ nghiệp,
khiến nhà vua cũng phải ghen tị. Đôi bàn tay được nhấn mạnh nhiều lần để biểu
dương cho sức lao động, sức mạnh và nghị lực vững chãi, ý chí vươn lên mãnh
liệt trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ thanh niên với sức trẻ hừng hực cả
về thể chất lẫn tinh thần. Không cần tiền bạc, không cần dựa dẫm vào người
khác, chỉ cần có đôi bàn tay, đôi chân trần và dòng máu nhiệt huyết chảy khắp
cơ thể, chúng ta có thể làm ra mọi thứ, đi tới mọi nơi ta muốn, từ đó tìm thấy
tự do và cái tôi của mình. Thái độ tôn trọng những căn tính nguyên sơ mà
tự nhiên ban tặng, tin tưởng để phát huy nó thể hiện một chủ nghĩa lạc quan,
chứ không hoàn toàn bi đát như người ta vẫn tưởng.
I got life , I got life,
I got head, and two legs,
and bad times too, like you
I got my hair, my head
my brains, my ears
my eyes, my nose
and my mouth, I got my smile
and is my smile
…
I got life, Ive got my freedom,
and my heart, I got life!
(Tôi có đời tôi, có sự tồn tại của tôi
Tôi có đỉnh đầu, có đôi chân
Và tôi cũng có những giây phút đau khổ, như bạn
Tôi có mái tóc, có óc nghĩ của tôi
Tôi có bộ não, có tai nghe
Tôi có mắt nhìn, có mũi ngửi
Và tôi có miệng cười, có nụ cười của tôi
Nụ cười của tôi vẫn mãi tồn tại
…
Tôi có đời tôi, có tự do của tôi
Và tôi có trái tim, có cuộc đời của tôi!)
Ở phần điệp khúc cuối cùng, hòa vào tiếng hát của Nina là
tiếng hát bè của một giọng baritone (nam trung) da màu, hai người tiếp tục láy
lại những gì đã hát ở phần trên. Việc sử dụng tiếng bè ở đoạn cuối như để tạo
nên bản hòa ca của thế hệ, từ đó khích lệ sự trỗi dậy cái tôi thế hệ trong mỗi
người trẻ tuổi, thôi thúc họ phát huy cái tôi đó để tìm lại cuộc đời và tự do
của chính mình. Đó cũng chính là lời kêu gọi của ông tổ Jean Paul Sartre, quay về chủ
thể để "dựa vào cái mình có để mãi mãi nâng mình lên", để "tự do
sáng tạo ra mình bằng một hành động ý nghĩa và để trở thành cái mà trước đây
mình không phải như thế". Chữ "cuộc đời tôi" được nhấn mạnh
nhiều lần và dùng để kết thúc toàn bộ ca khúc như để khẳng định tâm thế làm chủ
vận mệnh của con người trước thời cuộc. Trong thời đại phi lý ngày nay, chỉ cần
tìm được cái tôi, cái tồn thể đích thực của mình, ta sẽ làm chủ được cuộc đời
ta, nắm trong tay tự do vĩnh hằng, cái mà không ai cướp đi được.
V. Tạm kết
Nina Simone đã tạ thế được hơn chục năm, nhưng âm nhạc của cô vẫn còn nguyên giá trị. Tiếng hát ấy, tiếng đàn ấy vẫn ngày ngày cất lên trong mọi ngóc ngách của đời sống để nâng đỡ, dìu dắt tâm hồn thế hệ trẻ. Hình ảnh người phụ nữ da màu đầy man dại ngồi bên chiếc piano sẽ còn sống mãi với các cuộc đấu tranh nhân quyền, sống mãi trong trái tim nhân loại tiến bộ. Cô sẽ mãi mãi là một phần không thể thiếu của nền văn hóa đại chúng.
_Đức Long_
Hải Phòng ngày 15 tháng 5 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét