Thanh Hà được biết đến là một danh ca nổi tiếng tại hải ngoại giai đoạn thập niên 90 và 2000. Cô được yêu mến bởi chất giọng ấm áp, âm sắc khàn nhẹ đặc biệt và lối hát tình cảm, ngọt ngào, da diết của mình.
Đặc biệt, Thanh Hà còn gây ấn tượng với ngoại hình xinh đẹp, sắc sảo của một người con lai Việt – Đức.
Thời gian qua, Thanh Hà được công chúng Việt Nam biết đến nhiều hơn khi trở về và tham gia vào thị trường trong nước.
Ít ai biết rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, Thanh Hà đã phải trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng và chặng đường đầu sự nghiệp gian nan, khó khăn.
Tôi ghét bỏ bản thân mình khi bị kì thị vì là con lai
Từ khi nào chị nhận ra đam mê và năng khiếu ca hát trong mình?
Tôi cũng không nhớ rõ mình thích hát từ khi nào. Giữa những buồn tủi trong cuộc sống của một đứa con lai, âm nhạc chính là nguồn động lực giúp tôi vượt lên. Có lẽ vì thế mà ngay từ nhỏ tôi đã mê ca hát rồi.
Được biết, thuở nhỏ chị từng hát trên Đài phát thanh Đà Nẵng. Cơ duyên nào giúp chị đến với nghề sớm như vậy? Chị có thể kể lại một vài kỉ niệm trong những ngày đầu đi hát đó?
Thời nhỏ, khi sống ở Đà Nẵng, tôi tham gia rất nhiệt tình vào các hoạt động văn nghệ ở học đường, từ bậc tiểu học cho đến hết bậc trung học. Cũng nhờ sự hăng hái đó mà tôi được lên hát trên Đài phát thanh Đà Nẵng. Chỉ tiếc là tôi chưa được hát trên truyền hình.
Có lẽ thời điểm ấy, người ta còn chưa quen với một cô gái mắt xanh, da trắng, tóc vàng, nên chỉ muốn nghe tôi hát mà không thích nhìn tôi.
Ngày trước, con lai ở Việt Nam thường bị kì thị. Là một người con lai, chị có gặp phải sự phân biệt đối xử trong quãng đời ấu thơ của mình?
Khi còn nhỏ, tôi rất ghét bản thân. Tôi ghét màu tóc hoe vàng, màu mắt xanh, và ghét nhất là làn da trắng của mình. Những cái đó làm tôi cảm thấy tủi thân khi bản thân khác xa với bạn bè xung quanh.
Lúc đó, tôi không được bạn bè cùng lứa chấp nhận. Kể cả người lớn cũng tỏ thái độ kì thị, ghét bỏ tôi.
Tuy vậy nhưng thời đó tôi cũng có "số đào hoa" và lấy đó làm niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.
Tôi có nhiều người theo đuổi lắm. Người ta thích tôi, viết thư để trong hộc bàn làm quen. Bạn chở tôi phía sau xe đạp lúc tan trường cũng có người chạy theo tán tỉnh.
Sau những quyết định đó tôi lại vùi đầu vào người thân để khóc thật nhiều
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn tình cảm trong quá khứ ảnh hưởng thế nào tới Thanh Hà của ngày hôm nay, cả về tính cách ngoài đời sống lẫn phong cách trình diễn, âm nhạc?
Nói về tính cách của mình, tôi nghĩ từ nhỏ sống trong hoàn cảnh khó khăn đã tạo nên cho tôi lối cư xử thẳng thắn, có chút "đàn ông tính". Dẫu vậy, điều đó cũng không che lấp được bản chất nhu mì, yếu đuối bên trong.
Có những lúc, bề ngoài tôi tỏ ra cương quyết, nhưng sau những quyết định đó tôi lại vùi đầu vào người thân để khóc thật nhiều.
Tôi cũng rất dễ đồng cảm với những khó khăn của người khác. Khi tôi chơi với bạn hay trong công việc, nếu có vấn đề gì xảy ra, tôi thường sẵn sàng và chủ động nhận phần thiệt thòi về mình để mọi người thoải mái hơn.
Người khác bảo tôi quý bạn bè, nhưng tôi nghĩ rằng do tôi đã trải qua nhiều cái khổ nên dễ dàng hiểu được những khó khăn của người khác để luôn thông cảm, đồng cảm, chia sẻ với họ.
Riêng với những cảm xúc trong âm nhạc, có lẽ những điều đau khổ tôi đã từng trải qua giúp tôi có được thấu cảm sâu sắc nhất khi hát các ca khúc buồn.
Mỗi lần hát những bài buồn, tôi lại mượn tạm một trong những điều đã xảy ra để cho mình cảm xúc chân thật nhất. Có lẽ vì vậy mà khán giả khi nghe tôi hát cũng cảm nhận được những cảm xúc này.
Tôi bị móc hết tiền, mất luôn cả xe đạp, vừa đi vừa khóc vì sợ
Sau khi học xong lớp 12 tại Đà Nẵng, chị chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Trong thời gian này, chị có đi hát hay tham gia hoạt động văn nghệ nào không?
Tôi có khoảng thời gian 3 tới 4 năm sống tại Sài Gòn, ở khu Tân Định. Thời gian này tôi chỉ tập trung vào việc chuẩn bị giấy tờ cho việc sang Mỹ định cư nên không có hoạt động văn nghệ nào cả.
Cuộc sống của chị tại Sài Gòn ngày ấy ra sao? Chị còn nhớ những kỷ niệm nào về tháng ngày thanh xuân đó không?
Thời gian này, ngoài việc theo đuổi các loại giấy tờ, tôi dành nhiều thời gian ở nhà để luyện phim bộ Hồng Kông, từ phim kiếm hiệp đến phim tình cảm.
Tôi được ở trong nhà một người thím, thím thương tôi hết mực. Tôi nhớ có lần, thím cho tôi hai tờ tiền 5000 đồng để đi xe đạp ra đầu ngõ, thuê phim về xem. Một cô bé mới từ quê lên tỉnh như tôi, lơ ngơ như thế nào rồi cũng bị móc túi hết tiền và mất luôn cả chiếc xe đạp.
Tôi buồn và sợ, vừa đi vừa khóc từ đầu ngõ về đến nhà, nghĩ là mình sẽ bị một trận đòn nên thân. Vậy mà về đến nhà, thím lại chỉ an ủi tôi, cứ bảo là không sao. Thím còn cho tôi tiền thuê xích lô, chở hết một vòng thành phố để hết buồn. Những tình cảm này, tôi cả đời không bao giờ quên được.
Ở giai đoạn này, chị thường nghe những nghệ sĩ, thể loại âm nhạc nào? Chúng ảnh hưởng ra sao tới chị?
Không khí âm nhạc tại Sài Gòn thời điểm đó khá sôi động với nhiều loại nhạc khác nhau. Vì thế nên tôi nghe rất nhiều nhạc, gần như nhạc nào tôi cũng nghe.
Dẫu vậy, tôi vẫn quan tâm đến dòng âm nhạc tình cảm lãng mạn của các anh chị ở hải ngoại lúc bấy giờ như Ngọc Lan, Khánh Hà, Vũ Khanh… Có lẽ thời gian này cũng đã góp phần hình thành nên tính cách âm nhạc của tôi sau này.
Phải làm 13 nghề tay chân với mức lương 3,2 đô la một giờ trước khi trở thành ca sĩ
Trong những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, cuộc sống của chị diễn ra như thế nào? Chị đã phải làm những gì để mưu sinh trong thời gian đó?
Tôi không bao giờ quên ngày 26 tháng 11 đó, khi tôi đặt chân đến thành phố Utica, New York.
Đó là một thành phố mà rất ít người Việt sống rải rác, không khí phải nói rằng buồn ơi là buồn.
Công việc ở đây quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu. Tôi đã từng trải qua 13 nghề nghiệp khác nhau trước khi trở thành một ca sĩ, từ những nghề phổ thông tay chân như phụ bếp, sản xuất bật lửa, đến công việc tại một hãng kính áp tròng.
Tôi phải đi phụ việc bếp trong các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald, Burger King…
Thời đó, những người con lai có khả năng sẽ được đi học. Nhưng phải đến 80 - 90% trong số đó phải nghỉ học đi làm. Tôi cũng nằm trong số đó, không thể tiếp tục đi học vì gia đình quá nghèo khổ.
Mức lương tôi nhận được thời điểm đó chỉ 3,2 đô la một giờ. Nhưng đấy cũng là một khoản tiền lớn đối với tôi vào thời gian ấy.
Con đường âm nhạc của chị tại hải ngoại có gặp nhiều trắc trở, khó khăn? Có những kỉ niệm vui buồn nào khiến chị không thể quên ở giai đoạn đầu sự nghiệp này?
Khi còn sống ở Utica, New York, tôi gặp vấn đề với thời tiết lạnh ở đây, bên cạnh đó tôi còn bị suyễn. Lúc ấy, tôi có một người bạn hàng xóm tên Diễm Trang ở Atlanta nhiều năm. Cô ấy gợi ý để tôi về cùng ở chung.
Tôi và mẹ đã phải dành dụm tiền để đi trên một chiếc xe buýt suốt hơn 24 giờ mới đến được Atlanta với cô ấy.
Ngay đêm đầu tiên, Diễm Trang biết tôi thích ca hát nên đã dẫn tôi đến một vũ trường gần đó để chơi.
Đến nơi, tôi phát hiện có một anh chơi đàn trên sân khấu cứ chằm chằm nhìn vào tôi. Tôi cũng nhìn lại thì mới biết đó là anh nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân từng đánh đàn cho tôi hát.
Sau đêm đó, tôi cũng không biết anh Tân có nói gì với người chủ vũ trường hay không nhưng ngay ngày hôm sau, tôi đã chính thức trở thành ca sĩ của vũ trường đó. Đó là một cảm giác hạnh phúc khó tả, mà tôi không bao giờ quên được.
Số tiền cát xê đầu tiên tôi nhận được là 40 đô la cho 20 bài hát
Số tiền cát xê đầu tiên chị nhận được là bao nhiêu?
Lúc đó, tôi là một ca sĩ thường trực cho vũ trường nên cả một buổi tôi phải ngồi ở đó, không được chạy show lung tung. Thường thì tôi sẽ hát tầm 20 bài và nhận được khoản tiền cát xê là 40 đô la.
Tuy nhiên, tôi chỉ đi hát vào hai ngày cuối tuần là thứ bảy và chủ nhật.
Trong thời gian đầu đi hát, chị có chịu ảnh hưởng từ nghệ sĩ đi trước nào không? Quá trình xây dựng phong cách, lối đi riêng trong âm nhạc của chị diễn ra như thế nào?
Thời gian đầu đi hát, tôi chịu ảnh hưởng từ các Diva Âu Mỹ như Barbra Streisand, Celine Dion... Tôi từng cover các bản hit của họ như The power of love, Woman in love"...
Trong đó, ca khúc Woman in love được xem là một kỷ niệm và dấu mốc trong cuộc đời tôi. Nhờ bài hát này mà Roland sau một lần nghe tôi hát tại phòng trà đã quyết định theo đuổi tôi rồi chung sống tới tận bây giờ.
Long Phạm
29/08/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét