Bài hát kỷ lục về thương mại
Nền tân nhạc Việt Nam có rất nhiều ca khúc hay và có giá trị lớn về nghệ thuật, cảm xúc. Tuy nhiên, trong số đó có một số ít ca khúc vừa chứa đựng giá trị nghệ thuật, lại vừa đạt tính thương mại cao.
Tức là, giá trị của ca khúc đó còn đong đếm được cả về tiền bạc, vật chất. Thành phố buồn là ca khúc hiếm hoi đạt tới đẳng cấp như vậy.
Vào năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương cùng ban văn nghệ lên Đà Lạt biểu diễn. Trong lúc đang ở nơi nghỉ ngơi, nhạc sĩ nhìn xuống dưới đồi núi sương khói che phủ bao quanh rừng thông thấy quá thi vị và tức cảnh sinh tình viết nên ca khúc đậm chất lãng mạn này bằng điệu Slow Rock quen thuộc.
Sau khi về Sài Gòn, Lam Phương đem xuất bản tờ nhạc và lập tức bán rất chạy, thu lời tiền bản quyền gần 12 triệu đồng (tương đương với 500 ngàn đô tính theo thời giá hiện tại).
Nhờ đó, Thành phố buồn gây nên một cơn sốt chấn động, ai cũng nghe. Ca khúc này đã đạt tới kỷ lục xuất bản nhạc lúc đó, điều mà không nhạc sĩ nào làm được. Cho đến hiện nay, vẫn chưa ca khúc nào chạm tới kỷ lục này.
Sau thành công đó, Lam Phương có viết tiếp bài Tình bơ vơ, cũng rất nổi tiếng và ăn khách nhưng bán không chạy bằng. Vì thế, có thể xem Thành phố buồn là ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp vị nhạc sĩ tài hoa này.
Trong tờ nhạc xuất bản năm 1970, Lam Phương viết có câu: "Trốn phong ba, em làm dâu nhà người".
Tuy nhiên, hầu hết các ca sĩ đều hát nhầm thành "chốn phong ba". Nhạc sĩ Lam Phương cũng đã lên tiếng khẳng định là "Trốn phong ba" mới là chính xác, chứ không phải "Chốn phong ba".
Thành Phố Buồn - Chế Linh ( thâu thanh trước 1975 )
Lam Phương khóc trong phòng thu
Với giai điệu mùi mẫn, dễ hát, dễ nghe, Thành phố buồn được rất nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện, từ hàng danh ca trước 1975 như Chế Linh, Thanh Tuyền tới ca sĩ sau này như Trường Vũ, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Anh Tuấn, Mai Quốc Huy…
Ca khúc cũng được ưa chuộng tại khắp các quán karaoke, tiệc nhậu, hay các buổi hội họp, tụ tập bạn bè.
Nhưng người thể hiện Thành phố buồn thành công nhất, đóng đinh tên tuổi vẫn là danh Chế Linh. Anh cũng là ca sĩ đầu tiên hát ca khúc này.
Có một sự thật ít ai biết, rằng chính nhạc sĩ Lam Phương đã cùng vợ là nghệ sĩ kịch Túy Hồng tìm tới tận nhà Chế Linh để nhờ anh hát Thành phố buồn vì thời điểm đó, tên tuổi Chế Linh đang rất nổi. Có thể thấy, thành công của Thành phố buồn được cộng hưởng từ chính tên tuổi Chế Linh.
Thời điểm đó, đa số nhạc sĩ đều nghèo do không được hưởng lợi từ ca khúc mình sáng tác. Hễ sáng tác bài nào, các nhạc sĩ lại đem bán hết cho các trung tâm băng đĩa lớn với số tiền ít ỏi.
Chế Linh thấy vậy nên đã kêu gọi các nhạc sĩ tự in ấn bài hát, tự thu băng đĩa để được nhiều tiền hơn. Anh đứng ra giúp đỡ các nhạc sĩ thu âm.
Chính vì thế, vào một hôm, nhạc sĩ Lam Phương và vợ Túy Hồng lên nhà Chế Linh, đem theo bài Thành phố buồn và bảo:
"Anh chị tự in bài này như em kêu gọi, anh giao hết ý tứ trong bài hát này cho em".
Chế Linh nhận ca khúc này và đem tới hãng đĩa để thu âm. Nhạc sĩ Lam Phương cũng tới phòng thu để kiểm soát xem Chế Linh hát ra sao, cần hát như thế nào. Nhưng cuối cùng, ông đến cũng không kiểm soát được Chế Linh vì cứ cầm bài hát lên là khóc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng tới, thấy thế mới bảo: "Sao bảo tới đây để kiểm soát quá trình thu âm mà cứ khóc thế này".
Chế Linh bày tỏ: "Tôi nhìn cảnh đó mà rất thương anh Lam Phương. Anh ấy hiền và sống trọn cảm xúc trong ca khúc anh ấy tâm huyết viết ra. Vì thế nên tôi cố gắng phải thu thật hay bài Thành phố buồn này.
Sau khi tôi thu xong và phát hành ra thì anh Lam Phương trúng ngay ca khúc đó. Khán giả đổ xô đi mua đĩa, anh Lam Phương phải tái bản liên tục, nhà sản xuất bán không kịp. Bài Thành phố buồn trở thành hiện tượng thời bấy giờ.
Bài hát này quá ăn khách vào năm 1972, tất cả các đài truyền hình, đài phát thanh đều phát và tôi là người hát nhiều nhất, nổi danh với dòng nhạc tình cảm, trữ tình.
Tôi vui lắm vì đã giúp anh Lam Phương làm được điều đó. Đây cũng là cái giúp tôi nhận được lòng thương mến từ các anh em nhạc sĩ".
Long Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét