Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Xác người cô đơn - Truyện ngắn mang dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại

Rất chân thành cảm ơn bạn Nguyễn Thị Thùy, giảng viên khoa Giáo dục mầm non, trường đại học Hải Phòng đã bỏ công sức phân tích một truyện ngắn của mình!



I. Đặt vấn đề
          Văn học không tự hình thành và mất đi, nó là một quá trình vận động, biến đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác một cách có kế thừa và phát triển. Không có nhà văn, nhà thơ nào lại không sống trong xã hội, tất cả những kiến thức, kinh nghiệm mà anh ta tích lũy được trong quá trình học tập và làm việc sẽ trở thành những tiền giả định bách khoa, những tri thức nền giúp anh ta sáng tạo nghệ thuật. Chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định rằng, khi cơ sở kinh tế xã hội thay đổi thì những bộ phận trong kiến trúc thượng tầng phải thay đổi theo, nhưng nó vẫn mang tính kế thừa những nhân tố hợp lí, khả thủ của kiến trúc thượng tầng cũ. Từ đó, tôi cho rằng, là một hình thái kiến trúc thượng tầng, văn học nghệ thuật cũng phát triển theo quy luật kế thừa và sáng tạo đối với di sản cũ. Do đó, khi phân tích một tác phẩm văn học bất kì, cần phải xem xét nó có kế thừa và bảo vệ được những truyền thống tốt đẹp trong di sản hay không, và có những bước phát triển gì mới. Nói cách khác, cần phải tìm hiểu được sự tiếp nối và cách tân, sáng tạo của nó so với các giai đoạn trước.
Xã hội Việt Nam sau năm 2000 diễn ra nhiều đổi mới, biến động, nổi bật là công cuộc hội nhập kinh tế thế giới và sự phát triển vũ bão của mạng internet. Sự du nhập nền văn minh, văn hóa của các nước khác nhau trên thế giới và việc hình thành cái gọi là "Thế giới mạng" (khái niệm mới đã được phân tích trong luận văn "Đặc điểm giao tiếp của tin trên báo mạng" của thạc sĩ Hồ Thị Ánh, trường đại học Hải Phòng) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ, lại thêm sự xuống cấp trầm trọng của đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần trong những năm khủng hoảng kinh tế gần đây tạo nên những trạng thái sống mới, những kiểu người mới, cảm xúc mới mà trước đây không hề có. Tất cả những điều đó sẽ được phản ánh vào văn học một cách chân thực nhất, sâu sắc nhất qua các sáng tác của một số cây bút trẻ như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư... với những nội dung mới, bút pháp mới, mở ra một thời kì văn học mới - Văn học Việt Nam đương đại (sau 2000). Ngoài ra, có thể kể đến một bộ phận không nhỏ những tác giả, tác phẩm trong dòng văn học mạng đang âm thầm tạo nên diện mạo của nền văn học Việt Nam sau 2000. Với tư cách là một người nghiên cứu văn học, tôi xin phép được gạt sang một bên những tác gia, tác phẩm đã trở nên phổ biến, được nhiều người tìm hiểu để đi vào phân tích một hiện tượng văn học đang "gây sốt" trên cộng đồng văn học mạng những năm gần đây, tác giả Đức Long (Nhật Hạnh).
II. Đôi nét về tác giả và tác phẩm
          Đức Long tên thật là Phạm Đức Long, còn có bút danh khác là Nhật Hạnh, sinh ngày 23 tháng 4 năm 1991, từng tốt nghiệp hệ cử nhân ngữ văn, trường Đại học Hải Phòng. Từ lúc sinh ra, Đức Long đã mang một số phận không bình thường như bao người khác, anh là một đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh, chậm nói, chậm đi và có nhiều vấn đề về thể chất, cộng thêm nhiều căn bệnh tâm lí như sợ đám đông, sợ người lạ. Sự khác biệt về ngoại hình khiến anh sớm phải chịu những kì thị, phân biệt từ những người xung quanh, từ bạn bè cùng trang lứa đến những người lớn tuổi. Suốt những năm tháng tuổi thơ, anh phải sống trong sự giễu cợt, chê bai, khinh thường của người khác, và thậm chí là nạn bạo lực, bắt nạt học đường. Cuộc sống cay đắng, khác thường biến anh thành kẻ cô đơn giữa cuộc đời, luôn mang trong mình nỗi sợ hãi xã hội, nhìn cuộc đời với cặp mắt đầy phi lí, lạc lõng. Thậm chí, đã có lần anh quyết định tự sát nhưng không thành. Vì vậy, tuy tuổi đời còn trẻ, anh đã có những trải nghiệm, cảm xúc khác thường về cuộc sống và nhân sinh, tất cả những điều đó sẽ được anh bộc bạch qua những tác phẩm truyện ngắn của mình. Hiện nay, số truyện ngắn của anh xuất hiện trên mạng là mười bốn tác phẩm, trong đó truyện ngắn Kẻ cô đơn đã được diễn đàn Đông Tây chọn in vào tuyển tập Tạm biệt nỗi buồn. Đây cũng là truyện ngắn mà tôi thấy cách phản ánh hiện thực khá sâu sắc, mới mẻ, thấm đẫm hơi thở của thời đại, việc xây dựng hình tượng nhân vật cũng khá độc đáo. Do đó, tôi xin chọn phân tích truyện ngắn Kẻ cô đơn để chứng minh sự tiếp nối giai đoạn trước, cũng như những cách tân, sáng tạo của nó.

III. Phân tích tác phẩm
          Trước khi đi vào phân tích tác phẩm, cần nói qua về phong cách của Đức Long, anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hậu hiện đại, từ triết học, văn chương đến âm nhạc. Trong triết học, anh chịu ảnh hưởng từ Soren Kierkegaard, Jean-Francois Lyotard và Mark C. Taylor. Trong văn học, anh yêu thích các tác phẩm của Anbe Camuy, S. Becket, J.Heler, Dostoiepski và đặc biệt là Haruki Murakami. Còn trong âm nhạc, anh đam mê nhạc hiện sinh, hậu hiện đại của The Beatles, Bob Dylan, Nina Simone. Đối với nền văn học trong nước, có thể nói Đức Long chịu ảnh hưởng từ nền văn học sau Đổi mới với các tác gia như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, và một số tác gia hiện thực chủ nghĩa trước 1945 như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Vì vậy, có thể nói, Kẻ cô đơn nói riêng và truyện ngắn của Đức Long nói chung là sự kế thừa có sáng tạo nền văn học hiện đại trong nước từ thế kỉ XX và các khuynh hướng, trường phái văn học hiện đại, hậu hiện đại trên thế giới.
          1. Sự thay đổi quan niệm về hoạt động văn học dẫn đến sự thay đổi quan niệm về kiểu tín hiệu nghệ thuật
          Trong văn học giai đoạn trước, với quan niệm về hiện thực chiến trận, văn học đóng vai trò quan trọng là vũ khí đấu tranh, là tấm gương chỉ đạo tư tưởng trong cuộc chiến vận mệnh của dân tộc. Bởi thế, hầu hết mọi người quan niệm hoạt động văn học chỉ diễn ra từ một phía là tác giả. Trong đó, tác giả đóng vai trò là nhà phán truyền chân lý, là người biết tuốt, tác giả được quyền chi phối tư tưởng của người đọc. Nhưng trong văn học Đổi mới với quan niệm về hiện thực thế sự, quan tâm nhiều hơn đến con người xã hội thì vai trò của bạn đọc được coi trọng hơn. Hoạt động văn học là hoạt động về cả hai phía và tác phẩm văn học không chỉ thuộc về tác giả, nó là sản phẩm của người đọc dựa trên văn bản văn học của người nghệ sĩ. Điều này tạo ra sự dân chủ trong cách tiếp nhận văn học, người đọc được quyền đồng sáng tạo với nhà văn. Với quan niệm đó, dễ nhận thấy trong tác phẩm, nhà văn ít đưa ra những chân lí theo kiểu áp đặt người đọc mà thường chỉ gợi vấn đề để người đọc tự suy ngẫm, tự rút ra ý nghĩa cho riêng mình. Vì thế, cách kết thúc tác phẩm thường là kết thúc mở, gợi chứ không tả. Chẳng hạn, truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp kết thúc bằng cái chết của hai cô bé gái, một kết thúc rất khó hiểu. Có người cho rằng đó là sự chết đi của tính thiện, của sự trinh trắng trong con người, có người lại nói đó là sự hủy diệt những giá trị thuần gốc của làng quê trước sự xâm nhập của văn minh đô thị. Cả hai cách hiểu đều được chấp nhận vì đây là một kết thúc mở theo nguyên lý “tảng băng trôi”. Những tín hiệu trong tác phẩm như vậy, xưa nay ta vẫn quen gọi là tín hiệu nghệ thuật, tín hiệu thẩm mỹ, nhưng với văn học Đổi mới, nên gọi chính xác theo cách gọi của giáo sư Diệp Quang Ban là giá trị suy diễn có căn cứ. Tức là kiểu tín hiệu mở mà nhà văn chỉ phác nên những nét cơ bản, người đọc sẽ tự tô vẽ để hoàn chỉnh theo năng lực của riêng họ.
          Truyện ngắn Kẻ cô đơn cũng kế thừa quan niệm này bằng việc sử dụng kết thúc mở, gợi cho người đọc những hướng suy nghĩ khác nhau. Nhưng không dừng lại ở đó, tác giả còn sử dụng cách kết cấu phức tạp, hư ảo mang tính vô thức, thiên về biểu đạt cảm xúc của chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa trừu tượng trong nghệ thuật hiện đại.
          "Tỉnh dậy, miên man chẳng biết giờ giấc, chỉ thấy đói và khát. Lết ra phòng ăn, nhưng không thấy ai. Gọi vợ, không có tiếng trả lời. Gào lên cũng vẫn im bặt. Rút điện thoại, nhưng, danh bạ trống trơn không có số nào. Bực mình chạy vào phòng con, nhưng, không ai. Ti vi mất sóng không có kênh nào, máy tính ngắt kết nối mạng, màn hình đồng cỏ xanh rì biến mất, thay vào một sa mạc tối sầm.
          Vội bước ra ngoài, nhưng, đường phố vắng tanh không một hồn người. Quay đầu lại không thấy căn nhà đâu nữa. Hoảng loạn, chạy ra con đường dài, chạy mãi, chạy mãi, nhưng... nhìn về phía trước con đường tan biến, nhìn về phía sau cũng biến mất. Ngẩng đầu lên không thấy bầu trời, cúi đầu xuống không thấy mặt đất. Nhìn vào chân, đôi chân đã không còn. Nhìn vào tim, không thấy trái tim đâu. Nhìn vào mắt, đôi mắt cũng mất tích. Tất cả, chìm vào không màu."
          Trong đoạn kết thúc trên của tác phẩm, tác giả đã dùng cái hoang đường của hiện thực huyền ảo, gia tăng nó đến mức khủng khiếp (mang tính "Creepy"), kết hợp với sự lập ý quái dị đến khó hiểu, đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại để gợi ra một dạng kết thúc mở, vừa kích thích trí tưởng tượng, vừa gợi ra sự hoài nghi ở chính tác giả và người đọc. Nếu xét theo cảm thức của chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi có thể hiểu danh bạ điện thoại biểu trưng cho quan hệ xã hội, mạng máy tính biểu ngôi nhà là biểu trưng cho sự kết nối quan hệ ảo trên thế giới mạng (một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người hiện đại, những cư dân mạng), gia đình, vợ con là biểu trưng cho huyết thống, thế hệ, cho người thân, phía trước con đường biểu trưng cho tương lai, phía sau biểu trưng cho quá khứ, bầu trời biểu trưng cho niềm tin, mặt đất biểu trưng cho chỗ dựa, đôi chân biểu trưng cho niềm tin, nghị lực, trái tim biểu trưng cho tình thương yêu, đôi mắt biểu trưng cho tâm hồn (trong câu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn). Nhân vật A Lơn đánh mất tất cả những thứ đó là đánh mất tất cả mọi bản thể của mình, rơi vào trạng thái cô đơn đến tột cùng trong một xã hội phi lí, khi mà tất cả mọi thứ đều trở nên hoang đường. Đó cũng chính là tâm thức chung mà tất cả các tác gia của chủ nghĩa hậu hiện đại cảm thấy trong thời đại hậu công nghiệp, với nền văn minh kĩ trị hiện nay, họ nhìn cuộc đời với cặp mắt đầy hư vô, phi lí. Vì hư vô, phi lí như thế nên những biến mất, mất tích bí ẩn là chuyện bình thường, tưởng hoang đường, ảo ảnh mà lại là thật. Những biến mất quái dị, bí ẩn kiểu này đã từng xuất hiện trong các tác phẩm của Haruki Murakami (cô vợ, con mèo của nhân vật Toru trong Biên niên kí chim vặn dây cót tự nhiên biến mất, người bạn thân của nhân vật Wantanabe trong Rừng Nauy bỗng dưng tự sát), S.Becket (sự biến mất của chiếc tường), và cả trong âm nhạc của The Beatles (sự biến mất của cô gaí trong ca khúc Norwegian wood). Mục đích của việc biểu hiện những biến mất này suy cho cùng cũng chỉ để lột tả trạng thái cô đơn đến vô vọng của con người trong xã hội hiện đại mà thôi. Không phải "một màu trắng" hay "một màu đen" mà là "một màu tối sầm", tác giả đã dùng nghĩa biểu thái của từ để biểu thị sự sụp đổ của tất cả mọi thứ, "màu tối sầm" cũng là một loại màu sắc mang tính tượng trưng, siêu thực. Tất cả chìm vào không màu là một trạng thái mang tính trừu tượng rất cao, biểu đạt cái hư vô, không sắc thái, không buồn, không vui, không hạnh phúc, không đau khổ, không cảm giác gì nữa, đó là tột cùng của nỗi cô đơn.
          2. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện qua các kiểu nhân vật
          Marxim Gorki đã từng nói “văn học là nhân học”, tức là khoa học về con người. bởi vậy, con người và quan niệm về con người là trung tâm của văn học. Con người trong văn học không phải con người tự nhiên trần trụi, cũng không phải con người xã hội chung chung mà là con người cụ thể đã được mã hóa qua cái nhìn chủ quan của người nghệ sĩ, là biểu hiện cụ thể, sinh động quan niệm nghệ thuật và thế giới quan của nhà văn vào con người.
          Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người, để thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự cắt nghĩa, lý giải, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó.
          Một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời với con người mới, với cách hiểu mới về con người, hoặc bắt đầu bằng việc suy nghĩ lại các khám phá nghệ thuật của những người đi trước. Văn học Đổi mới cũng bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người, đó là điều kiện nảy sinh những kiểu nhân vật mới mà trước kia chưa có. Nếu văn học giai đoạn trước với quan niệm về con người anh hùng thì gắn liền với nó là kiểu nhân vật duy nhất – nhân vật sử thi thì văn học Đổi mới với sự thay đổi quan niệm hiện thực, hướng tới con người trần tục, thế sự nên kiểu nhân vật đa dạng hơn rất nhiều, có thể kể những kiểu nhân vật như: nhân vật đối lập; nhân vật bi kịch; nhân vật bị hạ bệ hoặc thần tượng bị hạ bệ; nhân vật gần gũi với tự nhiên... Các kiểu nhân vật này xuất hiện thường xuyên trong truyện của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Lê Lựu. Bằng sự kế thừa và sáng tạo của mình, Đức Long đã sáng tạo nên những kiểu nhân vật mới, phù hợp với dòng văn học mà anh hướng tới.
          Nhân vật vật thực là kiểu nhân vật đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại, vốn đã được nhà văn A.R.Grigie đào sâu, để thể hiện kiểu con người dửng dưng, chẳng khác nào sự vật, dù miêu tả người mà cũng như miêu tả sự vật, nghĩa là vô hồn. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Kẻ đứng nhìn của ông, Mathias, một thương gia giết một cô gái trên hoang đảo, cả hai người dân trên đảo đều biết rõ chuyện ấy, kể lại vanh vách. Mathias rất lo sợ mình sẽ bị tố cáo, nhưng họ lại chỉ đứng nhìn dửng dưng vậy thôi, chứ không hề có ý nghĩ tố cáo ai và để làm gì hết. Ý của Grigie muốn nói rằng con người trong xã hội hiện đại đã hoàn toàn khác trước, họ không có khả năng, thậm chí cũng không có ý nghĩ thay đổi bất cứ cái gì xấu xa, độc ác trong cuộc đời này. Họ tồn tại đấy, nhưng thực chất là vắng mặt. Kiểu nhân vật này cũng từng xuất hiện trong truyện Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp, khi ông miêu tả những con người trên chuyến đò hoàn toàn bất lực trước việc đứa bé bị mắc tay vào chiếc bình cổ, chỉ cho đến lúc tên tướng cướp ra tay đập vỡ chiếc bình thì mọi chuyện mới được giải quyết.
          Trong truyện ngắn Kẻ cô đơn, chúng ta thấy kiểu nhân vật này xuất hiện rất nhiều lần, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ, mức độ "vật thực" được gia tăng theo từng lần xuất hiện. Lần đầu tiên là các nhân viên nữ trong công ty Cang San, họ sống một cách thờ ơ, vô cảm xúc với chính bản thân mình, việc anh chàng A Lơn đi nhầm vào phòng vệ sinh nữ không làm họ bất ngờ hay tỏ bất kì một thái độ gì, thậm chí cũng không cảm thấy gì, vẫn bình thường như mọi khi: "Buồn vệ sinh, vào nhầm phòng nữ. Họ không nói gì, cũng không cảm thấy gì, thản nhiên thải chất nước thừa trong cơ thể ra. Mọi chuyện vẫn bình thường.". Họ không tỏ thái độ gì vì trong xã hội này, họ chẳng còn gì phải giữ và cũng chẳng còn gì để mất mát, thể diện dương tính (cách nói trong ngữ dụng học) vốn là cái gắn liền với mỗi cá nhân con người nay cũng không còn nữa.
          Lần thứ hai là nhóm bạn của A Lơn tại quán cà phê vỉa hè, họ hẹn nhau uống cà phê, nhưng chẳng ai nói với ai câu nào, tất cả chăm chú vào màn hình di động của mình, hết một tiếng thì chào nhau đi về. Qua đây, có thể thấy tác giả muốn nhấn mạnh về tác hại của công nghệ thông tin với thế hệ trẻ, cũng như sự dịch chuyển nhân cách, tâm hồn con người vào những màn hình vô tri vô giác. Hiện thực này tưởng chừng như vô lí, nhưng lại diễn ra phổ biến trong giới trẻ ngày nay, khi những cuộc tụ họp bạn bè bị biến thành những cuộc "up ành", "check in" trên mạng. Thời đại công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh trở nên khá dễ dàng, và vì thế nhân cách con người cũng bị "số hóa" một cách nhanh chóng như thế, những quan hệ xã hội giờ chỉ còn là những con số. Cũng tại quán cà phê vỉa hè này, tính chất vật thực được mô tả rõ hơn khi "có chàng thanh niên nhảy lầu từ tầng bảy xuống, trên đó là trụ sở công ty Vinashin. Phần xương sọ va xuống gạch cứng, vỡ tóe ra, một mảng não bắn văng vào cốc cà phê đen xì màu nhựa đường. Kệ, vẫn uống, không có vị gì lạ. Mọi người vẫn bình thường, mọi chuyện vẫn bình thường". Dửng dưng trước cái chết của người khác là sự tha hóa trầm trọng về đạo đức, nhưng trong xã hội ngày nay, nó đã trở thành chuyện bình thường, phổ biến ở tất cả mọi người, họ sẵn sàng bỏ mặc kẻ khác chết mà vẫn chụp ảnh để đăng lên mạng "câu like", hoặc đứng bàn tán cho thỏa nỗi tò mò đã.
          Lần thứ ba, chúng ta bắt gặp kiểu nhân vật vật thực ở chính A Lơn, anh vẫn thản nhiên như không khi trông thấy "chiếc xe máy cán qua một người đàn bà, máu tung tóe, một bên tròng mắt phọt ra ngoài bắn cả vào chân. Không biết nên dẫm nát nó, nước vàng ứa ra. Nhìn tên lái xe, nhìn một lúc, rồi đi". Thậm chí, khi người đàn bà kéo anh lại để kêu cứu, anh chỉ đứng nhìn một lúc rồi lẳng lặng bước đi. 
          Lần thứ tư, tính chất vật thực của nhân vật được đẩy đến mức độ cao nhất ở người công an áo vàng, khi chứng kiến A Lơn cưỡng bức đứa bé gái ngay trên vệ đường, anh ta vẫn dửng dưng đi qua như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, khi A Lơn định bỏ chạy, anh ta còn vui vẻ nói rằng: "Cứ tiếp tục, công việc của tôi là quản lí giao thông". 
          Như vậy qua bốn lần xuất hiện kiểu nhân vật vật thực, tác giả đã lột tả trạng thái "bất động" cả về hành động lẫn tâm hồn, xúc cảm của con người. Nếu như ở Grigie, nhân vật vật thực được dùng để diễn đạt sự bất lực của con người trong xã hội hiện đại, thì ở Đức Long, nó còn được dùng để tố cáo sự tha hóa về đạo đức, nhân cách, sự biến đổi kì quái trong tính cách của con người, đúng như ở cuối tác phẩm đã nói: "Nhìn vào tim, không thấy trái tim đâu". Đáng sợ hơn nữa, tác giả còn đưa tính chất vật thực vào chính những đứa trẻ ngây thơ, đó là đứa bé gái bị A Lơn cưỡng hiếp ngay bên vệ đường, nhưng "không kêu khóc, không chống cự, mặc cho tự nhiên. Người nó phẳng lặng không chút cảm xúc, như cái xác héo khô". Trẻ con vốn là biểu tượng của sự trong sáng, chưa bị nhiễm bẩn bởi xã hội, những tưởng sẽ không bị biến thành con người vật thực, vậy mà ở đây, đứa bé gái cũng trở nên vô hồn như một vật vô tri vô giác, không cảm xúc, không động thái nào hết. Phải chăng, việc đưa tính vật thực vào một đứa trẻ là để diễn tả đến tột cùng sự phi lí, vô vọng của xã hội hiện đại, khi mà cái "vật thực" đó không còn thuộc về cá nhân, mà đã di truyền theo thế hệ, từ cha mẹ đến con cái, từ người lớn đến trẻ thơ? Đó là hậu quả của một lối sống, một nền giáo dục, hay mặt trái của nền văn minh đại chúng? Dù thế nào thì việc đưa tính chất vật thực vào một đứa trẻ cũng thể hiện tâm trạng bi quan về tương lai của tác giả, đó cũng là đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại, cực đoan về mặt nhận thức, hư vô về mặt nhân sinh.
          Trong khi xây dựng nhân vật, Đức Long cũng thử nghiệm một phương pháp trần thuật mới, đó là hủy diệt ngôi kể, ngoài các nhân vật phụ vẫn phải dùng đến ngôi kể để mô tả rõ ngữ cảnh, còn ở nhân vật chính đã không còn ngôi thứ nhất, thứ hai, hay thứ ba nữa, người đọc chỉ biết đến tên A Lơn trong lời gọi của vợ anh ta mà thôi. Việc hủy diệt ngôi kể này có dụng ý khắc họa sự nhỏ bé, hư vô của thân phận con người trong xã hội hậu công nghiệp, khi mà chẳng ai còn biết đến ta là ai, chính ta cũng không thể biết, khi ấy con người rơi vào trạng thái mộng ảo, nửa hư nửa thực, mà như S.Becket từng nói là: "không hay biết gì về những việc tôi làm, về việc tôi là ai, từ đâu đến, và tôi có tồn tại thật hay không".

Nếu chủ nghĩa hiện đại thường tỏ ra ưu tư, chán trường trước trạng thái tha hóa của nhân sinh, thì chủ nghĩa hậu hiện đại càng dị thường hóa, ảo giác hóa sự tha hóa đó để vừa lấy làm thú vị, vừa khiếp sợ. Nếu ý thức về cái tôi rất mãnh liệt trong chủ nghĩa hiện đại thì nó bị hoài nghi về sự tồn tại trong chủ nghĩa hậu hiện đại. Con người ở đây bị phân tán, trở thành một chủ thể phi trung tâm, bao hàm nhiều mảnh vụn, và tất cả đều bị hòa tan trong bối cảnh xám xịt xung quanh. Trong truyện ngắn Kẻ cô đơn, A Lơn tuy là nhân vật chính, nhưng cũng mờ nhạt như những nhân vật khác, mọi hành động của anh cũng thờ ơ, dửng dưng, chẳng khác gì những con người vật thực quanh mình, sự tồn tại của anh trong tác phẩm gần như bị hòa tan vào cái thế giới vật thực, cái tôi của anh cũng chìm đắm vào cõi hư vô đó. Ở nhiều chi tiết, tác giả đã dị thường hóa hành động của A Lơn tới mức quái dị, khó hiểu như: "Trong lúc đợi xe bus, nằm rạp xuống vệ đường ngủ một giấc say miệt. Lên xe bus, thường chọn chỗ ngồi sát bên trái của chiếc ghế cuối cùng. Đó là chỗ ngồi vắng lặng và tách biệt nhất. Có thói quen nghe nhạc lúc ngồi xe, nhưng chỉ nghe một bản nhạc duy nhất,  Gloomy sunday của Reszo, bản nhạc ma chết chóc và tuyệt vọng. Vừa nghe nhạc, vừa nhìn về cửa sổ để thấy những người đang treo cổ, nhảy lầu… Tưởng tượng một người lao đầu vào chiếc xe bus này, hoặc, chính nó sẽ lao đầu vào một chiếc xe bus khác"; "Thích xem nhất đoạn phim “Suicide Mouse” (Chuột tự sát). Mê mẩn ngắm nhìn dãy phố não nề, ảm đạm, quắc quái trong phim, bị quyến rũ bởi những bước đi chấp chới như đi vào cõi chết của Mickey và bản piano ma quái. Lúc hình ảnh bị biến dạng và những tiếng gào khóc thảm thiết rên rỉ cũng là lúc đạt khoái cảm"; "Đi trên con ngõ nhỏ gần nhà, trông thấy một đứa bé gái có mái tóc ngắn dần. Kéo nó vào góc đường, lột trần quần áo cưỡng bức. Đi vào càng mạnh chỉ càng thấy chán, không vui, không thích thú, không lo sợ, chẳng có cảm giác gì"... Tất cả những hành động quái gở trên là biểu hiện của sự bế tắc, chán trường, bất lực và tuyệt vọng của con người khi phải sống và bị ép quay theo cái guồng đen kịt của xã hội hiện đại, tới mức không thể thoát ra được, sống mà như đã chết, sống không mục đích, không đau khổ, không niềm vui, sống như những bóng ma cô hồn, làm gì, nói gì mà chính mình cũng không hay biết. Từ những bản nhạc, bộ phim mà A Lơn đam mê có thể thấy tâm trạng hoảng loạn, u uất sâu bên trong anh, muốn tìm đến cái chết mà không thể chết được. Anh ta cưỡng bức đứa bé mà cũng chẳng biết mình đang làm gì, chẳng có cảm giác gì, chỉ đơn giản vì không biết phải làm gì nữa, và trong anh ta dường như cũng không còn sự phân biệt giữa đạo đức hay vô luân nữa, vì tất cả những thứ đó trong anh ta đã không còn tồn tại. Sống trong đời thực mà A Lơn như đang sống trong ảo giác vậy. Rõ ràng, việc đẩy mạnh tính chất quái dị, ảo giác của nhân vật chính là cách mà Đức Long cũng như nhiều nhà văn hậu hiện đại chủ nghĩa khác lột tả sự phi lí, hư vô đến ghê tởm của xã hội hậu công nghiệp.

3. Sự kế thừa và cách tân về không thời gian nghệ thuật
          Kể từ khi nền văn học Đổi mới ra đời, các mô típ không thời gian đã trở nên đa dạng hơn trước đó. Thay vì không gian chiến trận, sử thi, chúng ta bắt gặp trong văn học các kiểu không gian thế tục, không gian gia đình, không gian tâm linh... Thời gian nghệ thuật cũng được tách khỏi những sự kiện lịch sự, trường kì để đi vào đời sống cá nhân nhiều hơn.
          Ở truyện ngắn Kẻ cô đơn, tác giả đã sáng tạo một kiểu không gian mới, là không gian siêu thực, trừu tượng, mang tính ảo ảnh, được thể hiện rõ nhất trong đoạn cuối tác phẩm, khi mọi thứ dần biến mất. Đây là kiểu không gian mang đậm tính hậu hiện đại chủ nghĩa mà lần đầu tiên được xuất hiện trong văn học Việt Nam. Còn về thời gian nghệ thuật, tác giả vẫn tiếp tục kiểu thời gian thế tục của các tác giả Đổi mới trước đó, rút ngắn hơn nữa, mọi tình tiết của tác phẩm diễn ra trong đúng một ngày từ sáng đến tối, biểu trưng cho vòng đời của một người, lặng lẽ, vô ảo, để rồi mất tất cả, chẳng còn gì hết.
IV. Kết luận

          Qua đôi lời phân tích trên về truyện ngắn Kẻ cô đơn của một tác giả trẻ giai đoạn sau 2000, tôi đã chứng minh rõ những kế thừa của anh đối với nền văn học dân tộc giai đoạn trước, cũng như nền văn học thế giới, và sáng tạo nên những cái riêng có của mình. Ngoài ra, tôi cũng muốn giới thiệu một cây bút trẻ có năng lực của nền văn học đương đại Việt Nam ngày nay. Có thể nói, Đức Long chính là tác giả đầu tiên ở Việt Nam viết văn theo chủ nghĩa hậu hiện đại, đã và đang khai phá một mảng văn học mới cho nước nhà.


_Nguyễn Thị Thùy_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét