Sau nhiều ngày chờ đợi, đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 9 đã diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, với 391 nghệ sĩ được gọi tên.
Như vậy, tính đến nay, số lượng nghệ sĩ nhân dân đã rất đông đảo, với hàng loạt gương mặt mới. Tuy nhiên, nhắc đến danh hiệu cao quý này, công chúng thường nhớ ngay tới một số ít những nghệ sĩ gạo cội, có đóng góp và tầm ảnh hưởng to lớn đến nền nghệ thuật nước nhà.
Một trong những cây đại thụ đó chính là NSND Thanh Huyền, người được ví như "tiếng họa mi đầu đàn của nền dân ca Việt Nam".
Nữ ca sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSND và hát trước Bác Hồ - giọng hát báu vật của đất nước
NSND Thanh Huyền không chỉ là một ca sĩ, mà còn vươn tới tầm vóc của lịch sử, khi hiện diện và đóng góp vào nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Cô là nữ ca sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân vào năm 1984 (trong đợt phong tặng thứ nhất).
Thời điểm đó, chỉ có 4 nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc được phong tặng danh hiệu là Đặng Thái Sơn (nghệ sĩ piano), Quốc Hương (nam ca sĩ nhạc cách mạng), Châu Loan (nghệ sĩ ngâm thơ).
Khi ấy, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân còn mới mẻ, nên chỉ những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, tài năng và cống hiến to lớn mới được phong tặng.
Từ nằm 14 tuổi (mùa thu năm 1957), NSND Thanh Huyền đã được chọn hát trước Bác Hồ. Giọng hát thánh thót và năng khiếu ca hát bẩm sinh của Thanh Huyền đã khiến Bác yêu thích và tấm tắc khen ngợi.
Sau này, NSND Thanh Huyền còn được hát nhiều lần trước Bác, trong những sự kiện quan trọng. Có lẽ vì vậy mà cô mới hát được ca khúc Lời ca dâng Bác đầy cảm xúc đến thế, khiến không ai hát qua được.
Trong những năm cuối đời, Bác đã trao tặng cho NSND Thanh Huyền chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Kỷ vật quý giá này không phải ca sĩ nào cũng có được.
Không những vậy, NSND Thanh Huyền còn vinh dự được cử đi hát ở nước ngoài nhiều lần, như một nghi thức ngoại giao và quảng bá văn hóa dân tộc.
Cô thậm chí đã từng được hát tại Hội nghị Paris lịch sử và đi tới nhiều nước như Pháp, Algeria, Italia, Nga, Cuba, Trung Quốc… để trình diễn. Và đi đến đâu, NSND Thanh Huyền cũng khiến mọi người phải trầm trồ trước giọng hát lanh lảnh, độc đáo của mình.
Tốp ca nữ của NSND Thanh Huyền ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương được nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh đặt tên là: "Tên lửa tầm xa", do luôn được đi lưu diễn ở nước ngoài để phục vụ công tác ngoại giao của đất nước. Tiếng hát của cô đã sớm được bước ra quốc tế.
Điều đó cho thấy, tiếng hát Thanh Huyền vốn đã trở thành báu vật của đất nước để "khoe" với bạn bè quốc tế, và bản thân cô cũng là một chứng nhân lịch sử, khi hiện diện ở nhiều sự kiện quan trọng. Muốn biết dân ca Việt Nam thế nào, tiếng hát người Việt ra sao, cứ nhìn vào Thanh Huyền là thấy.
NSND Thanh Huyền (bên trái)
Nghệ sĩ cao cả, sẵn sàng vào chốn sinh tử át tiếng bom đạn
Không chỉ hát ở những sự kiện trọng đại, NSND Thanh Huyền còn là tấm gương nghệ sĩ cao cả, khi sẵn sàng lao vào chốn sinh tử, đồng cam cộng khổ cùng bộ đội ngoài chiến trường để phục vụ văn nghệ. Cô là hiện thân rõ nhất cho câu nói: Tiếng hát át tiếng bom.
NSND Thanh Huyền từng tâm sự: "Một lần vừa đi lưu diễn tại Nga, Cuba, Trung Quốc trở về, đoàn văn công của tôi nhận lệnh vào Nghệ An.
Chúng tôi phải di chuyển bằng xe đạp suốt dọc từ Hà Nội vào Nghệ An cả ngày lẫn đêm trong khoảng thời gian Mỹ bắn phá miền Trung ác liệt.
Đến tối, đoàn của tôi dừng lại ở các trận địa biểu diễn cho bộ đội nghe, hôm sau lại tiếp tục lên đường.
Cuộc sống của tôi thời ấy đâu chỉ gian khổ mà còn đối mặt với cả nguy hiểm chẳng khác gì chiến sĩ ngoài mặt trận".
Chính vì thế nên NSND Thanh Huyền đi tới đâu cũng được chào đón. Có lần cô đi qua một chiến trường mà chiến sĩ ở cả quả đồi đều vẫy tay chào cô.
Hay, cô từng được bộ đội chào đón bằng món mỳ không thịt không rau, ăn giữa chiến trận.
NSND Thanh Huyền cũng là một trong những ca sĩ có nhiều bản thu được phát nhiều nhất trên Đài tiếng nói Việt Nam. Vào những năm 70, 80, tiếng hát của cô lúc nào cũng vang vọng khắp cả nước và đi sâu và kí ức của nhiều thế hệ công chúng.
Đến bây giờ, nhiều người kể lại rằng, khi ấy họ không biết Thanh Huyền là ai, nhưng cứ hễ nghe giọng cô hay những ca khúc cô hát là nhận ra. Đặc biệt, các chiến sĩ bộ đội rất thích nghe Thanh Huyền hát để lấy thêm động lực chiến đấu. Từng có người nói:
"Đi giữa trời nắng nóng chói chang, chợt nghe tiếng hát của Thanh Huyền thì như được uống một cốc nước chanh mát lạnh làm dịu cơn khát đang cháy khô cả cổ".
Thông tin chung về giọng hát Thanh Huyền
Loại giọng/vocal type: light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh)
Quãng giọng/vocal range: 2 quãng tám 1 bán âm (từ G3 tới G#5)
Quãng hát được hỗ trợ/supported range: từ E4 tới G#5 (mixed voice: Eb5, head voice G#5)
Legato: 8 giây (chuyển cao độ liên tục trong một legato)
Sở trường: Mixed voice quãng cao kèm luyến láy, đổ hột
Đẳng cấp kĩ thuật đậm hồn dân tộc, ít ai sánh kịp
NSND Thanh Huyền thuộc lứa nghệ sĩ chính thống, không hát phô diễn hay hoa mỹ, nên ít ai tìm hiểu kĩ thuật của cô. Nhưng quả thực, ở cô là một đẳng cấp kĩ thuật hiếm thấy trong nền nhạc Việt, với nhiều đóng góp to lớn.
NSND Thanh Huyền không thuộc loại giọng hiếm. Chất giọng light lirico soprano thuần kim của cô phổ biến ở hầu khắp giọng nữ tại Việt Nam. Nhưng cô lại sở hữu âm sắc giọng đẹp và vang bẩm sinh, nên nghe rất lộng lẫy, hấp dẫn.
Chất giọng này giúp NSND Thanh Huyền đạt tới đủ 4 yếu tố của dân ca Việt Nam và thanh nhạc phương Tây là vang, rền, nền, nảy. Cô hát to thì vang lộng khắp bốn phương, hát nhỏ lại mềm mại, êm ái và ngọt như tiếng ru hời.
Ông nội NSND Thanh Huyền là một nhà nho, thường xuyên mời các đoàn hát văn đến hát vào mùng 1 và các ngày giỗ.
Bởi vậy, từ khi còn bé, Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng bởi những điệu hát văn dân tộc và sớm bộc lộ năng khiếu thiên phú, hát văn như người lớn. Hồn của những điệu hát văn đã theo suốt cuộc đời cô, ảnh hưởng trực tiếp tới lối hát của cô.
Ở độ tuổi thiếu niên, NSND Thanh Huyền đã nắm vững được các kĩ thuật hát của những làn điệu dân ca cổ truyền.
Trong đó, có nhiều kĩ thuật khó như đổ hột, luyến láy, ngâm. Toàn bộ các kĩ thuật này đều là cô tự học và tự cảm nhận bằng khả năng cảm nhạc của mình. Cô biết hát văn, quan họ, ca Huế…
Sau vài năm học tại Nhạc viện, NSND Thanh Huyền nhanh chóng tiếp thu được các kĩ thuật thanh nhạc cổ điển Tây phương như cộng minh, legato, sử dụng vị trí âm thanh, head voice…
Bằng cảm nhận tinh tế và tư duy âm nhạc vượt trội của mình, NSND Thanh Huyền đã là một trong những người đầu tiên kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối hát cổ truyền dân tộc (hát khép tiếng) với lối hát Tây phương (hát mở tiếng).
Từ đó, cô áp dụng vào ca hát để tạo nên một luồng gió mới cho dân ca Việt Nam. Nói cách khác, kể từ khi NSND Thanh Huyền xuất hiện, dân ca Việt Nam đã được khoác một lớp áo mới, vẫn đậm hồn dân tộc nhưng lại đầy tính học thuật, cao cấp và sang trọng, tiệm cận thế giới hơn cả.
Lối hát này ảnh hưởng tới hầu khắp các thế hệ ca sĩ hát dân ca sau này và tác động mạnh tới dòng nhạc quan họ Việt Nam.
Cữ âm của NSND Thanh Huyền rất cao. Cô có thể hát treo liên tục cả bài ở mixed voice C5, D5, E5 một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Xuống tới E4 đã là khá thấp với cô.
Tuy nhiên, nhờ kĩ thuật điêu luyện, NSND Thanh Huyền vẫn support được xuống tới G3 (lúc về già) và A3 (lúc trẻ).
Không giống nhiều ca sĩ trẻ ngày nay, NSND Thanh Huyền chỉ hát trong quãng đẹp và được kiểm soát tốt nhất, nên dù quãng giọng của cô không rộng nhưng quãng support lại khá rộng.
Ít có ca sĩ nào hiện nay có thể support mixed voice đẹp lộng lẫy tới tận E5 và xuống tới G3 như Thanh Huyền. Đến kĩ thuật đầy mình như diva Hà Trần mixed tới E5 cũng còn chật vật, mất support liên tục.
NSND Thanh Huyền có cách mixed voice cực kì thư giãn, support, thoải mái nhờ cộng hưởng theo lối head dominant (lối mixed của nhiều diva da màu như Aretha Franklin).
Kĩ thuật này tạo âm thanh vang, sáng, tỏa lồng lộng như tiếng chuông khánh nhưng không tạo cảm giác phóng mạnh ra mà nén được lại, âm lượng không đổi, không bị đẩy lên to quá, thể hiện sự kiểm soát âm lượng rất tốt.
Nhờ đó, NSND Thanh Huyền có thể giữ lên tận D5, Eb5, E5 kéo dài vang rền, với tần số rung đẹp, âm lượng vừa phải, nên dù rất cao nhưng nghe vẫn dễ chịu. Cô hát được âm đóng /i/ ở C5. Riêng ở Eb5, cô thắt chặt lại, đẩy lên đỉnh đầu, mà vẫn rền.
Không chỉ full mixed, light mixed của NSND Thanh Huyền cũng rất tốt, giúp cô phát huy được sự ngọt ngào, nữ tính trong giọng hát, để hát thật nhẹ nhàng, bay bổng như khói sương.
Quãng trung không phải thế mạnh của NSND Thanh Huyền vì chất giọng của cô vốn sáng, mảnh. Tuy nhiên, cô vẫn luôn hát support ở các nốt. Chẳng hạn, ở Bb4, cô hát mixed sáng, đẹp trên âm đóng, nảy và rung bần bật.
A4 được Thanh Huyền hát mixed cân bằng, nên nhẹ nhàng, còn G4 dùng nhiều tỷ lệ chest voice hơn, nhưng vẫn giữ được sự mảnh nhẹ.
Sự điêu luyện trong kĩ thuật của NSND Thanh Huyền còn thể hiện ở chỗ, cô biết cách đẩy giọng xuống trầm rồi lên cao mà không bị dính một chút nào vào sức nặng của giọng ngực. Kĩ thuật này vốn khá khó trong thanh nhạc Tây phương và từng được diva Opera Marilyn Horne chỉ ra.
Nhờ tiếp thu kĩ thuật thanh nhạc phương Tây, NSND Thanh Huyền dùng head voice khá tốt. Trong một đoạn nhả chữ, cô có thể đẩy head voice vút lên F5, F#5, G5 nhanh nhẹn, linh hoạt.
Ở G5, head voice của cô thay đổi nhiều sắc thái, lúc căng tràn đầy đặn, lúc lại nhỏ li ti.
Điều tạo nên nét độc đáo trong giọng hát Thanh Huyền là dù tiếp thu được kĩ thuật cộng minh, sử dụng vị trí âm thanh của phương Tây, nhưng cô vẫn hát rất đậm hồn dân tộc.
NSND Thanh Huyền thường hát khép tiếng và dùng bạch thanh, hiếm khi cộng minh dựng tiếng. Đây là sự tinh tế trong tư duy xử lí của cô. Nhờ đó, cô có thể hát vang, rền mà vẫn giữ được chất giản dị, mộc mạc của dân ca cổ truyền.
Đây là điều mà ít ca sĩ dân ca nào ngày này giữ được. Nhiều ca sĩ dân ca danh tiếng hiện nay lạm dụng kĩ thuật tây Phương nên hát dân ca rất nhạt, trôi tuột, mất cảm xúc.
Đặc trưng kĩ thuật nổi bật của NSND Thanh Huyền là độ "nảy" trong giọng hát. Cô có cách ngân rung rất nảy, trên tần số nhanh. Kĩ thuật này khá khó, đòi hỏi một cột hơi vững, support âm thanh tuyệt đối và cân bằng thanh quản.
NSND Thanh Huyền thường hát nảy trên C5, C#5, D5 mixed voice nhẹ nhàng rồi luyến ngọt ngào head voice trên Eb5, Eb5(cũng rất nảy). Kể cả lúc hạ xuống E4, cô vẫn rung nảy.
Là một ca sĩ dân ca có tâm, NSND Thanh Huyền luôn ý thức về chuyện luyến láy khi hát. Có lần ngồi dạy con gái hát, cô nhấn mạnh: "Luôn nhớ là phải luyến, láy".
Các luyến láy của NSND Thanh Huyền được thực hiện trên nhiều cao độ từ cao xuống thấp, trong làn hơi dài, tinh tế và lúc nào cũng ngọt lịm đến tê người, nghe như tiếng ru từ ngàn xưa, đượm hồn dân tộc.
Chẳng hạn, Thanh Huyền có thể phiêu head voice trên G#5 đầy đặn rồi luyến đổ hột riff xuống E5, Eb5 trong một làn hơi dài, kèm theo piano nhỏ dần một cách mịn màng, lơ thơ.
Đổ hột là loại kĩ thuật khó của dân ca Việt Nam, thường thấy trong hát văn, được các giảng viên phương Tây ví như "trillo Việt Nam".
Như đã nói, NSND Thanh Huyền được nghe hát văn từ bé và những điệu hát văn đã đi theo suốt cuộc đời cô, ảnh hưởng đến lối hát của cô. Nhờ đó, cô đã sử dụng đổ hột rất tốt và đưa đổ hột vào những ca khúc mình hát, kết hợp nhuần nhuyễn với thanh nhạc Tây phương.
Trong một lần dạy con gái hát, NSND Thanh Huyền đã gây bất ngờ khi kết hợp hàng loạt đổ hột của hát văn với mezza di voce (loại kĩ thuật hát to – nhỏ - to của Opera phương Tây).
Tuy nhiên, ở đa số các ca khúc Thanh Huyền thể hiện, cô chỉ dùng đổ hột một cách thoáng qua, sao cho vừa phải, cảm xúc, không bị lố.
Bằng sự tinh tế trong cảm nhận, xử lí của mình, NSND Thanh Huyền đã thổi hồn dân ca vào nhạc cách mạng, tạo nên những ca khúc cách mạng gần gũi, đậm tính dân tộc. Đây chính là đóng góp lớn của cô với nền nhạc cách mạng Việt Nam.
Nghe NSND Thanh Huyền hát nhạc cách mạng, công chúng luôn cảm thấy thân thương, xúc động như được nghe tiếng ru, hơi thở từ thưở ấu thơ. Từ đó mà thêm yêu quê hương, đất nước hơn.
NSND Thanh Huyền thường nhắc nhở thế hệ đàn em rằng: "Âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại, nhưng với mỗi quốc gia rất cần có bản sắc riêng. Đánh mất bản sắc riêng sẽ không có chỗ đứng trong cộng đồng nhân loại.
Để có được bản sắc riêng ấy, người nghệ sĩ đôi khi phải rèn luyện hết cuộc đời mình".
Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Thanh Huyền đã đóng góp rất nhiều cho việc tạo nên bản sắc riêng của âm nhạc dân tộc. Cô là một trong những nghệ sĩ nhân xứng đáng nhất.
Long Phạm
3/9/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét