Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là "bố"

 Suốt hơn nửa thế kỉ qua, nền tân nhạc Việt Nam đã chứng kiến sự trỗi dậy, thành danh của rất nhiều nữ danh ca. Không ít người trong số họ đã đạt đến tầm huyền thoại như Thái Thanh, Khánh Ly, Lê Dung, Ngọc Lan.

Trong khi đó, để tìm một nam danh ca xứng tầm không hề dễ dàng. Nền tân nhạc Việt Nam có rất nhiều giọng nam xuất sắc, tài năng và có cống hiến, nhưng chỉ một vài người vươn tới hàng tượng đài, gây sức ảnh hưởng to lớn tới nhiều thế hệ ca sĩ. Một trong số những tượng đài ít ỏi đó chính là Tuấn Ngọc.

Người thần tượng chuẩn mực được nhiều thế hệ học hỏi

Đã từ lâu, cái tên Tuấn Ngọc trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ, tầng lớp khán giả người Việt trong và ngoài nước.

Hễ nhắc đến danh ca, người ta thường nghĩ ngay tới Tuấn Ngọc bởi giọng hát, phong cách, hình ảnh của anh đại diện cho một thứ âm nhạc văn minh, hào hoa, phong nhã, lịch thiệp và mang đậm chất học thức.

Trong tâm thức của công chúng, hình ảnh một danh ca luôn gắn liền với nghệ thuật, văn hóa và tri thức. Đó cũng chính là cái mà ai cũng thấy được ở Tuấn Ngọc.

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 1.

Nói cách khác, trong suốt sự nghiệp gần 70 năm của mình, Tuấn Ngọc đã dựng xây, định hình nên một tượng đài đồng nhất với mỹ từ danh ca. Ở anh hội tụ đủ những chuẩn mực của một danh ca điển hình, toát lên từ giọng hát, kỹ thuật tới ngoại hình, phong cách, cá tính âm nhạc.

Tuấn Ngọc không phải danh ca đầu tiên, cũng không phải danh ca có tầm ảnh hưởng lớn nhất, nhưng là danh ca chuẩn mực nhất, điển hình nhất, cả về đời sống cá nhân lẫn tài năng sân khấu và dòng nhạc theo đuổi.

Tuấn Ngọc không chiêu trò, không toan tính hay có một đời tư biến động, gắn với thăng trầm lịch sử, "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi".

Cuộc đời Tuấn Ngọc gắn liền với sân khấu, chỉ hát và hát, bình yên và kín đáo. Anh quan niệm, người nghệ sĩ chỉ nên tập trung vào việc cầm mic để hát, sống hết mình cho âm nhạc, không cần quan tâm tới quá nhiều thứ xung quanh.

Nhưng cũng chính vì lẽ đó, từ sâu thẳm trong Tuấn Ngọc toát ra cốt cách, tài năng đặc biệt, như một thứ hương thơm quyến rũ lạ kỳ, lôi cuốn khán giả và nhiều thế hệ ca sĩ đàn em đến với anh.

Tuấn Ngọc ít phát ngôn, bình luận, ít nói về chuyện đời tư. Chỉ bằng duy nhất giọng hát, Tuấn Ngọc gây hứng thú, hấp dẫn biết bao con người. Tuấn Ngọc có thể "nhạt" trên mặt báo, nhưng là cả một rừng hương thơm trên sân khấu, khiến ai cũng ngây ngất.

Các ca sĩ khác dù nổi tiếng đến đâu cũng có người yêu kẻ ghét, người khen kẻ chê. Và tên tuổi, dòng nhạc dẫu cho tiếp cận rộng rãi đến đâu cũng vẫn có một bộ phận khán giả không thích. Nhưng riêng Tuấn Ngọc lại là trường hợp đặc biệt. Cho đến hiện tại, nhắc đến Tuấn Ngọc, chỉ có lời khen chứ không thấy chê bai, chỉ trích.

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 3.

Ngay cả ở hải ngoại, nơi được xem là đền đài của các danh ca, Tuấn Ngọc vẫn sở hữu riêng một góc trời cho mình.

Dòng nhạc Tuấn Ngọc theo đuổi là thứ đầu tiên làm nên nét đặc biệt cho anh. Đó dòng nhạc đại chúng nhưng không bình dân.

Tuấn Ngọc hát những ca khúc dễ thưởng thức, phù hợp với tai nghe của đa số công chúng, nhưng vẫn giữ được tính học thuật, văn minh, thể hiện một nền tảng tri thức, thẩm mỹ cao hơn, lại có chiều sâu, chứ không quá bình dân, dễ dãi. Chẳng hạn, anh từng thừa nhận:

"Bây giờ đang có trào lưu hát Bolero. Người ta đua nhau hát Bolero, nhưng tôi thì không hát được".

Chính điều này khiến khán giả cảm thấy dễ chịu, hấp dẫn khi nghe những ca khúc phù hợp với tai nghe của mình, nhưng vẫn cho họ một cảm giác được nâng cao văn hóa, thẩm mỹ con người.

Tuấn Ngọc hát rất kỹ thuật, nhưng không trưng trổ, phô diễn. Dù kỹ thuật chuẩn xác, cao cấp đến đâu, anh vẫn dành phần nhiều cho cảm xúc nương náu. Anh chia sẻ:

"Như bạn cũng biết đấy, dòng nhạc tôi hay hát là dòng nhạc xưa, là thứ nhạc mà người ta hay viết bằng cả trái tim mình. Nên khi hát, điều tôi quan trọng nhất là làm sao diễn tả được cảm xúc. Còn đôi ba cái trò biểu diễn hoa hòe hoa sói, tôi không để ý".

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 5.

Đây là dấu ấn thứ hai làm nên "khoảng trời riêng" cho Tuấn Ngọc trong bầu trời âm nhạc. Nó giúp anh chiếm lấy cảm tình của nhiều tầng lớp khán giả, nhưng vẫn nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn, học thuật.

Bởi vậy, không khó hiểu khi Tuấn Ngọc được nhiều thế hệ sinh viên nhạc viện, ca sĩ, người học thanh nhạc xem là thần tượng lớn để học hỏi theo. Có thể nói, Tuấn Ngọc là một trong những nghệ sĩ được nhiều thế hệ đàn em thần tượng và học hỏi nhất.

Bản thân anh giống như một cuốn giáo trình sống để các lớp sinh viên, học viên thanh nhạc ngày ngày học theo. Diva Thanh Lam vốn là một người khó tính trong chuyên môn, nhưng cũng phải cất lời khen ngợi Tuấn Ngọc:

"Tôi rất ấn tượng với phong cách đặc biệt của Tuấn Ngọc khi nghe anh hát những ca khúc nhạc xưa sâu lắng. Anh là tấm gương để các ca sĩ đàn em học hỏi về sự sáng tạo trong âm nhạc".

Cũng chính nhờ sự bình yên, kín đáo trong đời tư, nhưng thăng hoa, cháy hết mình trên sân khấu, Tuấn Ngọc nhận được sự kính nể, yêu mến của rất nhiều đàn em. Ca sĩ Tùng Dương thậm chí còn gọi anh là "bố". Nam ca sĩ chia sẻ:

"Với bố Tuấn Ngọc, tôi cũng chỉ đáng tuổi con của bố. Chúng tôi vẫn hay trêu đùa nhau khi tập chương trình.

Tôi rất vui và hào hứng với lần đứng chung này. Khoảng cách tuổi tác với bố Tuấn Ngọc không thành vấn đề khi chúng tôi đều có điểm chung là khi đã đứng trên sân khấu thì luôn cố gắng là một chỉnh thể hoàn thiện nhất, chỉn chu nhất và đam mê cháy bỏng thứ âm nhạc mình theo đuổi".

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 7.

"Ngựa hoang" Tuấn Hưng dù không chung dòng nhạc, phong cách, nhưng vẫn tỏ ra kính nể Tuấn Ngọc. Anh nói:

"Tôi rất nể phục chú Tuấn Ngọc. Chú năm nay 71 tuổi, lớn hơn bố tôi nhưng vẫn tận tụy với nghề.

Những buổi ghi hình kéo dài mười mấy tiếng, tôi không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, căng thẳng. Mỗi lúc như vậy, tôi nhìn sang chú, sự điềm tĩnh của chú giúp tôi có thêm động lực.

Tôi từng hỏi chú lý do nhận lời tham gia The Voice, chú nói: "Tôi muốn giúp đỡ, tạo cơ hội cho các bạn trẻ, cống hiến cho âm nhạc nước nhà".

Tâm sự chân thành của chú khiến tôi thêm yêu quý, kính trọng. Ngoài ra, ở sân chơi này, tôi có cơ hội làm việc với nhiều bạn trẻ, được tiếp thêm năng lượng tươi mới".

Hiện nay, rất nhiều ca sĩ chịu ảnh hưởng từ Tuấn Ngọc. Có thể kể đến một vài tên tuổi nổi tiếng như Quang Dũng, Đình Bảo, Xuân Phú, Đình Nguyên…

Con đường âm nhạc suôn sẻ và quá trình định hình tư duy, phong cách khác biệt

Không giống như nhiều ca sĩ khác, Tuấn Ngọc có khởi đầu khá thuận lợi và đến với âm nhạc một cách dễ dàng. Nhờ đó, anh có điều kiện để chuyên tâm học hỏi, làm nghề và tiếp cận được nhiều kiến thức âm nhạc.

Tuấn Ngọc tên thật là Lữ Anh Tuấn, sinh năm 1947 tại Đà Lạt, nơi khơi nguồn cho ra nhiều danh ca lớn như Khánh Ly, Thanh Tuyền, Sơn Tuyền, Khánh Hà…

Tuấn Ngọc may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, với cha là nhạc sĩ Lữ Liên, thành viên ban nhạc hài hước AVT, một người rất am hiểu về các loại nhạc cụ.

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 9.

Mẹ Tuấn Ngọc tuy chỉ là một người nội trợ, nhưng lại rất ủng hộ con cái theo nghiệp ca hát. Anh kể lại:

"Bố tôi là nhạc sĩ Lữ Liên nhưng mẹ tôi chỉ ở nhà nội trợ bình thường. Tuy vậy, nhưng mẹ tôi rất thích con cái của mình trở thành ca sĩ, nghệ sĩ, nên mới ra chỉ thị cho bố tôi phải dạy các con thành ca sĩ’.

Nhờ đó, các anh chị em trong gia đình Tuấn Ngọc từ thưở bé đã được bố dạy hát và sống trong bầu không khí âm nhạc tràn ngập, tương hỗ, ảnh hưởng lẫn nhau.

Đó là lí do vì sao tất cả họ đều theo nghề ca hát và thành danh, như Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích. Họ cùng nhau tạo nên môi trường âm nhạc gia đình vô cùng sôi nổi, hào hứng, anh chị em trong nhà dạy lẫn nhau, đúng như lời Tuấn Ngọc nói:

"Gia đình nào cũng vậy, người đi trước chỉ dẫn và chia sẻ cho người đi sau, về kĩ thuật hay kinh nghiệm.

Giống như gia đình nhà tôi, vì bố tôi là nghệ sĩ nên chúng tôi biết hát. Chứ nếu bố tôi là giang hồ thì chúng tôi đã bắn súng rất giỏi".

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 11.

Không chỉ học nhạc, Tuấn Ngọc còn được tiếp xúc với sân khấu từ rất sớm. Mới 4 tuổi, anh đã hát trong những chương trình thiếu nhi trên đài phát thanh. Tới năm 13 tuổi, Tuấn Ngọc bắt đầu theo chân các nghệ sĩ lớn tuổi đi hát tại những câu lạc bộ Mỹ tại Sài Gòn.

Trong quá trình đi hát đó, Tuấn Ngọc được quen biết, làm việc chung và học hỏi từ nhiều danh ca nổi tiếng thời bấy giờ. Anh nói:

"Hồi bé, tôi hay hát chung với Hoàng Oanh vì cùng tập trong band với nhau nên được xếp chung song ca.

Thực ra ban đầu tôi hát chung với chị gái mình là Bích Chiêu. Sau này chị ấy lớn nên đi hát phòng trà, tôi cô đơn lẻ loi nên mới nhảy sang hát cùng Hoàng Oanh".

Ở thời niên thiếu của Tuấn Ngọc, âm nhạc US-UK bắt đầu tràn vào Việt Nam, tạo nên không khí vô cùng tươi mới, hiện đại, với những dòng nhạc khá mới mẻ như Jazz, Blues, Rock’n Roll..., khác hoàn toàn với nhạc Pháp và nhạc dân tộc trước đó.

Phong trào nhạc trẻ nở rộ và phát triển cực thịnh tại Sài Gòn, qua băng đĩa của The Beatles, Elvis Presley, Tina Turner…

Là một thanh niên cấp tiến, Tuấn Ngọc nghiễm nhiên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thứ âm nhạc ngoại nhập đó. Anh kể:

"Tôi đi theo tân nhạc từ hồi nhỏ. Lớn lên, tôi hát nhạc Mỹ. Vào cuối thập niên 50, nhạc Mỹ du nhập vào Việt Nam nên tôi bỏ nhạc Việt chuyển sang hát nhạc Mỹ. Hồi đó, tôi học tiếng Pháp trước rồi chuyển sang tiếng Anh.

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 13.

Thế nhưng, lúc ấy cứ thích là hát thôi, không biết tiếng thì đánh vần sang tiếng Việt rồi hát, chứ chẳng cần biết ngoại ngữ.

Tôi mê nhiều nghệ sĩ ngoại quốc lắm, mỗi người đều có cái hay riêng. Tôi nghe mọi ca sĩ và học được nhiều cái từ họ.

Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu đi hát chuyên nghiệp bằng cách gia nhập vào ban nhạc Blackcap. Thời này, tôi hay hát lại nhạc của The Beatles.

Lớn hơn một chút, tôi chuyển sang hát nhạc vũ trường. Năm 1966, tôi lập ban nhạc The Top Five.

Tới năm 1969 thì chuyển sang ban nhạc The Strawberry Four. Cứ bài nhạc ngoại nào nổi tiếng thì tôi hát".

Ngay từ khi còn trẻ, Tuấn Ngọc đã hát thành thạo những bài hit kinh điển tiếng Anh như My Way, Hotel Carlifornia, Yesterday, Unchained Melody…

Điều đáng nói là những ca khúc tiếng Anh trên lại thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau, bao gồm Traditional Pop, Chamber Pop, Rock, Soul… Mỗi dòng nhạc lại có một cách hát, kỹ thuật thể hiện, tinh thần riêng, vô cùng đa dạng, phong phú.

Nhờ đó, Tuấn Ngọc sớm lĩnh hội, tiếp thu được những cách hát, lối thể hiện mới mẻ, văn minh, khác với nhiều ca sĩ cùng trang lứa. Giọng hát và kỹ thuật của anh trở nên linh hoạt, đa dạng, biến hóa hơn, chứ không đơn điệu, một màu.

Ví dụ, Tuấn Ngọc có thể cộng minh, hát legato đầy đặn theo lối semi classic của Traditional Pop, nhưng cũng có thể run/riff, melisma theo lối Soul/R&B. Từ đó, anh áp dụng một cách tinh tế, vừa vặn tất cả những lối hát hiện đại này vào nhạc Việt.

Chính vì thế, Tuấn Ngọc hát tình ca, tân nhạc theo một lổi rất riêng, khác hoàn toàn những ca sĩ trước và cùng thế hệ với mình, pha trộn hòa quyện giữa chất Pop hiện đại của phương Tây và những cái đã có của nhạc Việt.

Giải mã Tuấn Ngọc: Đẳng cấp khiến Tuấn Hưng kính nể, Tùng Dương gọi là bố - Ảnh 15.

Tuấn Ngọc tạo nên cả một trường phái cho riêng mình, không lẫn với bất cứ ai trong âm nhạc. Đó là nơi riêng một góc trời mang tên anh, thu nạp nhiều "đệ tử" như Quang Dũng, Đình Bảo, Xuân Phú, Đình Nguyên…

Không những vậy, việc tiếp cận và trình diễn nhạc Anh, Mỹ ngay từ sớm còn giúp Tuấn Ngọc định hình cho mình một tư duy, lối suy nghĩ, phong cách khác biệt trước khi anh quay trở lại với nhạc trữ tình, tạo nên lợi thế mới so với thế hệ ca sĩ trước 1975.

Dù hát nhạc xưa và mang tính cách điềm đạm, nhưng Tuấn Ngọc không bao giờ tỏ ra bảo thủ, cực đoan. Anh luôn trong tinh thần học hỏi, tiếp nhận cái mới, không phân biệt cao thấp.

Nhờ đó, trình độ chuyên môn của Tuấn Ngọc ngày càng được nâng cao theo năm tháng. Anh biết cách xử lí ca khúc sao cho hay nhất có thể, khiến người khác phải nể phục. Anh nói:

"Đối với tôi, không có sự phân biệt trong âm nhạc. Nhạc nào tôi cũng học, học cả về lý thuyết, hoà âm.

Thật ra, tôi từ nhỏ đã hát cả nhạc Rock, nhạc Pháp, Mỹ. Sau này, tôi trở về nhạc Việt Nam và thành công ở nhạc Việt thì mới tập trung hát nhạc Việt. Và khi đó, tôi cũng phải thể hiện phong cách phù hợp. Chẳng lẽ tôi hát Mắt lệ cho người mà nhảy đùng đùng sao?

Tôi nghĩ trong âm nhạc không có khoảng cách về tuổi tác vì nhạc trẻ, nhạc xưa hay nhạc Mỹ thì cũng có chung tiêu chuẩn là hay và nghệ thuật. Bản thân tôi trước khi hát nhạc xưa đã hát nhiều nhạc trẻ, quốc tế. Tôi cũng nghiên cứu nhiều năm về âm nhạc.

Tôi học nhạc như một cách mở mang tầm nhìn. Nhiều bài nhạc phần hòa âm được viết theo ý của tôi, có như vậy tôi mới là tôi. Còn nếu nhờ người khác làm, tức tôi phải hát tình cảm của người khác. Nếu có hay đi chăng nữa thì đó cũng không phải là tôi nữa.

Âm nhạc rất bao la, càng ngày càng đủ vẻ, muốn học thì học mãi không hết. Thời đại này, con người chỉ thiếu ý chí chứ muốn học gì cũng có rất nhiều điều kiện. Đừng viện lý do thế này thế kia mà không học, còn "ngu" là do mình "ngu" mà "lười" là do "lười".

Rõ ràng, việc tiếp cận, trình diễn nhạc Âu Mỹ đã giúp hình thành nên một Tuấn Ngọc dù hát chuẩn mực nhưng lại cởi mở, phóng khoáng trong tư duy, tiếp nhận, văn minh trong con đường làm nghề và bao dung với đồng nghiệp, đàn em. Đây là điều đáng để ca sĩ ngày nay học hỏi.


Long Phạm

29/7/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét