Suốt hơn nửa thế kỉ qua, ở giai đoạn nào nhạc Việt cũng có một bộ ba "nữ nhi" kinh điển xuất hiện, tam kiếm hợp bích để tạo nên thế chân vạc khuynh đảo công chúng, mà không ai là không biết đến.
Nếu ví nhạc Việt như chốn võ lâm thì những bộ ba này chính là "võ lâm tam bá" qua từng thời kì.
Thái Thanh – Lệ Thu – Khánh Ly
Bộ ba này chính là "võ lâm tam bá" khởi thủy của nhạc Việt giai đoạn hiện đại trước 1975. Đứng đầu trong số họ là "sư bá" Thái Thanh, người được mệnh danh là Đệ nhất danh ca, với tầm vóc mang tính lịch sử, "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi".
Không giống các phái "võ lâm" khác, Thái Thanh hoàn toàn tự học, kết hợp giữa thanh nhạc Tây phương và lối dân ca, ả đào Bắc Bộ để tạo nên trường phái tân nhạc độc đáo, sánh tựa phái Cổ Mộ của Lâm Triều Anh.
Bà là một tượng đài của nền âm nhạc thi ca Việt Nam. Đến "võ bá ngang tàng" như Lệ Thu cũng phải thốt lên: "Lệ Thu chỉ cúi đầu trước chị Thái Thanh".
Sinh tại đất giang hồ Hải Phòng nên tiếng hát Lệ Thu cũng đậm màu tự do và phóng khoáng. Không lắt léo kĩ thuật, nhiều luyến láy màu mè như những ca sĩ khác, Lệ Thu chọn cho mình "lối võ" tối giản, tức là cách hát mộc và chân.
Bằng lối hát này, chị đã thổi hơi thở mới đầy trẻ trung vào âm nhạc Việt Nam.
Giống như Atula Huyết Giáo, giọng hát Khánh Ly đậm màu âm tính, liêu trai, nhấn mạnh vào tận cùng nỗi buồn và chiêm nghiệm.
Chính bằng "lối võ" quá ư đặc biệt này, tên tuổi của chị đã vượt khỏi biên giới Việt Nam để đi toàn thế giới. Người Nhật đặc biệt thích nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Sự hiện thân của Khánh Ly chính là một mã văn hóa trong nhạc Việt.
Thanh Hoa - Lê Dung – Thu Hiền
Tranh hùng võ lâm, mỗi phương một bá chủ. Nếu trong Nam có bộ ba Thái Thanh – Lệ Thu – Khánh Ly thì ngoài Bắc cùng thời điểm cũng có "thiên hạ tam tuyệt" là Thanh Hoa - Lê Dung và Thu Hiền. Cả ba đều thuộc "môn phái" nhạc cách mạng ít người nghe, nhưng tên tuổi vẫn phủ sóng diện rộng.
NSND Thanh Hoa là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất Đài tiếng nói Việt Nam, với 400 bản thu từ nhạc cách mạng tới nhạc nhẹ.
Tiếng hát của chị sáng, mảnh nhưng vẫn ấm áp và đặc biệt giản dị, hát như nói, thích hợp để biểu đạt cảm xúc một cách trữ tình. Không những vậy, tiếng hát đó còn đậm chất núi rừng, nên hát dân ca các dân tộc thiểu số phía Bắc rất hay.
Nếu thanh nhạc là một bí kíp võ thuật thì NSND Lê Dung xứng đáng là Đông Phương Bất Bại sở hữu hầu hết mọi độc chiêu khó nhất.
Đây là tiếng hát đậm màu học thuật, được đào tạo bài bản trong nền âm nhạc cổ điển, nhưng lại giàu cảm xúc, có thể hát cả nhạc nhẹ. Với những cống hiến trong biểu diễn và giảng dạy, Lê Dung được ví như "cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc thính phòng Việt Nam".
NSND Thu Hiền sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình đầy đặn, ấm áp mà lại ngọt ngào, với những lối luyến láy dân ca giản dị, chân thành nhưng đầy nhạc tính, trầm bổng. Tiếng hát của chị từ lâu đã đóng đinh với dòng dân ca cách mạng Việt Nam.
Bảo Yến – Ngọc Lan – Như Quỳnh
Sau 1975, thị trường âm nhạc trong nước có phần chững lại. Chính Bảo Yến là đệ nhất anh hào đã ra tay khuấy đảo "chốn võ lâm", đem lại không khí sôi động, tranh hùng cho nhạc Việt.
Bảo Yến là cao thủ cực kì đặc biệt, chị có bản năng đa dạng, đánh được nhiều loại võ, từ bolero, nhạc nhẹ tới cả rock, nhạc ngoại…, mà thứ võ nào cũng bài bản.
Bằng tài năng đó, chị đã trở thành cơn bão sân khấu, len lỏi vào mọi ngõ ngách từ Nam ra Bắc.
Nếu Bảo Yến là bá chủ ở Việt Nam thì Ngọc Lan chính là "nữ đế vương" ở hải ngoại. Giống như Tiểu Long Nữ, Ngọc Lan nổi bật bởi vẻ đẹp tuyệt trần, mềm mại, cùng chất buồn đặc trưng trong âm nhạc.
Nhưng chính cái buồn và mỏng manh đó lại là "bí kíp võ công" đặc biệt giúp cô đánh bật mọi giọng hát nội lực khác để tạo nên đẳng cấp của riêng mình. Theo lời Nguyễn Thiện Thanh từng nói: "Ngọc Lan đã tạo ra trường phái riêng mang tên Ngọc Lan".
Như Quỳnh thuộc lớp hậu bối, nhưng vẫn xứng đáng đứng trong bộ ba này vì tầm ảnh hưởng lớn của cô trong lòng công chúng. Bằng chất giọng đẹp và lối hát đặc trưng, cô đã trở thành tượng đài bolero của thế hệ mới, với nhiều ca khúc bất hủ, ai ai cũng biết, ai ai cũng nghe.
Thanh Lam – Hồng Nhung – Mỹ Linh
Trước thập niên 90, khán giả trong Nam ít nghe ca sĩ ngoài Bắc. Chính bộ ba Thanh Lam – Hồng Nhung – Mỹ Linh đã tam kiếm hợp bích Nam tiến, xung phong công phá thành trì định kiến một cách thành công, mở đường cho sự giao thoa âm nhạc hai miền như ngày nay.
Sàn đấu khốc liệt để bộ ba này "hoa sơn luận kiếm" chính là sân khấu Làn Sóng Xanh, nơi họ phải "quyết chiến" với những kì phùng địch thủ đất Nam phương như Phương Thanh, Lam Trường, Siu Black...
Thế rồi, bộ ba cũng chiến thắng vẻ vang, đạt thứ hạng cao tại các bảng xếp hạng và được khán giả yêu mến, ngưỡng mộ. "Không đánh không là bạn", những đối thủ từng giao đấu sau đó lại trở thành "huynh đệ" thân thiết của nhau.
Ở bộ ba này, mỗi người đều sở hữu một bí kíp võ thuật và nội công khác nhau. Thanh Lam lực điền với tuyệt chiêu Sư tử hống bùng cháy đầy đam mê. Hồng Nhung thiền tịnh và khéo léo như Hoàng Dung.
Còn Mỹ Linh lại trẻ trung, màu sắc như Quách Tương. Nhưng tựu chung lại, họ đã cùng nhau thổi một làn gió mới vào pop Việt, mở đường cho nhiều thế hệ "môn đệ" sau này.
Thu Minh – Mỹ Tâm – Hồ Quỳnh Hương
Nối tiếp thành công của các "sư tỷ", bộ ba Thu Minh – Mỹ Tâm – Hồ Quỳnh Hương tiếp tục công phá thị trường Vpop, đem lại một thời hoàng kim khác cho pop Việt giai đoạn những năm 2000.
Trong bộ ba này, Mỹ Tâm là người nổi danh "thiên hạ" sớm nhất. Cô chính là hình mẫu lớn cho một ca sĩ pop trong thời đại hội nhập quốc tế, có thể hát, nhảy và sáng tác, chơi nhạc.
Ngay từ giai đoạn đầu, Mỹ Tâm đã đạt tới đỉnh điểm của sự nổi tiếng khi cứ hát bài nào là bài đó thành hit, lượng bán đĩa cũng đạt tới kỉ lục ở Việt Nam.
Chỉ "xưng danh giang hồ" sau Mỹ Tâm vài năm, nhưng Hồ Quỳnh Hương cũng nhanh chóng đạt tới đỉnh cao thành công, xứng đáng là kì phùng địch thủ của "họa mi tóc nâu". Cô từng "chinh chiến" ở rất nhiều "sàn đấu" quốc tế và lần nào cũng thắng giải cao.
Long Phạm
17/07/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét