Ý Lan được biết đến là người con gái tài hoa và nổi tiếng nhất của đại danh ca Thái Thanh. Dù xuất hiện trên sân khấu ca nhạc khá muộn, nhưng cô vẫn sớm gặt hái được nhiều thành công và sở hữu cho mình một sự nghiệp riêng có, gây ảnh hưởng tới nhiều thế hệ đàn em sau này.
Nhờ đó, Ý Lan đã ghi dấu tên tuổi của mình vào bảng vàng danh ca sau 1975, đứng ngang với những danh ca khác như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Lan, Bảo Yến… Họ cùng nhau tạo nên diện mạo tân nhạc Việt Nam thời kì mới, giàu đẹp, đa dạng và lôi cuốn.
Giống như Thái Thanh, Ý Lan sở hữu một giọng hát lẫn lối hát đặc biệt, theo một trường phái riêng. Cô được xem là cánh chim đầu đàn của "trường phái Thái Thanh" trong âm nhạc. Chính giọng hát độc đáo ấy đã khiến khán thính giả phải chú ý và tạo nên ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng người nghe.
Thậm chí, một số người còn cho rằng, nếu không phải danh ca, Ý Lan với đẳng cấp kĩ thuật và giọng hát ấy hoàn toàn xứng đáng được gọi là một Diva của âm nhạc hải ngoại.
Bởi vậy, nhắc đến Ý Lan, không thể không bàn đến giọng hát trời phú cùng những kĩ năng ca hát riêng có của cô.
Thông tin chung về giọng hát Ý Lan
Trước tiên, xin đưa ra một số thông tin về giọng hát Ý Lan như sau:
Loại giọng/Vocal type: Nữ trung trữ tình (Lirico mezzo soprano).
Quãng giọng/Vocal range: 2 quãng tám 3 note, trải dài từ C#3 tới C#5 (mixed voice) và F#5 (head voice/head mixed).
Supported range/Quãng hát được hỗ trợ kĩ thuật: từ A3 tới B4.
Long notes: 11 giây ở B4 (ca khúc Hãy cứ là tình nhân) và 10 giây ở A4 (ca khúc Cô đơn).
Kiểu giọng: Kim pha mộc (chất mộc thể hiện khi hát soft voice, light mixed), khi belt thiên về kim đanh sắc.
Tiếng hát nội lực khổng lồ, mạnh mẽ hiếm thấy tại hải ngoại
Người ta thường nói, Ý Lan là một phiên bản của Thái Thanh vì cùng đi theo một trường phái và có lối hát giống nhau. Nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm.
Dù học hỏi rất nhiều từ mẹ, nhưng tự thân Ý Lan đã là một giọng hát khác biệt với Thái Thanh, từ loại giọng, âm sắc giọng tới kĩ thuật hát.
Nếu Thái Thanh là một nữ cao trữ tình sáng mảnh (light lirico soprano) thì Ý Lan lại là nữ trung (mezzo soprano). Có lẽ, việc kết hôn và sinh con sớm, từ khi còn rất trẻ đã khiến cơ địa, nội tiết của Ý Lan có nhiều thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp tới cấu tạo phát âm, dây thanh đới.
Nhờ đó, cô chuyển thành một nữ trung, với giọng hát dày hơn, đầm hơn và xuống được những quãng trầm hơn.
Trường hợp của Ý Lan khá giống với danh ca Aretha Franklin (nữ hoàng nhạc Soul của Mỹ), từ một nữ cao trong vắt, sáng rực chuyển thành nữ trung do sinh con sớm. Chỉ có điều, Ý Lan bước lên sân khấu khá muộn nên khán giả không có cơ hội được thưởng thức tiếng hát của cô khi còn là nữ cao.
Vì là nữ trung nên Ý Lan phát triển mạnh ở quãng trung và trầm. Cô có thể xuống tận C#3 (một note khá thấp với giọng nữ), hát thoải mái trong khoảng từ F3 tới B3.
Chẳng hạn, Ý Lan có thể nhả chữ ở E3 một cách dễ dàng khi phát âm mà không bị đứt gãy, hụt hơi, rung vibrato đều trằn trặn và đẹp lộng lẫy ở F3, G3.
Chưa dừng lại ở đó, Ý Lan còn hát liên tục trên quãng trầm dưới G3 rất tối, sâu, nặng mà vẫn liền mạch, có tính legato. Cô sử dụng được cả vocal fry một cách đầy tinh tế, tình, có cảm xúc, văn minh.
Để làm được điều này, Ý Lan không chỉ dựa vào năng lực bẩm sinh, mà còn phải khổ luyện kĩ thuật rất nhiều để mở rộng được quãng giọng, kiểm soát tốt mọi note nhạc mình hát ra.
Đối với một giọng nữ, hát cao thường dễ hơn hát trầm, vậy nhưng Ý Lan (tuy không phải nữ trầm) lại có thể hát trầm rất tốt và truyền cảm. Đây là điều đáng khâm phục.
Giống như Thái Thanh, Ý Lan sở hữu quãng giọng ngực (chest voice) khá mạnh, giàu tiềm năng. Nhưng nếu Thái Thanh tập trung phát triển quãng cao thì Ý Lan lại phát triển mạnh mẽ ở quãng trung.
Ý Lan sở hữu một cột hơi vững chãi cùng kĩ năng support hơi thở tốt nên hát quãng trung và cận cao như cá gặp nước, có thể bung nội lực vô cùng khủng khiếp, tung giọng hát với âm lượng cực lớn, sẵn sàng đàn áp bất cứ ca sĩ nào hát chung. Đây là một điểm đặc biệt ở cô mà ít người nhận thấy.
Do ảnh hưởng từ dòng nhạc, cách hát, khán giả thường chỉ bàn tới khả năng phô diễn giọng hát nội lực của những ca sĩ trong nước như Siu Black, Phương Thanh, Thanh Lam, Hồng Nhung…
Ca sĩ hải ngoại thường hát theo lối trữ tình, nhẹ nhàng, phù hợp với tình ca, nhạc xưa, nhạc trữ tình quê hương. Tuy nhiên, nội lực trong họ vẫn rất đáng nể, cần được khám phá. Trong đó, Ý Lan là một ví dụ điển hình.
Nội lực, âm lượng và sức bật, sức bền trong giọng hát Ý Lan rất lớn, có thể xem là hiếm thấy tại Việt Nam. Khi hát, cô thường dùng sức bật lớn trong giọng, qua làn hơi mạnh mẽ, khỏe khoắn để nảy lên chắc chắn từng âm một.
Dù không hát với lối khoe giọng, phô diễn giọng theo kiểu Diva, nhưng trong nhiều lần hát chung, cô vẫn tỏ ra nổi bật và nhiều lần vô tình "đàn áp" ca sĩ khác.
Chẳng hạn, trong một lần song ca cùng Hương Lan, Ý Lan đã bung sức tung một tràng C#5 to đột biến, nổi bần bật trên dàn nhạc và lấp trọn Hương Lan.
Ý Lan cũng là nữ ca sĩ hiếm hoi thường xuyên song ca với Diva Thanh Lam mà không bị lấn lướt, thậm chí đôi lúc còn nổi hẳn hơn.
Đặc biệt hơn cả, Ý Lan ít sử dụng cộng minh để khuếch đại độ vang, độ cộng hưởng trong giọng hát, nhưng âm lượng vẫn rất lớn và xuyên thấu, bất chấp mọi không gian, điều kiện ca hát hay ca sĩ hát chung.
Vì có tính kim nên giọng hát Ý Lan rất bén và sắc. Khi hát một mình, Ý Lan có thể kéo mic ra rất xa mà vẫn rõ tiếng. Công chúng đã nhiều lần choáng ngợp khi thấy Ý Lan tung mic ra xa gần mét nhưng vẫn bung B4, A4 đầy chắc chắn.
Lối hát sở trường của Ý Lan là sử dụng mixed twang bạch thanh, ít cộng minh theo kiểu bán cổ điển. Nhờ đó, cô mài giọng hát của mình trở nên đanh, sắc, nảy, sáng và bắn ra với lực lớn, xuyên thấu, rõ từng âm tiết, thanh điệu. Chính Trấn Thành đã từng nói về kĩ năng này:
"Chị Ý Lan nhả chữ với làn hơi rất mạnh, làm đầy được mọi thanh âm, nốt cao hay nốt trầm. Chẳng hạn, khi hát dấu sắc, chị ấy nhấn được rất cao, cao vút và mạnh. Tớ lúc hát dấu nặng, chị ấy thổi đầy được quãng trầm với lực đẩy hơi mạnh".
Quãng belt của Ý Lan bắt đầu từ D4, thuần chest voice, rất dày và thoải mái. Từ E4 trở đi, cô sử dụng mixed twang và bạch thanh ở G#4, bung tỏa âm lượng lớn từ A4, với lực bắn rất mạnh, nhưng lại thư giãn, thoải mái như không, không hề có dấu hiệu gắng gượng, gồng gánh. Không những vậy, Ý Lan còn belt F4 rất thoải mái, đẹp, nhẹ nhàng, bay bổng.
Thông thường, các giọng nữ phải lên cao hoặc cận cao mới dùng head voice, nhưng riêng Ý Lan lại xuống head voice tới F4 rất dày, chuyển giọng linh hoạt.
Thời mới đi hát, Ý Lan có xu hướng chính là hát light mixed, mở giọng rồi ngân vuốt các âm đóng ở cuối câu tạo độ khàn nhẹ trữ tình, thiết tha. Ở các chữ có âm /i/ khép lại như "ai", "ôi", cô thường đóng lại rồi ngân dài theo lối bạch thanh, rõ ràng từng âm tiết, đúng như Trấn Thành nói:
"Chị Ý Lan là một trong những người có khả năng siêu phát âm. Chị ấy phát âm rất đẹp, rõ chữ mồn một, viết làm sao phát âm y chang như vậy. Chị ấy là người Bắc nên phát âm rất đẹp.
Ví dụ, khi phát âm tiếng nào có nguyên âm cuối là /i/ như chữ "đời", chị ấy sẽ kết thúc bằng đúng âm /i/ đó, chứ không phải âm /ơ/".
Là cánh chim đầu đàn trong trường phái Thái Thanh, Ý Lan ít nhiều chịu ảnh hưởng từ lối hát của mẹ mình, với những luyến láy, đổ hột đậm nét Bắc Bộ, kết hợp giữa head voice và head mixed placement. Lối hát này thường được các nữ ca sĩ dân ca nhạc viện sử dụng.
Từ đó, Ý Lan tạo một sắc thái riêng biệt cho cách hát của mình, lúc kịch tính, lúc tự sự, lúc lại nức nở, đúng như nhạc sĩ Minh Châu từng nói:
"Ca sĩ Ý Lan có một giọng hát rất đặc biệt được thừa hưởng từ mẹ - danh ca Thái Thanh - với lối hát dân gian lả lơi, luyến láy. Sự dịu dàng, nữ tính ở cả vóc dáng lẫn giọng hát đã giúp chị tạo nên những hiệu ứng rất đặc biệt cho mình trên sân khấu".
Được rèn luyện tính cẩn thận, đoan trang, nề nếp từ mẹ Thái Thanh nên Ý Lan rất biết nâng niu câu chữ. Khi hát, cô thường vuốt ve từng câu từng chữ, bỏ nhỏ, khép đuôi rất kĩ lưỡng, xong câu nào dứt câu đó, ko ê a kéo dài, không biến âm, bẻ chữ để cộng minh như nhiều ca sĩ trong nước. Đây cũng là đặc trưng trong lối hát của các danh ca hải ngoại, khác với ca sĩ trong nước.
Việc support hơi thở tốt giúp Ý Lan điều khiển âm lượng đều đặn ở các âm khu từ trầm, trung đến cao, không note nào bị to hay nhỏ quá mức.
Khi lớn tuổi, Ý Lan có xu hướng belt cộng minh ở các note trung cao (từ A4 đổ lên). Nhờ đó, âm thanh cô hát ra có độ dày, mở, vang và tỏa hơn nhưng vẫn đanh sắc với âm lượng lớn (do tính kim còn nhiều).
Ở các quãng C5 và C#5, Ý Lan vẫn thiên về xu hướng mixed twang nên âm thanh có phần hơi bẹt, gắn, dù âm lượng vẫn lớn.
Dù sử dụng cộng minh, nhưng biên độ rung của Ý Lan lại không quá nhanh, mạnh, nên tạo được sự dễ chịu cho người nghe và thể hiện trọn vẹn tình cảm trong ca khúc, không bị kịch tính hóa quá mức. Trong khi đó, nhờ support cơ hoành rất tốt và không bị push thanh quản nên độ vang vẫn lớn và âm lượng vẫn to.
Một điểm đặc biệt nữa ở cả Thái Thanh và Ý Lan khiến khán giả vô cùng ấn tượng là khẩu hình khi hát, rất duyên dáng, ý nhị và có nét độc đáo, không giống nhiều ca sĩ khác.
Kiểm soát khẩu hình là một trong những kĩ thuật quan trọng giúp hỗ trợ độ vang cho giọng hát. Nó bao gồm các kĩ năng về kiểm soát cơ mặt, điều khiển môi, cơ cằm. Một ca sĩ kiểm soát tốt khẩu hình sẽ hát rất thoải mái, dễ dàng. Ngược lại, ca sĩ không kiểm soát tốt khẩu hình sẽ bị căng cơ mặt, cơ miệng, cơ cằm, dẫn tới khô cứng, mất vang.
Nếu để ý kĩ, khán giả sẽ thấy Ý Lan kiểm soát các cơ môi, thư giãn cơ cằm khá tốt, điều khiển nó một cách thoải mái.
Độ trề môi là một trong những nhân tố lớn về khẩu hình giúp hỗ trợ độ vang cho giọng hát, và Ý Lan đã tận dụng tốt độ trề môi để hát một cách thoải mái, dễ dàng hơn. Đây cũng là một trong những kĩ năng cô học được từ mẹ Thái Thanh.
Có lẽ nhờ giọng hát trời phú và những kĩ năng ca hát chuyên nghiệp như vậy, Ý Lan đã là ca sĩ người Việt hiếm hoi được mời tới hát quốc ca Mỹ tại một sân vận động lớn.
Long Phạm
9/9/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét