Sau biết bao biến cố, đau khổ và nước mắt, cuối cùng Ngọc Lan cũng được hưởng một đặc ân khi nhắm mắt xuôi tay. 44 năm sống trên trần thế là 44 tuổi ngọc mãi không thể quên.
Người con gái ấy mang tên loài hoa
Ánh mắt suối trong mi cong ngọc ngà
Loài hoa yêu ấy bây giờ đã xa bây giờ đã xa
Người con gái ấy trăng in bờ môi
Suối tóc thướt tha nghiêng che nụ cười
Sau khi Ngọc Lan qua đời, nhạc sĩ tài danh Anh Bằng vì quá thương tiếc mà xúc cảm viết nên ca khúc Vĩnh biệt một loài hoa, dành tặng riêng cho bóng hồng tài hoa nhưng bạc mệnh của nền âm nhạc.
Từng câu, từng chữ trong lời bài hát đều thấm đẫm bóng hình, vẻ đẹp và phận đời của Ngọc Lan – người con gái mang tên một loài hoa.
Ngọc Lan đến với âm nhạc như một hiện thân của cái đẹp toàn mỹ, nhưng số phận của cái đẹp ấy lại là những trang tiểu thuyết lãng mạn đầy bi kịch, không vẹn toàn.
Tâm lí học nữ giới đã chỉ ra rằng, bất cứ một người nghệ sĩ nữ nào cũng mang theo phẩm chất giới tính của mình vào hoạt động nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng biết thể hiện nó một cách tốt nhất.
Ngọc Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào nghệ thuật, thể hiện một cách xuyên suốt, nhất quán để tạo nên cả một hình tượng về cái đẹp, nói như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là: "Ngọc Lan đã tạo nên cả một trường phái mang tên mình".
Trường phái Ngọc Lan – trường phái của cái đẹp, của nữ tính, của tình tứ, mong manh và thuần khiết. Ở trường phái đó, người nghệ sĩ như bước ra từ một bức tranh sơn dầu, được tắm ướt dưới dòng suối nguồn, nhẹ nhàng rót từng lời ca ngọt như mật vào lòng khán giả.
Chất nữ tính ở Ngọc Lan không phải sự gượng ép hay cố tỏ ra như vậy. Nó được hình thành từ chính tính cách, tâm hồn, lẽ sống và nhân sinh quan, thế giới quan của nàng.
Trên hết, đó là sự hợp nhất, nhất quán từ phong cách biểu diễn tới giọng hát, ngoại hình. Nói cách khác, bản thân Ngọc Lan là một chỉnh thể hoàn thiện nhất cho trường phái âm nhạc nàng đeo đuổi.
Ngọc Lan vốn là người nhút nhát và rụt rè. Dù đi hát từ nhỏ ở ca đoàn, nhưng trong những lần đầu tiên bước lên sân khấu chuyên nghiệp, nàng vẫn run rẩy, ngại ngùng. Nghệ sĩ Chí Tài từng được đứng sau đánh đàn cho Ngọc Lan tại một buổi diễn năm 1984. Anh kể lại:
"Tôi chỉ nhớ, khi ấy Ngọc Lan mặc áo dài lên sân khấu, tôi ngồi sau chơi đàn thì thấy ống quần cô ấy rung lên một cách thướt tha như là có gió thổi vào, chứng tỏ tiết mục biểu diễn phải rất được ưu ái.
Sau khi hát xong, tôi có hỏi cô ấy chuyện này thì cô ấy bảo: "Không phải đâu, do em run quá nên mới thế, chứ không phải do em được ưu ái thổi gió lên đâu". Hóa ra lúc đó cô ấy run thật".
Và Con Tim Đã Vui Trở Lại - Ngọc Lan
Ngọc Lan trên sân khấu không bao giờ vồ vập, hừng hực như nhiều nữ nghệ sĩ khác. Lúc nào nàng cũng khép nép, kín đáo, di chuyển chậm rãi nhưng đầy mê hoặc, toát lên một nét quyến rũ riêng. Nàng như người giai nhân đang vẽ nên những bức tranh đầy mềm mại, tình tứ qua từng màn trình diễn của mình.
Giọng hát của Ngọc Lan cũng thật đồng nhất với tính cách dịu dàng, e ấp của nàng. Đó là giọng light lirico soprano tươi sáng, trong vắt như pha lê.
Loại giọng này không hiếm, nhưng lại rất phù hợp với tai nghe của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, vì nó đánh vào khoảng âm dễ nghe nhất của con người, đặc biệt là với bản chất tính cách cũng như thị hiếu thưởng thức thẩm mỹ của người Á Đông vốn ưa những thứ nhẹ nhàng, sâu lắng.
Đây có lẽ là tiền đề lớn nhất giúp Ngọc Lan tấn công vào sân khấu nhạc nhẹ, khơi dậy một màu sắc tân thời và khoác lên chiếc áo mới cho nền âm nhạc nước nhà. Nói về light lirico soprano, Việt Nam ta rất nhiều, nhưng chỉ có Ngọc Lan mới đủ sức khơi nguồn một nền nhạc nhẹ mới, có thể đối chiếu nàng với các giọng nữ trữ tình khác để thấy được sự khác biệt đó.
Giọng soprano thông thường thường hơi chói, gắt do sức nặng của tính kim, nhưng giọng Ngọc Lan lại pha mộc nên có độ xốp, mềm mại, uyển chuyển và ấm áp, nghe vô cùng dễ chịu, thư thái. Ngọc Lan thực sự là một giọng hát đẹp và nữ tính điển hình.
Âm sắc giọng Ngọc Lan gần như có một không hai và chưa từng xuất hiện lại trong dòng chảy âm nhạc. Ngọc Lan không trưng trổ kỹ thuật, không cố tạo ra một lối hát màu mè, khó nhằn nhưng gần như không ai bắt chước được giọng hát của nàng vì nó quá đặc biệt, quá tự nhiên.
Ngọc Lan cứ rong chơi như một thiếu nữ trong khu vườn âm nhạc bằng sự nhẹ nhàng, bản nguyên của nàng, để biết bao ca sĩ phải chạy theo không kịp.
Chất nữ tính được Ngọc Lan dùng để phát triển lối hát mới - lối "hát điệu", rất phù hợp với những giọng lirico soprano nhẹ nhàng. Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy.
Nhờ lối hát này mà Ngọc Lan đã đốn gục biết bao trái tim si tình, biến nó trở thành vũ khí tối mật cho các giọng nữ, mà sau này đã được Như Quỳnh, Minh Tuyết, Y Phương kế thừa thành công.
Ca sĩ nữ ai cũng có thể hát điệu, nhưng không phải ai cũng điệu một cách hấp dẫn và văn minh như Ngọc Lan. Điệu mà làm quá mức, hoặc không biết kiếm soát giọng hát của mình, không biết cân bằng liều lượng của cái điệu ấy, không biết để nó vào chỗ nào thì dễ dàng bị lố, phản cảm, nói một cách dân giã là "điệu chảy nước".
Nhưng Ngọc Lan thì không thế, cái điệu của nàng được kiểm soát kĩ trong giọng hát và dồn nhiều kĩ thuật, giúp cho giọng hát của nàng tự nhiên hơn, ngọt ngào hơn, cảm xúc hơn, như đang tự sự một câu chuyện tình.
Thậm chí, lối hát điệu này còn giúp Ngọc Lan bật được chất sáng trong âm sắc giọng của nàng lên.
Có thể so sánh ca khúc Lại gần hôn em qua sự thể hiện của Ngọc Lan và một số nữ ca sĩ khác để thấy được sự khác nhau giữa cái điệu gượng ép và cái điệu tự nhiên, có sự kiểm soát.
Ngọc Lan rụt rè và hiền lành, nhưng trước sau vẫn là một người ca sĩ khôn ngoan, đáng để học hỏi.
Hạnh Phúc Nơi Nào - Ngọc Lan.
Ngọc Lan biết phát huy tối đa chất trữ tình đặc trưng trong cữ âm của mình. Nhưng khác với mọi light lirico soprano khác trước đây, nàng không cố gắng luyến láy, đưa đẩy giọng để ra được cái trữ tình ấy, mà giữ nó xuất hiện một cách tự nhiên nhất.
Nhiều người nói Ngọc Lan ít dùng kỹ thuật, họ hoài nghi về khả năng thanh nhạc của nàng, nhưng ít ai biết rằng nàng đã chọn cho mình lối hát hướng nội, ém kỹ thuật vào trong, dùng kỹ thuật để làm cho giọng hát tự nhiên nhất có thể, chứ không phải khoe toàn bộ kĩ thuật như các ca sĩ ngày nay vẫn làm.
Bởi vậy khi nghe Ngọc Lan, người ta không bao giờ cảm thấy một kỹ thuật nào hết, không gào thét, không long notes, không high note, không luyến láy, không phô trương. Nhưng kỳ thực, những kỹ thuật đó lại được dùng một cách đầy uyển chuyển, hòa quyện đúng với phong cách biểu diễn, dòng nhạc nàng chọn.
Những note head voice được Ngọc Lan sử dụng trên quãng trung rất tinh tế, ém sâu vào giọng hát để tạo ra sự mượt mà, êm đềm.
Việc sử dụng mix voice với lượng head voice gia tăng hơn chest voice trên những quãng trung trữ tình khiến cho bản nhạc trở nên mềm mại và du dương hơn một cách tự nhiên. Cách hát này đã ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ như Thu Minh, Như Quỳnh, Minh Tuyết..., tạo nên một trường phái riêng mang tên Ngọc Lan.
Dù là một giọng soprano nhưng kĩ thuật tốt giúp Ngọc Lan có thể xuống được quãng trầm một cách thoải mái. Nàng có thể hát liên tục quãng trầm trong một đoạn dài với sự hỗ trợ tốt, đặc biệt là các note F3, B3.
Nhờ đó, giọng hát Ngọc Lan dù thanh mảnh nhưng vẫn có sức nặng và sâu chứ không hời hợt. Ở hạ âm, Ngọc Lan có thể hát note trầm trên các từ có thanh 2 (thanh sắc) vốn là thanh điệu mang âm điệu cao, bổng trong tiếng Việt. Đây là một điều hiếm thấy với một soprano.
Không những thế, khả năng chuyển giọng của Ngọc Lan cũng đáng kinh ngạc. Nàng có thể hát đều đặn ở quãng trầm trong suốt một đoạn dài để rồi đột ngột nhảy lên quãng cao với đúng âm sắc soprano như đang hát ở hai giọng khác nhau.
Kỹ thuật mixed voice (hát giọng pha) của Ngọc Lan cũng rất tốt. Nàng thường dùng nó để lên C5 kèm theo ngân rung nhưng với âm lượng rất nhỏ và giấu kín vào câu hát nên để không ai có thể nhận ra. Những ngân rung của Ngọc Lan không khoa trương, hoa mỹ nhưng thực sự đẹp.
Bản chất giọng hát Ngọc Lan không khỏe, không phải kiểu giọng thích hợp để khuấy động, phô diễn nội lực. Điều này xuất phát từ chính thể trạng của nàng. Chính Ngọc Lan cũng từng thừa nhận:"Lan hát ba ngày liên tiếp mà mệt quá. Thanh quản của Lan không quen với việc hát nhiều".
Nhưng Ngọc Lan đã biết biến yếu điểm thành thế mạnh của mình, phát huy chất trữ tình riêng có. Thay vì phô diễn cao trào, Ngọc Lan khép giọng hát lại bằng những bỏ nhỏ, ngân rung đầy tinh tế, xúc cảm, đúng như nghệ sĩ Chí Tài nhận định:
"Tôi biết chắc, chẳng riêng gì khán giả thời ấy mà ngay cả khán giả trẻ bây giờ cũng nhiều người mê Ngọc Lan. Giọng hát Ngọc Lan rất đặc biệt. Đó không phải chất giọng nội lực, hát mạnh mẽ. Đó là kiểu giọng thì thầm.
Tôi là nhạc sĩ, lại có phòng thu riêng nên các divo, diva ngày xưa đều ít nhất một lần ghé qua phòng thu của tôi. Tôi ngồi ngoài làm luôn kĩ sư âm thanh cho họ nên nghe được rất nhiều giọng hát để tích lũy kiến thức.
Trong đó, tôi ấn tượng vô cùng với giọng Ngọc Lan vì nó cứ nhỏ nhẹ, bỏ ngỏ, lấy hơi rất rõ. Nhiều người phê bình giọng Ngọc Lan không có hơi, tôi xin nói thẳng luôn, đó không phải sự tuyệt đối.
Ca sĩ có người bẩm sinh trời cho cái thanh quản tốt, giọng mạnh, cổ họng rộng thì âm thanh phát ra mạnh, nhưng chưa chắc như thế đã hay. Cái hay nằm ở sự truyền cảm của người ca sĩ chứ không phải sự show off kĩ thuật, nội lực".
Thay vì hát trên sân khấu, Ngọc Lan tập trung cho mảng thu âm. Giọng hát nhẹ nhàng của nàng thích hợp hơn với phòng thu và thu tới 800 ca khúc, một con số khổng lồ. Người Việt thường quan niệm ca sĩ phải hát live thật khỏe trên sân khấu, nhưng cũng có những ca sĩ chỉ thực sự phát huy năng lực khi đứng trong phòng thu. Ngược lại, nhiều ca sĩ khi hát live trên sân khấu rất truyền cảm nhưng lại không tạo được dấu ấn khi thu âm.
Ở mảng nhạc Pháp, Ngọc Lan có kỹ thuật xướng nguyên âm (vocalize) rất điêu luyện và quyến rũ, thuộc bậc nhất ở Việt Nam. Có thể nghe một số ca khúc nàng hát bằng tiếng Pháp để thấy được điều đó như Encore, Lui, Comme toi, Femme amoureuse... để thấy được điều này.
Không chỉ hát hay, văn minh và tử tế, Ngọc Lan còn rất đẹp. Ánh mắt Ngọc Lan buồn nhưng sâu thẳm, long lanh như mặt hồ thu, làn da trắng mịn màng, nụ cười tỏa nắng làm xao xuyến bất cứ ai va phải. Mái tóc xoăn dài bồng bềnh, thướt tha càng khiến vẻ đẹp nữ tính, mềm mại tăng lên bội phần.
Ngọc Lan cũng rất ý thức về vẻ đẹp gắn liền với hình ảnh mình nên suốt sự nghiệp tôn thờ một mái tóc xoăn, tạo nên ấn tượng lâu bền trong lòng khán giả.
Nhan sắc cũng là thứ vũ khí đặc biệt của nàng, giúp đốn tim những khán giả khó tính nhất và góp phần tạo nên cả một huyền thoại âm nhạc.
Rất nhiều giọng hát hay, nhưng lại không nổi trội về nhan sắc. Đúng lúc sân khấu đang cần một thế hệ ca sĩ mới có đầy đủ tài và sắc để có thể lăng xê một cách đại chúng thì Ngọc Lan xuất hiện như một lựa chọn hoàn hảo.
Nhờ đó, Ngọc Lan trở thành một trong những nữ ca sĩ có lượng fan đông đảo nhất, khắp từ trong ra ngoài nước. Nàng đi tới đâu là khán giả chạy theo, diễn ở bất cứ đất nước nào cũng đều cháy vé.
Thậm chí, có nhiều buổi diễn của Ngọc Lan tại châu Âu, nhiều khán giả không mua được vé phải đứng ngoài sân khấu nhìn vọng vào. Vì thế nên bầu show phải tổ chức thêm nhiều đêm phát sinh.
Không giống như những ca sĩ khác, Ngọc Lan ngay từ sớm đã được tiếp xúc với âm nhạc quốc tế qua những bản tình ca tiếng Anh, tiếng Pháp đầy trữ tình, giúp hình thành trong nàng một tư duy, cảm thức âm nhạc rất mới.
Ngọc Lan xinh đẹp và nổi tiếng, nhưng số phận nàng chỉ gắn liền với một chữ buồn. Cái buồn toát ra từ chính đôi mắt và nụ cười của nàng. Từ khi còn thiếu nữ, Ngọc Lan đã được biết bao chàng trai si tình vây quanh, tỏ tình. Một mối tình thơ mộng đã nở hoa khi nàng mới 17 tuổi.
Ngọc Lan yêu chân thành và say đắm, nhưng mọi ước mơ tan vỡ khi người nàng yêu bất ngờ bỏ đi. Mối tình đầu đầy ngây thơ, trong sáng nhanh chóng bị chôn vùi theo kỷ niệm.
Có lẽ, nỗi thất vọng, ám ảnh về sự trắc trở trong tình yêu đã khiến giọng hát trong sáng của Ngọc Lan trở nên thật buồn, ẩn chứa nỗi niềm mất mát và cả sự đắng cay. Ngọc Lan dần khép kín, trầm lặng và hát buồn đến sâu thẳm.
Sau này, khi đã nổi tiếng và đứng trên đỉnh cao danh vọng, Ngọc Lan vẫn nhiều lần phải bật khóc vì đường tình cay đắng. MC Kỳ Duyên kể lại:
"Đường tình duyên của chị Ngọc Lan không được may mắn dù chị ấy là con người sống rất tình cảm. Tôi nhớ, có lần tôi đi cùng chị Ngọc Lan trên một chuyến bay sau một chuyến đi biểu diễn.
Buổi biểu diễn đó rất thành công. Bao nhiêu ngàn khán giả ái mộ đều đến xem và vỗ tay nhiệt liệt.
Lúc ấy, hai chị em tôi còn ngồi hẳn khoang hạng nhất, nhưng suốt chuyến bay chị ấy chỉ có ngồi khóc, khóc tới mức người tiếp viên phải mang khăn ra và nói: "Một người đẹp như cô không nên khóc nhiều như vậy".
Sau đó, chị Ngọc Lan có kể cho tôi nghe về những cuộc tình của chị ấy. Tất nhiên tôi sẽ không nói ra, nhưng đúng là chị Ngọc Lan kém may mắn.
Ngay từ mối tình đầu tiên trong cuộc đời chị ấy đã kém may mắn và nhiều nước mắt. Có lẽ vì vậy mà cứ mỗi lần mọi người nhìn chị Ngọc Lan đều thấy chị ấy buồn.
Ngay cả khi chị ấy cười thì trong nụ cười ấy vẫn có cái gì đó rất buồn, u uẩn. Nhưng nhờ nếp buồn man mác đó mà khán giả khắp nơi, dù đàn ông hay đàn bà đều yêu thương chị Ngọc Lan. Ngay đến bản thân tôi cũng yêu thương chị ấy".
Những cay đắng trong tình yêu khiến Ngọc Lan càng trở nên bi quan, sầu đời. Ca sĩ Thúy Vi nói: "Thời điểm đó, Ngọc Lan rất nổi tiếng, được nhiều người yêu mến, nhưng lại rất bi quan. Cô ấy lo lắng nghề nghiệp này cứ phải đi xa như vậy thì không biết có tìm được một người thông cảm, hiểu cho mình hay không".
Cái buồn vô tình làm nên chất riêng cho âm nhạc trường phái Ngọc Lan. Ngọc Lan hát rất buồn, nét buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát của nàng, nên dù có hát những giai điệu uptempo vui tươi, nhanh mạnh thế nào thì vẫn cứ man mác buồn, hệt như nụ cười nàng mang theo.
Nét buồn ăn sâu vào huyết quản biến Ngọc Lan thành nữ hoàng của những bản nhạc buồn. Thật khó mà tìm được ca sĩ nào có thể hát buồn được hơn nàng.
Những ca khúc như Mưa trên biển vắng, Mùa hè năm ấy, Tuyết rơi... nếu rời khỏi tay Ngọc Lan sẽ nhạt nhòa tức thì, chỉ duy nhất Ngọc Lan mới đủ sức diễn tả được cơn sầu mê ảo, ám ảnh đến như thế.
Giọng hát của Ngọc Lan giống như thứ ma lực lôi người nghe khỏi thực tại để mê man trong một cõi buồn say nào đó. Nhiều ca sĩ cố gắng hát buồn như Ngọc Lan mà không hiểu rằng điều đó thuộc về thiên bẩm của nàng.
Nhưng đắng cay thay, cái buồn là cả một nghiệp dĩ Ngọc Lan phải gánh nặng trong suốt cuộc đời mình. Ngọc Lan buồn từ sân khấu ra ngoài đời sống, dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể rũ bỏ được nó.
Nước mắt rơi quá nhiều, lại đau đớn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo xơ cứng bì vô phương cứu chữa khiến đôi mắt Ngọc Lan lòa đi, mờ dần và không còn nhìn thấy gì.
Những năm tháng cuối đời Ngọc Lan là một chuỗi dài cay đắng, đi diễn phải có người dìu ra sân khấu. Nghệ sĩ Chí Tài xót xa kể lại:
"Có một thời gian Ngọc Lan bệnh nặng tới mức lên sân khấu không còn thấy đường để đi ra, phải có người dìu ra.
Tôi thấy buồn cho Ngọc Lan lắm. Nghệ sĩ lúc nổi tiếng thì bao người ngưỡng mộ, say mê, thần tượng, nhưng đến khi bị một vấn đề gì đó thì bao chuyện xảy ra.
Thời điểm đó, nhiều khán giả phát ngôn rất bừa bãi, đứng dưới uống rượu xong nói những câu rất khó chịu, trêu chọc. Tôi đứng đàn cho Ngọc Lan mà xót lắm.
Tôi cứ dìu Ngọc Lan như thế ở rất nhiều show. Đến giờ nhắc lại tôi vẫn rưng rưng nước mắt. Cảm giác lúc đó lạ lắm. Ngọc Lan lúc đó hát vẫn rất hay, chỉ có đôi mắt mờ mờ không thấy gì".
Ngọc Lan vốn tính khép kín, nhu mì nhưng cũng mạnh mẽ, kiên cường đến tận phút cuối. Dù không nhìn thấy gì nàng vẫn cố tự trang điểm, không nhờ đến người khác. Trizzie Phương Trinh kể lại:
"Tôi vừa vào hậu trường thì thấy chị Ngọc Lan đã ngồi đó rồi. Tôi hết hồn thốt lên: "Chị ơi, sao chị lại trang điểm lấm lem tùm lum vậy?".
Mặt chị ấy lấm lem, như một người hề. Môi son chị ấy đánh loang ra ngoài, mắt kẻ loang lổ, lem tùm lum.
Khi thấy chị Ngọc Lan như vậy, tôi thương lắm. Tôi không hề biết chuyện chị ấy bị bệnh, không nhìn thấy gì nữa. Chị Ngọc Lan chỉ cười đượm buồn rồi nói: "Vì Ngọc Lan không thấy đường nên không make up được".
Tôi liền ngồi lại chùi mặt cho chị ấy rồi đánh son, kẻ mắt, make up lại để chị ấy lên sân khấu.
Đêm đó chị Ngọc Lan lên hát, mọi người phải rớt nước mắt vì thương chị ấy. Người ta phải đưa chị ấy lên sân khấu, đứng một chỗ hát. Hát xong lại có người dìu chị ấy xuống".
Bệnh tật khiến Ngọc Lan phải ra đi khi chưa được làm mẹ, sau biết bao ngày tháng chống chọi cơn đau đơn, khó khăn. Dù vậy, đến tận khi đã mất, Ngọc Lan vẫn đẹp một cách lạ lùng. Danh ca Thanh Lan tâm sự:
"Tôi ngồi trong nhà quàn, nhìn chiếc quan tài của Ngọc Lan mà xót xa. Bao nhiêu người đi qua để ngắm Ngọc Lan lần cuối. Tôi cũng đi qua quan tài và thấy Ngọc Lan nằm đó, đẹp như một nàng công chúa".
Có thể nói, cái đẹp là đặc ân duy nhất và cuối cùng ông trời ban tặng Ngọc Lan, người con gái mang tên một loài hoa.
Sau biết bao biến cố, đau khổ và nước mắt, cuối cùng Ngọc Lan cũng được hưởng một niềm vui nhỏ nhoi, là được chết thật đẹp trong lòng đồng nghiệp và người hâm mộ, được ru từng mái tóc, hàng mi, từng ngón tay gầy guộc. 44 năm sống trên trần thế là 44 tuổi ngọc mãi không thể quên.
Ca khúc cuối cùng Ngọc Lan hát trên sân khấu là Chết trên sàn diễn, một ca khúc nhạc Pháp lời Việt. Ca khúc này như một định mệnh gắn liền với nghiệp dĩ của Ngọc Lan – sinh ra và chết đi để trở thành một huyền thoại.
Cho đến giờ, đã hơn 21 năm trôi qua, nhưng hàng năm, vẫn có những đồng nghiệp ghé thăm mộ Ngọc Lan và dịp sinh nhật và ngày mất của nàng. Ngọc Lan cũng là ca sĩ Việt hiếm hoi dù đã qua đời hàng chục năm nhưng vẫn được duy trì Fanclub riêng, và cứ mỗi năm lại có thêm nhiều fan hâm mộ trẻ tuổi. Hình ảnh và tiếng hát của nàng vẫn hiện hữu trong lòng khán giả muôn nơi.
Đó là món quà Ngọc Lan xứng đáng được nhận cho sự tử tế, hiền lành, văn minh và những đóng góp của nàng với nền âm nhạc nước nhà.
Người con gái ấy ca như loài chim
Tiếng hát trái tim lênh đênh ngọt mềm
Giọng ca yêu dâu bây giờ ở đâu bây giờ ở đâu?
Long Phạm
18/03/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét