Gần đây, trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Dương Cầm đã lên tiếng thẳng thắn về ca sĩ Bảo Anh và MV Như lời đồn. Theo đó, nếu có quyền, nhạc sĩ trẻ tài năng muốn cấm ca khúc "Như lời đồn" của Bảo Anh.
Không những vậy, anh còn đưa ra quan điểm của mình về vấn đề nở rộ MV trong nhạc Việt hiện tại. Anh nói trên Zing:
"Đôi khi, MV cũng là một cách để lấp liếm. Ai cũng biết MV đẹp có thể cứu cả bài hát. Tôi thấy MV giống như một cái áo khoác, để mặc bên ngoài.
Khi bài hát không xuất sắc, không hay cho lắm, người ta có nhu cầu xem hình ảnh đẹp. MV mang lại điều ấy với hình ảnh, diễn viên, diễn xuất, do vậy, đã không còn thuần túy âm nhạc nữa.
Nhạc sĩ Dương Cầm
Cá nhân tôi vẫn thích cảm giác nhắm mắt và nghe nhạc. Cảm giác đó thích hơn nhiều. Tôi thích lắng nghe từng hơi thở của người hát, của âm nhạc. Nhưng nếu khán giả thích xem MV hơn thì đó cũng là điều bình thường
Tôi chỉ là một người dân bình thường. Nhưng nếu tôi có quyền tôi sẽ cấm ca khúc đó".
Qua phát ngôn này, có thể thấy, nhạc sĩ Dương Cầm là người tâm huyết và nghiêm túc với nhạc Việt. Anh muốn xây dựng một nền âm nhạc chất lượng và chuyên môn hóa. Cái tâm này là đáng quý trong thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, dưới giác độ văn hóa và tự do âm nhạc, vị nhạc sĩ tài năng này đang khá "cực đoan" và bảo thủ, đúng như anh tự nhận xét về bản thân mình. Sự cực đoan này có thể gây tác động tiêu cực tới âm nhạc – nghệ thuật.
Chối bỏ MV - có phải sự lấp liếm nghệ thuật bằng thái độ cực đoan?
Nhạc sĩ Dương Cầm không phản đối việc làm MV. Tuy nhiên, trong phát ngôn của anh phảng phất một thái độ thiếu coi trọng MV. Trong suy nghĩ của Dương Cầm, MV không quan trọng và cần thiết đối với âm nhạc, không có cũng chẳng sao.
Quan điểm này theo nhiều người là khá bảo thủ và không còn thích hợp ở thời điểm hiện tại.
Xã hội loài người luôn vận động và phát triển. Từ thời đại đồ đá, đồ đồng, con người giờ đã bước vào nền văn minh kĩ trị, công nghệ. Âm nhạc – nghệ thuật là tấm gương phản ánh xã hội nên hiển nhiên cũng phải thay đổi theo, chứ không thể chết lặng một chỗ.
Âm nhạc xuất phát điểm bằng giai điệu, giọng hát, ca từ. Nhưng trong nền văn minh hình ảnh, công nghệ hiện nay, nó buộc phải có nhiều cách thức thể hiện khác nhau như vũ đạo, short clip, visual, trình diễn sân khấu, thời trang và MV (music video)…
Với các nghệ sĩ đại chúng tài năng trên thế giới, âm nhạc từ lâu đã không còn là giai điệu đơn thuần mà trở thành nghệ thuật hậu hiện đại, tổng hòa cả âm thanh và hình ảnh (trong đó có MV).
Trong đó, phần hình ảnh ngày càng quan trọng hơn, như một phần không thể tách rời của âm nhạc, giúp nghệ sĩ biểu đạt ý đồ nghệ thuật của họ. Nói cách khác, hình ảnh cũng là phương tiện thể hiện tư duy, thẩm mỹ, sáng tạo của người nghệ sĩ.
Madonna từng nói: "Nếu bạn không xem MV của tôi, bạn không thể thấy rõ âm nhạc của tôi".
Việc đầu tư công phu vào MV, coi nó như một khía cạnh không thể thiếu của âm nhạc vốn đã được Michael Jackson tiên phong ở đầu những năm 80, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của MTV.
Và Madonna là người phát huy nó đến đỉnh cao về cả số lượng lẫn chất lượng, gia tăng giá trị nghệ thuật.
Hai nghệ sĩ này đều chung nhau một tư tưởng, là đoán trước được sự bùng nổ của công nghệ hình ảnh trong nền văn minh hậu công nghiệp, khi mà người ta chú trọng nhiều hơn tới màn ảnh động, thay vì sách báo, tranh ảnh và các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Vì vậy, họ đã gây chấn động thế giới bằng những MV công phu, được dàn dựng với cốt truyện, nội dung đầu đủ và tiến xa hơn các diva Pop chỉ biết làm MV đơn sơ, đứng hát một chỗ.
Không chỉ Michael Jakson và Madonna, hàng loạt nghệ sĩ huyền thoại như Kate Bush, Bjork, Queen, David Bowie, Daft Punk, Dire Straits, Peter Gabriel, Tool, Marylin Manson, Metalicia, Cyndi Lauper… cũng đầu tư xuất sắc vào việc làm MV và coi nó như một phần không thể thiếu của âm nhạc. Họ đã thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc của công chúng.
Trong các MV của họ thường có sự chuyển dịch văn hóa, vũ đạo của các ngành, các loại hình nghệ thuật khác vào. Thậm chí, họ thực hiện nhiều MV mang tính indie rất cao, theo kết cấu hoàn chỉnh, với nhiều mã nghệ thuật phức tạp, truyền tải nhiều ý nghĩa, thông điệp.
Khán giả phải xem nhiều lần, và mỗi lần xem lại phải suy tư, bóc tách từng mảng, từng khung cảnh, rồi móc nối lại với nhau, tự cảm nhận theo vốn hiểu biết kiểu mình thì mới hiểu được phần nào những gì họ muốn truyền tải. Điển hình như Human nature, Paradise, Die another day, Monday for nothing, Hurt, Around the world...
Nếu phim ảnh là tiểu thuyết, thì MV là truyện ngắn. Nó chỉ là một lát cắt của cuộc sống, nên nhiệm vụ truyền tải cũng khác. Các nghệ sĩ thế giới đang đi đúng hướng hậu hiện đại, khi thể hiện MV dưới nhiều dạng thức khác nhau đến khó đoán, khó hiểu, khó hình dung, để biểu đạt ý đồ nghệ thuật và trạng thái suy tư, cảm nhận của mình.
Cũng như muôn hình vạn dạng các thể loại truyện ngắn mới ra đời, người ta nhìn vào các dạng thức biến hóa trong MV của họ để thấy được sự phản ánh nghệ thuật về thế giới hậu hiện đại.
Có thể nói, các nghệ sĩ thế giới đã nâng tầm MV thành một phạm trù nghệ thuật mới, gắn kết không thể tách rời với âm nhạc, đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Mark C.Taylor đã từng nói: "Video ca nhạc chính là một trong những hình thức nghệ thuật xuất sắc hậu hiện đại và Madonna nổi lên như là "Nữ hoàng của video ca nhạc".
Các nghệ sĩ mainstream thực hiện MV ít phức tạp hơn, nhưng vẫn rất đầu tư vào hình ảnh và biến nó trở thành sản phẩm đẳng cấp, lôi cuốn công chúng. Điển hình như Britney Spears, Rihanna, Katy Perry, Lady Gaga…
Nhạc sĩ Dương Cầm nói đúng, sự xuất hiện của MV khiến âm nhạc "không còn thuần túy âm nhạc" nữa, nhưng đó là sự vận động tất yếu, bởi âm nhạc hậu hiện đại ngày nay phải là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, đáp ứng nhu cầu biểu hiện của xã hội và người nghệ sĩ.
Và MV không phải chỉ đơn giản là "cái áo khoác, để mặc bên ngoài" như nhạc sĩ Dương Cầm nói, nó đã thực sự gắn kết với âm nhạc, giúp nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật.
Nếu không có MV, sẽ không thể có thành công của Baby one more time (Britney Spears), Firework (Katy Perry), Thriller (Michael Jackson), Single Ladies (Beyonce), Born this way (Lady Gaga)…
Britney Spears thậm chí còn đấu tranh đổi MV Baby one more time từ hoạt hình thành người đóng để có được thành công rực rỡ đó.
Tại Mỹ, người ta còn có hẳn một giải thưởng dành cho MV là VMAs. Giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy cũng dành một hạng mục cho MV xuất sắc nhất.
Ở Việt Nam, do nhiều hạn chế trong thưởng thức, thẩm mỹ nên âm nhạc vẫn chủ yếu được coi trọng về ca từ, giai điệu, bỏ qua vũ đạo, hình ảnh.
Chúng ta vẫn có một số nghệ sĩ thức thời, nhận thức được tầm quan trọng của MV để đầu tư sáng tạo cho nó, như danh ca Ngọc Lan, diva Hồng Nhung, nhóm Ngọt… Tuy nhiên, số này còn quá ít.
Nhạc sĩ Dương Cầm có nói: "Đôi khi, MV cũng là một cách để lấp liếm. Ai cũng biết MV đẹp có thể cứu cả bài hát". Nhưng nếu nhạc không hay mà MV xuất sắc thì cũng đáng khen, chứ không có gì phải chê trách.
Trên thế giới có rất nhiều trường hợp ca khúc không đặc sắc, nhưng MV lại công phu, sâu sắc, giàu giá trị nên vẫn được ca ngợi.
Chẳng hạn, American Life của Madonna bị chê về phần âm nhạc khá nhiều, nhưng MV có nội dung phản chiến rất giá trị nên vẫn được xem là sản phẩm âm nhạc xuất sắc, tạo tiếng vang lớn. Hay, Die another day còn nhận được 2 đề cử trái ngược là Bài hát hay nhất và Bài hát tệ nhất do phần nhạc không ổn nhưng MV lại quá công phu, nhiều tầng nghĩa.
Và còn rất nhiều nghệ sĩ khác nhờ đầu tư MV đẹp nên vẫn được đánh giá cao, dù phần nhạc bị chê khá nhiều, như Britney Spears (Work bitch), Major Lazer (Bubble butt), DJ Snake (Turn down for what), Taylor Swift (Bad blood), R.Kelly (Trapped in the closet)...
Ở Việt Nam, chính vì thiếu coi trọng MV nên chúng ta chưa có được những MV xuất sắc về dàn dựng và nội dung. Nhiều nghệ sĩ vẫn cho rằng, chỉ cần nhạc hay là đủ nên không đầu tư MV.
Trong khi đó, các MV được đầu tư lại đa phần là sản phẩm nhạc thị trường, đẹp về hình ảnh nhưng nội dung đơn giản. Bởi vậy, nền âm nhạc Việt Nam đang thiếu hụt mảng MV ca nhạc.
Cấm bài hát Như lời đồn có phải sự kìm hãm âm nhạc?
Âm nhạc luôn có sự phân tầng, để hướng tới nhiều đối tượng khán giả khác nhau, có nhạc bác học thì cũng phải có nhạc đại chúng. Có như vậy, nền âm nhạc mới được phong phú, đa dạng hóa và nhu cầu thưởng thức của mọi tầng lớp mới được đáp ứng.
Ngay cả ở Âu Mỹ, vẫn có những thể loại nhạc dễ dãi tồn tại song song cùng âm nhạc đỉnh cao, nhưng không hề bị cấm đoán. Tất cả đều tự do hoạt động, để cùng tạo nên diện mạo âm nhạc.
Trong thập niên 60, 70, nhạc phản chiến bị đả kích khá nhiều và bị coi là "phản văn hóa". Elvis Presley khi ấy còn ác cảm với The Beatles. Nhưng nó vẫn tồn tại và sản sinh ra nhiều tượng đài như John Lennon, Bob Dylan, Sandy Denny…
The Beatles
Madonna thời trẻ từng bị phản đối dữ dội vì lối biểu diễn nóng bỏng, khiêu gợi quá mức, cùng ngôn từ thông tục, nội dung âm nhạc đụng chạm tôn giáo, chính quyền. Bản thân âm nhạc của Madonna thời kì đầu cũng không quá chất lượng nếu xét về chuyên môn.
Nhưng không ai cấm Madoona biểu diễn. Trải qua thời gian, cô đã chứng minh tài năng âm nhạc của mình và trở thành huyền thoại. Và những trò bị coi là "dung tục", "thiếu văn hóa", "phản nghệ thuật" của Madonna khi ấy lại trở thành tiên phong cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.
Madonna từng bị chỉ trích vì màn biểu diễn khiêu gợi tại MTV Awards 1984
Tại Hàn Quốc, người ta vẫn đẩy mạnh Kpop, dù nó bị chê là thị trường, kém chất lượng. Đơn giản vì Kpop giúp thúc đẩy kinh tế, quảng bá văn hóa Hàn Quốc đi muôn nơi, tạo thành làn sóng Hallyu.
Kpop rất được coi trọng tại Hàn Quốc
Bên cạnh đó, Hàn Quốc vẫn có đầy đủ những dòng nhạc chất lượng cao như Opera, Indie, Jazz… Họ sở hữu những nghệ sĩ khiến chúng ta phải mơ ước như Sumi Jo, So Hyang.
Điều đó giúp nền âm nhạc Hàn Quốc phát triển một cách toàn diện, bác học có, đại chúng cũng có, phục vụ đầy đủ nhu cầu của mọi tầng lớp công chúng.
Chẳng cần cấm đoán, Hàn Quốc vẫn có đỉnh cao âm nhạc như Sumi Jo
Ở Việt Nam, chính cái khắt khe và cực đoan từ giới chuyên môn và người trong nghề đã phần nào kìm hãm sự phát triển của âm nhạc. Người ta nghĩ rằng mình đang định hướng âm nhạc, nhưng kì thực lại giết chết nó khi bó buộc nó vào khuôn khổ, rằng phải thế này thế kia.
Như lời đồn của Bảo Anh có thể chưa xuất sắc, không hay trong mắt giới chuyên môn, nhưng ít ra, nó đã được đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp. Nó cũng hướng tới đối tượng khán giả riêng.
Bản thân Bảo Anh cũng không vỗ ngực tự xưng là âm nhạc chất lượng, đại diện hay định hướng cho bất cứ ai. Cô làm nhạc chỉ đơn giản để giải trí.
Ngay cả cái tên "Như lời đồn" cũng không có gì đáng chê trách như lời nhạc sĩ Dương Cầm nói. Trên thế giới vẫn có đầy ca khúc nổi tiếng với tên gọi khiêu khích, tục tĩu như Bitch better have my money (Rihanna), Work bitch (Britney Spears), SEX (Madonna), Erotica (Madonna), Boss ass bitch (PTAF), I don’t fuck with you (Big Sean)…
Khán giả coi những ca khúc như vậy là một phần văn hóa âm nhạc đại chúng. Âm nhạc không phải lúc nào cũng trau chuốt, đẹp đẽ. Nó cần diễn đạt đầy đủ mọi trạng thái cảm xúc, hoàn cảnh của con người, với sự nổi loạn, khổ đau, phẫn uất, chửi bới, hận thù, đấu tranh…
Hãy để khán giả tự quyết định
Ca sĩ Vũ Hà từng nói rất đúng rằng: "Nếu tới lúc đó cô ta vẫn hát dở thì chúng ta chẳng cần cấm cô ta cũng sẽ mắc cỡ mà tự nghỉ hát. Khán giả sẽ tự quyết định chuyện này".
Whitney Houston, Mariah Carey, Aretha Franklin đều là những đỉnh cao âm nhạc, nhưng họ vẫn yêu quý và động viên Britney Spears – một ca sĩ thị trường thiếu hụt giọng hát.
Whitney Houston luôn động viên Britney Spears
Bởi vậy, chuyện ca sĩ này ca sĩ kia có tồn tại được không, hãy để khán giả quyết định. Nghệ sĩ chỉ cần làm nghề, cống hiến và yêu thương nhau, không nên cấm đoán, áp đặt.
Nhưng dù sao chăng nữa, nhạc sĩ Dương Cầm vẫn là người có tài, và những phát ngôn của anh đều xuất phát từ tâm huyết với nền nghệ thuật nước nhà.
Long Phạm
23/10/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét