Như đã nói, nhạc hải ngoại là một kho tàng đồ sộ chứa đựng không chỉ âm nhạc mà còn cả văn học, lịch sử và văn hóa, bản sắc con người Việt Nam. Đó là một phần không thể tách rời, giúp làm nên diện mạo giàu đẹp của nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Trong tòa lâu đài âm nhạc ấy, nếu nhạc sĩ là người kiến tạo, đặt những viên gạch đầu tiên thì ca sĩ lại là người hoàn thiện, duy trì sức sống trường tồn của nó qua năm tháng.
Vì vậy, người ca sĩ có một vai trò vô cùng quan trọng trong nền âm nhạc hải ngoại, đặc biệt với những ca sĩ đã vươn đến tầm danh ca.
Tranh cãi về Diva và danh ca, hiểu thế nào cho đúng?
Đã từ lâu, trong giới mộ điệu âm nhạc tồn tại những tranh cãi, ý kiến trái chiều về việc phân biệt giữa Diva và danh ca. Hiện tượng này diễn ra từ khi danh xưng Diva được du nhập vào Việt Nam.
Trong định nghĩa, Diva được hiểu là danh xưng để chỉ những nữ ca sĩ có giọng hát, kỹ thuật xuất chúng, tài năng và tầm ảnh hưởng to lớn tới nền âm nhạc.
Từ khi được du nhập vào Việt Nam, Diva được dùng cho 4 nữ ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần. Sau này, với sự cởi mở trong tiếp nhận, những nữ ca sĩ như Thu Minh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên cũng được một số người gọi là Diva.
Từ đó, một bộ phận không nhỏ trong công chúng có ý gọi cả những danh ca gạo cội tại hải ngoại như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Ngọc Lan… là Diva. Điều này dẫn đến tranh cãi kéo dài. Một số người lại khẳng định, danh ca thì không thể bằng Diva.
Trên thực tế, một số danh ca hải ngoại như Thái Thanh, Thanh Tuyền, Hà Thanh… hoàn toàn tương xứng một Diva về giọng hát, kỹ thuật và cống hiến. Nói cách khác, nếu đã cho Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần là Diva thì việc gọi Thái Thanh hay Thanh Tuyền là Diva cũng không sai.
Tuy nhiên, việc gọi danh ca hải ngoại là Diva hoàn toàn không cần thiết và không đem lại giá trị về việc phong tặng, công nhận tài năng của họ.
Diva chỉ là một danh xưng du nhập từ Tây phương và xuất hiện trong hơn chục năm trở lại đây. Nó thậm chí còn khá xa lạ với nhiều tầng lớp khán giả thế hệ trước.
Cũng vì lẽ đó, Diva không phải một danh xưng có tính lịch sử, thuần Việt. Bản thân ca sĩ thế hệ trước và khán giả của họ cũng không mưu cầu gọi họ là Diva.
Bởi vậy, việc gọi những danh ca hải ngoại là Diva rất gượng ép, không tạo nên giá trị cho chính họ cũng như công chúng và không thích hợp với "văn hóa nhạc hải ngoại" hay "văn hóa nhạc xưa". Chỉ cần gọi bằng chữ danh ca cũng đủ nói nên vị trí của họ, không hề thua kém một Diva nào.
Điểm chung của một Diva và danh ca là đều có giọng hát, tài năng và cống hiến. Tuy nhiên, Diva thường đi theo lối phô diễn giọng hát, thể hiện kỹ thuật hát cao cấp, trong khi đó, danh ca lại là những người hát thiên về cảm xúc, tự sự, hát sao cho đẹp và hay, đúng với dòng nhạc họ theo đuổi nhất.
Sự phân chia này đúng với cả nền âm nhạc thế giới. Bên cạnh các Diva như Whitney Houston, Mairah Carey, Celine Dion, Aretha Franklin, vẫn có những danh ngang tầm (thậm chí vượt trội hơn) như Nina Simone, Madonna, Diana Ross, Billie Holiday.
Như vậy, có thể nhận định, danh ca hải ngoại là những tượng đài âm nhạc, có tài năng, cống hiến và tầm ảnh hưởng to lớn, góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo âm nhạc. Họ là những mắt xích không thể thiếu trong tiến trình âm nhạc Việt Nam.
Việc có hay không danh xưng Diva không ảnh hưởng tới vị trí tiên phong, dẫn dắt và tài năng của các danh ca hải ngoại.
Tóm lại, Diva và danh ca đều là những ca sĩ tài năng, có cống hiến, vị trí riêng, chỉ khác nhau về xu hướng, thời đại và và con đường âm nhạc.
Danh ca hải ngoại: Ngoài Bolero là những tầm vóc lớn vươn tầm thế giới
Những năm gần đây, sự mở cửa, hội nhập thị trường và thái độ cởi mở hơn trong tiếp nhận văn hóa, nghệ thuật đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam biểu diễn.
Sự trở về của nghệ sĩ hải ngoại vô tình rơi vào đúng giai đoạn Bolero nở rộ và phát triển cực thịnh, phủ sóng khắp mọi ngõ ngách.
Trớ trêu thay, những danh ca Bolero hàng đầu, được công chúng ngưỡng mộ lại nằm trong số nghệ sĩ hải ngoại trở về, như Thanh Tuyền, Chế Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Như Quỳnh, Phi Nhung… Tên tuổi của họ bao trùm nên nền Bolero từ hàng chục năm trước tới tận bây giờ.
Chính điều này đã dẫn tới cái nhìn phiến diện rằng, nhạc hải ngoại chỉ toàn Bolero và danh ca hải ngoại cũng chỉ biết hát mỗi Bolero.
Nhưng trên thực thế, danh ca hải ngoại hát rất nhiều thể loại nhạc, dòng nhạc khác nhau, với những lối hát, phong cách đa dạng, phong phú.
Chẳng hạn, ngoài những danh ca Bolero như Thanh Tuyền, Chế Linh, Thanh Thúy, Minh Hiếu… còn có rất nhiều danh ca của các dòng nhạc khác như Thái Thanh với tân nhạc, ngũ cung; Khánh Ly với Tango, Blues; Tuấn Ngọc, Khánh Hà với Blued Eyes Soul, Pop, Jazz; Carol Kim với R&B, Soul; Ngọc Lan với Canto Pop, Traditional Pop, Folk, Hương Lan với dân ca, tân cổ, vọng cổ…
Mỗi danh ca lại có một sự nghiệp đa dạng, bao gồm nhiều nội dung thể hiện khác nhau, từ tình yêu đôi lứa tới tình cảm gia đình, tình yêu đất nước, con người Việt Nam tới nỗi lòng người xa xứ, chiến tranh, hòa bình...
Họ hát được cả những khúc ca mang tính sử thi hùng tráng, hừng hực khí thế, chứ không chỉ là giai điệu sầu muộn, buồn phiền.
Đặc trưng của các danh ca hải ngoại là hát trữ tình, nhẹ nhàng và sâu lắng, tạo nên những khúc êm ái, đậm màu tâm sự. Nhưng bên cạnh đó, họ vẫn hát được rất đa dạng, tùy theo từng dòng nhạc họ theo đuổi.
Chẳng hạn, Carol Kim theo đuổi Soul/R&B thuần nên thường xuyên growling, run/riff và hát raspy. Tuấn Ngọc khi cần thiết vẫn belt F4, G4 vang lộng, hào sảng. Khánh Hà cũng có thể growling và belt tới D5, Eb5 rapsy khá soulful.
Bích Chiêu sử dụng vocal runs, melisma, husky, đổ note vô cùng tinh tế, cảm xúc và tràn đầy năng lượng, như một ca sĩ da màu.
Ngọc Hạ tuy hát Bolero, trữ tình nhưng vẫn belt tới Eb5 sáng rực, kéo dài những cú Bb4 đầy nội lực trong một lối hát dân gian đương đại hấp dẫn.
Bằng cách gắn tiếng hát, sự nghiệp của mình với lịch sử, văn hóa Việt Nam để tạo nên dấu ấn riêng, nhiều danh ca hải ngoại đã vươn ra thế giới, được khán giả thế giới yêu mến. Đây là điều mà hầu hết ca sĩ trong nước đến tận ngày nay vẫn chưa làm được.
Điển hình nhất là trường hợp của danh ca Khánh Ly. Dù chỉ hát bằng chất giọng mộc của mình, không phô diễn kỹ thuật, nhưng Khánh Ly đặc biệt được người Nhật yêu mến.
Từ đầu những năm 70, Khánh Ly đã được mời sang Nhật diễn nhiều lần. Sau 1975, người Nhật sang tận Mỹ tìm bằng được Khánh Ly và săn đón cô để mời làm show, thu âm. Cô kể:
"Năm 1979, người Nhật bỗng nhiên đi tìm tôi để mời tôi biểu diễn. Tôi chẳng hiểu họ tìm kiểu gì mà cũng tìm ra tôi rồi mời tôi sang Nhật để hát trong một buổi đại hội dân ca Á châu, gồm Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan…
Tôi là người Việt Nam duy nhất có mặt tại đại nhạc hội đó và cũng là ca sĩ nữ duy nhất. Tôi được đứng hát với những danh ca hàng đầu của Hàn Quốc, Thái Lan…
Sau đó, tôi thu cho người Nhật một đĩa nhạc Trịnh Công Sơn bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. Tiếp đó, tôi thu tiếp đĩa Diễm xưa và đĩa Ca dao mẹ, cũng cho người Nhật luôn. Hai đĩa này rất thành công.
Lúc thu các đĩa này, hãng đĩa và đài truyền hình Nhật còn cho người bay sang Mỹ để thu cho tôi. Chúng tôi thu ở phòng thu nổi tiếng nhất của Mỹ lúc bấy giờ, nhưng người Nhật không để người Mỹ bấm máy mà chính tay họ phải bấm. Họ còn ngồi nghe xem tôi hát có đúng không để sửa giọng cho tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là xe Limousine. Người Nhật cho xe Limousine tới đón tôi rồi đưa lên phòng thu, oai lắm".
Được biết, đĩa nhạc Trịnh được Khánh Ly thu âm đã bán tới 2 triệu bản tại Nhật. Đây là con số kỷ lục với một ca sĩ Việt Nam.
Danh ca Thanh Lan lại được chọn hát tại đêm chung kết một cuộc thi ca nhạc tầm cỡ thế giới tại Nhật, với hơn 100 quốc gia tham dự. Sau buổi trình diễn đó, Thanh Lan còn được một hãng thu âm Nhật mời thu âm hai bài tiếng Nhật liền.
Danh ca Thái Thanh thì được nhiều học giả nước ngoài phân tích, ngợi ca. Trong đó, nổi bật nhất là Georges Etienne Gauthier, một học giả người Canada, đã dành cho Thái Thanh một lòng ngưỡng mộ lớn lao.
Danh ca Bạch Yến thành công vượt trội khi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965.
Sau đó, cô còn được mời hát nhạc phim Hollywood The Green Berets (Mũ nồi xanh). Đây là vinh dự vô cùng lớn mà chưa nghệ sĩ Việt nào có được.
Bạch Yến cũng là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trình diễn cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon…
Năm 1983, Bạch Yến cùng chồng mình là nhà nghiên cứu Trần Quang Hải được nhận giải "Grand Prix Du Disque De L’ Académie Charles Cros" (giải thưởng tối cao của Hàn Lâm Viện đĩa hát Charles Cros).
Danh ca Ngọc Lan lại được nhiều hãng truyền hình nước ngoài phỏng vấn là thực hiện chương trình riêng.
Như vậy, có thể thấy, nhiều danh ca hải ngoại đã đạt đến tầm vóc rất lớn và vươn ra thế giới. Đây là điều mà rất ít ca sĩ trong nước đạt được. Họ thực sự là những tượng đài khiến thế hệ sau phải ngước nhìn.
Bên cạnh đó, nhiều danh ca hải ngoại đã trở thành chứng nhân lịch sử, khi sự nghiệp và giọng hát của họ chứa đựng cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc, như Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Thúy, Chế Linh…
Có thể nói, chỉ một mình Thái Thanh cũng đủ ôm trọn bầu trời âm nhạc nước nhà trong thời kỳ đầy biến động, thăng trầm nhất của lịch sử. Nói cách khác, tiếng hát Thái Thanh chính là pho sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam và thấu trọn tâm hồn dân tộc.
Chính vì vậy, bà được công chúng trong nước mệnh danh là "Tiếng hát khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". Nói như Phạm Duy là:
"Giọng hát Thái thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước".
Ngoài Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Thúy, Chế Linh cũng là những tiếng hát ghi lại lịch sử, với biên độ hát rộng lớn, ghi lại toàn bộ những biến động xã hội của một thời kỳ.
Những tiếng hát với tầm vóc như vậy chỉ sinh ra khi được lịch sử quy định và không xuất hiện lần thứ hai.
Danh ca hải ngoại: Những giọng hát xuất chúng và đa dạng
Nhiều người cho rằng, nhạc hải ngoại vốn chỉ toàn Bolero, trữ tình, lại ít ca sĩ nên có sự đa dạng về giọng hát. Quan điểm này là sai lầm.
So với trong nước, số lượng ca sĩ hải ngoại không nhiều bằng, nhưng hầu hết đều là những ca sĩ chất lượng và sở hữu giọng hát, lối hát ấn tượng.
Đa số danh ca hải ngoại đều sở hữu âm sắc giọng đặc biệt, không ai lẫn với ai. Chỉ cần họ cất giọng, người nghe đều biết đâu là Thái Thanh, đâu là Khánh Ly, đâu là Khánh Hà, đâu là Ngọc Lan, đâu là Duy Khánh, đâu là Chế Linh...
Trong số đó, nhiều danh ca có giọng hát được xếp vào hàng hiếm, mà ngay cả trong nước cũng khó tìm thấy.
Chẳng hạn, danh ca Thanh Thúy được xem là giọng nữ trầm (contralto) duy nhất tại Việt Nam. Giọng hát Thanh Thúy dày, sâu, tối, với tính hermaphrodite đậm đặc. Sức nặng giúp giọng Thanh Thúy có độ đầm, chắc như sắt thép và vững như núi tảng.
Cô có thể hát được cả bài trên quãng 3 và nhả chữ liên tục ở C3, C#3, D3 một cách thoải mái, với âm lượng khá lớn, âm thanh trầm ấm, rền rĩ như tiếng đại hồng chung ở các chùa chiền.
Danh ca Thanh Thúy và danh ca Minh Hiếu được xem là hai giọng nữ hiếm hoi tại Việt Nam xuống được A2 (ngang quãng giọng nam) một cách thoải mái.
Ngoài Thanh Thúy và Minh Hiếu, nhạc hải ngoại còn có rất nhiều giọng nữ atlo (trung trầm) xuống trầm rất tốt, mang âm sắc độc đáo như Mỹ Hạnh, Thu Phương, Hồng Ngọc, Ngọc Anh…
Mỹ Hạnh từng được biết đến khi xuống B2 rõ lời, kiểm soát tốt, còn Hồng Ngọc gây ấn tượng lớn bởi chất giọng thổ nặng và chắc nhưng lại khàn nhẹ.
Nhạc hải ngoại cũng có nhiều giọng nam rất đẹp. Đó là những nam trung ấm áp, sâu lắng như Tuấn Ngọc, Trần Thái Hòa, Đan Nguyên, hay nam cao mềm mại, sáng rực như Bằng Kiều, Thiên Tôn.
Điểm đặc biệt ở các danh ca hải ngoại là không lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc một cách thiếu tinh tế để đánh mất đi âm sắc giọng của mình. Đa số họ đều hát bạch thanh để phát huy giọng hát tự nhiên, thuần khiết của mình, tạo nên những bản sắc riêng có.
Nhưng kỹ thuật của các danh ca hải ngoại cũng thực sự đáng gờm. Nhiều người trong số họ đã trở thành tượng đài về kỹ thuật, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ đàn em như Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hương Lan…
Chẳng hạn, Thái Thanh là người tiên phong và thành công xuất sắc trong việc kết hợp giữa lối hát bel canto (tạm gọi là lối hát mở hay lối hát của opera phương Tây) với lối hát truyền thống của dân nhạc (tạm gọi là lối hát đóng).
Đi cùng với lối hát đó là sự ưa chuộng thể hiện ca khúc ở các quãng âm cao, với những kĩ thuật tinh tế của bel canto như trillo (rung láy), mezza voce (hát nửa giọng), kết hợp với các cách hát, nhả chữ, luyến láy đậm màu sắc dân ca phương Đông như bỏ nhỏ, hát bạch thanh, đổ hột...
Thái Thanh là giọng nữ đầu tiên tại Việt Nam dùng mixed voice (giọng pha) trong lối hát twang để belt tới tận G5.
Tuấn Ngọc lại hát với vị trí âm thanh rất đẹp và sở hữu cột hơi vững chãi, cũng như cách support giọng hát chuẩn mực.
Với giọng hát và kỹ thuật hiếm thấy như vậy, các danh ca hải ngoại đều trở thành tượng đài, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ ca sĩ sau này. Có thể nói, họ chính là người tiên phong của nền âm nhạc Việt Nam.
Long Phạm
14/5/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét