Những năm gần đây, sự mở cửa, hội nhập thị trường và thái độ cởi mở hơn trong tiếp nhận văn hóa, nghệ thuật đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam biểu diễn.
Thời gian đầu, chỉ một vài nghệ sĩ tên tuổi trở về, với nỗi e dè nhất định. Họ không biết liệu khán giả có đón nhận mình không.
Nhưng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng trong nước, nghệ sĩ hải ngoại như được tiếp thêm lòng tự tin để trở về đông đảo hơn, tạo nên cả một làn sóng âm nhạc – làn sóng hồi hương của những giá trị xưa cũ.
Làn sóng này khiến thị trường âm nhạc trong nước trở nên sôi động, đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của nhiều tầng lớp công chúng.
Sự trở về của nghệ sĩ hải ngoại cũng khỏa lấp những khoảng trống bị bỏ sót trong lòng công chúng, cùng nghệ sĩ trong nước gắn liền các mảnh vỡ để dựng lại bức tranh hoàn chỉnh cho nền âm nhạc nước nhà.
Tuy nhiên, việc trở về này cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, nhạc hải ngoại chỉ toàn Bolero, khiến công chúng "đắm đuối" trong những giai điệu não nề.
Một số ý kiến khác lại đặt dấu hỏi, phải chăng nhạc hải ngoại đã đến hồi suy tàn, nên mới trở về? Người ta không ngừng so sánh nhạc hải ngoại với âm nhạc trong nước.
Trong một thị trường âm nhạc đa dạng, nhiều phân khúc như hiện nay, tranh cãi là điều không tránh khỏi. Nhưng quan trọng nhất, công chúng cần có cái nhìn khách quan, đánh giá công bằng và bao dung, tránh sự phiến diện, làm nghệ sĩ tổn thương.
Nhạc hải ngoại chỉ đắm chìm trong Bolero?
Sự trở về của nghệ sĩ hải ngoại vô tình rơi vào đúng giai đoạn Bolero nở rộ và phát triển cực thịnh, phủ sóng khắp mọi ngõ ngách.
Trớ trêu thay, những danh ca Bolero hàng đầu, được công chúng ngưỡng mộ lại nằm trong số nghệ sĩ hải ngoại trở về, như Thanh Tuyền, Chế Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Như Quỳnh, Phi Nhung… Tên tuổi của họ bao trùm nên nền Bolero từ hàng chục năm trước tới tận bây giờ.
Chính điều này đã dẫn tới cái nhìn phiến diện rằng, nhạc hải ngoại chỉ toàn Bolero và nghệ sĩ hải ngoại chẳng biết hát gì ngoài Bolero.
Trên thực tế, nhạc hải ngoại là cả một thị trường âm nhạc rộng lớn, với đầy đủ mọi thể loại nhạc và nghệ sĩ. Nói cách khác, trong nước có nhạc gì, hải ngoại có nhạc đó.
Trước khi trở về nước, nhạc hải ngoại đã có quá trình sinh tồn và phát triển hơn 40 năm ở khắp các nước trên thế giới. Bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống, nhạc hải ngoại đều có mặt.
Như vậy, nhạc hải ngoại vốn đã phải phục vụ nhu cầu, thị hiếu của đủ mọi tầng lớp người Việt sinh sống trên thế giới, nên nó phát triển đầy đủ các thể loại, nội dung khác nhau, chứ không chỉ có Bolero.
Nói cách khác, Bolero chỉ là một nhánh nhỏ trong thị trường âm nhạc hải ngoại. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thể loại nhạc khác.
Nếu ai từng xem một chương trình ca nhạc tại hải ngoại (điển hình như Thúy Nga Paris by night), sẽ thấy Bolero chỉ được trình diễn một vài ca khúc. Thời lượng còn lại dành cho những thể loại nhạc khác.
Sở dĩ Bolero được ưa chuộng nhỉnh hơn vì nó thấm đẫm chất trữ tình quê hương, với những giai điệu ngọt ngào, giúp người Việt xa xứ khỏa lấp đi nỗi nhớ nhà.
Nhưng khán giả vẫn có nhu cầu thưởng thức những thể loại âm nhạc khác. Có thể kể đến một số thể loại sau:
Nhạc cổ truyền, dân ca: Loại nhạc này sử dụng nhạc cụ và chất liệu từ dân ca, ca cổ khắp ba miền đất nước như ca trù, ca Huế, đờn ca tài tử...
Các đại diện tiêu biểu có Trần Văn Khê, Trần Quang Hải, Hương Lan, Hoàng Oanh, Mỹ Huyền, Quang Lê, Y Phụng, Ái Vân, Mạnh Quỳnh…
Điều đáng chú ý ở dòng cổ truyền, dân ca này là có sự đóng góp của những giáo sư, học giả uyên bác như Trần Văn Khê, Trần Quang Hải. Họ đã đi thuyết giảng ở nhiều trường đại học trên thể giới, sưu tầm và phát hành các băng đĩa dân ca để giới thiệu cho bạn bè quốc tế.
Chính họ đã khôi phục Nhã nhạc Cung đình Huế, giúp đỡ các nghệ nhân ca trù, nhã nhạc ra nước ngoài biểu diễn.
Trung tâm Thúy Nga cũng có đóng góp lớn với dân ca, nhạc cổ truyền. Trước khi chuyển sang tân nhạc với loạt chương trình Paris by night, những băng đĩa đầu tiên của Thúy Nga là cải lương. Sau này, khi chuyển sang nhạc đương đại, Thúy Nga đã tiên phong trong việc sử dụng nhạc cụ dân tộc vào hòa âm, phối khí.
Dòng nhạc này cũng là cái nôi sinh thành của những giọng ca vàng như Hương Lan, Phi Nhung, Quang Lê, Mỹ Châu, Ngọc Huyền… Họ góp phần đưa dân ca Nam Bộ phổ biến khắp trong và ngoài nước.
Nhạc cổ điển, bán cổ điển, giao hưởng thính phòng: Loại nhạc này khá kén người nghe, nhưng vẫn tồn tại trong đời sống âm nhạc hải ngoại, với những đại diện tiêu biểu như Tôn Thất Tiết, Cung Tiến, Đặng Thái Sơn, Bích Vân…
Những nhạc sĩ được đào tạo từ nhạc viện nước ngoài như Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết và Phan Quang Phục đã thực hiện viết nhạc cho dàn đại hòa tấu, soạn cả Opera, từng được trình diễn trên khắp thế giới.
Trong đó, NSND Đặng Thái Sơn đã thực sự chạm đến đẳng cấp thế giới, liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn về nhạc cổ điển. Ca sĩ Bích Vân sở hữu giọng hát và kỹ thuật không thua kém nghệ sĩ cổ điển nào trong nước.
Nhạc cận đại Tây phương và nhạc đương đại: Đây là một sân khấu rộng lớn, với rất nhiều thể loại khác nhau được du nhập từ âm nhạc thế giới như Rock, Jazz, Soul, Blues, R&B, Pop, Hip Hop, World Music…
Chúng khiến âm nhạc hải ngoại trở nên tươi mới, trẻ trung và đa dạng màu sắc, luôn vận động, biến đổi, chứ không chỉ là sự hoài niệm, chết lặng một chỗ.
Các nghệ sĩ của những dòng nhạc này khá đông đảo, như Carol Kim, Thanh Bùi, Trish Thùy Trang, Hồ Lệ Thu, Lynda Trang Đài, Nini, Viva Uyển Nhi, Nguyên Lê, Hương Thanh, Niels Lan Doky, Tinna Tình… Các dòng nhạc cũng dung nạp thêm nhiều nghệ sĩ trẻ qua từng năm.
Trong đó, nghệ sĩ Cường Vũ đã trở thành niềm tự hào của người Việt khi đoạt giải Grammy ở hạng mục Best Contemporary Jazz Album năm 2005.
Gần đây, hiện tượng Vinh Khuất cũng gây chú ý với khán giả thế giới bởi tài năng độc đáo của mình.
Tân nhạc và tình ca, nhạc xưa: Có thể nói, đây là dòng nhạc chủ đạo, tập hợp mọi tinh hoa, giá trị của nền âm nhạc hải ngoại, với những tượng đài âm nhạc và danh ca lớn nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nghệ sĩ trong nước.
Dòng nhạc này bao gồm nhiều thể loại khác nhau như nhạc tiền chiến, tình ca, nhạc vàng, hưng ca, du ca, nhạc nhẹ… Bolero cũng nằm trong đó (nhưng chỉ là một phần).
Chúng được kiến tạo bởi hầu khắp những nhạc sĩ tài hoa hàng đầu như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Trúc Phương, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên… Họ là những nhạc sĩ sáng tác từ trước 1975.
Trong thập niên 80, 90 và 2000, rất nhiều nhạc sĩ tài năng khác nổi lên và đóng góp các sáng của mình như Đức Huy, Việt Anh, Trịnh Nam Sơn, Jimmi Nguyễn… Họ đem đến nhiều giai điệu, hình thức phối khí mới.
Ca sĩ thể hiện đều là các danh ca như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung, Hà Thanh, Thanh Lan, Ngọc Lan, Chế Linh, Thanh Thúy, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Thanh Hà, Elvis Phương…
Đa số những nhạc sĩ và ca sĩ này đều sở hữu tài năng lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến âm nhạc trong nước. Nhiều người trong số họ được xem là tượng đài, huyền thoại âm nhạc.
Trong đó, một số ca sĩ tân nhạc như Tuấn Ngọc, Khánh Hà có thể hát rất nhiều loại nhạc khác nhau như Jazz, Soul, Blues…
Ngoài ra, mảng tân nhạc còn có sự tham gia của cả những giọng ca phương Tây như Dalena, Lynn… Họ chưa từng sinh sống tại Việt Nam nhưng lại có tình yêu đặc biệt với những bài hát tiếng Việt và thu âm hàng loạt album khác nhau bằng tiếng Việt, đem đến một màu sắc riêng biệt.
Như vậy, có thể thấy, nhạc hải ngoại không chỉ có Bolero như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là cả một thị trường rộng lớn, một kho tàng âm nhạc đồ sộ, với nhiều tinh hoa, giá trị và chứa đựng tầm ảnh hưởng lớn tới nền âm nhạc nước nhà.
Nhạc hải ngoại có đang suy tàn?
Việc trở về ồ ạt khiến một số người hoài nghi về sự suy tàn của nhạc hải ngoại.
Nhưng trên thực tế, nhạc hải ngoại vẫn đang được duy trì và phát triển một cách vững chắc. Nói cách khác, khi nào còn người Việt Nam ở nước ngoài thì nhạc hải ngoại vẫn tồn tại.
Hàng năm, vẫn có những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc tại hải ngoại, từ đó phát hiện ra nhiều giọng ca hay, tươi mới.
Hàng loạt thế hệ nhạc sĩ trẻ cũng ra đời và bổ sung các sáng tác của họ vào thị trường âm nhạc, giúp ca sĩ không phải hát đi hát lại ca khúc cũ. Có thể kể đến những nhạc sĩ tiêu biểu như Huỳnh Nhật Tân, Nhật Trung, Đồng Sơn, Sỹ Đan, Lê Xuân Trường, Trúc Sinh, Quốc Hùng, Tùng Châu, Phạm Khải Tuấn, Trịnh Lam…
Các sáng tác của họ góp phần giúp nền âm nhạc hải ngoại luôn được bồi đắp và phát triển theo đúng hơi thở thời đại.
Nhiều ca sĩ lớn trong nước vì công việc, gia đình mà phải sang nước ngoài sinh sống như Hà Trần, Bằng Kiều, Thu Phương, Ngọc Anh, Đình Bảo… Tại đây, họ cũng đi hát và gia nhập vào thị trường hải ngoại, bồi đắp thêm cho sự đa dạng, phong phú của chúng.
Ngoài ra, không thể không kể đến sự giao thoa đến từ những nghệ sĩ trong nước. Có thể thấy, hầu hết ca sĩ thành danh trong nước đều lưu diễn tại hải ngoại, như Bảo Yến, Cẩm Vân, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng, Noo Phước Thịnh…
Họ mang theo rất nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, giúp khán giả hải ngoại được thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của mình và khiến trị trường luôn sôi động, phong phú.
Điều này cũng khẳng định rằng, nhạc hải ngoại không tồn tại đơn lẻ, mà chính là một nửa không thể tách rời với âm nhạc trong nước, cùng nhau tạo nên diện mạo âm nhạc Việt Nam giàu đẹp như ngày hôm nay.
Long Phạm
29/3/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét