Nhạc Trịnh nói chung và tiếng hát Khánh Ly nói riêng vốn được biết đến rộng khắp qua những bản tình ca bất hủ như Diễm xưa, Hạ Trắng, Ru em từng ngón xuân nồng, Gọi tên bốn mùa, Như cánh vạc bay…
Không thể phủ nhận, tình ca là mảng nhạc giàu về cảm xúc, sâu sắc về ngôn từ, tinh tế về hình ảnh và có nhiều giá trị bất hủ. Chính mảng tình ca cũng đã đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đến với công chúng khắp trong lẫn ngoài nước, giúp họ nhận được sự mến mộ, yêu thích rộng rãi từ nhiều thế hệ, tầng lớp khán giả.
Cho đến nay, tình ca vẫn là mảng nhạc được trình diễn, làm mới nhiều nhất của Trịnh Công Sơn, khi được hàng ngàn ca sĩ ở mọi lứa tuổi, dòng nhạc thể hiện. Nó quen thuộc tới mức, hầu hết người Việt Nam trưởng thành đều thuộc dăm ba câu hát trong những bài tình ca của Trịnh Công Sơn.
Nhưng cũng chính điều đó đã dẫn đến cái nhìn phiến diện rằng, nhạc Trịnh chỉ toàn những ca khúc yêu đương, sầu não, yếm thế, bi quan, kết hợp cùng tiếng hát Khánh Ly lại càng trở nên liêu trai, ma mị, muộn phiền.
Thậm chí, một số người trong giới chuyên môn còn dựa vào mảng tình ca để đánh giá nhạc Trịnh đơn điệu về hòa âm, nét phát triển giai điệu và tiết tấu đều đều, chầm chậm, ít biến tấu, phức tạp…
Hiển nhiên, Khánh Ly – người hát nhạc Trịnh thành công nhất cũng bị cho là giọng hát ít đột phá, đều đều, liêu trai và u ám.
Những đánh giá, nhận định trên không hẳn là sai, nhưng phiến diện, một chiều và thiếu sự bao quát về gia tài nhạc Trịnh cũng như tầm vóc Khánh Ly.
Cần khẳng định lại rằng, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều là hai tượng đài không chỉ trong âm nhạc, mà còn in dấu lịch sử, thời đại, dân tộc, chứa đựng những mã văn hóa đặc biệt. Vì vậy, cần đánh giá và nhìn nhận hai tượng đài này một cách toàn vẹn, đầy đủ hơn, như lời ca sĩ Minh Chuyên nói:
"Về khía cạnh âm nhạc, ai cũng rõ tầm ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly lớn thế nào. Nhưng ngoài ra, họ cũng là những tượng đài mang dấu ấn lịch sử và văn hóa.
Song hành cùng nhau không thể tách rời, một người sáng tác, một người hát, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã nói lên tiếng nói thế thệ trong một thời đại quan trọng của lịch sử, tạo ra những mã văn hóa vừa mang tầm vóc nhân loại, lại vừa đậm đà hồn dân tộc.
Cho đến bây giờ và mãi sau này, những dấu ấn văn hóa, lịch sử mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tạo ra vẫn còn in đậm không phải mờ".
Đó là lí do vì sao suốt nhiều năm qua, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly vẫn luôn được nghiên cứu tại các trường đại học, với hàng loạt luận văn, luận án ra đời.
Thậm chí, nữ giáo sư người Nhật Michiko Yoshii trong quá trình học cao học tại Pháp đã quyết định theo đuổi nghiên cứu luận văn về nhạc Trịnh. Cô nói:
"Vào khoảng năm cuối thập niên 80, khi tôi là sinh viên đại học tại Paris (Pháp) thì đã thích Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này.
Một trong những tình yêu lớn nhất của tôi là nhạc Trịnh Công Sơn và quyết định theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Ở Nhật, nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn được đặt lời mới trên giai điệu của những bài hát quen thuộc".
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, hai tượng đài văn hóa mang tầm vóc lịch sử của Việt Nam
Ai cũng biết, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là hai huyền thoại âm nhạc, có vị trí to lớn trong tiến trình nhạc Việt. Nhưng ít ai để tâm rằng, họ cũng là những tượng đài về văn hóa, với tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với văn hóa đại chúng giai đoạn 1960 -1975 tại Việt Nam.
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất tới văn hóa của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chính là góp phần xây dựng văn hóa hiện sinh, văn hóa phản chiến từ trong ra ngoài âm nhạc, hòa nhịp cùng không khí chung của thời đại.
Ảnh hưởng này được thể hiện rõ nét nhất ở mảng nhạc phản chiến (còn được gọi là những ca khúc Da Vàng) và một phần mảng nhạc tình ca của Trịnh Công Sơn.
Trước khi bàn về ảnh hưởng văn hóa của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, cần nhìn lại về văn hóa hiện sinh trong thập niên 60 trên thế giới và Việt Nam.
Chủ nghĩa hiện sinh (Existentianlism) là một khuynh hướng triết học, mỹ học, phong trào văn hóa thịnh hành trước và nhất là sau chiến tranh thế giới thứ II.
Nó từng gây bão trong giới trẻ phương Tây nửa cuối thế kỉ XX, được phản ánh rộng rãi trong nghệ thuật Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản (âm nhạc chiếm một phần không nhỏ).
Các nhà triết học hiện sinh thường nhấn mạnh vào "nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội (Social alienation), sự phi lý, tự do, cam kết (Commitment), và "hư vô". Tất cả những mệnh đề này đều ít nhiều được thể hiện trong nhạc Trịnh, trình diễn thành công qua tiếng hát Khánh Ly.
Cùng với sự phát triển của văn hóa đại chúng (Pop Culture) trong những thập niên cuối của thế kỉ, chủ nghĩa hiện sinh đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới và gây dựng một tầm ảnh hưởng lớn trên nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ. Trong đó có cả Việt Nam.
Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu nhất đã thấm nhuần tư tưởng và phổ biến chủ nghĩa hiện sinh vào âm nhạc, qua người thể hiện là Khánh Ly.
Trong thời đại tiêu thụ đại chúng, công nghiệp hóa hiện đại, thanh thiếu niên là thế hệ dễ bị tổn thương nhất, họ luôn phải quằn mình chịu đựng hàng tấn gông kìm từ phong hóa xã hội và gia đình.
Với những mệnh đề triết học mới mẻ, phóng khoáng, đầy tự do, chủ nghĩa hiện sinh đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của thế hệ trẻ, được họ ủng hộ và làm theo, trở thành một lối sống riêng - lối sống hiện sinh (còn gọi là phong trào Hippie).
Lâu dần, lối sống này trở thành một dạng văn hóa, gọi là văn hóa Hippie, được thể hiện rõ nét trong âm nhạc, văn học, hội họa.
Tôn chỉ của lối sống hiện sinh là: "Con người có một phần động vật, nên nó thuộc về tự nhiên, vì thế phải trả nó về tự nhiên, đừng lấy các quy phạm xã hội cứng nhắc áp đặt nó".
Những người trẻ đi theo lối sống hiện sinh luôn muốn gạt bỏ mọi chuẩn mực trong cách sống mà xã hội cố gắng áp đặt lên họ. Họ thích để tóc dài, đi chân đất, mặc quần áo có nhiều chỗ rách, thủng và đi tới những nơi sang trọng (chính là hình ảnh Khánh Ly đi chân đất lên sân khấu hát).
Cũng trong giai đoạn này, các cuộc chiến tranh (mà tiêu biểu là chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam) đang ngày một gay gắt, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối ngay tại nước Mỹ và nhiều nước phương Tây. Từ đó, phong trào phản chiến được hình thành.
Phong trào phản chiến thu hút đông đảo giới trẻ lúc bấy giờ và được xem là một phần của văn hóa hiện sinh, văn hóa Hippie. Trong âm nhạc, người ta phân định hẳn một dòng nhạc riêng là nhạc phản chiến.
Có rất nhiều ca khúc phản chiến đã trở nên nổi tiếng, được xem là tiếng nói đấu tranh nhân quyền như Blowin' in the wind của Bob Dylan, Give peace a chance của John Lennon và Where have all the flowers gone của Pete Seeger…
Tuyên ngôn sống của giới trẻ hiện sinh là "Make love, not war", câu khẩu hiệu được lấy từ ca khúc If you're going to San Francisco. Họ phản đối chiến tranh, ủng hộ tự do.
Trưởng nhóm John Lennon của nhóm nhạc The Beatles còn từng hiện thực hóa phương châm này khi tổ chức tuần trăng mật trên giường với cô vợ người Nhật Yoko Ono.
Suốt một tuần lễ, hai người chỉ nằm trên một chiếc giường (được gọi là chiếc giường hòa bình) tại Amsterdam, Hà Lan và mời nhà báo, chuyên gia đến phỏng vấn, trao đổi như một cách để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Tượng đài của lối sống hiện sinh chính là nhóm nhạc The Beatles. Âm nhạc và phong cách, thời trang của nhóm luôn thể hiện rõ nhất mọi trạng thái của giới trẻ lúc bấy giờ, từ thái độ chán trường, cô đơn, vô định trong một xã hội đầy phi lí mang đậm tính hậu hiện đại chủ nghĩa, đến những sắc thái nổi loạn, chống chiến tranh, đòi hỏi tự do cho giới trẻ.
Nhóm cũng thường xuyên có những phát ngôn gây sốc thể hiện sự nổi loạn, chống phá tư tưởng cũ kĩ như: "The Beatles nổi tiếng hơn Chúa Jesus", "Nhạc pop là opera của thời hiện đại"…
Trong những năm đầu thập niên 60, văn hóa hiện sinh, lối sống Hippie và phong trào phản chiến du nhập vào Việt Nam theo âm nhạc, qua các băng đĩa, hình ảnh của The Beatles, Bob Dylan, Joan Baez (những nghệ sĩ tiên phong của âm nhạc hiện sinh đại chúng).
Nữ ca sĩ Joan Baez thậm chí còn từng đến Việt Nam biểu diễn, để thể hiện tinh thần phản đối chiến tranh, ủng hộ tự do của mình.
Từ đó, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã bắt đầu hát lại nhạc hiện sinh, nhạc phản chiến của The Beatles, Bob Dylan, với một tinh thần tươi mới. Nhưng tất cả họ vẫn chỉ dừng lại ở việc cover và trình diễn.
Trịnh Công Sơn chính là nghệ sĩ tiên phong và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới văn hóa hiện sinh, văn hóa phản chiến trong âm nhạc Việt Nam giai đoạn 1960 – 1975.
Ông được các học giả, báo giới nước ngoài ví như Bob Dylan của Việt Nam, khi liên tục sáng tác những ca khúc mang đậm tính triết học hiện sinh (ở cả mảng tình ca lẫn nhạc phản chiến). Đi cùng ông luôn có sự hiện diện của Khánh Ly.
Công chúng thể nhìn thấy nhiều nét tương đồng giữa ca khúc Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn với ca khúc Blowin' in the wind của Bob Dylan.
Ngoài ra, còn một số ca khúc khác cũng thể hiện triết lý hiện sinh như Tiến thoái lưỡng nan, Phôi pha... Tất cả những ca khúc này đều được thể hiện thành công qua tiếng hát Khánh Ly.
Ngoài những triết lý hiện sinh nằm khẽ khàng trong một số bài tình ca, ảnh hưởng văn hóa của Trịnh Công Sơn được thể hiện rõ nhất ở mảng nhạc phản chiến, thường được gọi là các ca khúc Da Vàng.
Những ca khúc này bắt nguồn từ tình yêu thương, là những bài tự tình dân tộc, nói về thân phận khổ ải của con người trong chiến tranh. Ca từ của chúng chủ yếu là ca tụng tình yêu thương, chống bạo lực và chiến tranh, kêu gọi sự đoàn kết và xóa bỏ lòng hận thù.
Chính nhờ mảng nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn đã được trao Giải thưởng âm nhạc hoà bình thế giới (WPMA) vào năm 2004, sau khi mất.
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn có âm hưởng rất đặc trưng, đa dạng, khác với tình ca, lúc tiết tấu nhanh, sôi nổi, hứng khởi, để thể hiện tinh thần yêu tự do, hòa bình và đậm hồn dân tộc, lúc lại xót thương, bi ai.
Và hiển nhiên, người gắn bó, thể hiện thành công nhất mảng nhạc này là Khánh Ly. Có rất nhiều ca sĩ thể hiện tình ca của Trịnh Công Sơn hay, nhưng riêng về nhạc phản chiến, chỉ duy nhất Khánh Ly hát được ra chất, đúng tinh thần và màu sắc, khơi gợi cảm xúc chân thật nhất từ phía người nghe, thể hiện rõ không khí thời đại.
Cũng duy nhất Khánh Ly là người gắn bó nhiều nhất với nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, thể hiện gần trọn vẹn các ca khúc Da Vàng, điều mà ít ca sĩ nào làm được.
Về mặt hình tượng, Khánh Ly kể lại rằng, thời mới đi hát, vì quá run nên bà đã bỏ guốc để đi chân đất lên sân khấu hát.
"Đêm hát đầu tiên của tôi là năm 1967, trên sân cỏ của trường đại học Văn khoa. Tại đó, cỏ đá lởm chởm, ai đến thì ngồi xuống nghe, mỗi người một chỗ.
Tôi vừa đến nơi thì choáng ngợp vì quá đông người, khiến tôi sợ hãi. Chưa bao giờ tôi thấy đông người đến thế. Cái sợ đó đeo đuổi tôi tới tận bây giờ. Bây giờ, cứ mỗi lần ra sân khấu, tôi vẫn run và sợ như thường.
Lúc đó, vì run quá nên tôi quyết định bỏ giày ra để đứng cho đỡ chông chênh. Tôi nhớ về thời còn đi chân đất chạy lông nhông ở Đà Lạt để lấy lại bình tĩnh.
Đó là hành động tình cờ, chứ không phải chủ đích của tôi là bỏ giày. Tôi đâu dám nghĩ chuyện làm dáng, làm màu, chỉ tìm cách để hát được thôi" – Khánh Ly nói.
Dù đây chỉ là hành động tự nhiên, nhưng lại vô tình phù hợp với tinh thần hiện sinh chung của giới trẻ thời đại bấy giờ.
Đặc biệt hơn cả, hình ảnh Khánh Ly để tóc đen dài xõa chẻ ngôi giữa (kiểu tóc phổ biến của giới trẻ Hippie), mặc áo dài trắng, đi chân đất hát nhạc Trịnh đã thể hiện tinh thần Hippie đậm chất Việt Nam, không lẫn với bất cứ nơi nào trên thế giới.
Hình ảnh này khiến một số học giả, giới báo chí nước ngoài chú ý, còn công chúng thì mệnh danh bà là "Nữ hoàng chân đất" – một danh xưng đậm tính văn hóa Hippie.
Chỉ trong một khoảnh khắc, Khánh Ly đã vô tình tạo nên hình ảnh hiện sinh thuần Việt, vừa hòa nhập với tinh thần thời đại, lại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là một mã văn hóa độc đáo về Khánh Ly.
Bản thân Khánh Ly cũng là một ca sĩ mang đậm tinh thần Hippie (dù bản thân bà không tự ý thức điều này). Thời trẻ, Khánh Ly rong ruổi khắp nơi để hát cho quần chúng mọi tầng lớp, chủ yếu là dân cần lao, sinh viên, thanh thiếu niên, những đối tượng bình dân, thấp nhất trong xã hội.
Dù đã nổi tiếng và đi diễn nhiều nơi trên thế giới, nhưng Khánh Ly không nề hà bất cứ điều gì. Bà có thể hát không cần sân khấu, hát trên thảm cỏ, sân trường, hát không cần nhạc hoặc chỉ cần một cây guitar đệm phía sau.
Chỉ cần chỗ nào có người nghe là Khánh Ly sẽ hát, hát một cách đề say mê, hứng khởi, nhiệt huyết căng tràn. Bà tâm sự về niềm hạnh phúc được hát trong quần chúng:
"Quần chúng mà kêu tôi đi hát là đi ngay, không bao giờ hỏi tiền nong. Có xe đón thì tốt mà không có xe đón thì tôi đi nhờ xe Honda của bạn bè.
Đó là thời gian tôi hạnh phúc nhất. Bây giờ mọi thứ đã mất rồi, không bao giờ trở lại được thời đó. Đây chính là những cái có tiền cũng không mua được. Nó trở thành gia sản của riêng tôi và nhiều người trong thời đó.
Nếu một ngày nào đó tôi chết đi, thì những con người ấy cũng chết, vì chúng tôi lớn lên cùng một thời gian với nhau.
Bởi vậy bây giờ, người ta đến nghe tôi hát là để tìm về kỉ niệm ngày đó. Người ta không nghe tôi vì tôi đẹp hơn, hát hay hơn ngày xưa mà vì đó là kỉ niệm.
Thời 20, 23 tuổi khác với 70, 75 tuổi bây giờ. Nhưng chúng tôi vẫn tìm đến với nhau để tìm lại thời hạnh phúc của chúng tôi. Không phải ai trên đất nước Việt Nam này cũng có được điều đó".
Phong cách phóng khoáng, bình dân, hòa mình vào quần chúng, sống cùng thanh thiếu niên của Khánh Ly chính là hình ảnh về một người nghệ sĩ Hippie trong thời đại bấy giờ.
Ca khúc Nối vòng tay lớn (một ca khúc mang tính thế hệ, dành cho thanh thiếu niên) như được Trịnh Công Sơn viết riêng cho Khánh Ly, khi hợp nhất với giọng hát, cách hát, phong cách của bà, mang tính khuấy động, kêu gọi thế hệ trẻ đoàn kết, sống hòa đồng cùng nhau.
Về giọng hát, Khánh Ly có lối hát đậm chất Folky (một trong những chất nhạc phổ biến của nhạc hiện sinh), tự nhiên, mộc mạc, giản dị, hát như nói, không cầu kỳ, hoa mỹ, đề cao âm sắc tự nhiên.
Lối hát này hợp nhất với âm nhạc hiện sinh nói chung và thích hợp với mọi ca khúc của Trịnh Công Sơn nói riêng, tạo nên cả một mảng âm nhạc văn hóa, đúng như lời Trịnh Công Sơn từng nói:
"Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất".
Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn cũng nhận định: "Chị Khánh Ly đã gắn bó rất gần gũi ở một giai đoạn quan trọng trong dòng nhạc Trịnh trước 1975".
Ca sĩ Quang Thành tâm sự: "Tôi có cơ hội đưa giọng hát sử ca Khánh Ly đến với từng nhà, từng đường, và kể chuyện tình yêu với từng người.
Chúng tôi người trước kẻ sau tiếp nối kể lại những câu chuyện ấy trong thổn thức nhớ nhung vui buồn, cùng gìn giữ, cùng vun bồi mảnh đất này màu mỡ thêm, tươi đẹp hơn từ đồng loại da vàng, mong ước cho nhau một chút tình anh em trong lòng mẹ Việt Nam".
Tóm lại, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có vị trí, tầm ảnh hưởng khá lớn đến văn hóa, lịch sử của cả một giai đoạn quan trọng, nhiều biến động. Vị trí này là do lịch sử quy định, là sứ mệnh được số phận sắp đặt, hợp nhất cùng thời đại, bối cảnh dân tộc. Những ca sĩ sau này dù hát nhạc Trịnh hay tới đâu cũng không thể có được vị trí lịch sử ấy.
Long Phạm
22/7/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét