Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Chuyện Lệ Thu chỉ cúi đầu trước Thái Thanh, tới tận nhà mời hát nhưng bị từ chối

 

Chỉ một người xứng đáng là Diva, là Thái Thanh

Thái Thanh được biết đến là bậc đại danh ca của Việt Nam. Bà được xem là định nghĩa trác tuyệt nhất cho chữ "danh ca", với sự tụ hội đầy đủ những phẩm chất cao quý nhất từ giọng hát, tài năng tới cống hiến, tầm ảnh hưởng và cả nhân cách, cốt cách tâm hồn.

Trong suốt sự nghiệp trải dài hơn 70 năm của mình, Thái Thanh đã để lại cả một gia tài âm nhạc đồ sộ, với hàng trăm ca khúc thuộc muôn vàn thể loại, nhạc sỹ khác nhau.

Dường như không một ca sĩ nào có biên độ âm nhạc trải dài và rộng như Thái Thanh, khi có thể hát đủ loại nhạc từ nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc dân ca, nhạc bán cổ điển tới nhạc tình ca, nhạc xã hội, nhạc tôn giáo… Bà hát dòng nhạc nào cũng thành công rực rỡ và tạo được dấu ấn riêng một cách sâu sắc.

Chuyện Lệ Thu chỉ cúi đầu trước Thái Thanh, tới tận nhà mời hát nhưng bị từ chối - Ảnh 1.

Thái Thanh

Thái Thanh để lại nhiều dấu ấn trong âm nhạc. Một trong những dấu ấn lớn nhất của bà là giọng hát. Nói cách khác, nhắc đến Thái Thanh, điều khiến người ta nhớ đến đầu tiên chính là giọng hát của bà.

Thái Thanh sở hữu một giọng hát quý hiếm bậc nhất, như một thứ ngọc báu độc đắc của đất phương Nam. Giọng hát này có âm vực và âm sắc lạ lùng, không giống bất cứ ca sĩ nào, chỉ cần nghe thoảng qua từ xa vọng về cũng biết đó là Thái Thanh.

Danh ca Khánh Ly trong một lần trả lời phỏng vấn từng khẳng định: "Tôi hiểu thế nào là Diva nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến làm gì cái điều sẽ chẳng bao giờ liên quan đến tôi?

Kể ra, trên thế giới, Diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh. Chấm hết".

Chị cả khiến đàn em phải cúi đầu nể phục

Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5/8/1934 tại Hà Nội. Bà là con gái út trong một gia đình giàu truyền thống văn học, nghệ thuật, với ba người chú là nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Trúc Khê, nhạc sĩ Phạm Ngọc Cẩn, cùng những người anh chị là nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như Phạm Đình Chương, Phạm Văn Chung, Thái Hằng, Hoài Chung.

Chính vì vậy, ngay từ bé, Thái Thanh đã được giáo dục về văn học và âm nhạc một cách quy củ, nề nếp. Bà am hiểu sâu rộng về lịch sử, văn chương, thi phú và cả hội họa, nên sở hữu vốn ngôn từ hoa mĩ, bay bổng.

Chuyện Lệ Thu chỉ cúi đầu trước Thái Thanh, tới tận nhà mời hát nhưng bị từ chối - Ảnh 3.

Từ năm 14 tuổi, Thái Thanh đã đi hát trong vùng kháng chiến và được biết đến với ban hợp ca Thăng Long của gia đình. Bà nổi tiếng với những bài tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu và dân ca mới của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tiếng hát Thái Thanh từ sớm đã được phát thanh khắp các cùng kháng chiến, nông thôn và thành thị, giúp công chúng được thỏa sức nghe những khúc ca tiếng Việt, chứ không phải nghe nhạc Pháp nữa.

Có thể nói, Thái Thanh là một trong những ngọn cờ đầu giúp khai phá và phát triển nền tân nhạc Việt Nam.

Tên tuổi Thái Thanh tỏa sáng rực rỡ nhất vào thập niên 50 và 60. Ở cái thời mà những danh ca như Khánh Ly, Thanh Tuyền, Lệ Thu mới chập chững đi hát, thì Thái Thanh đã nổi danh khắp bốn phương, khiến mọi người phải kính nể.

Trong bộ ba chân vạc nữ danh ca huyền thoại Thái Thanh – Lệ Thu – Khánh Ly thì Thái Thanh là người chị cả có vị trí lớn nhất, khiến ai đàn em phải kính cẩn.

Danh ca Khánh Ly kể lại:

Chuyện Lệ Thu chỉ cúi đầu trước Thái Thanh, tới tận nhà mời hát nhưng bị từ chối - Ảnh 4.

"Thời mới đi hát, tôi nghe nhiều và cũng học chủ yếu từ những ca sĩ đi trước như ông Ngọc Bảo, bà Thái Thanh. Ngày đó, tôi đi khắp phố phường đều thấy người ta bật Thái Thanh lên nghe.

Đừng nói gì là khán giả, đến chúng tôi còn mê Thái Thanh nữa. Lũ chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, nghịch ngợm chẳng ai bằng. Cô Thái Thanh lại rất thương chúng tôi nên chỉ mắng yêu mà thôi.

Ở phòng trà tôi, giờ của cô Thái Thanh là giờ đỉnh. Cô rất đúng giờ và đến là hát, xong là đi. Ít khi cô ngồi lại trò chuyện. Tụi tôi chỉ đợi có thế để được nghe những bài mình thích.

Thế là không nhường khán giả, tụi tôi mạnh đứa nào nấy hét: "Cô ơi Ngậm rồi Đau rồi Chết!". Tức là Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau, Mùa thu chết. Đêm nào tụi tôi cũng trù tréo lên như thế, mà khán giả cũng rất là hoan hô.

Hát xong cô khẽ khàng đi xuống tủm tỉm điểm mặt chúng tôi: "Chúng mày quá lắm nhé! Bộ hát cho chúng mày à…". Cô nói xong lại nhẹ nhàng cười hạnh phúc, cầm cái ví nhỏ bước đi".

Chuyện Lệ Thu chỉ cúi đầu trước Thái Thanh, tới tận nhà mời hát nhưng bị từ chối - Ảnh 5.

Danh ca Lệ Thu ngày ấy ngạo nghễ và nổi tiếng, sở hữu mức cát xê cao ngất ngưởng, nhưng vẫn chịu "cúi đầu trước chị Thái Thanh". Trong một sự kiện Nhật Bản, danh ca Lệ Thu đã trả lời báo chí: "Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục".

Không những vậy, Thái Thanh còn từng từ chối Lệ Thu khi được nữ danh ca này tới tận nhà mời hát.

Ngày đó, Lệ Thu có một phòng trà ở Lê Lai và muốn mời Thái Thanh tới hát.

Lệ Thu đến tận nhà Thái Thanh để đề nghị một mức cát xê lớn là 300 ngàn. Ngày ấy, đây là số tiền rất lớn, hầu như không ca sĩ nào đạt được. Công chức đi làm một tháng lương cao nhất cũng chỉ là 32 ngàn.

Thái Thanh nghe vậy mới từ chối hát và nói: "Bây giờ đã có Khánh Ly, có Lệ Thu rồi, chị ra nữa cũng thừa, nên thôi".

Một lần khác, Lệ Thu và Khánh Ly, Thái Thanh cùng đi hát cho một show cứu trợ nạn lụt miền Trung. Chính từ show này mà có được bức ảnh ba chị em chụp chung, đến giờ vẫn được lưu truyền. Lệ Thu kể:

"Trong hậu trường, tôi và chị Thái Thanh còn chụp chung mấy kiểu ảnh nữa, không hiểu sao lại mất hết, tiếc ơi là tiếc. Tôi thích bức ảnh đó lắm, hai chị em tôi lúc đó vui và cười toét ra.

Sau này, Ý Lan con gái chị Thái Thanh có tổ chức đêm nhạc kỉ niệm mang tên Đêm màu hồng. Tôi được mời tới để hát song ca cùng chị Thái Thanh.

Tôi đứng bên cạnh chị mà chóng hết cả mặt vì chị lắc quá, liền bảo: "Chị ơi, chị đứng im, em chóng mặt quá". Chị Thái Thanh nghe xong đứng im luôn. Đó là ba kỉ niệm tôi còn nhớ về chị Thái Thanh".

Long Phạm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét