Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Ca khúc Mẹ yêu con: Đẳng cấp tiếng hát NSND Lê Dung và chuyện ít biết về NSND Thanh Huyền

 

Ca khúc kinh điển của nền nhạc cách mạng

So với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, nền âm nhạc cổ điển - thính phòng của Việt Nam còn khá non trẻ và chưa có bề dày. Tuy nhiên, chúng ta cũng có được một số tác phẩm nhạc thính phòng chất lượng. Một trong số đó là ca khúc kinh điển Mẹ yêu con.

Mẹ yêu con là một sáng tác của nhạc sĩ tài danh Nguyễn Văn Tý, tác giả của nhiều ca khúc nhạc cách mạng nổi tiếng như: Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ kẻ gỗ, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa...

Ca khúc Mẹ yêu con: Đẳng cấp tiếng hát NSND Lê Dung và chuyện ít biết về NSND Thanh Huyền - Ảnh 1.

Có thể xem vị nhạc sĩ tài hoa này là một trong những trụ cột tiêu biểu của nền nhạc cách mạng Việt Nam.

Khác với nhiều nhạc sĩ cách mạng khác, Nguyễn Văn Tý chịu ảnh hưởng nhiều từ người bố ruột, là một nghệ nhân chuyên về hát bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào.

Bởi vậy, nhạc cách mạng của Nguyễn Văn Tý luôn mộc mạc, mềm mại, ngọt ngào với những luyến láy sử dụng chất liệu dân ca nhiều vùng miền. Và Mẹ yêu con cũng không ngoại lệ.

Mẹ yêu con được Nguyễn Văn Tý viết tặng người vợ thứ hai của mình trong niềm hạnh phúc đón cô con gái nhỏ chào đời. Bà là em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Theo lời tác giả, người thứ hai của ông đẹp tuyệt vời và có đức hạnh tốt.

Cụ thể, vào năm 1956, sau khi sinh con gái, vợ chồng Nguyễn Văn Tý phải trở về quê mẹ sống một thời gian trong cảnh khó khăn, túng thiếu. Tuy hoàn cảnh gian khổ nhưng Nguyễn Văn Tý vẫn giữ cho mình một tâm hồn đầy thi ca, yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình và con người nơi mình sống.

Ca khúc Mẹ yêu con: Đẳng cấp tiếng hát NSND Lê Dung và chuyện ít biết về NSND Thanh Huyền - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Chính vì vậy, ông đã sáng tác nên Mẹ yêu con trong cùng năm đó, lấy cảm xúc từ chính người vợ mình khi được làm mẹ, sinh con ra, chứng kiến con khóc, con cười, con nói, con lớn khôn, trưởng thành.

Tuy nhiên, Mẹ yêu con không chỉ là một ca sĩ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, gia đình mà còn lồng ghép vào đó cả tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, dựng nước, giữ nước, bảo vệ Tổ quốc.

Vì thế, ngoài tính trữ tình, ngọt ngào, ca khúc còn mang cả âm hưởng sử thi, hùng tráng, được bộc lộ một cách đầy tinh tế, khéo léo. Có thể nói, đây là một ca khúc đỉnh cao lồng ghép hoàn hảo được tính cá nhân lẫn tính cộng đồng.

Nhờ đó, dù là nhạc cách mạng, nêu cao tinh thần dựng nước, giữ nước, nhưng Mẹ yêu con vẫn gần gũi như một bài dân ca nhẹ nhàng. Từ đó, nó trở thành bài hát ru phổ biến và đại chúng, được vô vàn người mẹ thuộc và hát để ru con từ thưở nằm nôi.

Ca khúc Mẹ yêu con: Đẳng cấp tiếng hát NSND Lê Dung và chuyện ít biết về NSND Thanh Huyền - Ảnh 4.

Cứ như vậy, Mẹ yêu con đi qua thời ấu thơ của nhiều thế hệ người Việt, để rồi ai cũng thuộc một hoặc vài đoạn nhỏ trong ca khúc, nhớ được giai điệu của nó. Với người Việt Nam, từ già tới trẻ, ai cũng thuộc không ít thì nhiều về ca khúc này. Đây cũng là bài hát kinh điển về tình mẫu tử.

Câu chuyện thú vị về NSND Thanh Huyền

Vì được viết dưới âm hưởng dân ca nên Mẹ yêu con lần đầu tiên được thu âm bởi NSND Thanh Huyền – một nghệ sĩ hát dân ca, nhạc cách mạng nổi tiếng, người từng đứng hát trước Bác Hồ.

Với chất giọng nữ cao sáng lanh lảnh, vang như tiếng chuông khánh, kết hợp giữa lối hát cổ điển Tây phương và dân ca quan họ Bắc Bộ, với đầy đủ vang rền nền nảy, đổ hột, NSND Thanh Huyền đã thổi vào Mẹ yêu con chất dân ca đầy ngọt ngào, khoan thai. Bà hát một cách thoải mái, tự nhiên nhưng dạt dào cảm xúc.

Đây cũng là bản thu mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thích nhất. 

00:05:12

Đẳng cấp tiếng hát NSND Lê Dung

Tuy bản thu của NSND Thanh Huyền được chính tác giả thích nhất, nhưng đỉnh cao và kinh điển nhất vẫn là bản thu về sau của NSND Lê Dung.

Khác với đàn chị Thanh Huyền, NSND Lê Dung là một ca sĩ Opera được đào tạo bài bản tại Nga nên sở hữu rất nhiều kỹ thuật hát cổ điển, thính phòng phức tạp. Cô cũng được xem là cánh chim đầu đàn của nền nhạc thính phòng Việt Nam.

Ca khúc Mẹ yêu con: Đẳng cấp tiếng hát NSND Lê Dung và chuyện ít biết về NSND Thanh Huyền - Ảnh 6.

NSND Lê Dung

Vì thế, NSND Lê Dung đã hát Mẹ yêu con với đàn piano Tây phương chứ không sử dụng bộ nhạc cụ dân tộc như bản thu của Thanh Huyền. Từ đó, cô biến Mẹ yêu con thành một ca khúc thính phòng chuẩn mực.

Về kỹ thuật, có lẽ không ai qua mặt được Lê Dung khi hát Mẹ yêu con. Cô áp dụng hoàn thiện nghệ thuật hát đẹp Bel Canto của Opera Ý vào tiếng Việt một cách xuất sắc, với những đoạn bỏ nhỏ piano rồi tăng âm lượng chuyển đổi liên tục trong một làn hơi. 

Lê Dung sử dụng toàn bộ head voice khi hát ca khúc, với những đoạn crescendo cao trào cộng hưởng vang lồng lộng, legato đẹp mịn màng như dòng suối, mezza di voce mượt mà như dải lụa đào, điều khiển hơi thở bậc thầy.

Điều đặc biệt nhất mà Lê Dung làm được là dù hát theo lối cổ điển, thính phòng, nhưng cô vẫn thổi vào những nhả chữ luyến mang màu sắc dân ca truyền thống, tạo cho bài hát sự ngọt ngào, mềm mại, dễ chịu và lay động từng tế vi cảm xúc.

00:01:31

Mẹ Yêu Con - NSND Lê Dung (Live)

Cách Lê Dung nhả chữ vô cùng nắn nót, nâng niu, chứa đựng biết bao tâm sự, nỗi niềm. Có thể nói, biệt tài nhả chữ, phát âm, nhấn nhá, xử lý giai điệu trên head voice của Lê Dung mới là cái khiến cô trở nên độc nhất vô nhị, không ai bắt chước được, chứ không chỉ đơn giản là kỹ thuật hát.

Phần thể hiện của Lê Dung là sự hòa quyện tuyệt vời giữa kỹ thuật và cảm xúc. Các ca sĩ sau này hầu như chỉ đạt được một trong hai yếu tố, có cảm xúc thì thiếu hụt kỹ thuật hoặc phô diễn kỹ thuật thì đánh rơi cảm xúc. 

Nhờ đó, bản thu của Lê Dung đã trở thành kinh điển của nền nhạc thính phòng, chuẩn chỉ để mọi thế hệ ca sĩ Nhạc viện học theo.

Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, được đào tạo bài bản hát Mẹ yêu con như Anh Thơ, Lan Anh, Hồ Quỳnh Hương, Thanh Lam… nhưng có lẽ chưa một ai chạm tới giọng hát của Lê Dung.

Long Phạm

03/05/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét