Nỗi đau của Lệ Quyên khi chỉ được nhìn nhận quanh Bolero
Ngày nay, nhắc đến Lệ Quyên, người ta thường nhớ tới hình ảnh một nữ ca sĩ hát Bolero nổi tiếng. Quả thực, suốt nhiều năm qua, bằng những nỗ lực của mình, Lệ Quyên đã thành công rực rỡ và có được ánh hào quang chói sáng với Bolero.
Từ một ca sĩ hát phòng trà, Lệ Quyên đã phấn đấu không ngừng để trở thành tên tuổi ăn khách nhất thị trường Bolero đương đại. Cô sở hữu hàng loạt đĩa nhạc Bolero đình đám, với những bài hit ai cũng biết. Các đêm diễn của cô từ trong ra ngoài nước đều chật kín khách.
Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung từng nói: "Khi Lệ Quyên sang Mỹ, cô ấy trình diễn cùng tôi trên một sân khấu. Tôi và Lệ Quyên là hai tên tuổi để bán vé".
Cứ như vậy, Lệ Quyên đã trở thành một trong những mắt xích quan trọng của tiến trình Bolero Việt Nam, góp phần làm sống lại thứ âm nhạc hoàng kim này. Thành công của cô là niềm ao ước để nhiều ca sĩ trẻ nhìn vào và khát khao. Thị trường Bolero cũng từ đó mà sôi động, nhộn nhịp hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh ánh hào quang có được, Lệ Quyên vẫn vấp phải nhiều chỉ trích, chê bai và hoài nghi từ một bộ phận không nhỏ khán giả cũng như đồng nghiệp của mình.
Đa số các quan điểm phủ nhận Lệ Quyên đều lấy những chuẩn mực từ danh ca Bolero đi trước như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Phương Dung, Hương Lan, Bảo Yến… để chê bai cô.
Họ cho rằng, Lệ Quyên không "xứng" với những chuẩn mực, thước đo của người đi trước và vẫn chỉ là "con ghẻ" trong Bolero.
Chính việc áp những chuẩn mực cố hữu đã khiến người ta không có được đánh giá, nhìn nhận khách quan, đúng đắn về Lệ Quyên, cũng như năng lực của cô.
Hơn nữa, việc Lệ Quyên quá nổi tiếng với Bolero đã tạo nên tiềm thức trong công chúng rằng, xoay quanh cô chỉ có Bolero mà thôi. Điều này khiến người ta dù khen hay chê Lệ Quyên, cũng chỉ quanh quẩn với Bolero. Cách đánh giá này có phần chưa đầy đủ.
Trên thực tế, Lệ Quyên hát nhiều dòng nhạc khác nhau và trước khi đến với Bolero, cô đã rất nổi tiếng với nhạc Ballad, trữ tình. Đôi khi, Lệ Quyên hát cả tân nhạc và một số ca khúc mới.
Chính những dòng nhạc này mới thực sự là nơi giúp Lệ Quyên phát huy hết giọng hát, kĩ thuật và tài năng âm nhạc của mình, không thua bất cứ ai. Thật đáng buồn khi công chúng và đồng nghiệp chỉ đánh giá Lệ Quyên qua Bolero mà bỏ qua cả một gia tài âm nhạc khác của cô.
Thông tin chung về giọng hát Lệ Quyên
Trước khi phân tích tài năng, kĩ thuật của Lệ Quyên, xin đưa ra một số thông tin chung về quãng giọng và giọng hát của cô.
Loại giọng: Nữ trung trữ tình (mezzo soprano)
Quãng giọng: 2 quãng tám 3 note (E3 tới A5)
Note thấp nhất tính đến hiện tại: E3
Note cao nhất tính đến hiện tại: A5 (giả thanh/falsetto)
Supported range (quãng hát được hỗ trợ): F3 tới A4
Quãng mixed voice (pha giọng) cao nhất: E5
Longest note (làn hơi dài nhất trên sân khấu): 8 giây
Chất giọng đặc biệt
Nhắc đến Lệ Quyên là nhắc tới một chất giọng đặc biệt khiến không ai có thể quên được.
Lệ Quyên bẩm sinh là giọng nữ trung, nhưng mang âm sắc pha trộn giữa hỏa và thủy, tạo nên chất đặc biệt hiếm thấy.
Âm sắc hỏa khiến giọng hát Lệ Quyên hơi khàn, vỡ nhẹ và có màu khói kiểu husky, nên mỗi lúc hát đều tỏa ra chất phiêu lãng như một làn khói thuốc, lại hơi phủi và phong trần.
Giọng hát này có độ mùi đặc biệt, nghe qua sẽ khó vào tai nhưng đã thích thì rất mê, lại thích hợp để hát với sự từng trải, cháy lên hừng hực đam mê, sức sống. Bởi vậy, giống như Thanh Lam, Lệ Quyên hát không bao giờ buồn tới sầu não, mà luôn căng tràn nhựa sống, truyền đi năng lượng tích cực.
Đặc biệt, độ khàn trong giọng hát Lệ Quyên giúp cô hát nhạc nhẹ rất riêng, có chất lạ. Chẳng hạn, khi Lệ Quyên belt cộng minh ở G4, cô vẫn giữ được độ khàn rapsy, tạo nên màu Soul độc đáo, giống như ca sĩ Kim Burrell vậy.
Hay, ở đôi lần xuống quãng trầm, Lệ Quyên lại nhả được chút màu smoky, giống với một số ca sĩ Jazz da màu.
Âm sắc thủy khiến Lệ Quyên khác với những giọng thuần hỏa khác ở chỗ, cô lên cao rất mướt, mượt, sáng và linh hoạt. Nghe Lệ Quyên hát bình thường, không ai nghĩ rằng một giọng hát khàn như cô lại có thể vuốt nhẹ một phát lên được D5, Eb5 một cách dễ dàng, mượt mà.
Âm sắc lạ và đặc biệt này của Lệ Quyên có thể không đi theo những chuẩn mực truyền thống, nên không được đánh giá là giọng hát đẹp.
Nhưng bù lại, giọng hát ấy lại luôn nổi bật, gây ấn tượng lớn và lôi cuốn người nghe. Bất cứ khi nào Lệ Quyên song ca hay hát chung, giọng hát của cô cũng nổi hơn hẳn ca sĩ khác.
Ngay cả Hương Tràm, cũng là một giọng nữ trung âm sắc đẹp, dày, lớn, nhưng khi song ca với Lệ Quyên lại có phần non nớt đôi chút.
Hay, trong một lần song ca với Uyên Linh (cũng là một giọng nữ trung nội lực, âm sắc đẹp), Lệ Quyên đã hoàn toàn nổi bật hơn khi tung ra những cú belt B4 rất mở, ấm, dày, âm lượng lớn mà lại không hề bị chóe (lỗi thường gặp với giọng hỏa khi khi lên quãng trung).
Chính giọng hát độc đáo này đã khiến Đàm Vĩnh Hưng mê mẩn. Anh nói: "Tôi ra Hà Nội hát, Lệ Quyên khi ấy vẫn là ca sĩ hát lót. Khi nghe con bé hát, tôi thích lắm. Gặp Quyên trong hậu trường, tôi bảo em phải vào Sài Gòn. Chắc chắn em sẽ là người nổi tiếng.
Vậy mà cô ấy cứ đắn đo mãi đến 3 năm sau mới Nam tiến. Bây giờ, Lệ Quyên đã thành công. Khi Quyên hát nhạc xưa, cũng giống như tôi, bị không ít lời gièm pha, mỉa mai. Quyên đã chứng minh được, mình có thể làm".
Nỗi đau khi đẳng cấp kĩ thuật không được nhìn nhận đúng đắn
Việc Lệ Quyên hát Boler theo lối riêng, ngược chuẩn chung truyền thống khiến nhiều người hoài nghi và đánh giá thấp về kĩ thuật của cô. Đó là một nỗi đau của Lệ Quyên, khi không được nhìn nhận đúng năng lực và luôn bị xếp vào hàng ca sĩ có kĩ thuật kém.
Tuy nhiên, nếu bỏ Bolero sang một bên để nghe những ca khúc Ballad hay tân nhạc của Lệ Quyên, sẽ dễ dàng thấy rằng, cô có kĩ thuật rất tốt, đúng như lời ca sĩ Bằng Kiều nhận định:
"Lệ Quyên là người có học hành, kiến thức nên có kỹ thuật thanh nhạc tốt. Để hát nhạc "sến" mà đẳng cấp được như Lệ Quyên là rất khó".
Còn Thu Minh sau khi nghe Lệ Quyên hát trong chương trình Giọng hát Việt đã thốt lên: "Các em thí sinh của tôi ngồi bên kia nghe Lệ Quyên mà học nhá! Hát như thế này mới gọi là ca sĩ".
Quả thực, ở thời kì đầu mới đi hát, kĩ thuật của Lệ Quyên chưa tốt nên nhận phải nhiều lời gièm pha. Đó cũng là một thiệt thòi cho cô, khi không được học hành bài bản trường lớp và sinh trưởng trong gia đình truyền thống âm nhạc.
Tuy nhiên, trong thời gian đi hát, Lệ Quyên vẫn nỗ lực tự rèn luyện thanh nhạc và thuê thầy về dạy kèm. Nhờ đó, kĩ thuật của cô ngày càng lên.
Là một nữ trung nên Lệ Quyên xử lí khá tốt khi hát quãng trầm. Cô có thể support (hỗ trợ kĩ thuật) tới F3, với độ dày lớn và rõ tiếng, nhả chữ xuống E3 và ngân rung chest voice ở A3.
Quãng trung của Lệ Quyên được phát triển đúng mực và đi theo lối chesty (sử dụng nhiều tỷ lệ giọng ngực như Whitney Houston, Mariah Carey, Thanh Lam, Hương Tràm…).
Nhờ đó, Lệ Quyên belt G4, F#4 khá dày, dài và thuần chest, phát huy được âm sắc riêng của mình. Khi lên tới A4, Lệ Quyên có thể công minh để tạo độ mở và vang, khá cộng hưởng.
Không chỉ âm mở, Lệ Quyên còn belt được cả âm đóng /i/ trên Bb4, với ngân rung khá ổn. Ở âm đóng /u/, cô cũng chuyển lẹ làng sang head voice (giọng óc) mà vẫn giữ được thấp trên G4, nghe rất ấm áp.
Là nữ trung nhưng Lệ Quyên xử lí quãng cao bằng giọng pha (mixed voice) rất tốt, gây nhiều kinh ngạc cho khán giả.
Trong một lần trình diễn ca khúc Lắng nghe mùa xuân về, Lệ Quyên đã thực hiện cộng minh tới C5, D5 với độ vang, sáng, ngân rung tốt, vị trí âm thanh ổn. Để một nữ trung Việt Nam cộng minh tới D5 là điều không hề dễ dàng.
Trong các màn trình diễn ca khúc Giấc mơ có thật, Lệ Quyên hầu như luôn mixed được tới C#5 (chữ "băng") và tận E5 (chữ "giá") một cách thoải mái, mượt mà, đúng nhịp, onkey, không hề bị flat hay chesty.
Vì Lệ Quyên lên cao quá mượt, lại không đi theo lối phô diễn, trưng trổ giọng hát nên người nghe ít ai nhận ra, cứ tưởng cô vẫn đang hát tà tà quãng trung. Không ai biết rằng chỉ trong một âm tiết cô đã vút tới tận E5.
Nếu nghe Lệ Quyên song ca với các nữ trung khác như Hương Tràm, Uyên Linh sẽ thấy rằng, cô sử dụng giọng pha và hát treo rất tốt. Cô hát treo A4, B4 rất nhẹ nhàng, thoải mái, hit C#5 trong các âm tiết nhả chữ dễ như cơm bữa và thậm chí nhả treo trên tận E5. Điều này giúp cô hát rất trôi, mướt.
Nhưng ngoài những note cao đó, Lệ Quyên còn có những cách xử lí kĩ thuật rất riêng. Chẳng hạn, Lệ Quyên có thể sử dụng light mixed để bỏ nhỏ trên E4, rồi nhả chữ chuyển giả thanh linh hoạt, đặc biệt các âm đóng bỏ nhỏ giả thanh khi chuyển sang head voice.
Chính nhờ lối hát này, giọng hát Lệ Quyên bỗng trở nên nữ tính, nhẹ nhàng, sáng, bay nhưng vẫn ấm áp, đẹp một cách lạ thường. Nếu để ý kĩ, người nghe sẽ thấy ở một số chỗ bỏ nhỏ, Lệ Quyên hát mềm mại tựa như một light lirico soprano.
Cũng nhờ nó, Lệ Quyên dù là nữ trung, vẫn light mixed tới C#5 với độ nảy, vang, sáng như tiếng chuông. Cách tạo độ nảy trên light mixed như vậy không nhiều ca sĩ làm được.
Để phát huy âm sắc khàn tự nhiên của mình, Lệ Quyên đôi khi sử dụng break vocal khi belt, tạo độ vỡ note (lối hát của các ca sĩ R&B da màu). Cô cũng có thể thực hiện những cú melisma, riff note đơn giản để thể hiện màu sắc ca khúc nhạc nhẹ.
Lối hát đặc trưng của Lệ Quyên là nhả mạnh âm tiết phía trước rồi thả nhẹ âm tiết sau, hoặc lơi chữ, lả chậm nhịp một cách rất riêng.
Như vậy, có thể thấy, Lệ Quyên không chỉ sở hữu giọng hát đặc biệt mà còn có kĩ thuật rất tốt, cùng những lối xử lí riêng có. Cô xứng đáng được đánh giá cao trong nền âm nhạc Việt Nam hơn ánh hào quang đang có.
Long Phạm
16/8/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét