Hoàng Oanh chưa từng một lần về Việt Nam biểu diễn sau khi sau khi sang hải ngoại cách đây 40 năm, và cũng không đi hát quá nhiều. Bởi vậy, cô không được nhiều người biết đến như Thanh Tuyền, Chế Linh, Hương Lan, Như Quỳnh…
Tuy nhiên, Hoàng Oanh vẫn luôn được xem là một trong những trụ cột lớn, có công kiến tạo và đưa dòng nhạc Bolero cũng như Tân nhạc đi đến đỉnh cao. Những cống hiến của cô là vô cùng quý báu, tạo nên cả một gia tài đồ sộ, ít ai sánh kịp
Hoàng Oanh sở hữu tài năng đa dạng. Cô được gọi với nhiều danh hiệu như tiếng hát thiếu nhi, tiếng hát của thưở học trò, tiếng hát của tình ca quê hương, tiếng hát của thời chinh chiến, tiếng hát cho người lưu vong, tiếng hát gợi nhớ quê hương và giọng ngâm thơ trác tuyệt.
Ở thời hoàng kim, Hoàng Oanh ngự trị trên hầu khắp các sóng phát thanh và truyền hình. Cô chính là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất, với hơn 200 đĩa nhạc tính tới năm 1975, tại nhiều hãng đĩa khác nhau. Độ phủ sóng của cô rộng khắp và bao trùm tới mọi ngõ ngách ở Sài Gòn ngày ấy.
Về tầm ảnh hưởng và sức nặng của tiếng hát Hoành Oanh, nhà văn Lê Thanh Thái từng nói qua hai câu thơ:
"Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương"
Ca sĩ có tự trọng bậc nhất, không bao giờ hát ở vũ trường
Là một ca sĩ nổi tiếng và được săn đón, nhưng Hoàng Oanh từ xưa đến nay vẫn luôn dè dặt, khiêm tốn và giữ được phẩm hạnh sáng ngời của mình, đúng như lời nhà văn Hồ Trường An từng nói: "Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng so sánh Hoàng Oanh với Chế Linh để lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của cô. Ông nói: "Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô.
Trong khi đó ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi tiền đã trao và cháo đã múc là anh vội quên ngay.
Đôi khi tôi có ý nghĩ so sánh anh làm công việc giống như người ta nói là "đẻ thuê". Nghĩa là mình cũng tự đẻ ra đứa con, nhưng lại chỉ đẻ giùm và vì thế mà chóng quên và không hề lưu luyến".
Hoàng Oanh từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc từ cha, nên sống rất chuẩn mực và đoan trang. Từ khi lên 5, cô đã được cha mình (là một nghệ sĩ) dạy hát và tới 8 tuổi thì bắt đầu đứng trên sân khấu.
Nếu các sĩ khác phải rất khó khăn mới nổi tiếng thì Hoàng Oanh với giọng hát trời phú và kĩ thuật điêu luyện đã nhanh chóng được biết đến ngay từ những năm đầu đi hát. Cô chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và được săn đón nồng nhiệt. Trong thời gian đi học, cô liên tục được mời thu âm và biểu diễn.
Bởi vậy, Hoàng Oanh được mệnh danh là thần đồng ca hát. Nhưng không phải vì thế mà cô lao vào cuộc sống sân khấu, để chạy show kiếm tiền.
Hoàng Oanh vẫn rất tập trung học hành đến nơi đến chốn và tốt nghiệp loại ưu Đại học Văn khoa Sài Gòn, với bằng Cử nhân văn chương. Nhờ đó, cô sở hữu được vốn kiến thức rộng lớn về văn thơ, cũng như ca dao, dân ca của khắp các miền đất nước.
Đây chính là lợi thế lớn giúp Hoàng Oanh phát triển tài năng ngâm thơ có một không hai của mình, tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa cô và những ca sĩ cùng thời.
Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ và học thức toàn vẹn của một nữ sinh Văn khoa, Hoàng Oanh luôn giữ được phẩm hạnh cao đẹp trong suốt sự nghiệp. Dù đứng trong ánh hào quang và phải chịu nhiều xô bồ, thị phi, cô vẫn không hề đánh mất nhân cách, đạo đức của mình.
Khác với tất cả các ca sĩ khác, Hoàng Oanh tuyệt đối không hát vũ trường, kể cả hát phòng trà cũng không.
Vào thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông nhưng Hoàng Oanh từ chối với lí do bận chuyện bài vở vào buổi tối. Người ta chỉ thấy Hoàng Oanh xuất hiện trên các sân khấu hoặc sự kiện lớn.
Lí giải về điều này, Hoàng Oanh cho rằng, do hồi nhỏ cô ở với một ông cậu rất nghiêm khắc nên bị cấm không được hát vũ trường. Cô kể lại: "Thời gian đó, tôi còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, tôi phải tập trung học bài và ôn thi.
Và tôi nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của tôi. Tôi muốn giữ gìn nhân phẩm của mình".
Sống một cuộc sống khép kín và bình lặng như vậy, nhưng tin đồn và thị phi thi thoảng vẫn bủa lấy Hoàng Oanh. Vào năm 1967, cô từng bị đồn đụng xe chết.
Tin đồn này kéo dài dai dẳng tới mức hãng dĩa Sóng Nhạc và đài truyền hình phải lên tiếng đính chínhh. Ban giám hiệu của trường Gia Long cũng phải mời Hoàng Oanh vào trường gặp mặt các nữ sinh để xóa tan dị nghị.
Long Phạm
26/6/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét