Hà Thanh là một trong những cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam. Cô sở hữu tiếng hát đẹp lộng lẫy và sang trọng bậc nhất, lại thấm đượm hồn quê hương đến từng hơi thở.
Tuy không hát thuần Bolero mà thành công ở nhiều mảng khác như tiền chiến, Slow, Ballad… nhưng Hà Thanh vẫn có những đóng góp to lớn đối với dòng nhạc này từ trước 1975.
Hà Thanh là ca sĩ hiếm hoi đem đến chất học thuật cao quý cho dòng nhạc Bolero, khiến nó trở nên đẳng cấp, sang trọng như được tô thêm màu bán cổ điển, nhưng vẫn đậm chất trữ tình quê hương.
Không chỉ được công chúng ngưỡng mộ, Hà Thanh còn được giới chuyên môn đánh giá cao về giọng hát, kĩ thuật và tài năng thiên phú. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đắc nhận định: "Hà Thanh với giọng oanh vàng số 1 được xem là nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của Huế thế kỷ 20".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lại có những nhận xét khá đầy đủ về tài năng của Hà Thanh. Ông nói: "Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca.
Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái, dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó".
Nhà thơ Nhất Tuấn thì tấm tắc khen ngợi: "Đặc biệt là Hà Thanh hát rất nổi tiếng những nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông và nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn, Từ Linh.
Bài nào Hà Thanh hát lên cũng làm người nghe rung động vì khi hát nàng để hết tâm hồn vào lời thơ, ý nhạc của tác giả muốn gởi gắm trong bài".
Hà Thanh cũng được biết tới là ca sĩ sắc nước hương trời và sở hữu phẩm hạnh, nhân cách cao đẹp của một người tu tập chính chuyên. Nhờ đó, cô trở thành bóng hình trong mộng của rất nhiều thi nhân, nhạc sĩ tài hoa.
Trong đó, có thể kể tới nhà thơ Bùi Giáng, người đã từng si mê và làm nhiều thơ, thậm chí còn viết hẳn sách để ca ngợi nhan sắc của Hà Thanh.
Nhà văn Mai Thảo là một trong những người yêu say đắm Hà Thanh nhất. Ông đã từ đi từ Sài Gòn về tận Huế để hỏi cưới nữ ca sĩ. Sau này, nhà văn Hồ Đình Nghiêm có nói: "Người (Mai Thảo) từng sát vai ngồi uống rượu, nói mông lung cho tôi nghe về người thiếu nữ có nhan sắc, có tiếng hát mượt mà".
Tên tuổi và sức ảnh hưởng của Hà Thanh lớn tới mức, cô được xếp vào thế "chân vạc" trong làng nghệ sĩ xứ Huế, cùng với Trịnh Công Sơn và Thanh Hải.
Họa sĩ Đình Cường có kể lại rằng: "Khi tôi ra Huế, thì đã nghe "ba Sơn, ba Hải, ba Hà", các bạn hay gọi nhau như vậy. Đó là Trịnh Công Sơn, Thanh Hải và Hà Thanh (không phải Thanh Hải hát nhạc Sơn sau này, hiện sống ở Đức).
Ba người bạn đã đàn ca với nhau rất sớm, bằng tất cả tấm lòng say mê âm nhạc thuở xuân xanh.
Năm 1957, Hà Thanh đã hát trên đài Phát Thanh Huế. Sơn sáng tác những bản nhạc đầu tay và Thanh Hải thì đàn guitare rất bay bướm, hay biểu diễn cho bạn bè xem, đàn ở nhiều vị thế.
Hà Thanh là ca sĩ đầu tiên bạn của Sơn và hát nhạc Sơn".
Đến nhạc sĩ tài ba bậc nhất như Phạm Duy cũng phải thốt lên khi nghe Hà Thanh hát: "Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng".
Tiếng hát sang trọng bậc nhất nền Bolero thế kỉ 20
Nền nhạc Bolero Việt Nam thế kỉ 20 xuất hiện rất nhiều giọng hát hay và đặc biệt. Chúng ta đã có một nữ trầm ma mị như Thanh Thúy, một nữ cao nội lực, rực rỡ như Thanh Tuyền, một chất giọng khàn độc đáo như Bảo Yến hay đẹp mềm mại như Như Quỳnh…
Tuy nhiên, nói đến sự sang trọng bậc nhất phải kể tới Hà Thanh, một tiếng hát mà chỉ nghe thôi đã toát lên sự cao quý, trâm anh nhất mực.
Chất cao quý trong giọng hát Hà Thanh đến từ chính con người cô, vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi thượng lưu ở đất kinh thành xứ Huế - nơi ngự trị của hoàng tộc và vua chúa.
Điều này đã được cháu của nhà văn Mai Thảo là Orchid Lâm Quỳnh ghi lại: "Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế.
Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!".
Con gái Huế vốn đã nổi tiếng nết na, thùy mị. Hà Thanh lại sinh ra trong một gia đình quyền quý, học thức, được giáo dục kĩ càng từ văn hóa tới lời ăn tiếng nói, nên ắt hẳn phải vô cùng thanh tao, nhã nhặn.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã từng "phong Huế" cho Hà Thanh khi nói rằng: "Dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, dịu hiền, khiêm tốn; tuy tươi mát, thân tình nhưng cũng rất e dè và chừng mực của Hà Thanh là nét tiêu biểu cho con người và phong thái của Huế".
Hơn nữa, Hà Thanh còn là người tu Phật đạo chính chuyên, ăn chay trường. Cô quy y theo Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, với Pháp danh Tâm Tú và tham gia sinh hoạt ở Gia đình Phật tử Hương Từ tại Huế. Bởi vậy, trong bản ngã của cô sớm đã hình thành sự hiền hòa, nhu mì và nhìn vạn vật với cái tĩnh tâm, thuần khiết.
Chính vì thế, giọng hát Hà Thanh đã sớm có được chất thanh cao và quý phái, đúng nghĩa một tiểu thư đài các "cầm kì thi họa".
Hà Thanh là giọng nữ trung trữ tình (lirico mezzo soprano) nên có thể xuống được những note rất thấp. Cô có thể nhả chữ xuống tận D3 một cách mượt mà và hòa thanh mềm mại, không một chút chênh phô.
Quãng trầm của Hà Thanh không nặng như Thanh Thúy, tối như Bảo Yến, nhưng vẫn đạt đủ độ dày, chắc và hát ra một cách thoải mái, không bị chênh phô hay mờ nhạt. Và quan trọng hơn cả, cô hát quãng trầm khá đẹp, ấm áp và mềm mại vừa đủ, lại có độ tự nhiên.
Bởi vậy, dù Hà Thanh xuống trầm rất nhiều trong một bài hát, nhưng người nghe không hề bị cảm giác ngồn ngộn, nặng nề hay có sự liêu trai, ma mị nào, mà vẫn thấy ngọt ngào, mượt mà như một thứ lụa nhung dày dạn.
Chất giọng Hà Thanh thuộc hành kim, nên vang sáng và lồng lộng như ánh nắng mặt trời chớm nở. Tuy nhiên, nó không hề đanh hay bị chói, gắt như nhiều giọng kim khác, mà vẫn mềm mại, ấm áp và có độ ngọt.
Khi hát, Hà Thanh thường làm mềm giọng của mình bằng legato và messa voce, kết hợp với chất kim vang xa, khiến nó trở nên bay bổng, bồng bềnh trôi đi thững thờ như dòng sông Hương.
Hà Thanh thường xuyên dùng head voice để lên tới những note cao tầm E5, F5, F#5 theo nhiều sắc thái khác nhau, lúc thì hát toàn giọng căng tràn, lúc lại nhảy note staccato khúc khủyu, để trang trí cadenza một cách hoa mỹ.
Nhưng dù hát theo kiểu nào thì những note head voice ấy vẫn rất ấm, mềm và đẹp, phát ra như hơi thở, vang âm ỉ trong không gian rồi thả vào tai người nghe những ly mật ngọt lịm.
Điều này đúng với nhận định của tác giả Đinh Hoàng Anh: "Giọng hát Hà Thanh khi lên thì trong trẻo, cao vút tưởng chừng không bao giờ ngắt quãng thì khi xuống lại trầm ấm,dịu dàng nhưng rất tự sự. Những nốt cao của cô khi lên cũng hiếm ai có được (giọng kim).
Tiếng hát hiền hòa, mượt mà nhưng bát ngát, vang vọng cả về trường độ, âm vực, đầy tươi tắn, trẻ trung như nhẹ lướt nhanh nhanh, buông lơi trên dòng Hương Giang hờ hững".
Là một nữ trung, nhưng quãng mixed voice của Hà Thanh rất tốt, giúp cô lên cao dễ dàng. Hà Thanh không bao giờ phô diễn quãng cao của mình, mà thường ẩn giấu vào từng câu chữ, giúp nó nhảy đúng giai điệu, nhưng vẫn thật ngọt ngào.
Bởi vậy, Hà Thanh có thể nhả chữ lên tới C5, nhưng do quá thoải mái và nhẹ nhàng, như thở ra cũng được, nên người nghe ít nhận ra cao độ của nó mà tưởng như một note tà tà nào đó. Đây là đẳng cấp của một người mà theo Hồ Quỳnh Hương nói: "Hát note cao mà không để người ta biết mình đang hát cao".
Chất kim được thể hiện rõ khi Hà Thanh hát mixed voice tầm A4 tới C5. Khi đó, trong tần số vibrato của cô nảy lên độ rung độc đáo, nổi bần bật và bay xa như đang tung ra những chuỗi ngọc trong không gian. Nó đẹp chẳng khác nào tiếng chuông khánh lảnh lót, nhưng vẫn cứ mềm đến ru lịm người, chứ không quá sáng và vun vút như Thanh Tuyền, Hương Lan.
Trong hoài niệm về Hà Thanh, sư cô Chân Không đã nói rất đúng: "Nhưng tôi thì vẫn đang còn nghe vẳng vẳng ngay lúc này đây, cái giọng ngọt ngào ấy, trong như những giọt sương mai long lanh, đầm ấm mà từ bi như tiếng chuông ngân xa, ngân xa… thật xa biến cõi buồn phiền thành Tịnh Độ".
Chất mềm mại trong giọng Hà Thanh tạo cho người nghe cảm giác có một làn sương mờ bọc quanh, nên hát kiểu gì cũng vẫn lững lờ, huyền ảo như tiếng tiên nữ cõi thiên thai.
Về chất tiên cảnh này, Hà Thanh từng được ví là "tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thuỳ dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với nhạc điệu trầm bỗng, thướt tha".
Dù hát rất kĩ thuật, nhưng Hà Thanh vẫn nổi bật bởi sự tự nhiên, bản năng của mình, do âm sắc giọng cô quá đẹp, đến mức luyến láy, chạy note hay lắt léo thế nào cũng vẫn tạo được sự uyển chuyển, hòa quyện. Kịch sĩ Kim Cương từng nói về chất tự nhiên này như sau:
"Cứ mỗi lần nghe ca khúc Sắc hoa màu nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi lại bâng khuâng nhớ về giọng hát Hà Thanh. Tiếng hát của những hoài niệm và nhớ mong.
Tôi cho rằng nữ danh ca này có chất giọng thiên phú, chị hát rất thoải mái, không cầu kỳ, không cường điệu, gò bó mà cuốn hút đến lạ kỳ".
Nói về sự sang trọng trong tiếng hát Hà Thanh, nhạc sĩ Văn Giang cho rằng: "Chị có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời.
Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh".
Bằng sự huyền ảo, thanh thoát, tự nhiên và đầy quý phái đó, Hà Thanh xứng đáng với danh hiệu "Tiếng hát sang trọng bậc nhất nền Bolero thế kỉ 20".
Long Phạm
25/5/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét