Sơn Tùng "ngã ngựa", Hà Anh Tuấn làm chủ cuộc chơi
Vừa qua, Hà Anh Tuấn đã thắng lớn tại giải Cống Hiến 2019 với hai giải thưởng Chuỗi chương trình của năm (cho See sing share) và Chương trình của năm (cho live show Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái).
Đây cũng là hai sản phẩm tạo nên thành công và dấu ấn lớn của Hà Anh Tuấn trong suốt năm 2018. Nhờ chúng, Hà Anh Tuấn đã lột xác để thực hiện cú trở lại ngoạn mục, tạo nên cả một thương hiệu của riêng mình, thu hút thêm lượng fan đông đảo và phủ sóng khắp nhạc Việt.
Không ngoa khi nói rằng, Hà Anh Tuấn đã thực sự làm chủ cuộc chơi và nắm trong tay thị trường nhạc Việt suốt hơn một năm qua, với những live show cháy vé, MV triệu view và khiến khán giả thèm khát mỗi khi xuất hiện.
Ngược lại với Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP dường như im ắng và hầu như không có bất cứ hoạt động nổi trội nào. Trong khi đó, ở những năm trước, anh luôn gây bão khi ra sản phẩm.
Chạy ngay đi là sản phẩm được Sơn Tùng đầu tư khá tốn kém cả về tiền bạc lẫn tư duy, chất lượng âm nhạc. Có thể nói, so với những sản phẩm trước, Chạy ngay đi đánh dấu một sự phát triển mới về chất nhạc, cách viết giai điệu, hòa âm và tư duy âm nhạc của Sơn Tùng.
Tuy nhiên, Chạy ngay đi lại không hề tạo được ấn tượng mạnh với công chúng và không gây được sức hút lớn như những sản phẩm trước đó của Sơn Tùng.
Nó không đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng, không tạo thành xu hướng (hot trend) và ngay cả lượt view cũng thấp hơn.
Ngay tại giải Cống Hiến 2019, người ta chỉ thấy Sơn Tùng góp một chân nhỏ bé trong hạng mục MV của năm với Chạy ngay đi, nhưng cũng không được giải.
Như vậy, có thể thấy, cùng với việc Sơn Tùng "ngã ngựa" là sự lên ngôi "thống trị" của Hà Anh Tuấn với thị trường nhạc Việt trong năm qua. Đó là kết quả của một bộ não khôn ngoan, biết tính toán, "đi guốc trong bụng" khán giả và đủ tiềm lực biến âm nhạc thành cuộc chơi do mình bày ra.
Nhạc thanh xuân – một trào lưu tất yếu đã "đánh ngã" Sơn Tùng và tạo nên thế hệ âm nhạc mới
Cụm từ "nhạc thanh xuân" đã được nhắc đến trong vài năm trở lại đây và xuất hiện ở nhiều ca sĩ khác nhau, dưới nhiều dạng thức. Tuy nhiên, chưa một nghệ sĩ nào nhận định rõ ràng về nó như một xu hướng, dòng chảy hiện hữu trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Bất cứ một trào lưu âm nhạc nào cũng nảy sinh từ hoàn cảnh lịch sử - xã hội, cuộc sống và xuất phát từ chính nhu cầu thiết yếu của công chúng.
Chẳng hạn, ở nước Mỹ, nhạc Gospel xuất phát từ nhu cầu diễn xướng tôn giáo của người da màu, nhạc Jazz xuất phát từ nhu cầu trải nghiệm nỗi buồn của thế hệ thanh niên sau chiến tranh thế giới thứ I, nhạc Folk xuất phát từ nhu cầu hòa mình vào thiên nhiên của tầng lớp Hippes thập niên 60…
Hay, ở Việt Nam, nhạc cách mạng nảy sinh từ nhu cầu kháng chiến, đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, nhạc Bolero xuất phát từ nhu cầu trữ tình, biểu hiện cuộc sống, tâm tư cá nhân trong giai đoạn trước…
Nhạc Việt đương đại từ thưở định hình tới nay đã trải qua nhiều trào lưu. Ban đầu là trào lưu hát Rock, hát nhạc USUK lời Việt thập niên 80, với đại diện như Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Ánh, Ngọc Sơn…
Đến thập niên 90, nhạc nhẹ Việt Nam bắt đầu hình thành, trẻ hóa với các đại diện như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Phương Thanh… Sau đó là trào lưu nhạc Hoa lời Việt của Lam Trường, Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc…
Từ 2008 trở về là các trào lưu nhạc hiện đại, hội nhập như Rap, Hip Hop, R&B… Và gần đây nhất là EDM, House, Trip Hop…
Tất cả các dòng nhạc trên đều có đối tượng khán giả của riêng nó và được công chúng đón nhận đông đảo. Chúng thích hợp và đáp ứng được nhu cầu của người nghe trong từng giai đoạn chúng xuất hiện.
Chẳng hạn, ở thời đại mới mở cửa hội nhập cách đây chục năm, thế hệ trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với những loại nhạc hiện đại của thế giới và cũng có nhu cầu được "nổi loạn", thể hiện cá tính của mình sau một thời gian ấp ủ, kìm nén. Vì thế, nhạc Rap, Hip Hop, R&B… nổi lên như một xu thế tất yếu.
Hàng loạt ca sĩ thành công với xu hướng này như Kimese, Lil Knight, Suboi… Ngay cả ca sĩ Hồng Ngọc đang hát nhạc nhẹ cũng chuyển hẳn sang trào lưu Hip Hop.
Song song với nó còn là những loại nhạc trải nghiệm của Hà Trần, Tùng Dương, tìm tòi những thứ âm thanh mới lạ, phức tạp.
Sau khi thị trường nhạc Việt bị thống lĩnh bởi Kpop, khán giả có nhu cầu tìm kiếm một ca sĩ mang Việt nhưng mang phong cách Kpop đậm đặc và có "chất".
Nhờ đó, Sơn Tùng xuất hiện và gặt hái được nhiều thành công khi tạo ra trào lưu EDM, R&B pha trộn Kpop và USUK.
Cùng trào lưu với Sơn Tùng là hàng loạt tên tuổi khác như Đông Nhi, Tóc Tiên, Mint, Only C, Noo Phước Thịnh… Họ nắm bắt xu thế khá nhanh vào tạo nên thứ nhạc "quẩy" sôi động, hấp dẫn giới trẻ.
Nhưng, khán giả (trẻ) không thể "quẩy" mãi với EDM và nổi loạn mãi với Rap, Rock, Hip Hop… Đến một thời điểm nhất định, họ sẽ cảm thấy mỏi mệt. Cuộc sống số gấp gáp, bon chen, nhiều áp lực khiến tâm trạng con người trùng xuống, trầm cảm gia tăng.
Bởi vậy, công chúng cần một thứ âm nhạc nhẹ nhàng, dễ chịu, để đem lại thoải mái, an yên cho họ. Nhạc thanh xuân ra đời như một trào lưu tất yếu. Nó không tồn tại riêng lẻ mà gắn bó mật thiết với văn hóa, lối sống, nhu cầu thưởng thức của công chúng. Ví dụ, không gian và phong cách của nhạc thanh xuân luôn là Vintage...
Đó là lí do vì sao nhạc trải nghiệm của Hà Trần bị thất sủng, hay Sơn Tùng bị "ngã ngựa". Không ai có thể tưởng tượng được Sơn Tùng lại có lúc chìm lắng như suốt một năm qua.
Rõ ràng, những sản phẩm âm nhạc phức tạp như Chạy ngay đi ngày càng không được lòng công chúng. Thay vào đó, có những sản phẩm giai điệu đều đều, nhàn nhạt như Em đã thấy anh cùng người ấy (Hương Giang) lại vô tình được nghe nhiều.
Cuộc chơi nằm trong tay Hà Anh Tuấn và sự thật đằng sau sự "văn minh, tử tế"
Nhạc thanh xuân xuất hiện ở nhiều ca sĩ khác nhau, có thể kể đến những trường hợp tiêu biểu như:
Hương Tràm với Em gái mưa, Duyên mình lỡ; Đào Bá Lộc với Thanh Xuân, Mỹ Tâm với Đừng hỏi em; Hồ Ngọc Hà với Cả một trời thương nhớ; Ngọt với Em dạo này…
Ngoài ra, còn rất nhiều ca sĩ khác thường xuyên mượn danh nghĩa "thanh xuân" làm chủ đề, ý tưởng cho những đêm nhạc của mình.
Thanh xuân bỗng trở thành một hot trend trong âm nhạc, từ nhạc già tới nhạc trẻ, ai ai cũng dùng chữ "thanh xuân" để làm nhạc, nói về nhạc, thậm chí để dông dài về chính mình.
Nhưng, tất cả những nghệ sĩ trên mới chỉ chạm đến lớp vỏ của trào lưu này và làm nhạc một cách tự phát, manh nha, không có ý thức định hình xu hướng một cách rõ rệt.
Nhạc của họ vẫn là những bản Pop Ballad đơn thuần và sử dụng phần MV có bối cảnh, màu sắc, phong cách Vintage để tạo cảm giác gợi về thanh xuân, quá khứ, nhằm hấp dẫn khán giả.
Người nắm rõ nhất xu hướng, cuộc chơi này trong tay chính là Hà Anh Tuấn, và chỉ có mình anh mới đủ chiêu trò, khôn ngoan, tiềm lực để định hình trào lưu thanh xuân thành hẳn một dòng nhạc đương đại. Đây là kết quả của việc nắm bắt rõ hoàn cảnh xã hội và thị trường.
Nhạc thanh xuân của Hà Anh Tuấn không đơn giản chỉ là việc hát lại những bài hit một thời như người ta vẫn nghĩ. Đó là sự quy tụ và tạo một tầm ảnh hưởng lên cả một thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ và khán giả.
Hà Anh Tuấn hiểu rõ thị trường cần gì, khán giả muốn gì để quy tụ mọi thứ về mình. Nói cách khác, Hà Anh Tuấn không phải người tạo ra nhạc thanh xuân, nhưng là người giỏi nhất trong việc quy tụ những ca sĩ, nhạc sĩ tài năng của trào lưu nhạc này về với mình, để tạo nên một chỉnh thể nhất quán.
Ngay từ khi Ngọt, Trang, Vũ, Lê Cát Trọng Lý nổi lên, Hà Anh Tuấn đã nhận định được xu hướng nhạc của họ sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường âm nhạc nhờ tính tươi mới, trẻ trung, thuần khiết và thanh xuân của nó.
Nhạc thanh xuân phải được viết bởi người trẻ, dưới lăng kính nhìn cuộc sống của người trẻ và mang theo cảm thức, cách sống của tuổi trẻ.
Nhưng Hà Anh Tuấn phải đợi một thời gian. Tới khi những nghệ sĩ này bắt đầu ấp ủ được không khí âm nhạc mới, anh mới nhảy vào chiếm lĩnh nó.
Không phải tự nhiên Hà Anh Tuấn hợp tác với Phan Mạnh Quỳnh, Phạm Toàn Thắng và hát nhiều ca khúc của họ.
Đây là hai nhạc sĩ trẻ có cảm thức về nhạc thanh xuân rất tốt, từ việc chọn ca từ, nội dung ca khúc tới giai điệu, hòa thanh, phối khí. Nhạc của họ sử dụng phần nhiều là đàn dây, sáo, piano và bộ phối giao hưởng kiểu New Age.
Cách phối khí này chịu ảnh hưởng từ Secret Garden, mang hơi hướng những bản giao hưởng Anime Nhật Bản. Đây là chất liệu tuyệt vời của nhạc thanh xuân.
Nó vừa tạo được tính hoài niệm, Vintage, nhắc nhớ về tháng năm tuổi trẻ, lại vừa giúp khán giả có được cảm giác thanh mát, thuần khiết, an yên, dễ chịu.
Ca từ của những nhạc sĩ này cũng bay bổng, lãng mạn, giản dị, chứ không cầu kì, gai góc. Nội dung ca khúc của họ lại thường hướng về cảm thức tuổi trẻ, xúc cảm thế hệ như Nhắm mắt thấy mùa hè, Có chàng trai viết lên cây…
Chưa kể, Hà Anh Tuấn còn chọn kết hợp cùng những ca sĩ mang hình ảnh gắn liền với nhạc thanh xuân như Thùy Chi, Nguyên Hà.
Họ đều là những giọng nữ cao trữ tình sáng mảnh, nhẹ nhàng và êm ái, trong sáng và trẻ trung, chuyên hát những ca khúc nhắc nhớ về tuổi trẻ trong sự an yên, tươi sáng.
Trong những đêm nhạc và chuỗi chương trình của mình, Hà Anh Tuấn cũng quán xuyến chủ đề một cách nhất quán, từ không gian, địa điểm tới ý tưởng, trang phục.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Anh Tuấn lên tận Đà Lạt để thực hiện chuỗi chương trình See sing share và Gấu Concert. Đây là địa điểm hot trend để giới trẻ tìm đến lưu lại khoảnh khắc thanh xuân của mình trong thời gian gần đây.
Không những vậy, anh còn chọn tổ chức tại đúng khuôn viên trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - nơi nổi tiếng với sự cổ kính, Vintage và gắn với thanh xuân của nhiều thế hệ, chứ không phải một sân khấu hiện đại nào khác.
Và trong Gấu Concert, Hà Anh Tuấn đã hát rất nhiều ca khúc thanh xuân, cũng như mời đúng hai ca sĩ tiêu biểu của trào lưu nhạc này là Thùy Chi và Nguyên Hà. Rõ ràng, mọi bước đi, hành động của anh đều được tính toán một cách kĩ càng.
Lê Cát Trọng Lý cũng từng tổ chức concert tại Đà Lạt, với màu sắc thanh xuân, nhưng không tạo được tiếng vang lớn như Hà Anh Tuấn, bởi không có sự tính toán kĩ càng như đàn anh của mình.
Thành công của Hà Anh Tuấn là sự phối hợp chặt chẽ từ tổ chức, định hướng tới truyền thông. Nhờ đó, anh đã vay mượn được của mỗi nghệ sĩ một chút để tạo nên xu hướng nhạc của riêng mình.
Nói cách khác, nhạc thanh xuân và những bước đi để tạo nên nó chính là mật mã đằng sau cái được gọi là sự "văn minh, tử tế" của Hà Anh Tuấn.
Cái tài của Hà Anh Tuấn là không bao giờ phát ngôn về nhạc của mình, cũng không tự nhận xem nó có sang, có "tử tế, văn minh" hay không, nhưng luôn biết cách khiến fan của anh nghĩ rằng, đó là nhạc sang, là thứ nhạc văn minh và tử tế.
Đây là ưu thế của Hà Anh Tuấn khi chọn hát nhạc thanh xuân - thứ nhạc bắt tai, được lòng công chúng và luôn được gắn với sự "văn minh, tử tế".
Nhạc thanh xuân đâu chỉ có Hà Anh Tuấn mà còn nhiều nghệ sĩ khác, nhưng không ai thành công và gây dựng tầm ảnh hưởng lớn như Hà Anh Tuấn, tạo ra cộng đồng fan đông đảo của riêng mình.
Nhờ đó, trong năm qua, Hà Anh Tuấn gần như chiếm lĩnh thị trường nhạc Việt, với hai đêm nhạc cháy vé hàng nghìn khán giả, chuỗi chương trình thành công nhất, hàng loạt MV triệu view và giá cát xê cao ngất ngưởng. Hai giải Cống Hiến dành cho anh là hoàn toàn xứng đáng.
Long Phạm
18/4/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét