Tối qua (12/8), live show Khánh Ly – Như một lời chia tay đã diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Đây không phải lần đầu tiên Khánh Ly hát tại Hà Nội vậy mà dù trời còn làm mưa trắng xóa, khán giả vẫn hồ hởi đến kín khán phòng.
Có lẽ ai cũng muốn được diện kiến và thưởng thức tiếng hát của huyền thoại âm nhạc Việt Nam – tiếng hát của một dấu ấn văn hóa, một mã triết học, văn thơ, tư tưởng và của dấu ấn thời gian.
Khánh Ly đã 74 tuổi nhưng vẫn khiến khán giả thán phục vô cùng với ngọn lửa ca hát hừng hực trong bà. Bà hát suốt ba tiếng đồng hồ với hàng chục ca khúc mà không hề mệt mỏi, càng hát lại càng sâu, càng đượm và hân hoan niềm vui.
Tiếng hát Khánh Ly tuổi 74 không còn như đôi mươi, đã nhuốm màu thời gian, mất mát, đau thương và sương gió, nhưng càng vì thế, nó lại càng khắc khoải, ưu phiền và chuyên chở được sâu sắc hơn cái hồn của nhạc Trịnh.
Không cần đến kĩ thuật hay sự phô diễn, Khánh Ly chỉ cần cất giọng lên thôi cũng đủ khiến người nghe phải chết lặng bởi thứ âm sắc vô cùng đặc biệt của mình – thứ âm sắc đã ám màu rêu phong, thăng trầm.
Các nốt trầm dưới G3 được bà hát thật chắc chắn và tưới lên biết bao chiêm nghiệm, buồn vui, đau khổ của nhiều cõi đời, cõi người.
Điểm độc đáo của đêm nhạc này là Khánh Ly đã mặc lại chiếc áo dài trắng giản đơn mà năm xưa bà vẫn hay mặc để phiêu du cùng nhạc sĩ họ Trịnh. Họ vừa đi vừa hát những ca khúc đậm tính hiện sinh và cứ thế tạo nên thứ âm nhạc trường tồn cùng thời gian này.
Và dù như Một lời chia tay, nhưng Khánh Ly vẫn hát với tinh thần hoan hỷ, tươi vui. Bà muốn mọi người yêu mình ngay bây giờ, khi mình còn sống, vì thời gian của bà không còn nhiều nữa.
Ngoài ca hát, Khánh Ly cũng dành cho khán giả những khoảng lặng suy tư, khi tâm sự về bản thân và Trịnh Công Sơn. Bà đã kể ra những câu chuyện ít ai biết, giúp người ta hiểu hơn về mình và cố nhạc sĩ họ Trịnh.
Khánh Ly dặn dò khán giả về chuyện ra đi
Đi hát bao nhiêu năm nay nhưng đến giờ tôi vẫn run lắm. Đứng trước khán giả Hà Nội, được hát tại Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nên kiểu gì cũng vẫn run.
Tôi yêu cuộc sống này, dẫu như một lời chia tay. Ai cũng phải chia tay, nhưng nếu tôi có kỉ niệm thì đó là điều tôi mang theo. Đến một lúc nào đó, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, chúng ta không mang theo được gì, chỉ mang theo được kỉ niệm mà thôi.
Tôi hi vọng tôi sẽ trở thành kỉ niệm của mọi người và mọi người cũng là kỉ niệm của tôi để tôi mang đi xa. Mọi người ở lại, hãy nhớ kỉ niệm giữa chúng ta. Tuy chia xa, nhưng chúng ta vẫn mãi gần nhau, như "áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau".
Ngồi khóc một mình mà không biết đến ngày nào mới trở lại
Chúng ta thường bàn về nhạc Trịnh Công Sơn để tìm hiểu xem ông nhắn gửi gì qua nhạc. Vậy mà nhiều khi ông hỏi tôi, em nghe nhạc anh có hiểu không. Tôi trả lời, tôi không hiểu nhưng tôi thích.
Có những lúc buồn bã, nghe nhạc của ông, tôi cảm thấy được chia sẻ, được ấm áp, không còn tuyệt vọng nữa. Nhạc Trịnh buồn nhưng không phải cái buồn khiến người ta chết được, mà là cái buồn nhè nhẹ.
Tình yêu của ông vốn nhẹ nhàng, nên cái buồn hay niềm vui cũng như vậy. Ông luôn cho tôi cảm giác được nương tựa, an ủi rất nhiều.
Trong những tháng ngày xa nhà, xa quê hương, nhiều khi nhìn nắng lên, mưa xuống, tôi ngồi khóc một mình mà không biết mình đã xa quê hương của mình đến nhường nào và cũng không biết bao giờ mới đến ngày trở lại.
Có nhạc Trịnh là tôi có một người yêu bên cạnh trong những năm tháng dài như vậy. Tôi còn sống được và yêu được là nhờ có nhạc của ông Trịnh Công Sơn.
Nhiều người vẫn hỏi tôi và Trịnh Công Sơn có yêu nhau không?
Tôi học được ở Trịnh Công Sơn rất nhiều điều. Dù không bao giờ ông nói ra nhưng qua tất cả, từ cách ông ngồi đến cách ông ăn uống, tôi đều học được.
Tôi không biết uống rượu nhưng mỗi lần thấy Trịnh Công Sơn uống, tôi đều rót từ ly của ông sang ly của tôi Tôi sợ ông uống nhiều, ông bệnh.
Ông thấy tôi rót rượu sang như vậy, chỉ cười rồi lại tự rót tiếp vào li của mình. Rốt cục, cả hai anh em cùng uống.
Những đêm khuya về, chẳng còn ai cả, chỉ còn mình ông, thì ông bắt đầu ngồi vẽ. Nhiều khi tôi muốn có một bức tranh được vẽ bởi Trịnh Công Sơn mà không dám nói. Nếu nói ra ước mơ của mình mà bị ông từ chối thì đau lòng lắm.
Trịnh Công Sơn là người yêu cái đẹp, chỉ có cái đẹp trong cuộc sống là chinh phục ông được thôi. Có lần, ông kể với tôi về một người đi xa đã lâu trở về thăm ông. Ông nói: "Giá mà đừng về".
Nghe xong, tôi hiểu và cố tránh để ông thấy tuổi già của mình. Ai cũng phải già, Trịnh Công Sơn cũng vậy. Nhưng ông yêu cái đẹp nên tôi muốn tránh được chừng nào thì tốt chừng ấy.
Đến giờ, nhiều người vẫn hỏi tôi và Trịnh Công Sơn có yêu nhau không, có tình cảm nam nữ không. Tôi không thể trả lời được. Vì nếu đã tin thì không hỏi mà đã hỏi thì không tin, nên tôi có trả lời cũng đến thế thôi.
Nhiều người lại bảo, không thể nào có tình bạn giữa người đàn ông và người đàn bà, nhưng có đấy. Tôi tin điều đó.
Tôi không thể nào là bạn của Trịnh Công Sơn được. Tôi chỉ là người con, người em của ông thôi. Nhưng tôi có nhiều người bạn là đàn ông và tôi yêu họ. Tôi yêu tình yêu của tôi chứ không phải yêu người đó.
Bởi vậy, những người tôi quen đều nhìn tôi như đàn ông vậy. Tôi không có gì hấp dẫn người ta để đi đến chuyện yêu đương được.
Sau năm 1975, người ta đồn rằng tôi chết rồi. Trịnh Công Sơn nghe tin đó nên mới viết ca khúc Rơi lệ ru người để khóc cho tôi.
Nhưng sau đó, tôi liên lạc lại được với ông, nên ông cất ca khúc đó đi. Phải đến năm 1982, ông mới đưa lại nó cho tôi và kể về nó.
Tôi không hiểu, tôi không biết gì cả. Nhưng về sau tôi nhận ra, hay là ông viết bài hát này cho tôi? Trong bài hát này có tên tôi – Mai. Tôi chỉ dám nghĩ như vậy thôi chứ không dám khẳng định ông viết bài hát này cho tôi.
Tôi tự thấy mình không đáng để được Trịnh Công Sơn viết cho mình một bài hát. Tôi rất yêu nó, dù rất ít khi được trình bày.
Tôi rất bình an khi nghĩ đến cái chết. Tôi biết, khi mình chia tay, ra đi, không phải mình mang theo cái gì mà để lại được cái gì cho người thương yêu mình. Đó là để lại một tấm lòng.
Long Phạm
13/8/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét